221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
1154625
Tết Online cùng cộng đồng người Việt khắp năm châu
1
Article
null
Tết Online cùng cộng đồng người Việt khắp năm châu
,

 - Trong thời khắc giao thừa, dù ở cách xa quê hương tới nửa vòng trái đất, dù phải dùng củi khô và hoa giấy thay đào mai ngày xuân, những người Việt xa xứ vẫn hướng về ngày Tết với một cảm xúc xốn xang kỳ lạ.

 
Video clip: Cộng đồng người Việt đón Tết tại Hà Lan
 
 
Video clip: Gói bánh chưng tại Gothenburg
 

Pháp: 30 năm xa quê vẫn giữ nguyên Tết Việt

 

Xa quê 30 năm, gia đình anh Minh-chị Lương vẫn háo hức mỗi độ xuân về đón Tết Việt.

 

Gia đình anh Minh, chị Lương dù đã sang Pháp tới 30 năm và các con đều được sinh tại Pháp nhưng hàng năm, anh chị đều đón Tết cổ truyền theo đúng phong tục Việt Nam.

 

Nhà cửa rực sắc xuân bằng một cành mai, bánh chưng và rượu nếp luôn sẵn sàng cho bữa cơm tất niên. Con cháu trong nhà thuộc thế hệ Việt kiều thứ hai cũng vẫn được nhận phong bao lì xì từ người lớn tuổi.

 

Đặc biệt, các thành viên nữ trong gia đình đều diện áo dài truyền thống đón xuân.

 

Xin giới thiệu chùm ảnh đón Tết tại gia đình anh chị Minh-Lương của bạn Nguyễn Văn Hiền (Paris):

 

Áo dài, bánh chưng, phong bao lì xì... mang lại phong vị Việt nơi đất khách.

 

Mùa Tết bận bịu - Huỳnh Ngọc Châu (Thạc Sĩ khoa Hoá - Học viện công nghệ Kyoto, Nhật Bản)

 

Đây là cái Tết thứ bảy tôi đón Tết xa nhà. Nhật Bản sớm hơn Việt Nam chỉ 2 giờ đồng hồ nên thông thường mọi năm anh em du học sinh ở đây thức đến tận 2 giờ đêm (giờ Nhật Bản ) , quây quần tụ họp bên nhau ăn uống và ca hát, đón chờ giây phút Giao thừa thiêng liêng đến để cùng nắm lấy tay nhau cất vang ca khúc Happy New Year... Ở Nhật tuy đang là mùa đông rất lạnh (nhiệt độ về đêm có khi xuống đến âm độ) nhưng gian phòng luôn ấm cúng bởi không khí quây quần, bởi hơi ấm từ tình bè bạn, tình đồng hương...

 

Hai năm gần đây đối với tôi mùa Tết thật bận bịu. Hẳn các bạn du học sinh khác cũng vậy, "bận bịu" bởi có rất nhiều party đón tất niên và tân niên. Vùng Kansai (bao gồm các thành phố lớn như Kyoto, Osaka, Kobe, Shiga, Nara, v.v...) hằng năm đều có buổi Họp mặt mừng Xuân truyền thống do Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Osaka tổ chức, ngoài ra còn có rất nhiều các party đón Tết do các Hội sinh viên thanh niên các vùng, Hội hữu nghị Việt-Nhật v.v...tổ chức.

 

Tết năm nay tôi cũng "bận bịu" không chỉ theo ý nghĩa là tham gia nhiều party, mà còn là vì đảm nhiệm nhiều vai trò trong Ban tổ chức Tết. Ở buổi Họp mặt mừng Xuân Kỷ Sửu 2009 ( và buổi Họp mừng mừng Xuân năm ngoái cũng vậy) do Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Osaka tổ chức, tôi đảm nhiện vai trò MC, nên trước đó cũng phải dành kha khá thời gian để chuẩn bị cùng Ban tổ chức.

 

Họp mặt Tết do Tổng Lãnh Sự Quán tổ chức năm nào cũng đông, năm nay số người tham dự lên đến gần 500, gồm không chỉ du học sinh, tu nghiệp sinh, kiều bào Việt Nam tại Nhật, mà còn có sự tham dự của các đoàn thể và cá nhân có quan hệ hữu hảo với Việt Nam. Thức ăn phong phú và ngon miệng với các món truyền thống: bánh chưng, nem rán( chả giò) , giò lụa, phở, ...,

 

Một số người bạn Nhật mà tôi quen tâm sự: rất muốn tham dự tiệc vì món ăn Việt Nam rất ngon,tuy nhiên số người tham dự quá đông, năm ngoái chờ hoài món phở vẫn không kịp "có phần" nên năm nay lại tham dự, hơn nữa không khí đón Tết của người Việt Nam rất vui....

 

Suốt buổi tiệc tôi bận bịu với vai trò MC nên cũng chẳng thưởng thức trọn vẹn được món gì, nhưng nhìn quang cảnh mọi người nói nói cười cười tưng bừng vui vẻ, lòng tôi thật rạo rực. Đứng ở khán đài, khi tiếng Quốc ca ngân lên, nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng, tôi cảm giác như tim mình lắng lại, hướng về một quê hương rất xa...Màn biểu diễn múa lân truyền thống cũng như các tiết mục văn nghệ mang đậm tình dân tộc như đem hơi thở , sức sống mùa xuân đến sưởi ấm tâm hồn những người con đón Xuân xa nhà ...

 

Tối hôm nay (25 tháng 1) chúng tôi đã lại có một buổi Party đón năm mới của Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Kyoto. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho party Tết từ cả tháng trước, rồi phân công để chuẩn bị các khâu, người đặt bánh chưng, người nấu xôi, người chuẩn bị văn nghệ, trò chơi, quà bánh, trang trí hội trường...

 

Sau một năm học tập nghiên cứu vất vả , sau những giờ lao động mệt nhọc, v.v..., tối nay thanh niên sinh viên chúng tôi hẳn sẽ có thể tạm vứt bỏ hết những lo âu, nhọc nhằn, để cùng bên nhau, cùng chia sẻ cho nhau hơi ấm, và hướng về nơi quê hương xa ấy để cùng cất lên lời hát: "Xuân ơi Xuân , Xuân đã về "...

 

Hà Lan: Áo dài tung bay đêm tất niên


Ngày 17/1/2009 kiều bào và sinh viên Việt Nam tại Hà Lan lại tụ hội về học viện ISS (The Hague) để đón Tết. Đây là hoạt động thường niên do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. Gần 400 người trong không khí hồ hởi, náo nức.. bao nhiêu người chẳng hề quen biết nhau từ trước nhưng khi gặp nhau lại như người một nhà. Có cả những người bạn quốc tế người Lào, Trung Quốc, Cambodia, và tất nhiên không thể thiếu những người bạn Hà Lan.

