,
221
8621
Ambassador
ambassador
/ambassador/
1005776
TS Trần Minh Tâm với phương châm sống: "Chân thành"
1
Article
null
,

TS Trần Minh Tâm với phương châm sống: 'Chân thành'

Cập nhật lúc 11:33, Thứ Sáu, 16/11/2007 (GMT+7)
,

Hiếu học là gien di truyền của gia đình ông. Bố của ông đã nhận được học bổng du học bên Pháp vào năm 1939. Em trai của ông – Giáo sư Tiến sĩ Trần Minh Quang, hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu Năng lượng và Hạt cơ bản của trường Bách khoa Liên bang Thuỵ Sĩ và cũng là Chủ nhiệm chương trình hợp tác của châu Âu về Vật lý Plasma. 

Khi kể về mình, Tiến sĩ  Trần Minh Tâm chỉ nói một cách khiêm tốn: “Từ lúc ra trường đến bây giờ, tôi luôn làm việc tại Viện Vật lý Năng lượng cao, kết hợp công tác giảng dạy cho sinh viên Trường Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ tại Lausanne và nghiên cứu tại Trung tâm Vật lý Hạt cơ bản châu Âu”.

 

Năm 1966, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần tại Sài Gòn, cậu học sinh Trần Minh Tâm đã được gia đình cho đi du học tự túc ở Thụy Sĩ. Vốn là học sinh giỏi của  trường Trung học Jean Jacque Rousseaus (tức Lê Qúy Đôn, quận 3, TP.HCM), được theo học chương trình Pháp và rất giỏi bộ môn Vật lý nên chương trình 4 năm học ở Trường đại học Bách khoa Liên bang Thuỵ Sĩ tại Lausanne (Ecole Polytechnique Fédérale de Lausanne, EPFL) với cậu sinh viên Việt Nam Trần Minh Tâm chẳng có gì khó khăn hay quá sức như đối với nhiều người khác.  

 

Trong quá trình học tập, sinh viên Trần Minh Tâm đã được các thầy chú ý và đánh giá cao vì tính nghiêm túc, chuẩn mực và niềm say mê nghiên cứu khoa học. Đến năm 1971, ngay sau khi lấy bằng kỹ sư Vật lý chuyên ngành Vật lý Hạt cơ bản, Trần Minh Tâm đã được nhận ngay vào Viện Vật lý Hạt nhân (Viện Vật lý Năng lượng cao) tại Lausanne. Với công việc trợ giảng (assistant), soạn những bài thực nghiệm, giúp sinh viên làm bài tập… Trần Minh Tâm cũng bắt đầu những thí nghiệm tại Trung tâm Vật lý Hạt cơ bản châu Âu (CERN). Và 4 năm sau, năm 1975, Trần Minh Tâm bảo vệ luận án Tiến sĩ Vật lý Hạt cơ bản.

 

Chút kỷ niệm ấu thơ và cái nhìn về quê hương

 

Chúng tôi đã hân hạnh được tiếp chuyện cả hai vợ chồng tiến sĩ Trần Minh Tâm và Nguyễn Anh Nga, khi hai ông bà trở về thăm quê hương trong kỳ nghỉ hè 2006. Bằng phong cách giản di, cởi mở và chân thành họ đã bộc bạch về bản thân. 

 

Vợ chồng TS Tâm - Nga (áo tím) cùng hai chị và các cháu trước bàn thờ ông bà dịp Tết Ất Dậu.

Ông nhớ lại: “Hồi nhỏ tôi mơ lớn lên được làm phi công, nhưng khi học lớp đệ tam tôi được học với một ông thầy dạy Lý thật giỏi, thầy tôi đã truyền cho tôi lòng say mê khoa học vì vậy tôi thích học môn Lý

và theo con đường nghiên cứu mà quên mất ước mơ được bay lên cao trên bầu trời của mình…”

 

Hơn 40 năm trước, mặc dù ông là học sinh Jean Jacque Rousseaus, bà là nữ sinh trường Marie Curie nhưng đôi bạn đã có những giờ học chung trường khi có những buổi phụ đạo một vài môn học như tiếng La-tinh, Toán, Lý… Dường như đôi bạn nhận ra cả hai đã ít nhiều có những sở thích chung bởi sự hiếu học và chăm chỉ. Nhưng tình cảm lứa đôi thật sự được vun đắp khi cả hai cùng chọn Thụy Sĩ để du học.

