,
221
8621
Ambassador
ambassador
/ambassador/
1005838
Linh mục Nguyễn Đình Thi và hành trình đi tìm hạnh phúc
1
Article
null
,

Linh mục Nguyễn Đình Thi và hành trình đi tìm hạnh phúc

Cập nhật lúc 13:58, Thứ Sáu, 16/11/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Triết gia Teihard de Chardin có nói “Chúng ta còn đang ở bình minh của nhân loại”. Còn đang ở bình minh nên điều quan trọng là phải nhìn về tương lai với một cái nhìn lạc quan. Linh mục Nguyễn Đình Thi đã luôn lạc quan trong bất kỳ hoàn cảnh nào, điều đó là hành trang để ông bước vào cuộc sống khi còn trẻ tuổi và làm việc có ích cho đời và cho đất nước đến hôm nay. Linh mục Nguyễn Đình Thi hiện đang là Chủ tịch Hội Huynh đệ tại Pháp.

Người lữ hành lặng lẽ

Linh mục Nguyễn Đình Thi

Trở lại hơn 50 năm về trước, khi ở tuổi 18 – 20, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Thi từ vùng quê Hương Khê (Hà Tĩnh), trôi dạt theo dòng người từ Hải Phòng vào Nam mưu sinh. Vừa kiếm sống, vừa học thi hết Tú tài 1 đến Tú tài 2, đi dạy kèm kiếm tiền vào buổi sáng, buổi chiều học Văn khoa và Luật khoa ở Sài Gòn. Năm 1961, Nguyễn Đình Thi tốt nghiệp cả hai trường Đại học và nhận được học bổng sang Pháp du học. Ông vừa học Thần học, vừa theo học đại học Sorbonne.

Trước khi trở thành Linh mục, ông cũng có tình cảm bình dị như bao người khác.  Linh mục Nguyễn Đình Thi giải thích cho sự chọn lựa “con đường đi” của riêng mình: ông biết vượt lên tình cảm cá nhân của tình yêu đôi lứa và trên hết, ông muốn dành tình cảm lớn lao hơn cho nhiều người. Vì thế, ông đã quyết định trở thành Linh mục.

Năm 1965, ông thụ chức Linh mục tại nhà thờ Đức Bà Paris, được bổ nhiệm Cha phó ở quận Paris 15. Năm 1966, bảo vệ xong luận án Tiến sĩ Triết học tại đại học Sorbonne, ông tiếp tục theo học Cao học về Nhân chủng học và Dân tộc học. Cũng trong năm này, ông được Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp mời làm chuyên viên nghiên cứu khoa học xã hội. Ông bắt tay vào thực hiện những mơ ước và hoài bão lớn lao - cùng góp sức cho hoà bình của đất nước. Từ năm 1963, ông đã cùng bạn bè có được Trung tâm liên lạc văn hóa Âu Á, tiền thân cho việc thành lập Hội Huynh đệ. Công báo của nước Cộng hòa Pháp ngày 25.2.1967 đã ghi: Hội Huynh đệ là một tổ chức phi Chính phủ được thành lập từ tháng 2 năm 1967 do một số người Việt Nam du học tại Pháp thuộc tín ngưỡng, thành phần xã hội khác nhau.

Tên gọi đầu tiên của Hội Huynh đệ là Hội Văn hóa xã hội Âu Á ( Association Socio – Culturelle Europe Asie) với mục tiêu hoạt động nhằm mục đích vận động cứu trợ nạn nhân chiến tranh. Về sau đổi tên là Hội Huynh đệ Âu Á, ở Việt Nam là Hội Huynh đệ Việt Nam. Hội hoạt động với mục đích phục vụ lợi ích của đất nước Việt Nam và phát huy sự hiểu biết giữa các dân tộc Âu Á. Trong 2 năm 1967 – 1968, Hội Huynh đệ tổ chức nhiều buổi văn nghệ quyên góp lấy tiền cứu trợ nạn nhân qua tổ chức Hồng Thập tự quốc tế.

