221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
694367
Cách mạng tháng 8: Những thông điệp từ quá khứ
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Cách mạng tháng 8: Những thông điệp từ quá khứ
,

(VietNamNet) -  Ngày hôm nay chúng ta đang hội nhập, cơ hội cũng giống như một đoàn tàu vào ga, chúng ta phải ra đón. Đó là cơ hội thị trường, giao lưu văn hoá, khoa học công nghệ, dân chủ pháp quyền... Đây cũng là thông điệp của cuộc cách mạng tháng 8 vĩ đại.

 

Bấm vào đây để nghe toàn bộ nội dung cuộc giao lưu đặc biệt này
Bấm vào đây để xem lại buổi truyền hình trực tiếp và gửi câu hỏi, bình luận

 

>> Phải chăng nhiệt huyết thế hệ bây giờ không bằng thời trước?
>> Phải làm giàu để đuổi kịp bạn bè năm châu

 

Soạn: AM 515785 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.

Trong cùng năm 1945, hai sự kiện lớn của dân tộc đã diễn ra: 2 triệu người chết đói và Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

 

Đây là bài học tạo thời cơ, chớp thời cơ, phát huy nội lực, huy động sức dân, đại đoàn kết dân tộc… Cần nhớ rằng, chúng ta giành chính quyền, độc lập năm 1945 trong khi gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt nạn đói đang hoành hành.

 

Thế hệ ngày nay thấy gì từ cuộc cách mạng này? Tinh thần đó đã tiếp sức cho thế hệ trẻ ra sao? Chúng ta đang có những cơ hội và thách thức gì? Tận dụng cơ hội đó ra sao? Đại đoàn kết toàn dân được phát huy thế nào?…

 

Việc xây dựng nhà nước pháp quyền sau khi giành chính quyền cũng là một bài học lớn. Ngày nay, chúng ta đã đẩy mạnh quyền làm chủ của nhân dân như thế nào và ngược lại, làm thế nào để không có sự lạm quyền?…

  

Soạn: AM 516595 gửi đến 996 để nhận ảnh này

 

Lần đầu tiên quý khán độc giả có thể tham gia bày tỏ ý kiến, bình luận, đặt câu hỏi với khách mời trong chương trình truyền hình trực tiếp thông qua báo điện tử VietNamNet. Toàn bộ ý kiến, câu hỏi đã được chuyển đến các vị khách mời của chương trình: Ông Lê Trọng Nghĩa, một trong những người chỉ huy giành chính quyền ở Hà Nội ngày 19/8/1945; Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

 

Sau đây là phần tóm lược nội dung cuộc giao lưu đặc biệt này: 

 

Soạn: AM 519583 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ngay trong phóng sự mở đầu cuộc giao lưu, Đại tá, nhà sử học Trần Trọng Trung cho rằng: Thông điệp của cách mạng tháng 8 đã bao hàm đầy đủ mọi vấn đề và vẫn còn giá trị cho tới ngày hôm nay: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
 
Cách mạng tháng 8 thành công là do tập hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, vì mục đích chung của dân tộc. Ông Trần Trọng Trung nói rõ hơn: Trong Chính phủ lâm thời, không phải vị bộ trưởng nào cũng là cộng sản. Rất nhiều vị bộ trưởng tự nhường ''ghế''... Họ làm thế không vì quyền lợi đảng phái, quyền lợi cá nhân họ mà là quyền lợi của dân tộc.

Phân tích những hành vi vô vị lợi cá nhân, vì lợi ích của dân tộc như trên, ông Trần Trọng Trung dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ: ''Chúng ta là đầy tớ của dân, gánh vác công việc cho dân chứ không phải đè đầu cưỡi cổ dân''. Cũng trong những ngày đầu giành chính quyền, Bác Hồ đã ban hành sắc lệnh chống quan liêu, hối lộ, cán bộ nhũng nhiễu, nhận hối lộ bị phạt tù, tài sản bất minh sung công.

Liên hệ với lịch sử trong quá khứ, Ông Trần Trọng Trung nêu chi tiết đặc sắc của triều Trần: Đặt trống giữa triều đình để dân có việc gì thì thưa kiện lên.