 

Năm 1977, họ kết hôn sau khi bà lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế. Họ đã có một cô con gái - giờ đã là một kỹ sư Vi kỹ thuật. Bà hiện là Giám đốc Chi nhánh Phát triển Tài chánh và Quản lý nợ của bộ phận Thương mại và Phát triển của Liên hiệp quốc.

 

Tết năm 1982 lần đầu tiên trở về quê hương thăm gia đình sau 15 năm xa quê, ông kể lại: “Lúc ấy đường phố nhiều nơi không có đèn chiếu sáng, muốn mua thực phẩm nhu yếu phẩm phải có tem phiếu. Cả thành phố không có tiệm sách, chỉ có những hiệu sách cũ. Những năm ấy, thật là buồn khi nhìn thành phố xuống cấp, nền kinh tế bị phong toả, đường lối phát triển kinh tế không đúng, đời sống xã hội bị bế tắc…” Và ông nhận xét: May mà năm 1986 Nhà nước đã kịp thời đổi mới. Chính sách rất quan trọng. Đó là một quyết định hết sức đúng đắn và khôn ngoan. Năm 1988 – 1989, trở về Việt Nam, tôi thấy có sự thay đổi rõ ràng. Năm 1989 mình tìm được mỏ dầu – đó cũng là một sự may mắn cho đất nước...

 

Xa xứ đã hơn nửa đời người, nhưng cả hai ông bà vẫn giữ tình cảm gắn bó với quê hương và mong muốn có những đóng góp thiết thực phù hợp theo chuyên môn và cương vị hiện tại. Bà Anh Nga nói: “Tôi sắp nghỉ hưu. Khi về hưu tôi muốn làm công tác từ thiện, tạo điều kiện giúp bà con nghèo một cách sinh sống lâu dài. Ví dụ như cách mà phụ nữ nghèo ở Ấn Độ, ở Nam Phi đã được giúp đỡ bởi những tổ chức xã hội hoạt động mạnh mẽ. Trước đây, Hội người Việt ở Thuỵ Sĩ đã đóng góp được hơn 20.000 đồng Franc Thuỵ Sĩ. Hội này đã phối hợp với kiều bào Mỹ mở ra chương trình Vi tín dụng (tín dụng nhỏ) giúp đỡ cho đối tượng là các chị cựu thanh niên xung phong thời chống Mỹ, một phần quỹ giúp các học sinh Việt Nam nghèo…

 

Tuy bà đã “lên tiếng” trước rằng, do sống ở nước ngoài quá lâu nên lời nói của bà không còn trôi chảy, và nhiều lần câu chuyện phải dừng lại giữa chừng để nhờ ông thông dịch một vài từ ngữ mà bà đã quên nghĩa tiếng Việt, nhưng lúc nào giọng nói của bà cũng sôi nổi: - “Mình muốn được đóng góp cho đất nước một cách thoải mái trong khả năng mình có thể, về nhiều mặt. Mình rất muốn giúp mà không biết gõ cửa ở đâu. Có khi mình đến mà họ rất thờ ơ… Nếu như có một tổ chức trong nước có uy tín đáng tin cậy đứng ra huy động tổ chức thì bà con kiều bào sẵn lòng cống hiến tiền bạc và chất xám để giúp đất nước… Bà con kiều bào đang hướng lòng mình về quê hương”.

 

Cả cuộc đời gắn bó với công tác nghiên cứu khoa học

 

TS Trần Minh Tâm trao bằng Tiến sĩ cho một sinh viên do ông hướng dẫn.
TS Trần Minh Tâm trao bằng Tiến sĩ cho một sinh viên do ông hướng dẫn.
Hiện nay, Tiến sĩ Trần Minh Tâm đang là Giáo sư giảng dạy của trường Bách khoa Liên bang Thuỵ Sĩ tại Lauranne

- Maitre d’enseignement et de recherches. Đây là một chức danh tương đương với hàm Giáo sư (tuy không phải nhận trách nhiệm làm công tác quản lý và đối ngoại). 

 

Liên tục trong sut 30 năm qua, TS Trần Minh Tâm đã được giữ lại làm việc cho Viện Vật lý Năng lượng cao tại Lausanne. Điều đó không phải bình thường hay đơn giản như thời gian - cứ năm này tháng nọ chồng lấp lên nhau, mà đó là kết quả của một quá trình phấn đấu bền bỉ vì lòng say mê khoa học, với sự  tận tâm đầy trách nhiệm trong công việc. Bởi thông thường, qua 5 năm làm việc đầu tiên, người ta sẽ chuyển đổi nhân sự và chỉ giữ lại những người thật sự xuất sắc.

