221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1271772
Đảng hỏi, dân nói, Đảng nghe và phản hồi
1
Article
null
Đảng hỏi, dân nói, Đảng nghe và phản hồi
,

- Văn kiện của Đảng không phải là áng văn hùng biện hay công trình sáng tạo về ngôn từ mà là chiến lược, bước đi, sách lược của dân tộc.

>> Loạt bài: Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
>> ’Lấy ý kiến dân đâu phải để cho vui’
>> ’Dân chủ thật’ khi mời dân góp ý về văn kiện

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh coi việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào văn kiện Đại hội Đảng XI sắp tới là vấn đề cốt tử của Đảng. Đây là tín hiệu đáng mừng và có khả năng thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội vào sự kiện chính trị quan trọng nhất của đất nước ở đầu thế kỷ 21 này.

Ai cũng biết rằng nhân dân mất lòng tin và ngoảnh mặt đi trước các sự kiện chính trị là dấu hiệu của chính trị suy đồi và thể chế hiện hành thiếu cơ sở xã hội để tồn tại. Và ngược lại, nếu dân chú tâm, hăng hái tham gia vào đời sống chính trị thì đó là dấu hiệu chính của sự phát triển và thịnh đạt quốc gia.

Nghe dân để đổi mới

Trước Đại hội VI (năm 1986), tình hình đất nước đứng trước khó khăn chồng chất, rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội, lòng dân không yên, uy tín của Đảng giảm sút nghiêm trọng.

Sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, ông Trường Chinh - người một thời nổi tiếng về sự thận trọng, cứng rắn, kiên định chế độ công hữu, làm ăn tập thể, quản lý kế hoạch hóa - lên thay.

Nhờ thay đổi phương pháp tư duy, đi sát cơ sở, trực tiếp lắng nghe dân từ Nam chí Bắc, ông đã trở thành tác giả chủ yếu của các văn kiện đổi mới của Đại hội VI - một văn kiện mở ra thời kỳ mới, phát triển toàn diện của đất nước. Và cũng nhờ uy tín cao cùng sự uyên bác của ông nên đã làm cho chủ trương đổi mới nhanh chóng được BCH TƯ khóa 5 đồng tình.

Mô tả ảnh.
Nhờ trực tiếp lắng nghe dân, ông Trường Chinh trở thành tác giả chủ yếu của các văn kiện đổi mới của Đại hội VI. Ảnh tư liệu

Trong diễn văn khai mạc Đại hội VI, ông Nguyễn Văn Linh- người sẽ được bầu làm Tổng Bí thư khóa 6 - đã thừa nhận nhờ tiếp thu ý kiến nhân dân nên Nghị quyết Đại hội VI mới thể hiện ra như vậy.

Bài học về thực sự lắng nghe dân, dựa vào dân mà thay đổi kế sách của của người lãnh đạo cao nhất và của tập thể BCH TƯ vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự.

Văn kiện Đại hội VI ngắn gọn, xúc tích, chân thành nhận khuyết điểm, tự chỉ trích nghiêm khắc và đề ra các quyết sách đúng đắn hợp lòng dân và cũng là hợp quy luật tất yếu của đời sống. Đất nước từ đó chuyển mình và phát triển đến hôm nay.

Để dân dốc tâm sức, trí tuệ hiến dâng cho Đảng

Một văn kiện dự thảo dù có do những người tài giỏi nhất của Đảng soạn thảo thì cũng chỉ là một bộ phận quá bé nhỏ so với toàn bộ dân cư cả nước.

"Nhân dân mất lòng tin và ngoảnh mặt đi trước các sự kiện chính trị là dấu hiệu của chính trị suy đồi và thể chế hiện hành thiếu cơ sở xã hội để tồn tại.

Ngược lại, nếu dân chú tâm, hăng hái tham gia vào đời sống chính trị thì đó là dấu hiệu chính của sự phát triển và thịnh đạt quốc gia".