TS Phạm Duy Nghĩa, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội lại tiếp cận thông điệp từ cách mạng tháng 8 theo hướng pháp quyền: Hiến pháp 1946 không có sự ràng buộc theo một mô hình kinh tế nào. Đó là nền kinh tế đa thành phần mà tới Hiến pháp 1992 đã khẳng định và thừa nhận đa thành phần kinh tế và hình thức sở hữu. Tính mở của Hiến pháp 1946 rất cao.

Trở lại những ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên Uỷ ban Khởi nghĩa Hà Nội, xúc động gợi lại hồi ức. Thành công của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội xuất phát từ tinh thần và sáng tạo của nhân dân. Ngay trong ngày 19/8, Việt Minh phát động của khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, phá chính quyền khâm sai và tổ chức mít tinh ở Nhà hát lớn. Đây là kỳ tích lịch sự và chớp cơ hội. Lúc đó ta chỉ có 50 cây súng, Hà Nội còn 1 vạn quân Nhật nhưng đã khởi nghĩa thắng lợi.

Sự thực nhân dân Hà Nội dạy chúng tôi cách làm như thế nào? Ngày đó ai cùng bàn tán về cách mạng, về độc lập, tự do... Không chỉ do tinh thần yêu nước mà cuộc khởi nghĩa giành chính quyền còn xuất phát từ chính đòi hỏi đời sống của dân. 2 triệu đồng bào ta chết đói, người dân tham gia cách mạng là để giải quyết đời sống của mình.

Nhà sử học Dương Trung Quốc bình luận: Năm 1945 được coi là mốc chia đôi thế kỷ, từ tối sang sáng. Dân tộc Việt Nam như nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết ''rũ bùn đứng dậy sáng loà''. Từ bùn lầy nước đọng của ngàn năm phong kiến, trăm năm thực dân trở thành một quốc gia độc lập khao khát tự do, độc lập.

Dưới con mắt của nhà sử học, theo ông, 60 năm đủ thời gian nhìn lại một cách sáng tỏ và minh bạch về Cách mạng tháng 8. Những nội dung của Hiến pháp 1946, những bài phát biểu của Hồ Chủ tịch vẫn còn nóng hổi tính thời sự trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay như: tạo thuận lợi cho tư bản và nhà kỹ thương làm ăn, bỏ ngăn sông cấm chợ, thông thương với nước ngoài, tham gia hoạt động quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hiệp quốc.

TS Nguyễn Sỹ Dũng lại chọn cách tiếp cận thông điệp từ cuộc cách mạng tháng 8 bằng cơ hội vàng mở cửa hội nhập toàn cầu của ngày hôm nay: Ngày hôm nay chúng ta đang hội nhập, cơ hội cũng giống như một đoàn tàu vào ga, chúng ta phải ra đón. Đó là cơ hội thị trường, giao lưu văn hoá, khoa học công nghệ, dân chủ pháp quyền... 

Soạn: AM 519495 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Độc giả đặt câu hỏi từ trước khi cuộc giao lưu diễn ra

Trong thời gian cuộc giao lưu đặc biệt này diễn ra thì giới trẻ tại TP.HCM rất hào hứng đón nhận: Họ chủ động đặt các câu hỏi cho các vị khách mời, họ chăm chú theo dõi diễn biến trên màn hình máy vi tính. Phóng viên VietNamNet đã ghi nhanh không khí bên ngoài trường quay: 

Tại TP.HCM, vào buổi tối, các quán Internet rất đông khách, với đa phần là giới trẻ. Họ đến đọc báo điện tử, chơi game, chat, nghe nhạc. Nhiều quán cà phê chúng tôi đi lướt qua cũng có những bạn trẻ theo dõi buổi truyền hình trực tiếp “60 năm - những thông điệp từ quá khứ”. Chỉ có điều, do đường truyền chưa thật tốt nên hình ảnh chưa thật nét.

