221
454
Pháp luật
phapluat
/xahoi/phapluat/
448142
''Củ khoai'' Prudential thua kiện ''con kiến một chân''
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
''Củ khoai'' Prudential thua kiện ''con kiến một chân''
,

(VietNamNet) - Xem ra, 1 con kiến bình thường đi kiện củ khoai đã lắm chông gai, ấy vậy mà con kiến này chỉ còn có 1 chân. Cứ tập tễnh và mộc mạc như vậy, ông giáo quê mùa Vũ Quang Uông quyết tâm kiện Prudential Việt Nam - thuộc ''tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Vương quốc Anh, lớn nhất châu Á và thế giới'' với hơn 150 năm kinh nghiệm. Ông giáo tỉnh lẻ cụt chân ấy vừa chiến thắng tại phiên sơ thẩm...

Nguyên đơn Vũ Trung Thành (trái) và bà Thuỳ Hương (đại diện bị đơn Prudential) trước toà
Cùng 2 nhân chứng từng ''mục kích'' cảnh ông Uông ngã trên đường quốc lộ vào khuya 23/3/2002 đó là ông Vị và con trai tên Trường - vừa ra toà làm chứng vừa nhấp nhổm lo về làm ruộng; nhân chứng thứ 3 là anh Lực đến muộn vì ''không mượn được xe máy, đi xe ôm thì không có tiền''; ông Uông thì không giấu nổi bức xúc, cứ bực lên là đứng phắt dậy nói, quên cả nạng (không nhớ là chỉ còn mỗi 1 chân!)... khiến không ít lần cử toạ ôm bụng cười vì sự ''nghiệp dư'' của những nguyên đơn và nhân chứng này.

Trong khi phía bị đơn Prudential thì tỏ ra vô cùng ''chuyên nghiệp'' ngay từ việc cử 1 đại diện thay mặt công ty ra trước toà là bà Nguyễn Thị Thuỳ Hương với giọng nói nhẹ nhàng, lưu loát, thuộc các ngày tháng của vụ việc và số công văn, hợp đồng như ''cháo chảy'', phát biểu đúng mực, không nhầm lẫn câu nào...

Ông giáo cụt chân quát luật sư của Prudential: ''Anh nói điêu!''

Được lời của Chủ toạ cho nói trước ''như cởi tấm lòng'', ông giáo già Vũ Quang Uông nôm na kể lể: ''Gia đình tôi là gia đình chính sách, cách mạng. Tôi trước công việc chính là giáo viên cấp II, giờ đã nghỉ hưu, và có làm thêm nhiều việc như kinh doanh đất ở... Vợ tôi nội trợ. Có 4 đứa con, Thành là lớn nhất, đều đi làm ăn buôn bán cả! Chúng tôi mua bảo hiểm với mục đích tiết kiệm. Đáng lẽ mua dồn thành 1 hợp đồng nhưng tôi mua làm 4 hợp đồng vì muốn mang lại thành tích cho con tôi - khi ấy là đại lý của Công ty Prudential''.

Ông giáo Vũ Quang Uông

Điều này hoàn toàn trùng khớp với giải thích của anh Vũ Trung Thành - con trai ông Uông về việc tại sao lại mua cho bố những 4 hợp đồng bảo hiểm với Prudential mà hợp đồng nào cũng ''đắt giá'' cả!? Vì hy vọng đạt thành tích cao sẽ được đi du lịch Thái Lan - anh Thành nói vậy. ''Chuyện tế nhị'' này cũng như chuyện tại sao cứ ''nhằm'' bố mà bảo hiểm, được luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bố con anh Thành lý giải: Ai từng là đại lý của Prudential mới ''luôn luôn thấu hiểu'' chính công ty này khi dạy cho các đại lý phương pháp tìm khách hàng tiềm năng giữa một thị trường cạnh tranh rất khó khăn, đã lưu ý các đại lý nên bắt đầu từ mối quan hệ cá nhân - một thị trường sẵn có. Sách quy trình do Prudential soạn thảo đã dạy các đại lý rằng: ''Thị trường này gồm những người mà bạn đã quen biết từ trước, do đó họ sẽ dễ dàng chấp nhận cho hẹn gặp vì mối quan hệ sẵn có với bạn... Họ hàng của bạn, họ hàng bên chồng/vợ và những người bạn thân là những đối tượng dễ dàng tiếp cận nhất bởi bạn hiểu rõ nhu cầu của họ hơn ai hết''. Trên thực tế, nhiều đại lý học xong cũng cứ ''y như thế'' mà bán loanh quanh được vài hợp đồng cho người thân trong nhà rồi nghỉ việc, tuyệt nhiên không phát triển được thêm từ mối quan hệ lạ, quan hệ ''vãng lai'' nào! Chẳng may những người thân ấy có mệnh hệ gì, chắc cũng không thể bảo họ đã có kế hoạch, hay thông đồng từ trước...

