221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1268421
Khai thác khoáng sản: Không để mỗi tỉnh là một vương quốc
1
Article
null
Khai thác khoáng sản: Không để mỗi tỉnh là một vương quốc
,

- Thảo luận về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) sáng nay (18/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tán thành hạn chế việc phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản cho địa phương, mà quản chặt ở trung ương.

Tiết kiệm cho con cháu

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận "mở màn" với đề nghị dừng hẳn việc cho khai thác khoáng sản thô, bởi "khoáng sản đã khai thác đi thì phần lớn không tái tạo lại được. Nếu thế hệ chúng ta cứ khai thác tràn lan thì các thế hệ sau sẽ ra sao? Cha ông ăn hết, con cháu lấy gì mà ăn?".

Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng hỏi thêm: "Trước ta xuất khẩu dầu thô, giờ xây được nhà máy lọc dầu rồi thì có phải nhập dầu thô không? Rất cần chiến lược tiết kiệm, đừng khi thì xuất thô, khi lại nhập siêu".

Khai thác bô-xít.
Khai thác quặng sắt ở mỏ Quí Xa. Ảnh: Báo Lào Cai

Tinh thần của Luật sửa đổi được rất nhiều ĐB tán thành, khi hạn chế việc phân cấp quản lý cho địa phương, mà quản chặt ở trung ương, bởi "nếu phân cấp quản lý thì mỗi tỉnh sẽ thành một vương quốc, mà loạn sân golf chính là một bài học", như lời Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận.

Với hàng chục năm kinh nghiệm quản lý tại địa phương, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn hưởng ứng việc tập trung quản lý ở trung ương để có chiến lược, quy hoạch chung, tránh việc khai thác tự phát bừa bãi. Ông Đàn chỉ đưa kèm đề nghị lần sau Chính phủ sẽ trình luôn quy định để đấu giá, bởi "từ khi sửa Luật năm 2005 đã nhắc chuyện đấu thầu mà đã có hướng dẫn thực hiện đâu?"

Đồng tình việc trung ương quản lý cấp phép nhưng Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị luật phải thiết kế cơ chế giám sát thật rõ ràng, chứ không thể tất cả trông chờ vào thanh tra, vì không thể có đủ người rải khắp nơi.

Theo ông Phước, rất cần đề cao vai trò của địa phương, đặc biệt là cấp xã, cấp huyện trong việc giám sát các hoạt động thăm dò cũng như khai thác chính thức, với những khoáng sản đặc biệt quan trọng thì phải giám sát cả quá trình chế biến, sử dụng, "tránh tình trạng trong giai đoạn thăm dò đã khai thác ồ ạt, dân và chính quyền cơ sở phát hiện thấy mà không làm gì được".

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình kiến nghị với những khu vực trọng điểm về quốc phòng, an ninh thì khi quyết định thăm dò, khai thác phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng, "Như với khu vực Tây Nguyên, kể cả những khu đất không dành cho Quốc phòng nhưng nếu thấy có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh - quốc phòng thì vẫn phải cân nhắc có cấp phép hay không", ông Bình thẳng thắn.

Bộ trưởng TN-MT chịu trách nhiệm

Một vấn đề được tập trung thảo luận là cơ chế để tăng nguồn thu cho nhà nước từ khoáng sản, để người dân vùng có tài nguyên được hưởng lợi, chứ không để tài nguyên khoáng sản là sở hữu toàn dân, giao cho nhà nước quản lý mà lợi ích chảy hết vào một số tổ chức cá nhân được quyền khai thác.

Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã kể nhiều doanh nghiệp tư nhân hỏi ông có quen với Bộ trưởng TN - MT hay chủ tịch UBND tỉnh nào không, xin hộ giấy phép khai thác khoáng sản. "Nếu được, có khi tôi cũng được mấy tỷ? Từ tài sản chung mà chỉ cấp một giấy phép đã thành tài sản riêng sao?", ông Nhã băn khoăn.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba yêu cầu phải phân biệt rõ ràng hai hoạt động thăm dò và khai thác. Bà đề nghị đối với các khoáng sản thông thường, nhà nước nên trả tiền thuê công ty thăm dò riêng để biết giá trị trữ lượng của mỏ, có cơ sở minh bạch để đấu giá quyền khai thác, tạo khoản thu cho nhà nước. Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh việc phải rất chặt chẽ trong các điều khoản về việc chuyển nhượng quyền khai thác.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên liên tục được nhắc tên khi các ĐB thẳng thắn yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chiến lược chung, Bộ Xây dựng hay Công thương chỉ làm những quy hoạch cụ thể theo đúng định hướng, "đoạn tuyệt" với các kiểu hội đồng, tư vấn để "làm sao để quyết định chính xác là trách nhiệm của Bộ trưởng".

Cần thanh tra chuyên ngành?

Nhiều đại biểu đề nghị nên đưa vào Luật cả quá trình chế biến tài nguyên, với tinh thần thể hiện quan điểm gìn giữ, tiết kiệm khoáng sản, như ĐB Trần Thế Vượng so sánh ta khai thác khoáng sản ồ ạt, lãng phí và làm thất thoát rất nhiều, trong khi Hàn Quốc thấy mỏ vàng thì đổ bê tông cốt thép để lại cho con cháu mai sau, Trung Quốc thậm chí mua khoáng sản thô của Việt Nam về đổ vào hốc núi lấp đi, Mỹ quyết tâm để giọt xăng cuối cùng của nhân loại phải cháy trên đất Mỹ.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên hứa sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của UBTVQH để điều chỉnh Luật theo hướng thu lớn nhất cho ngân sách nhà nước.

Ông còn đưa ra những thông tin rất hứa hẹn, như với việc thay đổi cơ chế, chính sách, nguồn thu từ khoáng sản có thể ngang với thu từ dầu khí (hiện nay mới chỉ đạt 3% GDP), bởi ta có nhiều mỏ tầm cỡ thế giới. Bô-xít từ dự đoán khoảng 5,5 tỷ tấn nay xác định có 11 tỷ tấn, có thể chế biến thành 1 tỷ tấn nhôm kim loại; titan đạt 600 triệu tấn, nếu chế biến sâu phải đạt tới ngàn tỷ đôla...

Để khắc phục tình trạng "tỉnh nào càng có mỏ nhiều, tài nguyên nước nhiều thì tỉnh đó càng nghèo, Luật sửa đổi chỉ quy định thêm phí đền bù tài nguyên khoáng sản để trả lại cho địa phương, bù đắp những mất mát về hạ tầng, môi trường, giải quyết vấn đề ổn định xã hội. Đây là ta học theo kinh nghiệm của nhiều nước như Trung Quốc, Phillipines", Bộ trưởng Nguyên giải thích về việc luật phải quy định nhiều khoản thuế, phí.

Với đề nghị không có riêng các điều khoản về thanh tra chuyên ngành, chỉ theo đúng Luật Thanh tra (sắp sửa đổi), Bộ trưởng Nguyên vẫn đề xuất: Với khoáng sản cần có thanh tra chuyên ngành để có hiệu lực mạnh hơn.

Luật Khoáng sản (sửa đổi) sẽ được QH cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp tới (khai mạc 20/5/2010).

  • Khánh Linh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,