,
221
8621
Ambassador
ambassador
/ambassador/
1004466
TS Lê Quang Bình – niềm hãnh diện của người dân Việt
1
Article
null
,
GƯƠNG MẶT “VINH DANH NƯỚC VIỆT 2006”

TS Lê Quang Bình – niềm hãnh diện của người dân Việt

Cập nhật lúc 10:05, Thứ Ba, 13/11/2007 (GMT+7)
,

 

Đến Mỹ năm 1990, chàng trai người Việt Lê Quang Bình như lọt thỏm vào giữa thế giới của khoa học kỹ thuật tiến tiến, của thời đại điện tử. Anh phải mày mò làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng, chỉ có khát vọng chiếm lĩnh tri thức là niềm thôi thúc mãnh liệt để rồi vài năm sau, tên tuổi của Lê Quang Bình trở thành niềm hãnh diện cho bất kỳ người dân Việt nào… 

 

Gia đình TS Lê Quang Bình

 

Bằng sáng chế nhiều hơn tuổi

 

Năm nay 41 tuổi nhưng Lê Quang Bình đã lập một kỷ lục cho riêng mình với 56 bằng sáng chế. Đáng ngạc nhiên hơn khi những bằng sáng chế của mình, anh chỉ thực hiện trong vòng 13 năm qua, kể từ ngày anh đến Mỹ và mày mò tìm học ngoại ngữ. Nhớ lại thời gian này, anh cho biết: “Đặt chân đến Mỹ, tôi gặp không ít khó khăn. Khó khăn nhất thời điểm này là ngoại ngữ. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để có thể nghe và hiểu được lời thầy giảng. Tiếp đó là một khoảng thời gian dài để có thể viết suôn sẻ và nói cho trôi chảy. Một khó khăn nữa là sự khác biệt về văn hoá; cách ứng xử của người bản xứ có nhiều điều khác với văn hoá Việt Nam. Vì vậy bên cạnh việc học về kiến thức chuyên môn, tôi phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu văn hoá của họ để hoà nhập với cuộc sống mới. Mỹ là đất nước quy tụ nhiều trí thức đến từ các nước trên thế giới cho nên để tìm một chỗ đứng cao trong xã hội Mỹ là một điều  khó khăn, đòi hỏi một nỗ lực lớn, một ý chí mạnh mẽ và sự đam mê nghiên cứu”.

 

Tiến sĩ Lê Quang Bình

Và chàng trai người Việt Lê Quang Bình không chỉ tìm một chỗ đứng mà đã vượt lên trở thành một “hiện tượng” trong giới khoa học Mỹ khi liên tiếp “ẵm” các giải thưởng hàng đầu. Thời gian trong trường Đại học, Lê Quang Bình đã đạt điểm “A” trong hầu hết những môn khó về chuyên môn như Computer, Math, Physics, và cả những môn đòi hỏi một trình độ tiếng Anh nhất định như luận văn, lịch sử, địa lý... Cậu sinh viên thông minh Lê Quang Bình đã tốt nghiệp Đại học Berkeley – California với bằng Cử nhân danh dự. Anh tiếp tục hoàn tất chương trình cao học tại trường Đại học danh tiếng Stanford và hoàn thành luận án Tiến sĩ với 6 phát minh quan trọng một cách xuất sắc. Đáng kể nhất là phát minh phương pháp mới về cảm ứng cho bộ nhớ cực nhanh (flash memory) đang được ứng dụng rộng rãi trong điện thoại di động và máy ảnh kỹ thuật số. Với tính thực tiễn cao, phát minh của anh đã được tạp chí khoa học IEEE Mỹ đánh giá cao và được Tập đoàn AMD ứng dụng ngay vào thực tế và đem lại hiệu quả kỹ thuật cũng như kinh tế cao.

 

Tiếp tục trong hành trình nghiên cứu khoa học của mình, Lê Quang Bình đã liên tiếp trở thành ứng viên sáng giá của các tập đoàn kinh tế và trở thành một nhà nghiên cứu khoa học được nhiều nơi “săn đón”. Anh trở thành một trong những người có nhiều công trình, giải thưởng, phát minh nhất của Tập đoàn AMD. Đáng nể hơn khi trong cùng lúc Tiến sĩ Lê Quang Bình có thể cho ra từ 3 – 6 phát minh. Anh bảo: “Cứ chạm trán những vấn đề hóc búa là nảy ra sáng kiến, phát minh”. Ít ai biết rằng để có những phát minh nổi tiếng ấy ngoài sự cần cù, thông minh, ham học hỏi là một nguyên tắc làm việc hết sức khoa học nhưng cũng đầy nghiêm khắc của bản thân anh. Có những lúc anh phải bỏ chất xám và “ngồi lì” trong phòng nghiên cứu đến 18 – 20 giờ mỗi ngày cho những công trình nghiên cứu của mình.

