221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1275411
Dân chủ mà không công khai là… kỳ cục
1
Article
null
Dân chủ mà không công khai là… kỳ cục
,

- Để thực hiện nguyên tắc dân chủ trong các tổ chức đảng, Lênin yêu cầu mọi vấn đề của đảng phải được thảo luận rộng rãi, công khai, có ý kiến của mọi đảng viên.

Bài viết của TS Dương Trung Ý về quan điểm của Lênin về dân chủ và phát huy dân chủ trong đảng Cộng sản, được trình bày tại Hội thảo khoa học quốc gia "Di sản V.I. Lênin trong thế giới ngày nay và sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam" diễn ra tuần qua ở Hà Nội.

Phải có góp ý của tất cả đảng viên

Theo Lênin, nếu như dân chủ là cần thiết đối với xã hội, đối với tổ chức bộ máy nhà nước, thì nó càng trở nên cần thiết hơn đối với các đảng chính trị tiền phong của giai cấp công nhân.

Khi trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo sự nghiệp xây dựng CNXH - đương nhiên, thực hiện nền dân chủ vô sản phải được bắt đầu trước hết từ trong Đảng, trong tổ chức, bộ máy và hoạt động của Đảng.

Nguyên tắc dân chủ trong xây dựng đảng về chính trị thể hiện ở chỗ: tất các các chủ trương, đường lối, nghị quyết của đảng phải được sự tham gia đóng góp ý kiến của tất cả đảng viên dưới nhiều hình thức như: thông qua đóng góp trực tiếp từ cơ sở, thông qua đại hội đại biểu đảng viên, hoặc thông qua các cơ quan ngôn luận của đảng.

Trong thư gửi Ban biên tạp báo “Tia lửa” - cơ quan ngôn luận của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga, số ra ngày 25-11-1903, Lênin chỉ rõ: "Khi nào chúng ta có cương lĩnh đảng và tổ chức đảng, chúng ta sẽ không những phải niềm nở mở những trang của báo đảng để trao đổi ý kiến, mà chúng ta còn phải tạo điều kiện để cho những nhóm... có thể trình bày một cách có hệ thống những bất đồng ý kiến của mình, dù rằng sự bất đồng ý kiến ấy không đáng kể".
Trong bài viết Về việc triệu tập Đại hội III của Đảng công nhân dân chủ - xã hội Nga (1905), Lênin nhấn mạnh: "Sự tham gia tích cực của tất cả các đảng viên trong việc thảo và chuẩn bị các báo cáo và nghị quyết về các vấn đề quan trọng này và khác... là tuyệt đối cần thiết cho đại hội thành công".

Cử tri có quyền bãi miễn

Theo Lênin, nói đến dân chủ trong đảng, thì vấn đề hết sức quan trọng là dân chủ về tổ chức - dân chủ trong công tác tổ chức, cán bộ của đảng.

Ngay từ rất sớm, Lênin đã nhấn mạnh yêu cầu này trong tác phẩm "Làm gì": Về "nguyên tắc tổ chức - để cho sự phát triển và thống nhất của Đảng dân chủ - xã hội thu được kết quả thì cần nhấn mạnh, phát triển, đấu tranh cho nguyên tắc dân chủ rộng rãi trong tổ chức đảng, điều này trở nên đặc biệt cần thiết".

Nguyên tắc dân chủ trong tổ chức của đảng thể hiện ở việc hình thành các cơ quan lãnh đạo của đảng phải thông qua bầu cử dân chủ trong đảng; khẳng định quyền bãi miễn các chức vụ do bầu cử lập ra; hệ thống các cơ quan lãnh đạo phải được bầu từ dưới lên; quyền quyết định tối cao là quyền của đại hội đảng.

Theo Lênin, việc bầu cử trong đảng cũng chỉ được coi là dân chủ chân chính, dân chủ thực sự "khi nào quyền bãi miễn cử tri đối với người trúng cử được thừa nhận và được áp dụng"; các cơ quan lãnh đạo của đảng phải thường xuyên báo cáo công tác trước đảng viên, các đảng viên bình đẳng trước điều lệ đảng.

Thảo luận rộng rãi

Để thực hiện nguyên tắc dân chủ trong các tổ chức đảng, Lênin yêu cầu mọi vấn đề của đảng phải được thảo luận rộng rãi, công khai, phải có ý kiến của mọi đảng viên. Nghĩa là, "mọi vấn đề phải được đưa ra thảo luận trong những hội nghị rộng rãi, chứ không phải là thảo luận trong các cơ quan lãnh đạo nhỏ hẹp, trong các cuộc họp nhỏ bé, trong nội bộ một đoàn thể nào đó...".

Nói đến dân chủ trong đảng, theo Lênin phải nói tới việc công khai mọi vấn đề trong đảng cho mọi đảng viên của đảng biết, trên cơ sở đó bàn bạc đi đến thống nhất về tư tưởng, quan điểm và định hướng hành động.

Ngay trong Tuyên bố của ban biên tập báo "Tia lửa" (1900), Lênin đã nhấn mạnh "phải có sự thảo luận công khai toàn diện những vấn đề có tính chất cơ bản về nguyên tắc và sách lược.... Bằng không, sự thống nhất của chúng ta sẽ chỉ là một điều hư ảo".

Trong tác phẩm "Làm gì" (1901-1902), Lênin đã chỉ rõ: "Nói chế độ dân chủ mà không có tính công khai, mà hơn nữa lại là tính công khai không chỉ hạn chế trong các thành viên của tổ chức, thì thật là kỳ cục".

Đối với một đảng công nhân, Lênin cho rằng, "che đậy và giấu giếm sự bất đồng ý kiến, là ngu xuẩn và không xứng đáng".

Vì vậy, đối với những vấn đề quan trọng và đặc biệt là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến việc ra quyết định, việc đánh giá cán bộ, đảng viên thì "cần phải được giải quyết chẳng những bằng cách cử các đại biểu mà còn bằng cách thăm dò ý kiến tất cả các đảng viên".

Nói đến dân chủ trong đảng, theo Lênin, còn phải nói đến quyền bình đẳng, tự do về tư tưởng, tự do thảo luận và phê bình trong sinh hoạt Đảng - "giai cấp vô sản không chấp nhận sự thống nhất hành động nếu không có tự do thảo luận và phê bình".

Để duy trì và mở rộng dân chủ trong đảng, Lênin đã nêu ra các yêu cầu như: tổ chức ngày càng nhiều và ngày càng rộng rãi những hội nghị đảng viên, đi đôi với những biện pháp khác, nhằm phát huy tính chủ động của các đảng viên; lập ra những cơ quan văn đàn có khả năng thực hiện một cách có hệ thống và rộng rãi hơn nữa việc phê bình những sai lầm của đảng và nói chung phê bình trong nội bộ đảng; thảo ra những quy tắc, biện pháp xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng trong tổ chức bộ máy của đảng…

Mở rộng và phát huy dân chủ trong đảng là một yêu cầu tất yếu nhằm phát huy sức mạnh trí tuệ của từng đảng viên và của toàn đảng, bảo đảm cho đảng là đội tiền phong chính trị của giai cấp, đủ sức hoạch định những chủ trương, đường lối cách mạng đúng đắn và sáng tạo...

  • TS Dương Trung Ý
    Tiêu đề và các tiêu đề nhỏ do tòa soạn đặt

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,