 

Ở Viện Vật lý Năng lượng cao, niềm vui của ông là được tìm tòi, nghiên cứu, khám phá để tiếp tục giải mã những điều còn bí ẩn của thế giới hạt cơ bản. Niềm vui và hạnh phúc của ông luôn được nhân lên khi ông lao vào những nghiên cứu cơ bản. 

 

Khi được hỏi về những thành tích đã đạt được trong 30 năm qua, Tiến sĩ Tâm chỉ tóm tắt một cách rất khiêm tốn rằng: Trong quá khứ, tôi đã tham gia 3 thí nghiệm lớn tại CERN. Trong những thí nghiệm đã qua, thí nghiệm NOMAD (1991-1999) đã để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc: bởi vì trong mô hình chuẩn mà tôi đã được học trước đó thì, các hạt neutrino không có trọng lượng; nhưng cùng với thí nghiệm NOMAD và các thí nghiệm khác trên thế giới, các nhà khoa học đã khám phá ra là các hạt neutrino có trọng lượng và chúng dao động từ trạng thái này sang trạng thái khác…

 

Được biết có đến 100 nhà Vật lý học đã tham gia thí nghiệm NOMAD. Họ đã miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm, đã soạn những chương trình để phân tích các số liệu… Kết quả mới mẻ về các hạt neutrino không chỉ giúp mở rộng sự hiểu biết về hạt cơ bản, về những dao động của chúng… mà còn góp phần tăng thêm sự phát triển và ứng dụng mới trong các ngành công nghệ thông tin, máy tính…

 

Sắp tới, Tiến sĩ Trần Minh Tâm sẽ cùng các nhà khoa học của Viện Vật lý Năng lượng cao bước vào “cuộc chiến đấu mới” – đó là thí nghiệm LHCb. Ông cho biết: “Thí nghiệm sắp tới của chúng tôi nhằm tìm hiểu sự vi phạm đối xứng CP. Hiện nay, các nhà khoa học giải thích ưu thế của vật chất trên phản vật chất bằng một bất đối xứng CP trong những giây khắc đầu tiên của vũ trụ...”

 

Mặc dù đến năm 2007 thí nghiệm LHCb mới được chính thức thực hiện, nhưng ngay từ bây giờ, các nhà khoa học của Viện Vật lý Năng lượng cao do chính Tiến sĩ Trần Minh Tâm hướng dẫn đang lắp đặt những detecteur bán dẫn silicium có thể phân giải hai điểm xạ kích cách nhau 70 microns và đang chuẩn bị những trang thiết bị cho thí nghiệm LHCb sẽ đặt tại máy gia tốc mới (LHC) của CERN.

 

Trước đôi mắt ngơ ngác của đứa học trò hạng bét môn Lý - là tôi - ông say sưa giải thích: “Những giây khắc đầu tiên của vũ trụ hoàn toàn là năng lượng. Năng lượng sẽ biến thành vật chất và phản vật chất. Nhưng sau đó thì chỉ còn vật chất tồn tại vì phản vật chất đã bị phân huỷ thành năng lượng ánh sáng (vật chất chạm vào phản vật chất thì biến thành năng lượng)… Vì sao như thế à? Có thể do một bất tương xứng nào đó trong tương tác của vật chất và của phản vật chất. Thí nghiệm LHCb sẽ góp phần vào sự hiểu biết vấn đề này...”

 

Những đóng góp cho Việt Nam 

 

Chủ tịch Trần Đức Lương (giữa) tiếp các nhà khoa học Vật lý Việt kiều tại cuộc gặp gỡ các nhà khoa học tại Việt Nam.

Từ 13 năm trước, trong khuôn khổ “những cuộc gặp gỡ các nhà khoa học tại Việt Nam” (Les Rencontres du Vietnam), TS

Trần Minh Tâm đã bắt đầu hợp tác với khoa Vật Lý trường đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội trong công tác đào tạo. Năm 2003, ông được đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội mời làm giáo sư thỉnh giảng. Theo kế hoạch hợp tác với trường, hàng năm ông đều thu xếp trở về Việt Nam để giảng bài (bằng tiếng Pháp) về môn Vật lý hạt cho sinh viên chuyên ngành Pháp ngữ của trường. Chương trình này sẽ được mở rộng ra các sinh viên thạc sĩ sử dụng Pháp ngữ.