 

Lâu lắm rồi tôi mới lại được thấy phụ nữ Việt Nam với những tà áo dài duyên dáng, lại thấy những bông mai vàng rực rỡ của miền Nam và cả hoa đào tươi thắm của miền Bắc.

Chúng tôi lại được thưởng thức những món ăn Việt Nam như bánh chưng, giò, phở cuốn, cơm tám, nem rán (ở Hà Lan gọi là Loempia)… Các bạn quốc tế tỏ ra rất hứng thú, đặc biệt với bánh chưng khi được giới thiệu đó là món ăn cổ truyền của người Việt Nam dùng để dâng lên ông bà tổ tiên vào ngày Tết.

 

Họ cũng rất thích thú các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc ta như “Lý cây đa” với màn múa phụ hoạ độc đáo của các bạn nữ trường Stenden, hay tiết mục sáo “Về quê” của bạn Hưng – cán bộ trẻ trường ĐH Mỏ - Địa chất đang theo học thạc sĩ tại đây.

 

Các tiết mục văn nghệ dân gian luôn mang lại cho người Việt xa quê những cảm xúc đặc biệt.

 

Có thể nói không khí rất VN, các tiết mục rất Việt Nam đã gợi lên trong tôi về cảm nhận của sự thiêng liêng của tình quê hương, của Tết cổ truyền. Tôi nghĩ mỗi người VN tham gia hôm nay cũng đều có cảm nhận cho riêng mình.

 

Nhiều bạn sinh viên Việt Nam năm nay phải thi đúng vào những ngày Tết, và nhiều bạn cũng lần đầu tiên đón Tết ở xa quê hương… Những gì chúng tôi trải qua ngày hôm nay lại cho thấy, dù ở đâu trong lòng mỗi người dân Việt Nam vẫn luôn có quê hương.

 

Chúng tôi đều mong rằng với tình yêu quê hương đất nước, với tinh thần làm việc cần cù và sáng tạo, người Việt Nam sẽ không ngừng lao động hăng say và cùng nhau vượt qua những khó khăn trong năm con Trâu này.

 

Canada: Thủ tướng gửi thư chúc Tết người Việt

 

Đặng Huyền, NCS ở Ottawa (Canada) chia sẻ:

 

Du HS tại Canada mở tiệc mừng Tết.

Lại một mùa xuân xa quê hương. Cảm xúc vui buồn xen lẫn hoài niệm. Nhìn miếng bánh chưng, củ kiệu bên đĩa giò lụa, lòng bỗng nhớ nhà, nhớ ông bà, bố mẹ. “Vừa gọi điện về cho mẹ, mẹ bảo vẫn giữ truyền thống gói và luộc bánh chưng như mọi năm. Nhớ thế, hồi bé thường nhận ngồi canh bánh trưng để nướng ngô khoai và chơi tú lơ khơ với tụi bạn láng giềng”, một bạn tâm sự.

 

Nhưng cũng như mọi năm, sinh viên thường tổ chức liên hoan văn nghệ và họp mặt ăn uống để làm cho không khí Tết thêm tưng bừng bên xứ lạnh Canada này. Hội sinh viên Ottawa tổ chức liên hoan văn nghệ (ca múa nhạc kịch và thời trang) ngày 20/12 để lại nhiều ấn tượng, đặc biệt là cho sinh viên từ các thành phố khác khi đến xem.

 

Hội sinh viên Montreal cũng sẽ tổ chức đón Tết bằng chương trình ca nhạc, kết hợp thưởng thức các món ăn truyền thống Việt Nam. Vui đến là:

 

“Ánh mắt mơ trong nơi xa vời

Chờ mùa xuân đến đem nguồn vui”

 

Âm vang của bài hát “Điệp khúc mùa xuân”, do nhóm SV Ottawa hát trong chương trình văn nghệ đón Tết ở Đại sứ quán, vẫn còn văng vẳng đâu đây...

 

Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã gửi thư chúc Tết cộng đồng người Việt tại Canada, trong đó ông đánh giá Tết cổ truyền dân tộc của Việt Nam là cơ hội tuyệt vời để cộng đồng người Việt gìn giữ những phong tục tập quán lâu đời đáng được trân trọng và chia sẻ niềm tự hào với những người Canada bản xứ.

Bức thư của Thủ tướng Harper viết: "Tôi muốn gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất của cá nhân tôi tới cộng đồng người Việt tại Canada nhân dịp Tết nguyên đán. Thay mặt Chính phủ Canada và phu nhân của tôi, Laureen, tôi muốn chúc toàn thể cộng đồng người Việt trên khắp đất nước Canada một năm mới tràn ngập hạnh phúc, sức khỏe, an khang và thịnh vượng".

Cộng đồng người Việt tại Canada có khoảng 250.000 người và là một trong những cộng đồng người Việt đông đảo nhất ở nước ngoài.

 

Vương quốc Anh: Tết Tây, Tết Ta

 

Bạn đọc Trần Lan Anh ở Leeds, Vương quốc Anh chia sẻ tâm sự đón Tết dương lịch và âm lịch trên đất khách:

 

Tết Tây

 

Niềm vui lớn nhất là được nghỉ !!! chuyện ăn uống hay mua sắm trở thành việc thứ yếu. Đôi khi, niềm hạnh phúc to lớn chỉ là không phải lo mua quà Tết hay tất bật chuẩn bị đồ ăn từ ngày này qua ngày khác. Tiệc Giáng sinh ấm cúng và đơn giản, với sụ trợ giúp nhiệt tình của bác giáo sư hàng đầu ngành Toán (một đầu bếp siêu hạng) tôi cũng nhồi, ướp và nướng được con gà tây khổng lồ. Con gái hồi hộp chờ đến sáng để bóc quà dưới cây thông. Phố xá vắng ngắt, cảm giác thanh bình đến buồn tẻ.

 

Ngày cuối cùng của năm, bạn gọi điện, ngày mai đi dạo nhé, một vùng ngoại ô, có suối, đá và rừng. Đi bộ ngày mùng một Tết?! để thử xem. Gặp gia đình bạn, thấy mình thật lạc lõng với bộ quần áo quá lịch sự (Tết mà, may còn chưa mặc váy). Cà nhà bạn khỏe mạnh trong bộ quần áo và giầy chuyên dụng để tập thể thao. Bạn xin lỗi vì quên không hướng dẫn mình trước và đưa thêm cho cái áo khoác chống gió.

