221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1006848
Phó Thủ tướng: Chỉ số giá cả khó thấp hơn tăng trưởng
1
Article
null
Phó Thủ tướng: Chỉ số giá cả khó thấp hơn tăng trưởng
,

(VietNamNet) - "Ta không lường hết được tốc độ tăng giá xăng dầu trên thế giới. Khi Thủ tướng đọc báo cáo trước Quốc hội đầu kỳ họp, giá dầu chỉ 80 USD/thùng, nay đã gần 100 USD. Có thể, khó đạt mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng kinh tế". Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trầm hẳn giọng trước Quốc hội, kết thúc 2 ngày rưỡi trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ.

a

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng.

"Tại sao ta phải bù lỗ cho cả Đông Dương?" 

Thay mặt Thủ tướng, ông Nguyễn Sinh Hùng báo cáo với Quốc hội (QH) những diễn biến mới nhất trong phát triển kinh tế. 

"Chính phủ đã báo cáo với QH tình hình 9 tháng đầu năm, nhưng trong suốt quá trình QH họp, đã có những diễn biến phức tạp hơn: lũ lụt liên miên và giá nguyên nhiên liệu tăng cao trên thế giới".

Sau khi nêu những thiệt hại mà "báo cáo của Chính phủ chưa lường hết" do lũ lụt gây ra về người (hơn 300 người chết) và của (thống kê ban đầu 7.700 tỷ, bằng gần 1% GDP), Phó Thủ tướng trầm hẳn giọng khi nói đến tốc độ phi mã của giá xăng dầu trên thế giới. 

"Khi Thủ tướng đọc báo cáo trước QH đầu kỳ họp, giá dầu chỉ 80 USD/thùng, nay đã gần 100USD. Điều này ảnh hưởng tất cả mọi hoạt động không chỉ của nước ta mà cả trên thế giới, như Trung Quốc láng giềng cũng chịu không nổi, họ dự báo lạm phát 4-5%, nay đã là 6%".

Phó Thủ tướng thông tin với các đại biểu rằng, Tổ chức Dầu mỏ Thế giới OPEC đã kết luận sẽ không tăng sản lượng, nếu chính trị biến động xấu thì có thể giá dầu sẽ tăng tới 200 USD/thùng. "Đây là điều chúng ta dự báo chưa hết được".

Ông Sinh Hùng nêu rõ quan điểm của Chính phủ: "Giá cả là một chỉ tiêu thể hiện tổng hợp nhất của nền kinh tế thị trường, nếu giá dầu lên mà hạ thuế thì thất thu ngân sách, lại tiếp tục bù lỗ, toàn bộ nền kinh tế sẽ bị méo mó, trong khi sức của ta có hạn. Bù lỗ thực chất là làm sai lệch hiệu quả nền kinh tế, làm chênh lệch giá giữa ta và nước ngoài. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gọi điện tới Chính phủ, hỏi tại sao lại bù lỗ cho cả Đông Dương, nay cả Trung Quốc nữa. Sức đâu mà làm như vậy". 

ĐB Vũ Hoàng Hà (Bình Định) thẳng thắn hỏi Phó Thủ tướng: "Chính phủ tiên lượng đến cuối năm nay có thể đạt GDP 8,5% hay không, có thể kiềm chế chỉ số giá cả dưới mức GDP không?".

Thủ tướng thừa nhận: "Khả năng đạt 8,5% là có thể, còn chỉ số giá cả dưới mức tăng trưởng thì khó, bởi ta không tính tới giá cả thế giới tăng nhanh như vậy, còn chủ quan thì chúng ta hết sức tích cực rồi".

2/3 nông dân phải trở thành công nhân, trí thức

Giải đáp chất vấn của các đại biểu về khoảng cách phân hóa giàu nghèo ngày càng doãng ra giữa nông thôn và thành thị, Phó Thủ tướng ưu tư: "Công nghiệp hóa là quá trình tất yếu phải đi, dù có thể có hậu quả nếu làm không tốt, như ảnh hưởng với môi trường hay bần cùng hóa nông dân. Nhưng chính sách của Chính phủ là phải đảm bảo an ninh lương thực, không chỉ cho 85 triệu dân bây giờ mà phải tính tới 100-120 triệu, phải quy hoạch sử dụng đất đai trồng cây lương thực cho tốt". 

Ông Hùng chỉ rõ nhiệm vụ phải quy hoạch phát triển các vùng, đưa khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp để nâng cao năng suất, sản lượng: "Không còn con đường nào khác, phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp".

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, muốn xóa đói giảm nghèo, nâng cao tăng trưởng một cách bền vững, phải đô thị hóa dần nông thôn, đưa về đây công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ, và điều cốt yếu, phải chuyển 2/3 lực lượng nông dân thành giai cấp công nhân và trí thức, nhờ đào tạo.

"Người giàu phải giàu lên, người nghèo phải giàu nhanh"

"Lấy người nghèo làm trung tâm công cuộc xóa đói giảm nghèo" chính là một chủ trương lớn được ông Hùng nhấn mạnh trước QH.

"Điều chúng ta không mong muốn là khoảng cách giàu nghèo có xu hướng tăng, nhưng vấn đề là giải quyết thế nào. Ta chưa có nhiều người giàu, tỷ phú, triệu phú đô la đâu, cũng chưa có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, nên suy nghĩ chiến lược lâu dài là người giàu phải giàu lên, nghèo thì phải giàu nhanh".

Phó Thủ tướng khẳng định, ngoài việc "giúp người nghèo tự vươn lên thoát nghèo", Nhà nước phải hỗ trợ về hạ tầng: Phát hành trái phiếu, tăng đầu tư làm đường giao thông, công trình thủy lợi, bệnh xá, trường học. 

"Khi giá cả có biến động, đối tượng nào không chịu đựng được thì Nhà nước phải có chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội để đối mặt với rủi ro, nhất là thiên tai, lũ lụt", ông Hùng khẳng định.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, sẽ quy hoạch tốt hơn dân cư vùng lũ, nhằm cải thiện khả năng chống đỡ với thiên tai của những vùng này.

Đề án 112: "Bài học sâu sắc của Chính phủ" 

Dù chỉ nhận được một chất vấn của ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) về trách nhiệm của lãnh đạo Chính phủ đối với những sai phạm của Đề án 112, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vẫn trả lời vì cho đây là "vấn đề lớn".

Ông Hùng nói: Chính phủ đã kiểm điểm nghiêm túc, thấy có một số sai lầm và nhận trách nhiệm của mình.

"Đây là đề án lớn, dự toán 3.800 tỷ đồng, lại là một lĩnh vực mới, Chính phủ chưa có kinh nghiệm, nhưng đã chọn cơ quan là Văn phòng xây dựng và tiến hành dự án. Điều này là quá sức của Văn phòng Chính phủ, vốn là cơ quan tham mưu, tổng hợp, giúp việc, không hiểu sâu vấn đề tin học hóa".

Ông Hùng cũng thừa nhận sai lầm trong công tác chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và Chính phủ, đã buông lỏng quản lý, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát.

"Thủ tướng và Chính phủ nhận trách nhiệm và đã kiểm điểm nghiêm túc, xem đây là bài học sâu sắc", ông Hùng nói.

Ông cũng khẳng định, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ những đối tượng sai phạm và sẽ xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

  • Vân Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,