(VietNamNet) - Bộ GTVT đang nghiên cứu dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi các PMU thành các Cty tư vấn quản lý dự án. Sau hàng loạt những sai phạm của PMU18, những khoảng trống pháp lý cho hoạt động của các PMU lộ rõ. Chuyển đổi PMU, điều tất yếu sắp đến?
PMU18 hoạt động với nhiều lỗ hổng lớn về pháp lý- Ảnh: TT |
Từ lỗ hổng pháp lý
Ban quản lý các dự án 18 (PMU18), trực thuộc Bộ GTVT được thành lập tại quyết định số 1675QĐ/TCCB - LĐ ngày 23/08/1993 của Bộ GTVT. Theo chức năng ghi trong quyết định thành lập, PMU18 thay mặt chủ đầu tư quản lý quá trình đầu tư và xây dựng các công trình giao thông do Bộ GTVT giao; giao dịch, tiếp xúc với các tổ chức trong và ngoài nước để tìm nguồn vốn cho các dự án do PMU18 trực tiếp quản lý.
Các Ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT: - Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - Ban quản lý dự án 1 (PMU1) - Ban quản lý dự án 5 (PMU5) - Ban quản lý các dự án 18 (PMU18) - Ban quản lý dự án 85 (PMU85) - Ban quản lý dự án Biển Đông (Bien Dong PMU) - Ban quản lý dự án Thăng Long - Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU MY THUAN) - Ban quản lý các dự án đường thuỷ (PMU- W) - Ban quản lý các dự án giao thông 9 (TPMU 9) |
Nhưng sau hơn 10 năm thành lập, sau hàng loạt sai phạm bị phanh phui trong thời gian vừa qua mới thấy quá nhiều lỗ hổng pháp lý trong hoạt động của PMU18 nói riêng và các PMU khác nói chung.
Một định nghĩa cho PMU? Rất vô hình! Bản thân PMU18 không phải là doanh nghiệp, không phải nghĩ đến chuyện lỗ lãi qua mỗi dự án. Nhưng PMU18 lại là cơ quan nhà nước quản lý một khối lượng tiền khổng lồ vì là chủ dự án của nhiều công trình lớn có vốn hàng trăm triệu USD. Số tiền này chủ yếu là vốn vay của nước ngoài và của Ngân hàng Thế giới.
Nếu hiểu theo đúng nghĩa khi thành lập là Ban quản lý dự án thì PMU 18 cũng không phải là đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Bộ GTVT.
Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng VN từng nói với báo giới khi trao đổi về chức năng của các PMU: ''Các PMU thường nhiều quyền, ít trách nhiệm! Các PMU hiện nay là một hình thức tổ chức quản lý lỗi thời, mà đáng ra phải thay thế từ khi đổi mới''.
Nếu chiếu theo Nghị định 16/2005/NĐ-CP về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thì khi kết thúc thì mỗi dự án, các PMU phải giải thể. Trong trường hợp được giao dự án khác, PMU phải được bổ sung, thay đổi nhiệm vụ hoặc phải có quyết định thành lập lại.
Theo ông Liêm, PMU18 thuộc Bộ GTVT, Bộ GTVT lại là cơ quan hành chính nên không thể làm chủ đầu tư. Ở đây, chỉ có các đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng sản phẩm của dự án mới có thể làm chủ đầu tư. Từ trước tới nay, Bộ GTVT ủy quyền cho một đơn vị PMU làm chủ đầu tư. Trong khi đó, các PMU không phải là đơn vị sử dụng kết quả đầu tư!
Nhiều chuyên gia kinh tế, xây dựng và đầu tư cho biết, hoạt động của các PMU hiện nay không rõ ràng. Hoạt động của PMU không có người kiểm tra giám sát kết quả. Thực tế nhất, các PMU được Bộ GTVT giao quyền nhưng lại không có trách nhiệm. Điều này dẫn đến hệ quả, chất lượng công trình sau khi bàn giao có vấn đề gì thì đơn vị quản lý chịu tất!
Thực tế và hậu quả báo động tại PMU18 hiện nay thúc đẩy các cơ quan chức năng cần phải nhìn lại một cách nghiêm túc chức năng, vai trò và hoạt động của các PMU không chỉ trong Bộ GTVT mà còn ở những Bộ khác. Dư luận không thể không lo ngại khi các PMU luôn là đơn vị nắm trong tay hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư của nhà nước trong khi chức năng và trách nhiệm của nó không rõ ràng.