Tình huống tai nạn được ông Uông ''chốt'' lại tại toà là: Do hôm ấy đường trơn, lúng túng trong xử lý tránh ôtô cùng chiều vượt lên nên ngã. Tuy nhiên, luật sư Trần Đình Triển - bảo vệ phía công ty Prudential có vẻ như không thoả mãn với nguyên do này, đã đưa ra nhiều câu hỏi mà ông Uông cho là ''lạc đề'' như: khởi hành từ Hà Nội lúc mấy giờ? có rẽ vào đâu không? trời mưa có mặc áo mưa không?... ông Uông tỏ ra rất cáu, nói: ''Anh hỏi để làm gì? Tôi không biết! Không nhớ! Hỏi thế mà cũng hỏi''. Có lẽ không ai hướng dẫn cho ông giáo già biết tại phần thẩm vấn trước toà, luật sư có quyền hỏi vậy để ''đụng chạm'' tới 1 sự thật theo ý họ, còn trả lời hay không, hoặc trả lời theo cách nào lại là quyền và tuỳ ý của ông.

Mới có chuyện, khi phía Prudential nêu thắc mắc tại sao có mỗi 1 cái chân đau mà ông Uông phải chuyển quá nhiều bệnh viện (dù vài bệnh viện trong số đó đã xác nhận vết đau ở chân ông thuyên giảm rồi, hẹn tái khám mà không tái khám)... thì ông giáo già bức xúc lắm, song còn nén được vì đã được luật sư của ông bênh vực: ''Theo Điều 23 Pháp lệnh bảo vệ sức khoẻ nhân dân, người bệnh có quyền tuỳ ý lựa chọn cơ sở chữa bệnh cũng như thầy thuốc, lương y, bác sĩ mà không có gì hạn chế, cũng không cần đưa ra lý do nào...''. Nhưng, khi luật sư Triển của phía Prudential hỏi ông Uông về nguồn thu nhập, tiền ở đâu ra mà mua bảo hiểm nhiều thế thì ông Uông đã không còn chịu nổi nữa. Ông lập cập đứng lên, quát: ''Anh có quyền gì mà hỏi thu nhập của tôi? Ý anh bảo tôi tham ô, tham nhũng phỏng? Anh nói điêu!''.

''Luật nào bắt người muốn tham gia bảo hiểm phải chứng minh thu nhập?''

Nguyên đại lý Vũ Trung Thành, đồng thời là con trai ông Uông

Luật sư Lưu Bình Nhưỡng đã đặt dấu hỏi to tướng ấy tại phiên toà, khi phía Prudential muốn bố con ông Uông phải trả lời từ đâu họ có tiền mua bảo hiểm. Luật sư Nhưỡng nói: ''Biết ông Uông có bệnh giun chỉ ở chân trái, Công ty Prudential vẫn chấp nhận cả 4 hợp đồng bảo hiểm cho ông, và ông còn phải đóng thêm tiền cho sản phẩm bổ trợ chết và tàn tật kèm theo các hợp đồng này. Suốt từ tháng 3/2001, ông Uông và gia đình vẫn đều đặn đóng phí và thực hiện đầy đủ các cam kết... thì lúc đó sao Công ty Prudential không đề cập đến chuyện nghi ngờ nguồn tiền, sao không chê tiền xấu, tiền không tốt mà vẫn nhận tiền đều đặn? Khi ông Uông gặp nạn rồi yêu cầu bồi thường, Công ty mới bắt đầu có ý nghi vấn tại sao, gia đình ông Uông làm gì mà có tiền để đóng cho mình???''. Luật sư Nhưỡng còn khẳng định: Buộc nạn nhân (đồng thời là khách hàng) chứng minh nguồn thu nhập là xâm phạm nghiêm trọng đời tư.

