221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1242368
Ngân sách: Nơi chi dễ dãi, nơi kiếm không ra
1
Article
null
Ngân sách: Nơi chi dễ dãi, nơi kiếm không ra
,

- Việc chi tiêu ngân sách có nhiều khoản dễ dãi, chưa minh bạch, rõ ràng là nhận xét của nhiều đại biểu QH khi thảo luận ở tổ sáng 23/10 về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2009; dự toán và phương án phân bổ ngân sách TƯ năm 2010.

>>Bội chi không nên quá 6% để ghìm lạm phát

Nhiều khoản chi khó hiểu

Từ buổi thảo luận sáng 22/10, đại biểu Trần Hồng Việt - ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, đã xới lên vấn đề Chính phủ dường như dễ dãi quá trong sử dụng ngân sách, đặc biệt với chương trình mục tiêu quốc gia.

12 chương trình, mặc dù là đầu tư để cộng đồng dân cư thụ hưởng, nhưng lại rải rác từ trên xuống dưới. TƯ giữ một "mớ", dưới địa phương một "mớ", làm tăng chi phí, hiệu quả dàn trải.

Các đại biểu QH thảo luận ở hội trường. ảnh TTXVN)
Các đại biểu Quốc hội ở hội trường. Ảnh: VA

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền dẫn chứng thêm, chương trình trồng 5 triệu ha rừng, năm nào cũng thấy Chính phủ báo cáo mà không biết hiệu quả trồng mới đến đâu hay nhìn ngoài thì rừng xanh, trong thì trống.

"Thà chuyển số tiền đó sang bảo vệ rừng hiện có còn hơn", ông nói.

Chính vì vậy, Trưởng đoàn ĐBQH Bình Thuận Huỳnh Văn Tý kiến nghị nên đánh giá lại các chương trình mục tiêu quốc gia, bởi số chương trình hiện nay nhiều quá, phân tán, không kiểm soát được. Ví như, chương trình phòng chống tội phạm tại sao tội phạm ngày càng tăng thay vì phải giảm đi; hay chương trình giảm nghèo, số hộ nghèo đã giảm, tại sao tiền chi cho chương trình vẫn tăng?

Còn nhiều khoản chi tiêu mà đại biểu QH cho rằng lãng phí, không rõ ràng, minh bạch mà Chính phủ cần phải giải trình trước QH.

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Lê Quốc Dung kiến nghị xem xét nguồn chi ngoài ngân sách 11.722 tỷ đồng và bội chi ngoài ngân sách. Ông cho rằng, nếu chỉ tính chi tiêu trong ngân sách sẽ không phải ánh hết việc chi - tiêu của Chính phủ. Khi đó, QH cũng rất khó kiểm soát.

Hay về gói kích cầu, Chính phủ báo cáo nguồn tiền đó không nằm trong ngân sách nên không phải xin ý kiến QH. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhận xét điều này là vô lý bởi tiền nào chẳng là tiền của dân, từ thu thuế mà ra. 

Hay chi lương cho CBCNV hiện nay một số ngành phụ cấp rất nhiều. Đáng lưu ý, các ngành đã giàu lại được phụ cấp cao như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... Ông kiến nghị Chính phủ nên rà soát lại vì đó cũng là lương, là thu nhập mà không minh bạch, rõ ràng. Thậm chí, có đơn vị giữ lại 2% lương mà chi không hết, có năm dư đến hơn 1.200 tỷ đồng.  

Tiền tiêu không hết còn xin phát hành thêm? 

Sang năm 2010, Chính phủ xin QH phát hành thêm 56.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Đặng Dũng cho rằng, cần tính toán lại vì bài học về phát hành trái phiếu năm 2009 còn nóng hổi.

Phát triển KT-XH là thước đo chọn cán bộ

"Tôi rất lo năm 2010, đại hội đảng các cấp, các nơi lại lo chuyện nhân sự, buông lỏng điều hành, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng. Phải lấy phát triển kinh tế - xã hội là thước đo cho sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thấy vai trò và trách nhiệm để lựa chọn những cán bộ xứng đáng thông qua chính công việc điều hành của mình".

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

"Năm nay, Chính phủ phát hành 36.000 tỷ đồng, sau đó bổ sung thêm 20.000 tỷ, chưa kể 8.000 tỷ từ năm ngoái chuyển sang. 64.000 tỷ đồng đó đến thời điểm này, Chính phủ cũng mới giải ngân được 52%. Từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 2 tháng, vậy có giải ngân hết không mà còn xin phát hành nhiều vậy?".