Từ 7h tối, anh Thanh Xuân (30 tuổi) (quận 12) đã vào trang VietNamNet đặt câu hỏi cho buổi truyền hình trực tiếp, vì anh biết lịch từ buổi chiều. Thanh Xuân cho biết, anh là người quan tâm đến lịch sử và hôm nay sẽ đặt nhiều câu hóc búa, "để đại biểu bóc trán suy nghĩ mới thích, hướng đến việc nói vấn đề lịch sử phải cụ thể, sinh động, tránh hô hào chung chung".

Soạn: AM 519497 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Độc giả Nguyễn Ngọc Thi đang đặt câu hỏi

Tại quán Nha Trang, bên đường Trần Quang Khải, quận 1, biết có buổi truyền hình trực tiếp “60 năm - những thông điệp từ quá khứ” trên báo điện tử VietNamNet, nhưng đa số vẫn mải mê đọc báo, chat, viết mail... Nghe tiếng ti vi vọng lại với nhiều câu hỏi do bạn đọc VietNamNet đặt ra, nhiều người mới chợt mở phần truyền hình trực tiếp xem. Vài người ngồi cạnh cũng mở thử.

Chị Nguyễn Ngọc Thi (28 tuổi), sau khi xem một đoạn truyền hình trực tiếp, nói: "Vấn đề lịch sử Việt Nam được báo chí nhắc đến nhiều. VietNamNet cũng nhắc đến nhiều, đặc biệt trong chương trình bàn tròn trực tuyến, với nhiều lời bàn luận thú vị, giàu chất xám. Tuy nhiên, nhiều khi hơi cao siêu. Để giới trẻ quan tâm hơn, cần làm cho mềm, thú vị hơn, giống như đọc nhật ký Đặng Thùy Trâm vậy".

Anh Lương Lê Minh (23 tuổi) cho biết: "Tôi chỉ quan tâm đến lịch sử nước Việt, thông tin chính trị khi gặp dịp báo chí nói nhiều. Những ngày bình thường, lên mạng đọc VietNamNet thì chỉ vào trang thể thao. Tôi nghĩ báo chí, cũng như giáo dục phải tạo sự gắn kết lịch sử dân tộc với cuộc sống hôm nay. 

Soạn: AM 519509 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Vừa theo dõi qua VietNamNet vừa đặt câu hỏi cho các vị khách mời.

Tại Hà Nội, không chỉ giới trẻ chú ý theo dõi cuộc giao lưu đặc biệt này mà cả các cụ già, các bà, các chị cũng bật máy vi tính hoặc ra quán Net để đặt câu hỏi cụ thể cho các vị khách mời.

Bùi Từ Trung, sinh viên trường ĐH Bách Khoa cùng một số bạn sinh viên hiện đang trọ học tại 19 ngõ 36 Phương Liệt đã góp tiền kéo một đường ADSL nối mạng trong khu trọ để cả nhóm được chụm đầu bên chiếc máy tính tham gia giao lưu trực tuyến vì: Kí túc xá không có tivi ra quán net coi cũng được nhưng ở đây mọi người bàn bạc "xôm" hơn, tiếc là đặt ba câu hỏi rồi vẫn chưa đến phiên được trả lời!"  

Soạn: AM 519511 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Đáng nhớ nhất là hình ảnh một cụ già đã gần 60 tuổi cũng hăng hái tham gia giao lưu tại một quán Internet đầu Ngõ 1 Bùi Xương Trạch mà phóng viên VietNamNet vừa bắt gặp. Xem qua truyền hình, muốn đặt câu hỏi quá mà nhà không có điện thoại, cụ đi bộ ra đầu ngõ nhờ một bạn trẻ đang online trong quán net đặt câu hỏi rồi về nhà theo dõi tiếp.

Cụ tâm sự: "Tôi nhờ cô chủ quán gởi câu hỏi cho ông Dương Trung Quốc, tôi thấy trên đài báo phản ánh nạn đua xe, bạo lực liều lĩnh nhiều rồi, hỏi ông Dương (Dương Trung Quốc) xem ông ta nghĩ sao nếu bây giờ Việt Nam lại xảy ra chiến tranh xâm lược, thanh niên hiện đại liệu có dũng cảm, bản lĩnh được như cha ông không?".