Năm 1968, từ Pháp ông về thăm Việt Nam. Trước khi về nước, người thân ở Sài Gòn nhắn tin cho ông không nên về, sẽ rất nguy hiểm, vì có tin đồn ông là Cộng sản. Nhưng với mục tiêu vận động cho hòa bình của Hội Huynh đệ, bất chấp hiểm nguy, ông quyết định về nước. Trong một đêm khuya thanh vắng, tại khu vực gần nhà thờ Ba Chuông, ông bị quật ngã từ trên chiếc xe gắn máy cũ kỹ xuống đất bởi một chiếc dây thòng lọng bí mật chờ sẵn. Ông gượng đứng lên cố tìm đến bệnh viện. Kết quả, hai chiếc xương sườn bị gãy và nhiều vết trầy xước trên người. Mật vụ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn theo dõi ông, lặng lẽ ông tìm cách trở về nước Pháp. Thời đó, báo chí Sài Gòn rộ lên những bài viết: Hiện tượng Nguyễn Đình Thi, Linh mục Nguyễn Đình Thi là cộng sản…

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, năm 1969, cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã đi vào giai đoạn quyết liệt. Hội quyết định dấn thân vào con đường đấu tranh cho hòa bình, độc lập và hòa hợp giữa các dân tộc. Tại Pháp, ngày 20.5.1969, thay mặt cho 20 linh mục trong và ngoài nước, linh mục Nguyễn Đình Thi đã gửi đi khắp nơi bức thư ngỏ với tiêu đề “Phúc âm cho những người xây dựng hoà bình”. Trong thư, linh mục đã viết: ”…Máu sẽ ngừng chảy. Tiếng bom đạn sẽ hết. Những người Việt Nam sắp sống cho những ngày giờ tốt đẹp nhất của lịch sử và làm chủ tương lai mình. Còn gì đáng vui hơn. Hận thù sẽ được xoá bỏ. Tình yêu sẽ là động lực kiến thiết xứ sở…Hòa bình sắp đến. Hoà bình phải đến. Chỉ còn một đoạn đường nữa cần đi là cùng nhau phá tan những chủ trương kéo dài chiến tranh, cùng nhau chuẩn bị đón nhận và đảm bảo hòa bình…”.

Hoạt động vì một đất nước hòa bình

Ngày 3.9.1969, tin buồn của Việt Nam được phát trên đài phát thanh “…Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần”. Ở trong nước, nhân dân cả nước rơi lệ ’Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa..." . Một tuần lễ sau đó tại Pháp, ngày 9.9.1969, theo sáng kiến của Nhóm Công giáo Việt Nam hải ngoại của linh mục Nguyễn Đình Thi, tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Quốc tang của Việt Nam. Thánh lễ cầu cho sự an nghỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cho một nền hoà bình thực sự của Việt Nam tại nhà thờ Saint Lambert de Vaugirard ở Paris với hơn 300 người tham dự, trong đó có đông đảo người Pháp. Thánh lễ ngày 9.9.1969 là cơ hội để linh mục Nguyễn Đình Thi thiết lập những quan hệ với các chiến sĩ cánh tả trong giới Kito giáo Pháp và còn kéo dài về sau. Đối với những người Pháp đã tham dự, còn là sự khởi đầu cho một định hướng hoạt động mới của họ bằng cách liên hệ chặt chẽ hơn với VN.

Trong những năm 1972 – 1973, cùng với các tổ chức tiến bộ trên thế giới, Hội Huynh đệ do linh mục Nguyễn Đình Thi làm chủ tịch đã vận động quốc tế ủng hộ lập trường VN và đã phối hợp tổ chức ba hội nghị Quốc tế vận động cho hòa bình ở VN:1971 tại Paris, 1972 tại Québec (Canada), 1973 tại Turin (Ý). Từ năm 1973 – 1974, hoạt động cho việc thi hành Hiệp định Paris hòa hợp, hoà giải dân tộc, Hội đã đấu tranh đòi thả tù chính trị bẳng nhiều biện pháp như đón đoàn chính trị vừa được thả từ Lộc Ninh sang Pháp, tổ chức cho họ trở về khi Sài Gòn giải phóng, tổ chức Đại hội quốc tế đòi thả thù nhân chính trị ở miền Nam Việt Nam quy tụ hơn 100 tổ chức thuộc 20 nước, xuất bản một quyển sách tiếng Pháp dày 400 trang đầy đủ nhất về tù chính trị trong thời kỳ này với tựa đề “Saigon, un régime en question” (Sài Gòn – một chế độ có vấn đề).

Trò chuyện cùng Linh mục Nguyễn Đình Thi để rồi tôi hiểu thêm về sự dung dị của con người này với sự nhạy cảm, trí thông minh, và ý chí của một thời trai trẻ cùng với mục đích sống cao cả của ông. Ông chia sẻ: “Tôi biết mình đang ở đâu, biết mình đang làm gì trong lúc đất nước bị chiến tranh. Tôi mong muốn đất nước hoà bình, từ nước ngoài tôi có thể đóng góp như thế nào cho VN. Từ suy nghĩ đó, tôi muốn góp phần tranh đấu, vận động cho VN hoà bình trên quốc tế, để bạn bè quốc tế hiểu VN hơn”.

