221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1049363
Hà Tây mong vùng sâu không bị bỏ quên sau sáp nhập
1
Article
null
Hà Tây mong vùng sâu không bị bỏ quên sau sáp nhập
,

 - Là nơi cuối cùng họp bất thường, sáng nay (31/3), HĐND Hà Tây đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc hợp nhất Hà Tây - Hà Nội để mở rộng địa giới Thủ đô. 100% đại biểu giơ tay nhất trí với chủ trương này, sau khi bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng.

Mô tả ảnh.
Đại biểu Hà Tây: "Người Thủ đô phải có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau". Ảnh: VA 

Còn hơn 9% hộ nghèo

"Mở rộng Hà Nội là chủ trương đúng của Đảng, cũng là nguyện vọng của nhân dân ở các địa phương. Ý kiến đồng tình nhiều, chưa đồng tình cũng có. Cá nhân tôi rất nhất trí với việc hợp nhất, nhưng trong lịch sử, một số huyện, xã của Hà Tây đã từng nhập rồi lại bị "trả về", nên tôi đề nghị hợp nhất thì phải ổn định, đoàn kết để phát triển", đại biểu huyện Chương Mỹ Nguyễn Đăng Kính nói.

Chủ tịch MTTQ tỉnh Bùi Xuân Hộ thẳng thắn: "Người dân băn khoăn nhất là về Hà Nội liệu có được lâu không. Hộ nghèo của chúng ta còn nhiều, trên 9%, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc lo lắng sau khi sáp nhập, liệu có được chính quyền quan tâm sâu sát không". 

Từng là bí thư huyện ủy Chương Mỹ, trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, đại biểu Nguyễn Trường Tiền chia sẻ băn khoăn này. Trước đây, Chương Mỹ đã từng có hai xã Tiên Phương và Phụng Châu nhập về Hà Nội rồi lại tách ra. Ông Tiền cho biết: "Hai xã về Hà Nội không được quan tâm nhiều. Núi Trầm - một di tích lịch sử - bị phá nát bét, đường sá khi trở về Hà Tây mới được củng cố".

"Đề nghị sớm công bố quy hoạch Vùng Thủ đô cũng như quy hoạch Hà Nội để các huyện, xã sớm biết đâu sẽ là đô thị, đâu là khu công nghiệp, khu nông nghiệp, nhằm không làm chậm tốc độ tăng trưởng".

Nguyễn Xuân Lĩnh, đại biểu huyện Hoài Đức.

"Dân nghĩ là hầu như Thủ đô quan tâm nhiều hơn đến đô thị, các quận nội thành chứ ngó ngàng gì đến nơi xa xôi. Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh phải đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm. Dù không thể cào bằng, nhưng người dân Thủ đô phải có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Về Thủ đô thì dân phải được gì, chứ nếu không bằng khi ở Hà Tây thì không ổn", ông Tiền nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Lĩnh, đại biểu huyện Hoài Đức - nơi từng có 6 huyện sáp nhập về Hà Nội trong 12 năm (1979 - 1991) tâm tư: "Hà Nội phải có chính sách với ngoại thành, không nên chỉ tập trung cho nội thành. Phải giữ được tốc độ tăng trưởng và thu hút đầu tư nước ngoài mà Hà Tây có".

Cán bộ không phải ai cũng thông suốt

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Cường: "Việc hợp nhất sẽ đặt ra những khó khăn, thách thức lớn, thậm chí rất lớn". Ảnh: VA

Đại biểu Nguyễn Trường Tiền đề nghị "xem xét thấu đáo" công tác tổ chức cán bộ. "Có người nói hợp nhất xong, khả năng chủ yếu là cán bộ Hà Tây chỉ làm cấp phó thôi. Trách nhiệm của chúng ta và của Hà Nội là phải đoàn kết, công tác tổ chức phải công bằng, hợp lý".

Đại biểu Bùi Xuân Hộ cũng cho hay, cán bộ tỉnh có nhiều tâm tư. "Trụ sở Hà Nội chật hẹp như thế, làm việc thế nào? Đi lại mất cả tiếng đồng hồ, làm việc, họp hành giờ giấc có đảm bảo không? Từ trước đến nay vẫn về nhà ăn trưa, nay đi họp sẽ phải ăn cơm "bụi". Cán bộ không phải ai cũng thông suốt, nên cần được quan tâm về tư tưởng".

Ý kiến của các đại biểu HĐND được Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận. Ông Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, ngoài cơ hội phát triển, việc hợp nhất sẽ đặt ra "những khó khăn, thách thức lớn, thậm chí rất lớn" mà cả Hà Nội mở rộng phải có trách nhiệm tập trung tháo gỡ. 

Ông Cường cam kết sẽ cùng Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo Trung ương nội dung những băn khoăn nêu trên, đồng thời tin tưởng "Với nguồn nhân lực mới, những kinh nghiệm rút ra từ những lần tách, nhập cộng với sự quan tâm của Trung ương, Thủ đô mở rộng sẽ ngày một phát triển".

  • Vân Anh 

     

     

     

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,