 

Một buổi leo núi thực sự (với mình), nhìn bạn đi phăng phăng và hò hát cùng con gái mình dù đã 60 tuổi mà tự xấu hổ với bản thân. Với bạn, mình còn teen lắm vậy mà lúc nào cũng nghĩ mình đã bắt đầu dốc bên kia của cuộc đời. Cám ơn sự có mặt của bạn bên tôi, chắc bạn cũng không biết bạn và gia đình bạn đã đem lại sự hỗ trợ to lớn cho tôi đến mức nào.

 

Tết Ta

 

Nhờ công nghệ bảo quản đặc biệt, lá dong từ Việt Nam sang Anh để 1 tháng vẫn tươi nguyên.

Thật may mắn, có đến hai dịp trong một năm để chúc mừng năm mới. Tết Ta ở Tây với gay go đây. Thành phố mình ở thuộc diện “vùng sâu vùng xa”, kiều bào ít. Siêu thị Việt nam không có. Nghe bọn thanh niên bàn về tiệc ngày Tết ở Việt nam mà thấy sốt ruột.

Công nghệ bảo quản lá dong: Có thể gửi lá dong sang UK nhưng trước Tết 1 tháng !!! tôi vui mừng khi không phải gói bánh chưng bằng lá giang khô, lá chuối hay tệ hơn là hộp nhựa! Nhung bao quản lá thể nào đây?

 

Kinh nghiệm bà cụ bán lá dong o ga Trần Quý Cáp là cuốn lá vào bao tải và để ở góc nhà. Bao tải không có rồi và với khí hậu này chắc lá dong thành lá khô mất. Sáng kiến vậy, khăn bông tắm nhúng ướt, vắt khô, bọc lá lại, cuộn kỹ vao nilon roi cho vào tủ lạnh. Mỗi tuần, tôi hồi hợp mở gói lá ra ngắm, vẫn còn tốt, sau 1 tháng, không có một cái lá nào bị hỏng. Sáng kiến áp dụng thành công rực rỡ!

 

Cảm ơn ông nội đã dạy con gói bánh chưng từ 30 năm trước. Qua thời bao cấp, nhà tôi không còn gói bánh chưng nữa mà đi mua vài cái cho nhanh. Cố nhớ lại cách ngâm gạo, ủ đỗ xanh, ướp thịt, cắt lá, với sự học việc của hai em sinh viên lần đầu tiên trong đời học gói bánh chưng (không phải tại Việt nam), chúng tôi cũng gói được số lượng bánh chưng, bánh tét đáng nể, 40 cái !!! Sau lần đó, mỗi Tết, tôi lai tổ chức gói bánh chưng. Số lượng thành viên tham gia học việc ngày càng đông, cả mấy chú rể Tây nữa, để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai mà!

 

Con gái chẳng mặn mà với việc gói bánh chưng lắm vi chắng có công thức chính xác và có thể cân đo đong đếm như làm bánh pudding mà con gái học o trường. Ảnh hưởng những gì của cuộc sống hiện tại, dường như con gái thích 1 bữa ăn tối và có quà, một ngày đầu năm đi leo núi, thich làm bánh quy với công thức chính xác và cụ thể hơn là tất bật với ba bữa tiệc linh đình trong một ngày Tết mà bà, mẹ, con gái sẽ phải chịu trách nhiệm hay tất bật thăm hỏi từ nhà này qua nhà khác với nội dung giống nhau.

 

Có lẽ, một Tết Tây nào đó, mình sẽ gói bánh chưng (ở Tây), rồi Tết Ta nào đó, con gái sẽ làm pudding (ở Ta) nhưng cả mẹ và con gái, hai thế hệ khác nhau, cũng đều bắt đầu một cuộc trò chuyện ở nơi này bằng một câu chào “Xin chào, Tôi tên là …. Tôi đến từ Việt Nam”

 

Paris (Pháp): Trọn đêm canh nồi bánh chưng

 

Các bạn trẻ Việt Nam ở Paris tỉ mẩn gói bánh và quây quần bên nồi bánh chưng suốt đêm. Sáng hôm sau, ai cũng thoả mãn với thành quả của mình.

 

Độc giả Nguyễn Hải Sơn chia sẻ:

 

Đêm 29 Tết, 10 sinh viên VN xa nhà ở Paris cùng nhau luộc bánh chưng trong một khu vườn ở ngoại ô (thành phố Fontainebleau) bởi trong Paris hiếm có nơi nào cho phép đốt lửa để luộc bánh chưng bằng củi như cách mà người Việt Nam vẫn làm. Hầu như đã rất lâu rồi chúng tôi không luộc bánh chưng (chỉ còn nhớ láng máng lúc bé tí), vì thế trước khi bắt đầu gói cả lũ phải xem một đoạn video trên YouTube .

 

Mặc dù đã nắm vững cách gói nhưng vì thiếu thốn vật liệu nên có rất nhiều phong cách khác nhau đã được sáng tạo: có bạn giàu kinh nghiệm thì gói không cần khuôn, còn có nhiều bạn thì nghĩ ra nhiều ý tưởng khuôn bánh chưng rất thú vị.

 

Cảm giác quây quần bên nồi bánh chưng cho đến sáng xung quanh bè bạn, vùi vào đống củi đang cháy khoai lang, sắn và những xiên hạt dẻ làm cho chúng tôi sống lại cảm giác thời thơ ấu, những kì niệm mà có lẽ các bạn trẻ ở thành phố bây giờ cũng không có nhiều cơ hội trải nghiệm nữa (ảnh). Chúng tôi vừa trò chuyện, vừa nghe những bài hát về mùa xuân và giao thừa và hát theo.

 

Sáng ra, mẻ bánh chưng với nhiều phong cách khác nhau được mở ra. Mặc dù có thể hình dạng không được đẹp như bánh chưng mua ở ngoài siêu thị, nhưng điều tuyệt vời nhất là mùi vị của nó vẫn không hề khác so với thứ bánh chưng chúng tôi được ăn từ thưở bé.

 

Áo: SV tự cắt tóc đón Tết

 

Từ Linz (Áo), bạn đọc Nguyễn Tuấn Thiện cho biết:

 

Không khí Tết ở đây có thể nói là bắt đầu từ ngày hôm nay bằng một buổi đi chợ, tạm gọi là đi chợ Tết của 3 người Việt đang học và làm việc ở trường đại học Johannes Kepler bao gồm mình và 2 anh nữa.


