(VietNamNet) - Dù chưa thực sự hài lòng với dự thảo Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004, Bộ trưởng Tư pháp vẫn lạc quan khẳng định như vậy. Trong khi một số thành viên Thường vụ ủng hộ đề xuất để Bộ này can thiệp trực tiếp công tác thi hành án, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An lại cảnh báo về khả năng "đùn đẩy" trách nhiệm của địa phương cho Bộ.
Giải pháp gỡ "ùn tắc" thi hành án dân sự
"Mô hình" tổ chức cơ quan thi hành án dân sự là vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất cho Ban soạn thảo dự án Pháp lệnh thi hành án dân sự (sửa đổi), tuy nhiên, sau gần 4 tháng "trăn trở", các nhà làm luật vẫn quyết định "tạm thời giữ nguyên mô hình cũ".
Theo như Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu: "Mô hình tổ chức chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra án tồn đọng. Chúng tôi biết mô hình tổ chức hiện nay của cơ quan thi hành án dân sự còn nhiều bất cập, nhưng để thay đổi thì cần phải nghiên cứu thấu đáo hơn nữa. Pháp lệnh này đành tạm thời giữ nguyên mô hình cũ để chờ vào những thay đổi trong Bộ luật thi hành án - sẽ được đưa ra vào năm 2005".
Bộ trưởng cũng cho rằng: "Dù sao, dự thảo Pháp lệnh này đã đưa ra giải pháp giải quyết cho 42% án dân sự tồn đọng hiện nay bằng những cơ chế như phân loại án, miễn giảm án. Với Pháp lệnh này ra đời, án dân sự tồn đọng chắc chắn sẽ giảm, nhưng cụ thể giảm bao nhiêu phần trăm thì chưa thể nói được".
Tán đồng với phương án của Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu chia sẻ: "Việc nghiên cứu thay đổi mô hình đã làm dự thảo pháp lệnh này bị chững lại hơn 3 tháng, nhưng vẫn chưa làm được gì. Pháp lệnh thi hành án dân sự (sửa đổi) là một bước quá độ để hình thành Bộ luật thi hành án, do đó, chúng ta phải chấp nhận giữ nguyên mô hình cũ để nghiêm túc thực hiện, tổng kết đến năm 2005, sau đó sẽ trình lên QH những giải pháp hợp lý hơn của Bộ luật".
Trước mắt, các nhà làm luật tin rằng những quy định về giảm, miễn thi hành án với các khoản án phí, tiền phạt quy định trong dự thảo sẽ là giải pháp "thông đường" cho án dân sự tồn đọng. Cơ chế miễn giảm này cho phép phân loại án không có khả năng thi hành theo khoản án phí, theo đó, sẽ lập những hội đồng xem xét, quyết định việc sửa đổi hay huỷ bỏ quyết định thi hành án với những trường hợp không có tài sản, thu nhập và các điều kiện khác để thi hành án.
"Bộ có sợ địa phương ỷ lại không?"
Cho rằng hiện tại Cục thi hành án của Bộ Tư pháp chỉ có chức năng chỉ đạo nghiệp vụ thi hành án, bởi Cục không có chấp hành viên nên không thể thực hiện những thao tác sửa đổi, huỷ bỏ các quyết định sai trái của thủ trưởng cơ quan thi hành án ở địa phương, Bộ trưởng Uông Chu Lưu kết luận: "Bộ Tư pháp chỉ có quyền yêu cầu thực hiện. Do đó, cần phải giao cho Bộ Tư pháp một vài chấp hành viên để có thể làm được những chức năng này".
Phó Chủ tịch Nguyễn Phúc Thanh cũng hưởng ứng: "Với những án đã qua giám đốc thẩm thì cấp tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thi hành án. Bộ phải có cơ quan chức năng xử lý".
Với thái độ thận trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An lớn tiếng cảnh báo về những hậu quả phát sinh: "Nếu Bộ có chấp hành viên thì có sợ các cơ quan thi hành án ở tỉnh, huyện sẽ ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm cho Bộ không? Chẳng lẽ UBND giao nhiệm vụ cho cơ quan thi hành án của địa phương mình nếu thấy khó khăn, không thực hiện được thì Chính phủ lại lấy lên cho Bộ giải quyết? Chúng ta cứ phải thống nhất quan điểm: thi hành án là phải phân cấp cho địa phương, không thể để dồn lên Trung ương. Anh Lưu phải tính đến hậu quả này!".
Do còn một số vướng mắc trong nội dung nên kế hoạch thông qua dự thảo pháp lệnh đầu tiên của năm 2004 trong ngày 13/1 chưa thực hiện được. Theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Ban soạn thảo phải gấp rút sửa đổi hoàn thiện dự thảo để đến ngày làm việc cuối cùng của phiên họp UBTVQH kỳ này sẽ thông qua.
Mô hình tổ chức cơ quan thi hành án dân sự: |
Cơ quan thi hành án dân sự gồm:
1. Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cơ quan thi hành án cấp tỉnh) - thuộc Sở tư pháp. Bộ Tư pháp có chức năng quản lý Nhà nước và chỉ đạo nghiệp vụ đối với các cơ quan thi hành án địa phương. |
- Lan Anh