221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1268934
"Lấy ý kiến dân đâu phải để cho vui"
1
Article
null
'Lấy ý kiến dân đâu phải để cho vui'
,

- Việc đưa văn kiện ra lấy ý kiến rộng rãi là đúng đắn, nhưng phải lấy ý kiến thực chất, lắng nghe tiếp thu thực chất - nguyên Phó Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc TP.HCM Lê Hiếu Đằng tin tưởng lần lấy ý kiến nhân dân về các văn kiện Đại hội Đảng XI cuối năm nay sẽ có thay đổi.

>> Loạt bài: Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
>> Lấy ý kiến dân về văn kiện Đại hội trong một tháng
>> ’Dân chủ thật’ khi mời dân góp ý về văn kiện

Tiếp thu thực chất

Trung tuần tháng mười, dự thảo văn kiện cho Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Tuy nhiên trong dư luận còn những băn khoăn vì đã từng có các văn bản trước khi lấy ý kiến dân và sau khi thông qua tại đại hội không khác nhau là mấy. Người dân đang muốn biết, đợt lấy ý kiến cho các văn kiện tới đây, tình trạng đó có lặp lại? Và người dân có thể tham gia đóng góp gì cho các văn kiện?

Nhớ lại không khí hồi trước Đại hội Đảng X, người dân đã rất háo hức, nhiệt tình lên tiếng tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện đại hội. Hồi đó chúng ta đã thảo luận sôi nổi khi bàn về thời cơ vàng của đất nước.

Nhưng đúng là văn kiện dự thảo và văn kiện sau khi được thông qua ở Đại hội không thay đổi là bao.

Mô tả ảnh.
Phó Chủ tịch UB MTTQ TP.HCM Lê Hiếu Đằng: Tôi tin tưởng lần này chúng ta sẽ có những thay đổi. Ảnh: VNN

Những băn khoăn của người dân trước kỳ Đại hội tới là có cơ sở. Họ mong muốn những góp ý của họ với Đảng, với quốc gia, dân tộc được tiếp thu và có hồi âm.

Trí tuệ của Đảng phải là trí tuệ của toàn dân tộc. Việc đưa văn kiện ra lấy ý kiến rộng rãi là đúng đắn, nhưng phải lấy ý kiến thực chất, lắng nghe tiếp thu thực chất. Không thể lấy ý kiến cho vui, cho đúng thủ tục được.

Dù sao tôi vẫn tin tưởng lần này chúng ta sẽ có những thay đổi.

Trong bối cảnh hiện nay, việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến người dân cần phải thay đổi như thế nào để phù hợp với thời cuộc?

Thay đổi hay không phụ thuộc hoàn toàn vào việc người lãnh đạo có nghe, có tiếp thu không.

Có nhiều phương pháp để lắng nghe. Chẳng hạn, nói là đưa ra cho dân đóng góp ý kiến, nhưng trong thực tế phần đông người dân thường chỉ quan tâm đến cuộc sống mưu sinh hàng ngày, nói cao siêu họ không quan tâm. Vì thế, việc lắng nghe tiếng nói của giới trí thức, chuyên gia rất quan trọng.

Phát biểu mới đây trên VietNamNet, ông Mai Liêm Trực hi vọng các Hội nghị Trung ương sắp tới phải làm sao tạo ra những đợt thảo luận sôi nổi, dân chủ, cởi mở, cầu thị để khơi gợi không khí cho xã hội nói thẳng, nói thật như thời kỳ trước Đại hội VI. Cá nhân ông nghĩ về chuyện này như thế nào?

Tôi đồng cảm với anh Mai Liêm Trực. Nếu đông đảo người dân không cảm nhận được không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ thực chất, người ta sẽ trở nên e dè, chừng mực. Như vậy cơ hội được lắng nghe trí tuệ của dân sẽ ít hơn.

Tuy nhiên, tôi cũng có cảm giác đây đó có người trở nên nhụt chí, kém sôi nổi hơn hồi Đại hội Đổi mới hay gần đây là Đại hội X. Họ nản có thể do đã từng nói, từng góp ý nhiều lần với các vấn đề lớn của đất nước nhưng những ý kiến tâm huyết của họ chưa được lắng nghe bao nhiêu, chưa có hồi âm rõ ràng.