Văn kiện của Đảng không phải là những áng văn hùng biện cần chau chuốt, không phải là một công trình sáng tạo về ngôn từ mà là kế sách dài lâu, là chiến lược , mưu lược; bước đi và sách lược... của quốc gia - dân tộc. Do đó, nó phải là trí khôn của dân tộc, là lòng yêu nước của dân ta.

Nhưng như Bác Hồ đã nói, lòng yêu nước như của quý người ta cất giấu ở trong giương, trong hòm, bổn phận của Đảng là phải động viên, khích lệ, mời gọi để người ta vui lòng trưng bày nó ra, hiến dâng cho đất nước như xưa Nguyễn Trãi cất giấu Bình Ngô sách để chờ minh chủ, mãi sau ông mới tìm được Lê Lợi mà tin cậy dâng lên.

Giá Đảng có một bức thư tỏ rõ sự khiêm nhường và thực sự cầu thị gửi cho toàn dân đề nghị đồng bào cả nước, hễ là dân nước Việt, là giống nòi Việt Nam xin hãy vui lòng hiến kế cho Đảng. Như thế sẽ tạo ra không khí phấn khởi, hào hứng trong toàn dân tộc để cùng dốc tâm lực và trí lực ra hiến dâng cho Đảng, cùng Đảng tìm ra kế sách của quốc gia.

Công khai, phản hồi và đối thoại

Dân nói ra rồi tức là Đảng có rất nhiều thông tin. Việc lấy ý kiến dân lần này có quy mô rộng lớn, nếu phát động được tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm của người dân thì số lượng các bàn góp ý sẽ rất nhiều.

"Những ý kiến thảo luận cần được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể tổ chức thảo luận, đối thoại trực tiếp với những ý kiến trái ngược về các vấn đề quan trọng trong các văn kiện sẽ trình Đại hội.

Tất cả những vấn đề đó cần được báo cáo ra trước Đại hội XI bằng văn bản để làm tài liệu thảo luận ở Đại hội trước khi biểu quyết".

Do vậy, Đảng cần có tổ chức chặt chẽ và chu đáo để tiếp nhận được hết ý dân. Không nên chỉ dựa vào một bộ phận như Tiểu ban nội dung mà nên dựa vào các tổ chức đã có sẵn trong xã hội ta.

Ngoài tổ chức Đảng từ cơ sở lên đến Đại hội đại biểu toàn quốc, các cơ quan như Ban Dân nguyện của Quốc hội, UBTƯ Mặt trận Tổ quốc, Ban dân vận và tất cả các hội, đoàn thể, tổ chức xã hội... đều cần phát động và tập hợp ý kiến của tổ chức mình, in làm tài liệu gửi đến từng ủy viên BCH TƯ khóa 10, các đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ XI.

Riêng Tiểu ban nội dung cần tiếp nhận được tất cả các văn bản của các tổ chức và có thể của cá nhân không gửi qua tổ chức, tập hợp thành một hệ thống vấn đề , đối chiếu so sánh với văn bản dự thảo rồi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau khi đã tiếp nhận được thông tin nhiều chiều, nhiều ý kiến khác nhau, Tiểu ban nội dung cần có báo cáo tỉ mỉ và trung thực với BCH TƯ để BCH TƯ thảo luận vào một hội nghị trước khi khai mạc Đai hội XI.

Những ý kiến thảo luận đó cần được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể tổ chức thảo luận, đối thoại trực tiếp với những ý kiến trái ngược về các vấn đề quan trọng trong các văn kiện sẽ trình Đại hội.

Tất cả những vấn đề đó cần được báo cáo ra trước Đại hội XI bằng văn bản để làm tài liệu thảo luận ở Đại hội trước khi biểu quyết.

Khi đã có Nghị quyết thì cần giải trình trước toàn dân về những vấn đề mà Đại hội đã tiếp thu, sửa chữa; những vấn đề không tiếp thu, những vấn đề cần để lại tiếp tục nghiên cứu...

Khi công bố các văn kiện để lấy ý kiến nhân dân, cần đồng thời công bố thủ tục và quy trình Đảng hỏi - Dân nói - Đảng nghe và phản hồi.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,