Theo cụ, giao lưu thế này thật và tiện hơn, chứ nếu chỉ trên truyền hình, gọi điện hay viết thư thì ngại, lên trường quay thì không phải ai cúng dám, nhất là các vấn đề liên quan đến chính trị, tệ nạn... Gửi câu hỏi trên mạng thì cảm giác không thật bằng xem trực tiếp... 

Chị Hương, trú tại số 24 ngách 1/57 ngõ 1 Bùi Xương Trạch cho biết: "Bình thường phụ nữ như chúng tôi có xem thì xem, chứ ngại gọi điện đặt câu hỏi lắm, chưa nói chờ lâu vì số máy giao lưu nhiều người gọi nên quá tải. Bây giờ dùng qua mạng thì thoải mái hơn. Ai cũng có thể đặt câu hỏi mà!"

Bây giờ mời các bạn quay trở về với cuộc giao lưu của chúng tôi: 

TS Nguyễn Sĩ Dũng với lợi thế phân tích và khái quát nhấn mạnh thêm: "Quyền lực và sức mạnh đều thuộc về nhân dân. Chỉ có quyền tự do, dân chủ mới tạo cơ hội, tạo không gian cho mỗi cá nhân phát huy được tối đa tiềm năng của mình. Khi đó, chúng ta sẽ khai thác được hết sức mạnh của toàn dân".

Câu hỏi đầu tiên mà BTV Đức Hoàng chuyển đến các vị khách mời là của nhà báo Bích Ngọc - báo điện tử VietNamNet: “Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, ông định nghĩa thế nào về bốn chữ: "Sự thật lịch sử”. Tất nhiên, không phải sự thật lịch sử nào cũng nên công bố nhưng việc nói trái sự thật lịch sử thì có cần thiết không? Và việc nói trái nhưng có lợi cho đại cục thì có trái với tôn chỉ của bốn chữ: Khoa học lịch sử không?"

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhắc lại câu chuyện "thẳng lưng chịu chém" để nói sự thật của những chép sử thời xưa. Và ông nói: Trở lại với những sự kiện của cuộc cách mạng tháng 8, dù chỉ qua 60 năm, cũng đã bị che khuất nhiều. Như một chi tiết nhỏ, tên người treo cờ trên Bắc Bộ phủ mà có đến 3, 4 thông tin khác nhau. Trách nhiệm của những người làm sử chúng tôi là phải nghiên cứu để tìm ra sự thật lịch sử, vì chỉ có sự thật mới tạo được niềm tin trong nhân dân. Chúng tôi quan niệm, không phải sự thật nào cũng có thể nói ra, nhưng đã nói thì phải nói đúng sự thật. Chúng ta phải tìm lại, để học lại nghiêm túc những bài học của lịch sử.

Sự đóng góp của gia đình tư sản Trịnh Văn Bô qua phóng sự phát kèm trong chương trình đã làm người xem biết kỹ hơn về một sự thật lịch sử khác mà không phải lớp trẻ ngày nay ai cũng biết. Đó là đã có những gia đình tư sản dân tộc đã đóng góp hết tài, lực cho sự thành công của CMT8 và 9 năm kháng chiến. Qua đó càng sáng rõ tinh thần CM của một thế hệ: đồng lòng, đồng tâm vì lợi ích lớn lao của dân tộc.

Nhân đó, BTV Đức Hoàng chuyển tới các vị khách mời câu hỏi: "Ngày xưa, tinh thần chủ đạo của cả thế hệ là vì lợi ích chung. Còn ngày nay, có phải thế hệ trẻ đang bận lo cho riêng mình, mãi băn khoăn làm sao để giàu có, thành đạt hơn những người xung quanh, nên vô tình quên đi lợi ích chung không?".

Với vấn đề này ông Dương Trung Quốc cho rằng: Nhân tài là tìm thấy ở mỗi người dân cái "tài" để giúp nước. Tôi tin, đã là người Việt Nam thì ai cũng yêu nước. Ngày xưa, ta nghĩ nước mạnh thì dân giàu. Còn bây giờ thì tư tưởng sẽ là "dân giàu để nước mạnh", nên cần khuyến khích để mỗi người dân làm giàu chính đáng.