Từ cuối tuần trước kế hoạch làm 1 bữa party đón giao thừa đã được vạch ra khi 3 anh em đi chợ Tàu ở trung tâm thành phố. Nói là "chợ" nhưng thực ra chỉ là 1 cửa hàng bé xíu cỡ tầm 30m2 bán đủ các thứ liên quan đến châu Á.


Sáng nay đúng như kế hoạch, mình dậy sớm gọi điện rủ 2 ông anh đi chợ. Lò dò sang đến thì đã thấy 1 anh đứng ở cửa thang máy tay xách 1 túi rác to. Hỏi ra thì anh bảo là dọn nhà đón Tết, thêm nữa sang năm mới kiêng đổ rác.

Ban đầu mấy anh em định làm "gỏi cá hồi". Nghe món này có vẻ sang, hay hay, nhưng mà chợt nghĩ Tết nhất phải có cái gì đó truyền thống, thế là 2 anh em thống nhất với nhau là sẽ làm món "nem".

Sự việc tiếp theo là cắt tóc. Chuyện này ở VN thì bình thường vì Tết đến mọi người có nhu cầu làm mới mình một chút. Nhưng ở đây do tiền cắt tóc khá đắt mà lại chẳng có nhu cầu làm đẹp vì có ai để ý đâu, nên anh em tự cắt cho nhau.  

 

Singapore: SV Việt-Trung cùng nhau đón Tết

 

Bạn đọc Kim Anh (SV Trường ĐH Quản lý Singapore) tâm sự:

 

.

Sắp đến Tết rồi… Vậy là đây là năm đầu tiên mình không được ăn Tết cùng gia đình. Không ở nhà, mình cũng không có được cái cảm giác háo hức đón Tết cùng gia đình, những ngày mọi người cùng nhau dọn dẹp, trang trí nhà cửa, những đêm đi chợ đêm mua đồ với mẹ. Mình ở đây nhiều khi thấy mọi người tấp nập đi siêu thị mua đồ bỗng nhiên mình cũng thấy chạnh lòng. Tự hỏi giờ chắc ba mẹ mình cũng đang tất bật chuẩn bị mọi thứ để đón Tết…

 

Trước đây vài tháng mình đã nghĩ rằng lần này không được ăn Tết ở nhà chắc sẽ buồn lắm. Bởi lẽ mình sẽ làm gì đây nếu như không có ba mẹ cùng đón tết, cũng không có người thân ở đây để đi chúc Tết những ngày đầu năm… Thế nhưng thật may mắn sao “Chào Vietnam” (CLB SV Việt Nam ở trường mình) đã cho mình một bầu không khí Tết tươi vui, tràn đầy tình cảm gia đình. Và mình còn may mắn hơn khi được giúp các bạn tổ chức sự kiện này.

 

Tiệc đón Tết năm nay do 2 CLB mới thành lập ngay dịp này là Connect China và ChaoVietnam tổ chức nhằm giới thiệu tới bạn bè trong trường về Tết âm lịch ở Việt Nam và Trung Quốc.

 

Trước đó vài ngày, ban tổ chức đã dựng một gian hàng nhỏ ngay chính giữa sảnh lớn của trường để giới thiệu về văn hoá Việt Nam cũng như thu hút sự chú ý của các giáo sư, SV trong trường. Mọi người đến có thể thưởng thức các tiết mục văn nghệ truyền thống của Việt Nam và ăn thử mứt Tết, bánh chưng.

 

Mẹ của một thành viên trong ChaoVietnam đã cất công mang 16 bánh chưng từ Việt Nam sang phục vụ buổi tiệc nhưng cũng không thấm tháp gì so với nhu cầu của mọi người nên chỉ một lúc là bánh hết veo. Tuy không có sắc vàng, sắc đỏ của hoa mai, hoa đào; nhưng mình cũng có các loại mứt, hạt dưa…

 

Câu đối đỏ rực sắc xuân.

Không những thế, mình còn được nghe những bài hát tươi vui, mang đầy ý nghĩa. Những bài hát ấy không biết mình đã nghe biết bao nhiêu lần, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên mình lắng nghe từng câu, từng chữ theo lời bài hát, và như càng hiểu thêm nữa sự vui tươi mà bài hát thật sự đem đến cho mình.

 

Nhớ có những ngày cùng mọi người đi mua đồ để chuẩn bị cho sự kiện này, trông thấy gia đình người ta cùng nhau đi sắm sửa lại tự nghĩ đến mình, nếu giờ đây ở nhà thì mình cũng cùng mẹ đi mua sắm vậy rồi. Nhưng nghĩ lại mình cũng còn may mắn khi có những người bạn ở đây. Có thể nói mình đặc biệt cảm ơn những dịp Tết như thế này, bởi đây là dịp mọi người có thể cùng nhau quây quân bên nhau cùng làm nên một điều gì đó thật ý nghĩa những ngày xuân về.

 

Chúng mình không những chỉ tổ chức Tết để vui chơi cùng nhau, mà qua đây tụi mình còn giới thiệu thêm với bạn bè các nước ở trường về Tết Việt Nam. Ngoài ra tụi mình còn mời các bạn dùng thử bánh chưng, các loại mứt đem từ nước mình sang. Mỗi lần các bạn dùng xong, khen ngon và hỏi thêm về bánh mứt mình lại thấy dâng trào lên một niềm vui khó tả và pha chút gi đó tự hào nữa. Tự hào vì một quê hương mang đầy bản sắc dân tộc, với những món ăn truyền thống không những ngon mà còn mang đầy ý nghĩa.

 

Thế ra có một cái Tết xa nhà như vậy mà lại hay, nó giúp mình hiểu ra rằng thì ra được ở bên gia đình những ngày Tết thật hạnh phúc biết bao. Mình cũng biết được cái cảm giác có những người bạn cùng nhau quây quần chuẩn bị Tết là vui như thế nào. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là lần đầu tiên nó cho mình cảm giác thật sự tự hào về vẻ đẹp, những nét độc đáo của quê hương…

Nam Phi: Không có Tết

Bạn Bùi Thùy Linh từ Nam Phi chia sẻ:

Nam Phi không có nhiều người Việt sinh sống, đặc biệt tại khu vực Johannesburg. Do vậy, mình cũng không có được không khí Tết tại đây. Thật là buồn.

