221
450
Bạn đọc
bandocviet
/bandocviet/
1318979
Bằng tình yêu vượt qua những mê muội của "tiên nâu"
1
Article
null
Bằng tình yêu vượt qua những mê muội của 'tiên nâu'
,

Mường Hum (Bát Xát, Lào Cai) là miền đất được từng được coi là “thiên đường của thuốc phiện”. Nơi này từng có số người nghiện thuốc phiện nhiều hơn người thường. Không ít những vợ chồng nghiện, gia đình mấy đời nghiện… Nhưng bằng một nghị lực lớn lao không ít cặp vợ chồng đã “dắt tay nhau qua những mê muội, mụ mị của nàng tiên nâu”.

Tình yêu là... nguồn cơn nghiện?

Mô tả ảnh.
Chợ Mường Hum nơi mà trong kí ức của những người trung tuổi trong vùng việc mua bán thuốc phiện diễn ra rất tấp nập
(ảnh nguồn Internet)

Có rất nhiều cặp vợ chồng ở trong huyện vùng cao Bát Xát đều nghiện. Họ ở rải rác ở các xã Mường Hum, Y Tý, Trình Tường. Phần lớn lý do khiến họ nghiện bắt nguồn từ tập tính sống và suy nghĩ về tình cảm của người ở vùng cao.

Trong cuộc sống vợ chồng “đầu ấp tay kề” chỉ một lời rủ rỉ “cùng hút với anh”, hay mạnh hơn là lời thúc dục “hút cùng đi cho khỏe người” thế là đủ để kéo những cặp vợ chồng đến gần chiếc bàn đèn và say sưa với khói thuốc phiện.

Một cán bộ ở bản, người tận tâm sống cùng những năm tháng dài đằng đẵng chìm trong thuốc phiện ở vùng cao này nói với chúng tôi: Mường Hum có 4, 5 cặp vợ chồng nghiện. Có nhiều gia đình có 3 người ở hai thế hệ cùng nghiện…

Từ thói quen của phụ nữ là... không cưỡng lại lời chồng

Kí ức thuốc phiện ở mảnh đất Mường Hum này hiện nên trong ông Tẩn Phù Ngan rất rõ. Ông bồi hồi kể lại: “Tôi đi vào rừng chỗ nào cũng thấy thuốc. Nương thuốc phiện nhiều hơn nương thảo quả. Thuốc phiện cho lá nấu canh, cho nhựa để hút…”

Ông Tẩn Phù Ngan lấy vợ từ khi rất trẻ. Lúc đó ông 16 tuổi, vợ ông là Tẩn Kim Lù 17 tuổi. Sự chênh lệch về tuổi tác ấy không làm cặp đôi này thiếu con và ít hạnh phúc, họ có đến 6 người con.

Mô tả ảnh.
Cặp vợ chồng ông Ngan bà Lù, may mắn cai được nghiện mà chưa tái nghiện trong vùng (ảnh T.Phan)

3 năm đầu lấy nhau họ chưa nghiện, nhưng khi cả hai vợ chồng đã ngoài 20 tuổi, những đêm giá rét ở vùng cao này ông Ngan nằm cạnh đèn bàn kéo hơi lửa và hút thuốc. Khi ấy không quên rủ rỉ với bà Lù… vì thói quen không cưỡng lại chồng nên bà cũng hút cùng.

Vài ba lần như vậy, cùng với những ngày đi làm vất vả về bị trật khớp hay đau xương lại nhờ thuốc phiện xoa dịu. Thế là cả vợ chồng ông Ngan và Lù đều hút … Từ những năm 1970, ông Ngan và bà Lù đã nghiện, trong khoảng thời gian kéo dài là gần 30 năm, cả hai vợ chồng luôn luôn gầy quắt queo, mắt trũng sâu, sức khỏe sút kém.

Khi nhà nước có chủ trương phá cây thuốc phiện thì ông Ngan và bà Lù nghèo đi, vì cả hai vợ chồng đều đã nghiện lâu năm. Làm ra ngô, gạo thì đều để đổi thuốc phiện, đồ đạc trong nhà nếu có thì họ cũng bán đi để mua thuốc phiện.

Cái khổ sở tủi hờn ấy không chỉ ảnh hưởng đến đời ông bà mà ảnh hưởng đến cả đời con: “6 đứa con đều đi ở rể, làm dâu cả bởi nhà tôi không lo được cho chúng, không có đất tỉa hạt, không có trâu bò cày kéo, không có gạo ngô trong nhà...”, ông Ngan rầu rĩ nhớ lại.

Cai nghiện khổ sở nhưng làm được vì… tình

Mô tả ảnh.
Cai được nghiện mà còn hóm hỉnh hơn nhiều: “Tôi vẫn hút nhưng mà là hút thuốc lào" (ảnh T.Phan)

Một cán bộ xã ở Mường Hum có kinh nghiệm cai nghiện cho nhiều người thuộc các dân tộc khác nhau đã đúc kết với chúng tôi: Người ở bản sống rất tình cảm, khi xa nhà không biết tình hình người thân, không biết tin tức từ gia đình nên họ rất nôn nóng, nên hay phá phách và trốn cai. Vì thế muốn cai nghiện hiệu quả thì biện pháp tốt nhất là không tách họ ra xa cộng đồng đang sống để họ có động lực và toàn tâm cai nghiện.

Sau khi cai nghiện, nếu không có vốn để làm kinh tế thì họ sống quẩn quanh và dễ trở lại con đường cũ, nếu được hỗ trợ vốn để làm ăn, thì họ sẽ có động lực để duy trì kết quả cai nghiện.

Ông Ngan và bà Lù đi cai nghiện cùng một đợt, với cùng một quyết tâm “phải cai nghiện để thoát nghèo” và cùng kí cam kết với ban quản lý dự án cai nghiện tại xã là sẽ nghiêm túc chấp hành quy định khi cai.

10 ngày đầu tiên cai nghiện, hai vợ chồng nhìn nhau dại cả hai con mắt. Vật vã khổ sở thế nhưng dần tốt hơn, cắt được cơn và dần quên được ma túy. Bà Lù động viên ông Ngan và ngược lại… Sau 10 ngày đầu kinh hoàng, họ dần quên thuốc phiện, sau 3 tháng trở lại cộng đồng, họ đã dần từ bỏ được cơm đen.

Khi trở về nhà, túp lều hơ huếch là điều họ sợ nhất. Thế nhưng vì sự giúp đỡ của một dự án cai nghiện tại cộng đồng được tổ chức tại Mường Hum, họ được giúp dựng lại nhà kiên cố hơn, ngôi nhà dần có lửa…

Đến nhà Tẩn Phù Ngan vào 1 ngày của tháng 11, sau mấy năm cai nghiện ông béo hơn nhiều, ông nhắc lại hồi ức ma túy: “Ngày ấy tôi cứ hút, ra véo một ít thuốc hút, vào véo một ít thuốc hút… Nhà vừa nghèo, bụng vừa đói. Bây giờ đã khác, tôi có đàn lợn, con gà ở góc sân.

Khi tôi xin chụp ảnh cả hai vợ chồng, họ đều ngượng ngịu. Bà Lù bảo phải chờ bà mặc bộ quần áo mới của dân tộc bà, còn ông Ngan thì nhất định phải đi tìm cho được cái mũ của người Dao. Nụ cười của họ cũng tươi hơn nhiều so với cái thời u ám chìm trong cơm đen.

Khi chúng tôi ra về, ông Ngan còn biết nói bông đùa: “Bây giờ tôi cũng hút, nhưng là hút thuốc lào thôi”.

  • Q.Lê Thanh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,