 

Chuông vang xứ người

 

TS Lê Quang Bình: "tôi cũng như hàng triệu người con Việt vẫn luôn mang nặng trong lòng về sự hưng thịnh của đất nước mình".

TS Lê Quang Bình: "tôi cũng như hàng triệu người con Việt vẫn luôn mang nặng trong lòng về sự hưng thịnh của đất nước mình".

Tiến sĩ Bình tâm sự: “Dù ở đâu người Việt chúng ta vẫn luôn hướng về đất nước mình. Trăn trở lớn nhất của tôi là mặc dù có rất nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam vẫn nằm trong danh sách những nước nghèo nàn và chậm phát triển. Nạn tham nhũng vẫn còn tràn lan, tiền của của xã hội bị lãng phí nghiêm trọng. Mặc dù chúng ta đã đạt được những kết quả đáng trân trọng trong một số lĩnh vực như xoá đói giảm nghèo nhưng vẫn còn nhiều người dân sống quá thiếu thốn. Tôi luôn mong ước tên tuổi của đất nước mình sẽ có một vị trí quan trọng, Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển, dân chủ và phồn thịnh. Trước mắt, tôi mong rằng trong năm 2006, Việt Nam sẽ gia nhập vào WTO để góp phần hội nhập và thúc đẩy kinh tế của đất nước phát triển. Ngoài ra, tôi cũng mong ước Việt Nam có một hệ thống giáo dục linh động để mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể đến trường, nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ dân trí của xã hội”.

 

Tiến sĩ Bình cũng bộc lộ nhiều băn khoăn: “Tình trạng con vua thì lại làm vua, con sải ở chùa lại quét lá đa sẽ làm tàn lụi nhiệt huyết của thanh niên - những người có tính quyết định đến sự phồn thịnh của đất nước”.

 

- “Anh nhận xét như thế nào về sự phát triển của đất nước trong thời gian gần đây, thưa Tiến sĩ?”.

 

TS Bình thẳng thắn cho biết: “Mặt mạnh của Việt Nam hiện nay là dân số trẻ đông, cần cù và chịu khó học hỏi. Tình hình dân chủ được cải thiện, môi trường đầu tư thông thoáng. Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam hiện nay là đội ngũ khoa học, chuyên viên kỹ thuật, quản lý còn thiếu trầm trọng. Để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta cần rất nhiều kỹ sư ở các ngành mũi nhọn. Bằng mọi giá chúng ta phải làm tăng nhanh số lượng trí thức bằng cách đại chúng hoá giáo dục Đại học, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên du học, dĩ nhiên cùng với những chính sách đãi ngộ để họ trở về phục vụ đất nước. Cung cách làm việc cũng cần phải được cải cách mạnh mẽ. Tôi có cảm tưởng lối làm việc phong kiến, rề rà tồn tại quá lâu trong tư duy của người Việt và thật đáng tiếc nếu các vị lãnh đạo, những người quyết định vận mệnh của đất nước, không đổi mới tư duy nhiều và nhanh hơn  nữa.

 

Là những người con sống xa quê hương, đất nước, tôi cũng như hàng triệu người con Việt vẫn luôn mang nặng trong lòng về sự hưng thịnh của đất nước mình. Các nước khác thán phục người Việt một phần là nhờ những người con xuất sắc của dân tộc Việt đang “Mang chuông đi đánh xứ người”, nhưng phần lớn là ở chỗ đất nước Việt Nam có được giàu mạnh hay không? Tôi nghĩ rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của lao động trí thức, chính con người là nhân tố quyết định vận mệnh đất nước mình, Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ đó”.

 

Việt Nam sẽ đứng ngang hàng và vượt qua các nước phát triển trong khu vực

 

Mái ấm gia đình giúp TS Lê Quang Bình làm nên những điều kỳ diệu

Tiến sĩ Bình lập luận: “Dân tộc Việt nam hoàn toàn có đủ trí thông minh để đứng ngang hàng và vượt qua các nước phát triển trong khu vực. Phải nhìn nhận một cách thực tế rằng: hiện nay chúng ta đang tụt hậu khá xa so với các nước. Vì vậy chúng ta phải mạnh dạn nhìn lại mình một cách nghiêm túc để tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục. Vấn nạn tham nhũng đã làm nghèo quốc gia. Tôi có đọc trên báo chí Việt nam rằng: “Ước lượng số tiền đánh bạc của ông Bùi Tiến Dũng trong vụ PMU 18 đủ để mua nửa số trâu cày của 11 tỉnh đồng bằng miền Bắc. Chỉ cần hai ông như Bùi Tiến Dũng thì “hết trâu để cày”. Đất nước không thể tiến xa hơn nếu còn nhiều quan tham như thế! Đất nước Việt Nam đã thống nhất và người Việt Nam hoàn toàn làm chủ vận mệnh của đất nước mình. Việc đưa đất nước đi lên có thành công hay không là ở chính chúng ta, không thể đổ lỗi cho ai cả. Đừng để bó buộc vào bất kỳ tư duy lỗi thời nào trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, đến khoa học, kỹ thuật. Để đất nước đi lên, chúng ta phải có những quyết định táo bạo, mới mẻ, những ý tưởng sáng tạo. Chúng ta nên có thái độ tranh luận khoa học ”Tại sao lại không? (Why not?). Miễn là đưa VN đến dân chủ, văn minh và giàu mạnh. Còn về cách làm việc thì phải luôn luôn tự cải tiến để đi lên. Nếu thấy điều gì không hợp lý thì cải tiến và sửa đổi ngay chứ không thể đợi 5 năm, 10 năm hay đợi đến Đại hội Đảng mới quyết định thì chậm mất. Trong thế giới đầy cạnh tranh như hiện nay, một sự chậm trễ đều dẫn đến những lãng phí lớn và sự trả gía đắt”.