Vì một Việt Nam hòa bình và hàn gắn vết thương chiến tranh

Ngay sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng 30.4.1975, ông cùng Hội Huynh đệ phát động chiến dịch “Một máy bay cho Đà Nẵng” nhằm vận động thuốc men quần áo cho nhân dân sau chiến tranh. Hành động đó như lời nhắn gửi “Thế giới không quên Việt Nam và sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam”. Máy bay đã bay qua Lào đưa hàng viện trợ vào Hà Nội rồi đưa về Đà Nẵng. Tháng 12.1945, Hội đã tổ chức ở Paris một Hội nghị quốc tế hàn gắn vết thương chiến tranh và kiến thiết Việt Nam mời các tổ chức đã ủng hộ Việt Nam trong thời chiến góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Từ trong đại hội này, nhiều tổ chức quốc tế bắt tay vào việc giúp đỡ Việt Nam đặc biệt là tổ chức Tương trợ Tin Lành Thụy Sĩ HEKS. Sau hội nghị, Hội Huynh đệ Việt Nam đã giúp 6 trường mầm non (trẻ mồ côi khuyết tật) các tổ chức tiểu thủ công nghiệp ở TP.HCM, nông trường Củ Chi, bệnh viện da liễu, nhà thương Hồng Bàng.

Năm 1978, lúc dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam có phần lắng xuống chung quanh vấn đề học tập cải tạo, Hội Huynh đệ Việt Nam cùng với HEKS đã tổ chức Đại hội Quốc tế lần 2 tại Zurich để vận động các tổ chức và nhân dân thế giới tiếp tục giúp đỡ Việt Nam. Sau hội nghị, Hội đã gửi tặng UBND TP Hà Nội 5 xe buýt tân trang của Thụy Sĩ và một số phụ tùng thay thế để trùng tu 5 đầu máy xe lửa (hơn nửa triệu quan Pháp) góp phần vào việc phục hồi đường sắt Việt Nam.

Năm 1980, theo đề nghị của ông Võ Văn Kiệt – Nguyên Thủ tướng nước VN, Hội đã cộng tác với lực lượng thanh niên xung phong giúp đỡ các Trường Giáo dục lao động Công - Nông nghiệp Tân Phú, Xuyên Mộc, Duyên Hải  và tiếp đến là Nhị Xuân. Cùng với HEKS, Hội đã xây dựng nhà văn hóa, nhà trẻ và đặc biệt giúp thanh niên xung phong xây dựng cơ sở sản xuất giấy. Năm 1983, cùng với bác sĩ Nguyễn Tài Thu, Hội đã vận động thành lập Viện Châm cứu Việt Nam tại Hà Nội. 

Sau khi có chính sách đổi mới của Nhà nước VN, từ năm 1986, ngoài các chương trình nhân đạo, hội đã chủ trương đóng góp vào sự phát triển của đất nước bằng các chương trình dài hạn, đi vào chiều sâu.

Như bao người Việt Nam yêu nước khác, linh mục Nguyễn Đình Thi nhìn lại cuộc chiến tranh đã qua của đất nước mình: “Đất nước VN là một đất nước nhỏ bé. Cách đây một thế kỷ, đa số nhân dân thế giới không biết có nước VN. Các cường quốc nghĩ sai rằng đô hộ một nước như VN là điều quá dễ. Họ không ngờ rằng từ đầu công nguyên, đất nước này đã có những người anh hùng, đã có nền văn hóa. Và cuộc chấm dứt chiến tranh vừa qua cho thấy đâu là sức mạnh của một dân tộc. Ngày nay VN gần như ở đâu cũng biết tới".

“Thất thập cổ lai hy”… và hành trình đi tìm hạnh phúc

Là người âm thầm hoạt động cho hòa bình và làm việc thiện, hơn ai hết, linh mục Nguyễn Đình Thi hiểu giá trị của sự âm thầm. “Trong âm thầm, trong bền bỉ, nước VN mới có ngày hôm nay. Người Việt đi ra nước ngoài có thể ngẩng cao đầu và không còn mặc cảm của dân tộc nô lệ. Chúng ta có thể tự hào là đã làm cho Mỹ rút quân về nước, khôi phục độc lập. Nhưng chúng ta  còn rất nhiều người chưa thoát cảnh đói nghèo. GDP chúng ta còn thấp, chưa bằng các nước khác như Na Uy, Thuỵ Điển”….