Đại biểu Trần Du Lịch (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM) thắc mắc, rõ ràng phát hành trái phiếu CP không được, nhưng vẫn thấy có tiền đầu tư. Thế thì tại sao phải đặt vấn đề xin phát hành trái phiếu? Ở đây có sự không rõ ràng trong việc cân đối dòng tiền.

Trên thì giải ngân trái phiếu không hết, dưới các địa phương vẫn kêu trời vì thiếu vốn. Chẳng hạn, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền dẫn chứng, tỉnh đang cần tới 2.000 tỷ đồng để xây trường học mà kiếm không ra, trong khi giáo dục - y tế là những lĩnh vực cần chi tiêu nhất.

"Tại sao vay tiền của dân, phải trả lãi mà vẫn không chi hết?", ông đặt câu hỏi.

Hay tại Bình Thuận, đại biểu Đào Xuân Nay nói rằng chi cho phòng chống thiên tai là rất đáng, ở ta cứ để thiệt hại rồi mới lo phòng chống. Điển hình như ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), sóng bão có đánh chìm hết tầu mới được cấp 50 tỷ đồng xây  khu neo đậu.

Ông kiến nghị Chính phủ trích 5.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu làm đê kè chắn sóng, khu neo đậu tàu thuyền cho từ nay đến 2015 tính đến năm 2020, tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng". Chỉ cần bố trí ngân sách, 3 năm dồn vào làm là ổn, đỡ khổ dân nghèo. 

Đừng làm tròn số cho đẹp

Đại biểu Trần Hồng Việt nghi ngờ con số bội chi mà Chính phủ kiến nghị cho năm tới 6,5%, bởi báo cáo thời gian qua thấy có nhiều con số rất đẹp. Chẳng hạn, năm ngoái QH đề nghị bội chi năm nay không quá 7%, bây giờ Chính phủ báo cáo thực hiện 6,9%. Song, thực chất việc đầu tư, chi tiêu có hiệu quả không?

Theo ông Trần Du Lịch, tại sao không giảm thu, thậm chí còn tăng thu mà vẫn bội chi đến 6,9%? Việc chi này phải chăng không chấp hành đúng chi ngân sách, cần làm rõ, bởi đây là kỷ luật ngân sách. Tổng chi không thể vượt được, trong khi đó lại tiếp tục bội chi.

Lý giải với các đại biểu QH, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, điều đáng mừng là đến nay, trong nợ của CP, nợ quốc gia không có khoản nợ nào chúng ta bị quá hạn mà không trả được. Đó là an toàn số một, vấn đề an ninh quốc gia về tiền tệ, còn tỷ lệ cao thấp cũng chỉ là một phản ánh.

Còn năm 2009, các đại biểu QH phản ánh tăng bội chi, nhìn vào khó giải thích, nhưng ông Ninh giải đáp, tổng thu thì vượt kế hoạch. Tuy nhiên, thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu không đạt kế hoạch mà phần này toàn bộ rơi vào ngân sách TƯ hưởng 100% nên "đương nhiên phải tăng bội chi".

Ông cũng giải trình về các khoản chi nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội mà nhiều dự toán ngân sách đầu năm khi trình QH không đưa vào. Nhưng trong quá trình thực hiện, CP đã báo cáo đưa vào như làm nhà cho người nghèo. Đây hoàn toàn là chính sách mới.

Hơn nữa, liên quan tiền lương, ông Ninh nói rằng, trong đề án, cần huy động cỡ 26.000 tỷ để lo tiền lương cho khối sự nghiệp, song thực tế chỉ lo được 1.000 tỷ đồng, tức ngân sách vẫn chủ yếu trả lương.

Trong khi đó, cơ cấu của đối tượng hưởng lương, tính theo lương ngân sách, khoảng 6 triệu người, chiếm 54-56% chi thường xuyên. Đối tượng trợ cấp xã hội cũng khoảng 1,4 triệu người. Do vậy, tiền lương tăng một đồng thì quỹ lương cực lớn.

"Cân đối ngân sách căng như vậy. Khi làm chính sách, đặc biệt cho năm 2009, nhằm khắc phục hậu quả suy giảm kinh tế, Chính phủ đã báo cáo QH, phải sau 4 - 5 năm, ngân sách mới trở về bình thường", ông nói. 

  • Hà Yên - Xuân Linh - Cao Nhật

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,