Đại sứ quán Việt Nam tại Pretoria cũng không thông báo gì về chương trình đón Tết nên mình cũng không biết họ có tổ chức gì không.  Mình nhớ Tết ở Hà Nội rất nhiều. Mong là năm tới sẽ được về Hà Nội để được đón Tết cùng gia đình, bạn bè và người thân.

Australia: Chuẩn bị cỗ thuần Việt đón Tết

 Bạn Nguyễn Quang, đại diện Hội SV Việt Nam tại Canberra, thủ đô của Australia chia sẻ:

 

Du học sinh tại Úc chuẩn bị cỗ thuẫn Việt để đón Tết

Trong lúc ở Việt Nam đang tưng bừng chuẩn bị đón Tết với “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ - Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” thì du học sinh tại Canberra, thủ đô của Australia cũng đang xum vầy đầm ấm bên những món ăn truyền thống của dân tộc do chính tay làm ra.

 

Cỗ thuần Việt của du học sinh tại đây là chiếc bánh chưng tự gói, cành đào bích tự trang trí công phu. Đặc biệt là những khuôn mặt tươi tắn, háo hức chào đón giờ phút Giao thừa thiêng liêng đã làm nên một cái Tết đặc biệt và đáng nhớ của sinh viên Việt Nam tại Canberra.

 

Thay mặt hội SV Việt Nam tại Australia, xin gửi tới độc giả VietNamNet nói riêng và tất cả mọi người lời chúc mừng năm mới nhiều hạnh phúc, may mắn.

Nga: Tái hiện nón lá, áo dài

Bạn Nguyễn Mạnh Cường, sinh viên Việt Nam tại Moscow chia sẻ: 

Tết là dịp quây quần của những lưu học sinh VN tại Moscow

Năm nay, gần 200 du học sinh Việt Nam tại Moscow tổ chức đón Tết theo phong tục truyền thống của người Việt Nam. Những họat động được các bạn tổ chức bao gồm: Gói bánh chưng, tổ chức liên hoa ca nhạc, trang trí phòng ở bằng cờ Tổ quốc, ảnh Bác và đặc biệt là có sự xuất hiện của những biểu tượng văn hóa Việt Nam như áo dài, nón lá, mai vàng, câu đối, thư pháp… 

Cường hồ hởi chia sẻ: “Năm nào cũng tổ chức những họat động này nhưng cảm xúc không bao giờ cũ. Tết là dịp để mọi người quây quần với nhau sau một năm làm việc và học tập vất vả. Cách làm như thế này cũng giúp bọn mình đỡ nhớ nhà, nhớ quê hương hơn”. 

Các bạn tham gia buổi liên hoan lấy làm tiếc về sự việc không may của SV Tăng Quốc Bình xảy ra những ngày cuối cùng của năm cũ. “Nhưng đây cũng là dịp để chúng tớ thấy gắn bó với nhau hơn”, Cường nói.

 

SV Nông nghiệp Moscow: “Mẹ ơi, xuân này con không về”

 

Nguyễn thị Thùy Linh, NCS tại ĐH Nông nghiệp Moscow chia sẻ: Cũng như mọi năm, dịp tết âm lịch năm nay lại trùng đúng vào học kỳ 2 của sinh viên ĐH Nông nghiệp Matxcơva. Nhưng không vì thế mà không khí xuân lại giảm đi trong cộng đồng SV Việt Nam tại đây.

 

Chúng tôi họp bàn về chuyện chuẩn bị tết 1 tuần trước tết (tức là vào ngày cúng ông Táo). Ai cung mang một vẻ háo hức, mong chờ. Năm nay toàn thể sinh viên sẽ đón tết tại nhà văn hóa sinh viên của trường. Khi làm đơn mượn phòng, các bạn Nga, ai cũng tò mò về tết dân tộc Việt Nam và đều hứa hẹn đến vui xuân cùng chúng tôi.

 

Để đón xuân được đầy đủ và trọn vẹn theo đúng không khí ở Việt Nam, chúng tôi đã chuẩn bị những thứ không thể thiếu được là bánh chưng, xôi đỗ xanh, nem rán, thịt gà…Tất nhiên là những thực phẩm thiết yếu như gạo nếp, đỗ xanh, bánh đa nem, miến dong… chúng tôi đều mua ở chợ Việt nam từ mấy hôm trước.

 

Một thứ không thể thiếu trong ngày xuân là cây đào. Ban đêm, mấy bạn nam đã đi “xin” một cành cây to trong khu công viên của trường. Khi mang qua cửa KTX, bảo vệ người Nga rất thắc mắc không hiểu chúng tôi cần “cành củi khô” ấy để làm gì.

 

Mấy bạn nữ khéo tay đã ngồi cắt hoa đào băng giấy màu hồng để cài lên cành cây. Kết quả sau mấy đêm, chúng tôi đã có một cành đào phai đẹp không kém gì đào Nhật Tân Hà Nội.

 

Từ sáng ngày 30, sinh viên toàn trường đã tụ họp nhau đông đủ để nấu nường và trang trí. Trước giao thừa, chúng tôi ngồi kể cho nhau nghe về không khí đón xuân của gia đình mình.

 

Đúng 20h (tức 24h Việt Nam) tất cả cùng mở sâm panh đón chào năm mới trong tiếng nhạc nền của bài Happy New Year. Anh đơn vị trưởng thắp hương khấn các cụ phù hộ cho sinh viên toàn trường mãi mãi đoàn kết, cùng nhau phấn đấu, đạt kết quả tốt trong học tập. Sau đó chúng tôi cùng cụng ly chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Sau giao thưa là phần chính của cuộc vui. Chúng tôi bốc thăm quà, chơi trò chơi nhìn hình đoán chữ…

 

Có lẽ phần vui nhất là hát theo yêu cầu. Tất cả sinh viên chia làm hai đội, thi nhau hát các bài về mùa xuân. Đội nào hát được nhiều bài hát hơn thì thắng. Thật ngạc nhiên, phần thắng lại thuộc về các bạn nam. Cảm dộng nhất là khi chúng tôi nghe bạn Trường Giang hát bai “Mẹ ơi xuân này con không về”.

 

Trung Quốc: Nấu món ăn của nước mình để giới thiệu với bè bạn quốc tế

 

Bạn Trần Kim Ngọc, từ trường ĐH Anda chia sẻ: 

Trổ tài nấu nướng để giới thiệu văn hóa tới bạn bè quốc tế

Đây là năm thứ 2 mình không đón Tết ở Việt Nam. Năm 2009, lưu học sinh ở lại không nhiều, chỉ có vỏn vẹn 5 người Việt Nam và 4 người đến từ Indonexia, Cameroon. 