SỰ THẬT chỉ có một. SỰ THẬT cũng là cái luôn được khao khát làm rõ tại bất cứ phiên toà nào (thế mới phải tranh tụng!). Tại phiên sơ thẩm do TAND tỉnh Hải Dương mở ngày 21/6/2004 xử vụ bố con ông Vũ Quang Uông đòi Công ty bảo hiểm Prudential bồi thường 750 triệu đồng cho cái chân cắt cụt này, cảm nhận của người tới dự toà là tất cả các bên đều cố gắng lôi kéo ''cô nàng đỏng đảnh, mơ màng gọi là SỰ THẬT'' gần hơn về phía mình - 1 SỰ THẬT mà chính Công an tỉnh Hải Dương còn ''không đủ căn cứ kết luận''. Tuy có 1 điều ''là đúng SỰ THẬT'' đã được chính Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương xác nhận, đó là việc ông Uông bị gãy chân được các nhân chứng phát hiện trên đường, phải mổ cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái (đã trích nguyên văn ở bài viết trước).

Trong quá trình vươn tới SỰ THẬT của mình, mỗi bên đều đưa ra rất nhiều nghi vấn, rồi phản biện... suy diễn, rồi bác bỏ... Ví dụ như, phía Prudential cho rằng đại lý Vũ Trung Thành thông báo về tình trạng của bố mình cho Công ty quá muộn (khoảng nửa năm sau ngày ông Uông bị ngã). Điều này không vi phạm hợp đồng cũng như bất kỳ quy định nào của Prudential, bởi theo điều khoản chung của các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật toàn bộ và vĩnh viễn thì ''Thời hạn yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm là trong vòng 1 năm kể từ ngày có kết luận của cơ quan y tế về tình trạng thương tật của người được bảo hiểm'' - nhưng phía Prudential vẫn muốn nêu băn khoăn này ra có lẽ để phong phú thêm các nghi vấn của họ. Bác lại băn khoăn này, anh Thành trả lời rằng ngay khi xảy chuyện, bố anh đã bị cắt chân đâu nên chỉ báo miệng với Trưởng nhóm của anh là chị Hồng Bích như 1 vụ ngã bình thường của người già để đồng nghiệp biết và chia sẻ. Một tháng rưỡi sau ông Uông mới phải cắt chân. Ngày 7/10/2002 Vũ Trung Thành chính thức gửi Phiếu yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm tới Công ty Prudential (chưa muộn so với hạn quy định nhưng công ty vẫn cho là muộn!).

Kết thúc phần tranh luận của mình, luật sư Trần Đình Triển khẳng định có dấu hiệu lừa đảo đối với phía nguyên đơn khi đòi bồi thường của Công ty Prudential. Tuy nhiên, đại diện VKS và Hội đồng xét xử TAND tỉnh Hải Dương đã nhất trí cao trong kết luận: Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential phải bồi thường cho ông giáo già cụt chân 750 triệu đồng và chịu toàn bộ án phí (theo đúng Chương 7: Giải quyết tranh chấp - Phú tích luỹ an khang của Prudential). Sau 2 năm dằng dai, cha con ông giáo già có vẻ rạng rỡ hẳn lên khi nghe quyết định này. Song, phía Prudential cho biết họ sẽ kháng án, vẫn không chấp nhận đền bù cho dù toà sơ thẩm có xử như vậy!

  • Hoàng Huy

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,