 

Ông cho biết, khi giáo sư Trần Thanh Vân mời ông tham gia vào Ban chương trình (gồm 10 nhà khoa học) nhằm xây dựng nội dung hoạt động của “Les Rencontres du Vietnam”, chính ông đã đứng ra mời các nhà khoa học đầu ngành của ngành Vật lý hạt neutrino ở châu Âu và Mỹ để họ cùng “Gặp gỡ Việt Nam” vào các năm 1993, 1995, 2000, 2004.  Và ông rất tâm đắc khi những nhà khoa học trẻ Việt Nam được tiếp xúc với các nhà khoa học lớn của thế giới. Ông nói: “Qua đó, anh chị em mình được trực tiếp trao đổi giao lưu và tiếp tục kết nối, học hỏi…Ví dụ anh Nguyễn Mộng Giao gặp được những nhà Vật lý Mỹ và sau đó cùng với nhóm của anh tham gia thí nghiệm DO tại Mỹ

 

- Tiến sĩ nhận xét thế nào về các nhà khoa học Việt Nam và đánh giá những hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam như thế nào? Trong chuyên môn ngành Vật lý hạt, Tiến sĩ còn những điều gi còn trăn trở?

 

- Tre già thì măng mọc. Tôi nghĩ cần phải tạo cơ hội phát triển tài năng trẻ. Về ngành Vật lý hạt, tôi thấy các nhà khoa học của mình nghiêng nhiều về lý thuyết hơnthực hành, do điều kiện thí nghiệm của mình chưa đầy đủ. Những thiết bị thí nghiệm này rất đắt tiền. Do không có nhiều ứng dụng nên sinh viên mình thiếu cơ bản trong việc tự soạn chương trình trên máy tính để áp dụng vào cuộc thí nghiệm của mình. Do vậy cần phải tạo thêm điều kiện cho các em tự soạn chương trình để phân tích các cuộc thí nghiệm. Mới đây, 

 

- Tiến sĩ có đặt niềm tin vào thế hệ trẻ Việt Nam?

 

- Dĩ nhiên rồi. Đất nước này sẽ là đất nước của thế hệ trẻ VN hôm nay. Vì thế chúng ta phải trao cho các em những kiến thức mà các em sẽ sử dụng sau này. Trao kiến thức đây không phải chỉ trao suông mà thôi, nhưng phải bằng cách giúp các em, từ những gì thầy giảng, phát huy trí tuệ tư duy độc lập, trở thành con người sau này làm chủ vận mệnh của mình, góp phần xây dựng đất nước. Hiện tại, tuy các nhà khoa học trẻ chưa được phong hàm, nhưng trong quá trình hoạt động khoa học sẽ bật lên những tài năng... Lớp trẻ sẽ bộc lộ năng lực và chứng tỏ khả năng qua công việc.

 

- Như vậy, ắt hẵn đã có những mối liên kết giữa TS và các nhà khoa học trẻ tuổi đời lẫn tuổi nghề trong ngành Vật Lý?

 

- Vâng! Cùng với các đồng nghiệp tại khoa Vật lý, chúng tôi đã quyết định thành lập một nhóm thực nghiệm về Vật lý năng lượng cao. Để thành lập nhóm thực nghiệm này, tôi đã xin và được trường Bách khoa Liên bang Thuỵ Sĩ cấp một số học bổng cho các nhà Vật lý trẻ của ta sang thực tập tại Lausanne, cùng tham gia thí nghiệm LHCb, thu thập số liệu và mang về Hà Nội trao đổi kết quả cùng các đồng nghiệp tại Lausanne và CERN. Dự án này vừa bắt đầu trong tháng 9.2006. Hiện nay đã có 2 thực tập sinh Việt Nam sang Lausanne và đã hoà nhập ngay với môi trường làm việc. Chúng tôi đã cùng nhau thảo luận đề tài làm việc. Hiện nay các bạn đang soạn các chương trình trên máy tính để phân tích, trước hết các số liệu mô phỏng, rồi sau đó từ 2007 trở đi sẽ phân tích các số liệu thu thập tại thí nghiệm LHCb. Các số liệu này cùng với đề tài làm việc sẽ được sử dụng trong các công trình luận văn tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sĩ tại trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội.