 

Trường ĐH Anda cách xa trung tâm thành phố, 9 người bọn mình ở lại quyết định nấu một bữa cơm tất niên, mỗi bạn sẽ làm từng món ăn đặc sắc riêng của nước mình để mọi người cùng thưởng thức.

 

Mình đến từ Việt Nam, mình nấu món cháo gà, thịt gà xé trộn gỏi, cánh gà chiên sốt chua ngọt, thịt gân dê chiên giòn. Món Indonexia mình không nhớ được tên nhưng ăn rất ngon. Các bạn đến từ Cameroon toàn là nam nên nhận nhiệm vụ ăn và … dọn dẹp!

 

Ở Trung Quốc cũng cấm đốt pháo như ở Việt Nam, nhưng bọn mình mua một ít pháo bông và pháo nổ về để đốt cho vui. Cả năm mới có 1 dịp.

 

Việc cuối cùng là lì xì cho các bạn. Việt Nam “áp đảo” về số lượng nên có thể coi là “chủ nhà” của buổi liên hoan. Biết thế nên mình đã chuẩn bị 4 phong bao lì xì cho 4 bạn nước ngoài, mỗi phong bao có số tiền lì xì khác nhau. Bạn đến từ Cameroon (tình cờ cũng sinh năm Sửu) là may mắn nhất vì nhận được phong bao “to” nhất: 10.000 VND.

 

Bạn này cũng chính là người “xông đất” nhà mình, mong là cả năm sẽ thật là “hên”. Năm mới, mình chúc các bạn lưu học sinh Việt Nam ở khắp mọi nơi khỏe mạnh, học hành tiến bộ, mỗi ngày đều là một ngày hạnh phúc.  


Bắn pháo hoa ở Đài Loan

Đài Loan: Nhớ vô cùng không khí Tết quê hương 

 

Bạn Lê Xuân Khai, Học viên Cao học Đại học Sư Phạm Quốc Gia Đài Loan chia sẻ:  

 

Một mùa xuân nữa đã đến. Mặc dù đang sống trong không khí đón Tết tưng bừng ở Đài Loan nhưng trong trái tim tôi, hình ảnh và không khí Tết Việt Nam vẫn hiện lên với muôn ngàn cảm xúc khó nói nên lời.

 

Xin chúc cho mỗi người Việt Nam yêu dấu một năm mới với nhiều niềm vui. Xin chúc cho đất nước ta một năm mới với nhiều thắng lợi mới.

 

Mỹ: Nhảy sạp lôi cuốn bạn bè quốc tế

 

Từ ĐH Illinois Urbana-Champaign (Mỹ), độc giả Nguyễn Chí Kiên chia sẻ:

 

 

Tối ngày 24/01/2009, du học sinh Việt nam tại Đại học Illinois Urbana-Champaign (UIUC) đã tưng bừng tổ chức đón Tết cổ truyền dân tộc. Nhiều thành viên gia đình, các bạn bè Việt nam và quốc tế ở Urbana-Champaign và các thành phố lân cận cũng đến chia vui.  

 Chương trình Tết hết sức phong phú đã được Hội Sinh Viên Việt Nam (VSC - Vietnamese Student Community) chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Buổi họp mặt bắt đầu với các phóng sự vui nhộn điểm lại các hoạt động, các thành tích và tồn tại trong năm qua của Hội.

 

UIUC là một trong những trường đại học lớn nhất của Mỹ, luôn đứng trong Top 5 xếp hạng chung các ngành kĩ thuật với hơn 40 du học sinh Việt nam tại đây đã và đang đạt được nhiều thành tích đáng tự hào trong học tập và nghiên cứu.

 

Phần văn nghệ với các tiết mục kịch vui, tốp ca, song ca, và đơn ca về quê hương, đất nước và mùa xuân được tán thưởng nhiệt liệt. Phần trò chơi với nhiều trò chơi dân gian cũng thu hút được nhiều người tham dự.

 

Tiếng cười nổ ra râm ran khi những lời chúc năm mới chân thành và dí dỏm được viết lên những mảnh giấy đính ở lưng mỗi người. Tiết mục nhảy sạp lôi cuốn được không chỉ các du học sinh Việt nam mà cả nhiều bạn bè quốc tế. Và tất nhiên, phần không thể thiếu được của buổi họp mặt là các món ăn cổ truyền của dân tộc như bánh chưng, giò thủ, xôi vò, xôi gấc, gỏi gà, nem nướng, xúp cua, chè thưng. Các món ăn đã được các bạn trong VSC chuẩn bị thật chu đáo và thực sự làm hài lòng người tham dự.

 

Những ngày này, thời tiết ở Urbana-Champaign vẫn rất lạnh (có khi xuống đến -15 độ C) và có nhiều tuyết, nhưng mọi người đều cảm thấy ấm áp khi cùng nhau chia sẻ vui buồn trước thềm năm mới, cùng hướng về Tổ quốc, người thân và bạn bè cách nửa vòng trái đất. 


Nantes
, Pháp: Mưa rét không ngăn SV Việt Nam đón Tết

 

Tết đến trong tim mọi người.

Bạn Hoàng Hằng chia sẻ cho biết tuy không đông như ở Paris, Lyon, hay Grenoble, nhưng các bạn SV Việt Nam tại Nantes vẫn có những hoạt động đón Tết Kỷ Sửu không kém phần vui nhộn. Mặc dù hôm nay, thời tiết không đẹp, trời mưa rét, nhưng điều đó cũng không ngăn cản các bạn SV tụ tập với nhau đón lễ Tết truyền thống.

 

Lúc này, vào thời khắc mà quê nhà đang chuẩn bị cho đêm giao thừa thì ở đây, dưới sự dẫn dắt của anh Lê Văn Dương - Chủ tịch Hội SVVN tại Nantes, một nhóm SV lúc này đang háo hức chuẩn bị phông màn, loa đài cho buổi biểu diễn ca múa nhạc đêm nay. Trong khi đó, một nhóm khác thì đang chuẩn bị các món ăn cho buổi tiệc Tết niên. Anh Dương cho biết: “Bọn anh đã đặt bánh chưng từ hôm kia (28 Tết) rồi… Ở bên này, có mấy cô dì, chú bác Việt Kiều rất nhiệt tình giúp đỡ các bạn SVVN”.