 

- Là một trí thức Việt thành công ở Mỹ, Tiến sĩ nhận xét gì về trí thức trẻ Việt Nam hiện nay? Theo anh, trí thức trẻ Việt Nam có những mặt mạnh và yếu gì so với thế hệ cha, anh?

 

- Thế hệ trí thức cha, anh là một thế hệ xuất sắc và có nhiều tâm huyết. Tôi rất cảm phục những ý kiến chân thành và đầy tâm huyết của Giáo sư Hoàng Tuỵ, của ông Nguyễn Trung, TS Nguyễn Quang A và nhiều trí thức khác. Trí thức trẻ hiện nay có nhiều thuận lợi so với thế hệ cha anh. Họ có nhiều cơ hội và phương tiện kỹ thuật cao để mở rộng tầm nhìn, để học hỏi và tiến thân. Họ được sống trong thời bình và có nhiều điều kiện để học tập, nghiên cứu. Trong thời đại hội nhập hiện nay, họ cũng ít bị bó buộc bởi những cơ chế lỗi thời mà thế hệ đi trước đã gánh chịu.

 

Tôi rất mừng khi thấy kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và mở rộng giao thương với các nước. Trí thức trẻ Việt Nam chính là những trụ cột sẽ gánh vác sứ mệnh đất nước trong hiện tại và tương lai, vì vậy, ngay từ bây giờ họ phải được cởi trói khỏi những cơ chế lỗi thời để thoát khỏi sự lạc hậu mới mong làm tròn sứ mạng của mình.

 

TS Lê Quang Bình (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp tại một hội thảo ở Hawai

- Theo Tiến sĩ, làm sao để “Chuông vang” ngay trên quê hương xứ sở của mình”?

 

Tôi nghĩ mỗi Việt kiều khi về nước dù mục đích du lịch hay kinh doanh, trước hết phải tạo cho họ một sự thoải mái thật sự bằng những chính sách thoáng. Phải để họ thấy như đang trở về chính ngôi nhà của mình và được đối xử công bằng như người dân trong nước.

 

Tuy nhiên điều làm tôi suy nghĩ nhiều là những Việt kiều thành đạt hiện nay đã có một chỗ đứng cao trong nghề nghiệp chuyên môn, họ sẽ không dễ dàng từ bỏ vị trí và môi trường làm việc thuận lợi mà họ đã dày công tạo dựng. Đó là một thực tế! Do đó, không nhất thiết là phải thu hút  trí thức Việt kiều về ở hẳn trong nước mà quan trọng là làm sao để tận dụng nguồn vốn và trí thức của họ. Thí dụ như những chương trình hợp tác đào tạo sinh viên của GSTS Lê Phước Hùng, GSTS Lê Tự Quốc Thắng, GS Đoàn Kim Sơn (các nhân vật vừa nhận giải “Vinh danh nước Việt”) đã và đang làm. Đối với những Việt kiều làm việc trong các công ty thì vận động họ tìm các hợp đồng làm việc hoặc mở xưởng sản xuất, chi nhánh làm việc tại Việt Nam, mở trường đào tạo công nhân kỹ thuật, làm cầu nối giữa các công ty trong và ngoài nước. Việc này có liên quan đến các Luật Đầu tư, Luật Quốc tịch, Luật Sở hữu tài sản… ví dụ như bãi miễn visa hoặc mua nhà trong nước rất cần được Nhà nước nghiên cứu cho thực tế và phù hợp. Tôi nghĩ nếu Việt Nam gia nhập WTO sớm sẽ tạo ra một môi trường làm việc tương thích với thế giới, đó cũng là cơ hội và điều kiện để Việt kiều trở về…”

 

Bao giờ chuông vang xứ mình, bao giờ những trí thức như TS Lê Quang Bình sẽ làm rạng rỡ tên tuổi đất nước ngay tại chính quê hương của mình? Câu hỏi ấy đang mong chờ một câu trả lời, một chiến lược trọng dụng nhân tài từ chính sách trong nước.

 

  • Theo Minh Diệu

 

,

Tin khác

,
,