 

- Thí nghiệm LHCb có  thể  ứng dụng ra sao trong thực tiễn và có ảnh hưởng như thế nào với các ngành khoa học khác?

 

- Những dng cụ đã được tạo ra bởi ngành Vật Lý hạt cũng đã được ứng dụng hiệu quả vào các ngành nghề khác. Ví dụ việc chữa bệnh bng tia Hadron, detecteur cho ngành tạo hình trong y học, các ứng dụng trong kỹ nghệ thông tin Cũng nên nhắc là Internet đã ra đời tại CERN

 

- Tại sao ông say mê môn Vật Lý? Ông thú vị nhất vì điều gì?

 

- Cách đây một thế kỷ ta khám phá ra electron. Ngày nay ta không thể hình dung đời sống hàng ngày sẽ ra sao nếu không có những áp dụng của khám phá trên. Điện tử đã mang lại ánh sáng, giúp chúng ta đưa tiếng nói đến với người thân dù đang ở rất xa, có thể vẽ hình cho ta xem trên màn ảnh, xem các trang web điện tử;

 

Cùng với các đồng nghiệp trẻ trong phòng sạch dành cho détecteur bán dẫn Silicium

Cùng với các đồng nghiệp trẻ trong phòng sạch dành cho détecteur bán dẫn Silicium

- Cả cuộc đời ông đã dành cho Vật lý hạt và những cuộc thí nghiệm. Ông có thể đúc kết điều gì và tâm đắc về điều gì?

 

Môn Vật lý như ta biết và thực hành hôm nay là thí dụ điển hình của “nghiên cứu cơ bản”. Nghiên cứu cơ bản biểu hiện tính tìm tòi của con người, của nhu cầu hiểu biết vũ trụ, cấu trúc của vật chất và sự sống. Lịch sử cho biết, chính tìm tòi dẫn đến sự phát triển của một nền văn minh, nhu cầu hiểu biết nói trên là cơ sở phát triển và tiến hoá của xã hội... Giữa kết quả nghiên cứu và sự phát triển của một nền văn minh luôn có sự tương tác qua lại và thúc đẩy lẫn nhau. 

 Bằng phong cách điềm đạm, nhà khoa học khiêm tốn vừa trình bày vừa diễn giảng cho tôi nghe về hành trình bên trong ngành Vật lý hạt. Theo ông, ngành Vật lý hạt đã và đang thay đổi so với những  thập niên trước. Sự thay đổi này không phải tự thân nó thay đổi mà vì sự dốc tâm nghiên cứu tìm tòi, say sưa  thí nghiệm, lý  giải… của các nhà  khoa học. 

 

- Nếu phải nói ngắn gọn về phương châm sống của mình, Tiến sĩ sẽ nói thế nào ạ? - tôi hỏi, trước khi tạm biệt.

 

- Chân thành.

 

- Chỉ có 2 chữ thôi à?

 

- Vâng. Chân thành là cách sống của tôi và tôi nghĩ đó là con đường ngắn nhất để mọi người đến với nhau, tạo niềm tin cho nhau.

 

Qua e-mail, ông cũng đã gửi cho tôi bản tham luận “Những vấn đề đặt ra và những thách thức của ngành Vật lý hạt” mà ông đã trình bày tại cuộc hội thảo chuyên ngành do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. 

 “Ngành Vật Lý hạt sẽ còn thay đổi nữa và đang chờ đợi sự dấn thân của các nhà Vật lý trẻ khi các bạn bước vào vô ngần thoả thích về tinh thần và trí tuệ” - Ông đã nói với sinh viên trường đại học Quốc gia Hà Nội như thế.

 

Tôi nghĩ, những lời giảng trong chuyên môn đối với các sinh viên cùng những việc ông làm, đó chính là ông đang gieo cấy những hạt mầm tốt mà vào khu vườn nghiên cứu khoa học còn non trẻ của Việt Nam.

 

Cũng tựa như ông thầy dạy môn Vật lý Trường Lê Quý Đôn đã khơi dậy sự yêu thích bộ môn Lý trong lòng ông từ hơn 40 năm trước, tôi tin ông, như tin vào lòng chân thành, rằng những hạt mầm kia sẽ nẩy mầm và phát triển thành những thân cây mạnh mẽ trong khu vườn khoa học Việt Nam trong thời gian gần, và sẽ song hành cùng với sự phát triển của đất nước.

  • Theo Quỳnh Lệ

,

Tin khác

,
,