 

Tại Nantes hiện có khoảng 100 SVVN đang học tập, trong đó sinh viên ngành giao thông tập trung ở đây đông nhất. Có một vài bạn mới từ Việt Nam sang, vì lịch học gấp quá nên không kịp ăn Tết ở nhà. Bạn N.H, sinh viên kiến trúc vừa từ Việt Nam sang chia sẻ: “Tất nhiên là mình muốn ăn Tết ở nhà cùng bố mẹ, nhưng vì mình đã muộn học mất 1 tuần rồi, lại còn một số việc cần giải quyết sớm nữa nên đành phải đi trước Tết. Mình mới sang, dù có nhiều bạn bè nhiệt tình giúp đỡ nhưng vẫn thấy buồn”.

 

Còn T.Toàn - nghiên cứu sinh năm thứ nhất ngành giao thông, khi được hỏi về cảm xúc đón Tết xa quê, thì cho biết: “Đây là lần thứ 3 em ăn Tết xa nhà nên không nhớ nhà lắm. Tuy nhiên, em thèm được ăn Tết ở nhà lắm rồi!”.

 

Trời vẫn mưa và rét! Thêm vào đó, hôm nay lại là chủ nhật nên đường sá, xung quanh đều vắng vẻ, chỉ có các bạn SVVN là quầy quần bên nhau, chung hưởng niềm vui đón năm mới để cảm thấy ấm áp hơn. Tất cả đang hướng về một năm mới tốt đẹp hơn!

Thuỵ Điển: Bắc, Trung, Nam quần tụ nơi... đất khách

Cộng đồng người Việt hồ hởi đón mừng xuân mới tại Gothenburg.

Một mùa Xuân nữa lại đến, với mình đây là cái Tết xa nhà thứ hai, nhưng với nhiều anh chị em khác tại thành phố Gothenburg này thì có thể đây là lần thứ năm, sáu, hoặc nhiều hơn nữa. Cộng đồng sinh viên Việt Nam ở đây không đông nhưng lại rất gắn kết nhau. Theo các anh chị ở đây lâu năm, hầu như năm nào anh chị em cũng sum họp vào đợt Tết Nguyên đán để xoa đi nỗi nhớ nhà.

Cũng như ở Việt nam, hai hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết đó là gói bánh chưng và sum họp bên mâm cỗ truyền thống. Từ trước nhiều ngày, mọi người đã chuẩn bị rất tích cực cho công việc gói bánh chưng. Lá dong tươi được gia đinh môt anh chị mang từ Việt Nam sang. Khâu chuẩn bị nguyên vật liệu gói bánh được các chị thực hiên trong cả tuần vì ai cũng bận nên không thể làm dồn một lúc được. Một không khí thật vui rộn nhưng cũng rất ấm cúng và hơn hết là rất… Việt Nam: người Việt nam, lá dong, lạt buộc, gạo nếp, thịt ba chỉ, đỗ xanh, và một bàn trà Việt với mứt sen, ô mai…

Từ ba miền khác nhau của đât nước, chưa hề quen biết nhau trước khi sang đây nhưng trong không khí này, tất cả như là các thành viên của một đại gia đình. Có lẽ chính cái khoảng cách xa quê hương đã lôi những con người “xa lạ” lại gần nhau hơn, để có thể chia sẽ hơi ấm ở một thành phố Băc Âu lạnh lẽo này.

Tối 29 Tết, tất cả moi thành viên sum họp bên mâm cỗ Tất niên mang đậm hương vị truyền thống Việt nam. Có thể nói dù đã đi xa nhà từ rất lâu nhưng tài nấu ăn của các chị thì chỉ có những người phụ nữ Việt Nam đích thực mới có! Xin cảm ơn các chị rất rất nhiều !

Bên cạnh mâm cõ tất niên, mình thì thật bất ngờ (hoặc có thể là do mình… vô tâm quá!) là moi người vẫn nhớ đến truyền thống lì xì các cháu nhỏ. Một phần do các cháu được sinh ra ở bên này và một phần là một số cháu chỉ mới 3-4 tuổi nến rất khó khăn khi phát âm câu “Cháu cảm ơn cô/chú!”. Có lẽ các cháu chưa bao giờ được ăn tết ở Việt nam nhưng ít nhất các cháu cũng có thể tưởng tượng được phần nào qua không khí ấm áp ở đây. Và có lẽ từ bây giờ, vốn từ của các cháu sẽ có thêm những từ như: xôi vò, chạo bì, bánh chưng, nộm ngó sen…

Những em bé thuộc thế hệ Việt kiều thứ hai tuy không sõi tiếng Việt nhưng rất hào hứng với Tết.

Sau bữa tiệc Tất niên vui vẻ, mọi người ở lại chơi đến tận sáng hôm sau và sau đó mọi người về nhà để đón Giao thừa cùng người thân ở Việt Nam. Mặc dù rất vui vẻ bên bữa cơm Tất niên nhưng khi thời khắc Giao thừa đến gần, ai cũng có một tâm trạng chung là nhớ gia đình, nhớ bạn bè, nhớ Việt Nam đến cồn cào!

Và bây giờ, mình đang ngồi một mình trong căn phòng với chiếc laptop, chia sẽ những dòng này cùng độc giả VietNamNet với một nỗi nhớ nhà tha thiết.

Mỗi người khi xa nhà đều bận rộn với kế hoạch riêng của mình nhưng mỗi ngày Tết đến thì chắc không ai không dành thời gian để nghĩ về Việt Nam, về gia đình và bạn bè. Chắc hẳn là người Việt nam thì tại thời khắc thiêng liêng này, ai cũng có những ước nguyện riêng. Với mình thì mong ước lớn nhất đó là sức khỏe, sức khỏe cho người thân và bạn bè ở Việt Nam cũng như ở bên này, và dĩ nhiên là cả cho bản thân mình nữa. Bên cạnh đấy, một mong ước cũng rất to lớn đó là mong cho trong năm 2009, hình ảnh của đất nước Việt Nam mình trong con mắt bạn bè Thế giới sẽ tốt đẹp hơn năm 2008, và tốt đẹp hơn nữa trong những năm sau này để có thể luôn tự hào là người Việt. Và dĩ nhiên mình cũng mong muốn có được thành công cho bản thân với những kế hoạch và dự định riêng.

Xin chúc độc giả Vietnamnet một năm mới an khạng thịnh vượng; cầu mong tất cả mọi người trong năm mới đều không ngừng nỗ lực để đạt được những điều mình mong muốn và chung tay xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh hơn.

Hàn Quốc: Ra mắt số báo tiếng Việt đầu tiên

 

SV Việt Nam tại KAIST chuẩn bị đồ ăn Việt đón giao thừa.