Ngày 7/3, phát biểu trước báo giới, ông Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an (C14) cho rằng, vụ án tại PMU 18 cho thấy bài học về công tác quản lý vốn nhà nước. Bùi Tiến Dũng là điển hình nhưng thất thoát không chỉ có ở Bộ Giao thông vận tải mà ở nhiều Bộ khác. |
Có nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nghị định 16/2005/NĐ-CP về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ra đời vào ngày 7/2/2005 nhưng vẫn chưa có một cơ chế hoạt động nào cho các PMU. Điều này được lý giải, hiện nay Luật Xây dựng chỉ chủ yếu là hành lang pháp lý cho nhà thầu, còn cơ chế của chủ đầu tư lại do Bộ KHĐT nghiên cứu xây dựng.
Như vậy, những lỗ hổng lớn trong hoạt động của các PMU là rõ ràng. Nhưng các cơ quan xây dựng luật, các cơ quan chức năng liên quan sẽ làm như thế nào để chuyển đổi các PMU sang một dạng khác một cách hợp lý?
Đến chuyện tất yếu chuyển đổi?
Trao đổi với VietNamNet sáng 22/3, ông Phạm Tăng Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) cho biết, Bộ trưởng Bộ GTVT đang giao cho Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu về việc chuyển đổi các PMU sang loại hình khác.
Theo ông Lộc, thực ra không phải khi có hàng loạt những sai phạm của PMU18, đặc biệt là các sai phạm về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản gây lãng phí, thất thoát lớn thì Bộ GTVT mới nghĩ đến việc nghiên cứu chuyển đổi này.
Trên thực tế, Bộ GTVT đã có ý định nghiên cứu thay đổi các PMU từ khi Nghị định 16/2005/NĐ-CP về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ra đời vào ngày 7/2/2005.
''Bộ GTVT đã tính đến mô hình tổ chức xây dựng cơ bản của ngành rồi. Trong đó, có tính đến chuyển đổi loại hình hoạt động, mô hình tổ chức và cơ chế của các PMU sao cho hợp lý. Mau chóng chuyển đổi sang dạng doanh nghiệp để tham gia cơ chế đấu thầu quản lý các dự án...''- Ông Phạm Tăng Lộc cho biết.
Hiện nay, Vụ Tổ chức cán bộ vẫn chỉ là đang nghiên cứu và xây dựng các đề án và sẽ cố gắng hoàn thành sớm. Tuy nhiên, xây dựng hành lang pháp lý cho các PMU không đơn giản chút nào vì nó đụng chạm vào nhiều lĩnh vực giao thông, xây dựng, đầu tư, tài chính...
Dự báo được điều này, trước đó, từ năm 2002, ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước, Thường trực Hội đồng giám định nhà nước đã từng nói về chuyện các PMU của Bộ GTVT cần chuyển đổi thành các Cty quản lý dự án. Trong đó, các công ty này chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư thông qua luật về hợp đồng kinh tế chứ không phải chỉ định dự án cho PMU quản lý. Và đương nhiên, kết quả đấu thầu dự án sẽ ''nói'' đơn vị nào là chủ quản lý dự án.
Cũng về vấn đề này, báo Tuổi trẻ từng dẫn lời PGS, Ts Phạm Duy Nghĩa, chủ nhiệm Bộ môn Luật Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội). Theo PGS Phạm Duy Nghĩa, điều kiện VN hiện nay chưa thể bỏ ngay được các ban quản lý dự án. Tuy nhiên, về lâu dài nên tạo khung pháp lý hình thành các công ty được ủy thác quản lý tài sản và hình thành các công ty chuyên doanh đấu thầu.
''Việc thành lập những công ty ủy thác quản lý tài sản tránh được tình trạng ông bộ trưởng vừa làm chính khách, vừa làm việc chọn người xây, người lắp và giám sát kinh doanh. Đã làm chính sách thì không thể đồng thời làm kinh doanh vì nó tạo ra quá nhiều quyền và quyền đấy sẽ dẫn đến tham nhũng...'' - GS Phạm Duy Nghĩa nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ dự thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi các Ban quản lý dự án (PMU) thành các doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án.
Trong trường hợp được Thủ tướng chấp nhận, Bộ GTVT sẽ tiến hành ngay việc chuyển đổi mô hình quản lý dự án từ các PMU thành các Cty tư vấn quản lý dự án.
-
Thế Lê Vinh