Đưa bưởi Phúc Trạch "xuất ngoại" - một cách làm cho người nông dân bớt khổ của linh mục Nguyễn Đình Thi

Năm nay Linh mục đã vượt qua tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn không ngừng hoạt động, mặc dù sức khoẻ yếu kém chất lên đôi vai gầy gò, chuyên gánh vác chuyện đời, chuyện người. Nay ông đã hơn 70 tuổi đời, mặc dù làm từ thiện - lo cho cuộc sống của người nghèo và trẻ mồ côi, song ông vẫn sống cuộc sống đạm bạc, thanh bạch. Ông thấu hiểu sự nghèo khó của người nông dân, nhất là đối với một đất nước đang phát triển sau chiến tranh như đất nước mình. “Ra nước ngoài, tôi mới ý thức được rằng không có gì phải mặc cảm với hai chữ làm ruộng, trái lại biết được nghề cày ruộng là biết được nỗi khổ của nông dân mà không phải ai cũng có được. Và đó chính là niềm tự hào. Chính qua đau khổ mới biết được đau khổ là gì? Biết chậm tiến là gì?”

Ông lý giải hạnh phúc rất giản đơn, ví như một người kiếm ra chỉ có 200 nghìn đồng một tháng là người nghèo, nhưng một tháng họ chỉ kiếm được 50 nghìn đồng để chi tiêu, còn lại sống nhờ vào hạt lúa, củ khoai. Nếu như tranh đấu lao động như thế nào đó để họ có được 200 nghìn đồng một tháng, người nghèo đó có thể cảm nhận được sự sung sướng và họ cho rằng như thế là hạnh phúc. Bởi vì nhu cầu tối thiểu về vật chất của họ chỉ có chừng đó. Hạnh phúc ở ngay trong phương tiện là vậy đó. Hạnh phúc là còn biết tìm đến cái đẹp của con người.

Ông tìm về Hương Khê – Hà Tĩnh, nơi có giống bưởi Phúc Trạch nổi tiếng có nguy cơ diệt chủng. Cùng với hội, ông phát động phong trào trồng bưởi và Hội Huynh đệ bao tiêu sản phẩm, mua lại từ người nông dân và tìm đường xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Ngoài bưởi Phúc Trạch, còn có sản phẩm mỹ nghệ trang trí nội thất song mây Hương Bình cũng lên đường “xuất ngoại”. “Làm thế nào để cho người ta thấy ngoài giá trị vật chất, còn có giá trị văn hóa. Cái nhìn của tôi chú ý về khía cạnh này. Mục đích làm ra phương tiện, làm thế nào tìm thấy hạnh phúc trong lao động để mai kia khi nhìn lại còn thấy được niềm vui, vì mình có thể giúp cho người khác ”.

Là Linh mục “chăn dắt” về phần hồn, ông lại sống chủ yếu ngoài xã hội. Góp phần làm cho người khác đỡ khổ, đỡ vất vả hơn cũng chính là sự tìm kiếm hạnh phúc của linh mục. Ông còn là “người cha” của bao đứa trẻ mồ côi. Hiện nay, ông đại diện cho Hội Huynh đệ đang nuôi dưỡng 500 trẻ mồ côi bằng cách gửi tiền cho các gia đình chăm sóc và nuôi dạy trẻ em mồ côi ở Khánh Hội, Q.4, TP.HCM (250 cháu mồ côi) và 250 cháu ở các tỉnh khác trong đó có cả Hà Nội.

Linh mục Nguyễn Đình Thi tâm đắc: “Cuộc đời không phải chỉ là một giấc mơ, nhưng cần phải có nhiều giấc mơ trong cuộc đời. Ai cũng có những giấc mơ đẹp, điều quan trọng là chúng ta biến những giấc mơ đó thành hiện thực”. Ông cũng có giấc mơ như bao người khác, những giấc mơ đó rất đỗi mộc mạc, bình dị: Mong muốn đất nước hòa bình, giúp người nghèo khó bớt khó khăn, tìm mái ấm cho trẻ em mồ côi không nhà, thiếu tình yêu thương, mọi người tìm đến nhau và sống trong tình huynh đệ…

Ông đã từng có nhiều ước mơ và hoài bão, đã và đang biến nhiều ước mơ thành hiện thực trong suốt chặng đường dài của một đời người.

  • Theo Nguyệt Quế
,

Tin khác

,
,