Độc giả Phạm Trung Thành (Seoul, Hàn Quốc) cho biết Tết đã đến với cộng đồng người Việt ở Hàn 2 giờ trước Việt Nam nhưng lúc này rất nhiều người Việt ở khắp Hàn Quốc vẫn đang ngồi trước màn hình máy tính theo dõi các chương trình văn nghệ trên truyền hình Việt Nam và đợi giây phút đếm ngược tới giao thừa ở quê nhà.

 

Năm nay tại các của hàng bán hàng Việt Nam ở khu vực đông người Việt sinh sống như khu vực Seoul và Ansan lượng hàng hóa Việt Nam phục vụ tết tương đối phong phú và đa dạng: bánh chưng, bánh tét, giò lụa, các gia vị đế nấu các món ăn ngày tết, rau và hoa quả Việt Nam, hương, bao lì xì … Hầu như ở Việt Nam có thứ gì thì ở các cửa hàng chuyên bán đồ Việt Nam bên này đều có cả.

 

Ngay từ ngày 28 tết lo rằng các của hàng siêu thị và các chợ sẽ đóng cửa vào ngày 30 tết nên ở nhiều nơi người Việt đã tranh thủ đi chợ mua thực phẩm và các mặt hàng cần thiết để chuẩn bị cho buổi tiệc tất niên và đêm giao thừa với những món ăn mang đậm bản sắc ngày tết cổ truyền của quê hương như bánh chưng, củ kiệu muối, giò lụa, giò thủ, chả giò (nem rán), mâm ngũ quả, sâm panh, rượu vang.

 

Ngày 24/1 (29 tết) Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Tiến Vân cùng với các cán bộ đại sứ quán Việt Nam và dại diện ban liên lạc Việt kiều tại Hàn Quốc đã đi thăm hỏi và chúc tết một số gia đình Việt kiều và gia đình các cô Dâu Việt Nam ở khu vực Seoul và lân cận.

 

Bà Huỳnh Thị Kim Xuân chủ tịch ban Liên lac Việt kiều tại Hàn Quốc cho biết khi được đoàn cán bộ ĐSQ cùng ban liên lạc Việt kiều đến thăm và chúc tết các cô dâu và gia đình hết sức vui mừng và xúc động trước những tình cảm và sự quan tâm của ĐSQ và ban liên lạc Việt Kiều dành cho gia đình các cô dâu lấy chồng Hàn Quốc sống xa quê hương.

 

Việc chuẩn bị tết ở gia đình các cô Dâu Việt Nam, tuy không được đầy đủ và ấm cúng như ở quê nhà một phần do có sự khác biệt trong văn hóa đón tết giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tuy nhiên nhiều ông chồng Hàn Quốc rất quan tâm và chiều vợ, cất công đưa vợ đến các khu chợ người Việt để mua sắm bánh chưng, giò và thực phẩm tết của Việt Nam.

 

Hiện có khoảng gần 80 ngàn người Việt đang sinh sống làm việc và học tập tại Hàn Quốc, trong đó có khoảng 30 ngàn cô dâu Việt Nam.

 

Ngày 23/1 số báo đầu tiên của tờ báo Bạn Đường bằng tiếng Việt đã được phát hành tại Hàn Quốc để phục vụ cộng động người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại đây.

 

Cộng đồng người Việt tại Hàn cùng nâng ly đón giao thừa sớm so với Việt Nam 2 giờ.

ĐSQ Việt Nam ở thủ đô Seoul sẽ tổ chức họp mặt đầu xuân 2009 tại ĐSQ vào ngày 8/2/2009 với sự góp mặt đông đủ của ban liên lạc Việt Kiều, cô dâu Việt Nam, đại diện người lao động Việt Nam và du học sinh đang sinh sống làm việc và học tập tại Hàn Quốc. 

 

Về phía du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, mặc dù sống xa nhà thiếu tình cảm của gia đình, người thân và đón tết nơi đất khách quê người với cái lạnh giá khắc nghiệt của thời tiết tại thủ đô Seoul (-10 độ C), họ đã tìm đến với nhau cùng tổ chức họp mặt cuối năm với bữa cơm tất niên và đón chào giờ phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới theo phong tục tết cổ truyền của dân tộc, không khí Tết cổ truyền đang rạo rực trong trái tim của các du học sinh.

 

Nhiều nơi các bạn tổ chức trang trí đón giao thừa khá chu đáo không khác gì ở quê nhà. Mọi người vừa thưởng thức các món ăn, vừa trò chuyện cùng bạn bè trong một không gian rộn ràng không khí Tết, những món quà bất ngờ, dí dỏm, những trò chơi vui nhộn, bốc thăm trúng thưởng, câu hát và điệu hò, tiếng nói cười cùng với mùi hương Tết nghi ngút …. giúp các bạn vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ không khí đón tết ấm cúng vui vẻ ở quê hương … sau khi ăn bữa cơm tất niên là kế hoạch đi chơi trong thành phố, hát karaoke, trượt băng, mua pháo hoa bắn vào giờ phút giao thừa.

 

Mạng internet và wireless luôn được chuẩn bị chu đáo để các SV tranh thủ online nói chuyện với gia đình, người thân, bạn bè và xem chương trình truyền hình trực tiếp đặc biệt đêm giao thừa.

 

Để gửi những món quà tinh thần đến cho các du học sinh Việt Nam ỏ lại đón tết nguyên đán tại Hàn Quốc, ngay từ 2 tháng trước đó Hội sinh viên đã lên kế hoạch chuẩn bị, vận chuyển quà tết từ Việt Nam sang bao gồm bánh chưng và giò lụa để làm quà tết tặng các chi hội có sinh viên Viêt Nam ở lại Hàn Quốc đón tết.

 

Đậm đà Tết Việt trên đất Úc 

Dưới đây là những hình ảnh đầu tiên do độc giả Linh Chi gửi về từ Brisbane, Queensland, Australia.

Ước tính có khoảng 175 nghìn người Việt đang sinh sống và làm việc ở Queensland, Australia. Cộng đồng người Việt ở đây vẫn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc và một trong những nét văn hóa được thể hiện trong những ngày lễ đón tết Nguyên Đán, được thể hiện rõ nét chợ Tết ở Brisbane, Queensland diễn ra trong suốt mấy ngày qua.

Hoa vạn thọ, chả giò, mứt Tết và cả những vật trang trí hình con trâu được bày bán rất nhiều tại chợ Việt.

Ở một góc chợ, mấy người tụ tập chơi cờ mang lại một không khí rất thuần Việt.

  • VietNamNet
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,