Khác với ông Quốc, ông Nguyễn Sĩ Dũng chú trọng đến việc tôn trọng quy luật Thị trường và quy luật dân chủ. Triết lý của thị trường là kẻ mạnh phải thắng, tiềm lực - cả vật chất lẫn kiến thức - sẽ đến với những người có khả năng. Nhưng, dân chủ sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người qua lá phiếu. Bất kể người giàu hay người nghèo đều có quyền như nhau. Nhà nước sẽ điều tiết thị trường qua chính sách thuế.

Có nhiều câu hỏi gửi đến qua hệ thống VietNamNet băn khoăn về việc chúng ta phải phát động lòng yêu nước trong thời bình, khi kẻ thù không còn cụ thể, như thế nào?

Nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích, kẻ thù trong thời bình của chúng ta là chính chúng ta. Việt Nam có truyền thống giữ nước vẻ vang, nhưng dựng nước mới là chặng đường dài trong lịch sử dân tộc. Trong 60 năm lịch sử của nước Việt Nam mới thì có tới 30 năm chiến tranh. Vì thế, 30 năm hòa bình với chưa đầy 20 năm đổi mới chỉ là chặng đầu để thử thách lòng yêu nước...

TS Nguyễn Sĩ Dũng lại có quan điểm khác. Theo ông, nỗi nhục tụt hậu hay lòng yêu nước là những yếu tố tình cảm. Còn sự thay đổi chỉ có được bằng trí tuệ giàu có, bằng một thiết chế tôn trọng thị trường, một nhà nước pháp quyền và những yếu tố cơ bản là công khai, minh bạch. Thế giới ngày nay là cuộc chơi của của trí tuệ, của nền kinh tế tri thức.

Khi trả lời nhiều câu hỏi của sau đó với những băn khoăn về tương lai và thế hệ trẻ, TS Nguyễn Sĩ Dũng tỏ ra lạc quan: "Con hơn cha là nhà có phúc. Tôi tin rằng dân tộc ta có phúc. Con cháu ta sẽ có những người hơn chúng ta. Chính lớp trẻ sẽ  là tuyến đầu trong nền kinh tế mới. Vấn đề là những thế hệ đi trước phải tạo cơ hội, tạo không gian tự do sáng tạo và đặt niềm tin cho thế hệ trẻ".

Một trọng tâm của chương trình này là phóng sự nói về thực trạng "trò ta chán sử ta", trong khi "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" và "Mãi mãi tuổi 20" (Nguyễn Văn Thạc) lại rất được giới trẻ đón đọc. BTV Trần Uy đặt câu hỏi: Phải chăng vì 2 cuốn sách này có độ chân thật cần thiết mà những bài học lịch sử, những cuốn sử trên kệ sách đã có chưa ghi lại được.

Ông Dương Trung Quốc không bất ngờ khi thế hệ trẻ của ta không thuộc sử ta. Theo ông, một trong những nguyên nhân là chúng ta đã làm lịch sử như chúng ta muốn. Lịch sử chưa được phản ánh chân thực còn do tư liệu không chuẩn xác, bị khúc xạ qua nhiều lăng kính.

TS. Nguyễn Sỹ Dũng cũng chia sẻ quan điểm này nhưng ông còn đi xa hơn, cụ thể hơn: Làm lịch sử là diễn giải lịch sử đúng như nó đã diễn ra. Nhật ký của 2 liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm và Nguyễn Văn Thạc là một ví dụ như vậy, nó là thông điệp từ một trái tim dội đến hàng triệu trái tim. Môn lịch sử hiện tại còn thiếu những số phận con người cụ thể nên lịch sử không hiện lên rõ nét.

Khép lại "Những thông điệp từ quá khứ", các giá trị của tinh thần Cách mạng tháng 8 còn lại đến nay, TS Nguyễn Sĩ Dũng "tổng kết": tình yêu đối với mảnh đất hình chữ S, phát huy sức mạnh của nhân dân, phát huy năng lực và tính sáng tạo của mỗi cá nhân.

  • VietNamNet
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,