Hay một chuyện khác có thể cũng khiến người ta nản là lâu nay ta vẫn nói rằng làm cái này, làm cái kia phải đảm bảo tính dân chủ. Nhưng giữa nói và làm phải đi đôi với nhau. Không nên để người dân có cảm giác nói nhiều hơn làm, nói hay hơn làm.

Nếu ai đó còn có cảm giác những trăn trở của họ chưa được lắng nghe, chưa được đồng cảm, thử hỏi họ có còn sẵn lòng đóng góp ý kiến, tham gia ý kiến nữa không?

Nhiều cái sợ vu vơ

Ông có cho rằng những bức xúc hiện diện đây đó trong xã hội đã đủ liều lượng để những ai phần nào nguội lạnh phải xem lại mình, nhất là những người đang được giao trọng trách, đang mong muốn được tham gia trọng trách?

Theo dõi bàn tròn trực tuyến của VietNamNet với TS. Mai Liêm Trực và GS. Dương Phú Hiệp tôi cũng thấy, vấn đề mọi người đang tin tưởng và trông đợi Đảng phải tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của mình. Trong mọi động thái, phải ý thức cao việc đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu.

Thí dụ, chúng ta đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu hòa hợp dân tộc hay việc chọn nhân sự để giao trọng trách cũng vậy. Kết quả thế nào hoàn toàn ở con người, tất cả đều tùy thuộc vào người thực thi. Vấn đề ở chỗ ta có muốn hay không, muốn đến đâu. Đường lối đúng mà con người vận hành chưa đúng là hỏng.

Nhân ông vừa đề cập đến việc chọn người để giao việc, theo ông, làm thế nào để có dân chủ thực sự mỗi khi bàn chuyện quốc gia, trong lựa chọn nhân sự nói chung?

Với cách tổ chức như hiện nay, nhiều người cho rằng sẽ khó tập hợp được nhân tài. Chẳng hạn tại sao cứ phải đặt ra quy định chủ tịch phường, chủ tịch mặt trận tổ quốc cấp phường cũng phải là đảng viên, chẳng lẽ ngoài Đảng thì không có người tài hay sao?

Chẳng phải cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói cần có bộ trưởng là người ngoài Đảng đó sao. Nhưng chủ đề này đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Thói quen, não trạng từ trước tới giờ là ta cứ hay sợ, nhiều cái sợ vu vơ. Giờ ta phải tin vào người dân. Lịch sử đã cho thấy chân lý giản dị rằng, người dân có đủ sáng suốt để tự quyết định chọn ra người lãnh đạo cho mình.

"Chẳng có gì qua được mắt dân"

Người dân luôn kỳ vọng các vị ủy viên Trung ương khi tham gia Hội nghị Ban chấp hành Trung ương và Đại hội Đảng sẽ là những cầu nối mang hơi thở cuộc sống, mang nguyện vọng của dân tới Đảng. Tuy nhiên, trong dân gian vẫn hay lưu truyền câu nói đại ý: Phàm cái gì mang ra Đại hội bàn là mang tính trình diễn, còn thực chất, những chuyện hậu trường phía sau đã quyết rồi. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

Đúng là vai trò của các ủy viên Trung ương chỉ được phát huy và phải được phát huy trong những ngày Đại hội. Chứ trong quản lý nhà nước nói chung, vai trò của họ cũng lu mờ lắm.

Sở dĩ có người nói ra đến hội nghị chỉ là trình diễn vì lâu nay ta hay làm theo kịch bản định sẵn.

Để xóa đi cái cảm giác trình diễn, không gì hay bằng việc các vấn đề quốc gia trọng đại được đem ra bàn bạc, thảo luận với dân ở các diễn đàn như Quốc hội, hội đồng nhân dân. Từ đó để xem ý Đảng, lòng dân thế nào để điều chỉnh cho thống nhất làm một.

Tuy là dân chủ nhưng phải theo luật. Để làm được như vậy, trước tiên phải có được bộ luật Trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, có luật hay chưa có luật thì điều quan trọng hơn tất thảy vẫn là phải tin dân, tin trí thức, đừng để họ có cảm giác mình đang làm hình thức, làm cho vui. Chẳng có gì qua được mắt dân.

  • Thu Hà - Lê Nhung
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,