- "Người lao động dù muốn dù không vẫn phải tăng ca bởi hàng loạt nỗi sợ: sợ bị đuổi việc, trừ lương, trừ tiền phụ cấp, trừ tiền thưởng… Điều này là có thật".
PV VietNamNet có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Chính sách lao động tiền công tiền lương, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM và ông Đỗ Doãn Kim, Phó phòng Quản lý lao động BQL các KCN Đồng Nai về vấn đề này.
Khi có thanh tra, công nhân thường im lặng
PV: Được biết phần lớn các công ty, nhất là công ty da giày, may mặc, thực phẩm, thủy sản… công nhân đều phải tăng ca “triền miên” từ ngày này qua ngày khác, ông bà nghĩ sao về vấn đề này?
"Chỉ cần công nhân lên tiếng, chúng tôi sẽ vào cuộc" - bà Dân nói. Ảnh: Thái Phương |
Bà Nguyễn Thị Dân: Theo Luật Lao động, giờ tăng ca của công nhân ở các công ty không vượt quá 200 giờ/năm và 300 giờ/năm đối với các ngành nghề đặc biệt như chế biến thủy hải sản, may mặc…
Theo đó, với những công ty yêu cầu công nhân phải tăng ca liên tục trong năm 80 giờ/tháng, 100 giờ/tháng như báo VietNamNet phản ánh là trái quy định, vi phạm Luật Lao động.
Ông Đỗ Doãn Kim: Đa số các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp may mặc, giày da ở KCN tại Đồng Nai đều làm trái quy định thời gian tăng ca của công nhân. Tuy nhiên, thực tế các công nhân phần lớn là người ngoại tỉnh, đi làm ăn xa nên muốn tăng ca đều kiếm thêm thu nhập. Họ cho rằng tăng ca có thể giúp họ đỡ một bữa cơm tối, lại được thêm tiền thay vì về sớm ở nhà trọ chẳng biết làm gì…
Nhiều công nhân dù muốn hay không muốn vẫn phải tăng ca vì sợ bị trừ lương, đuổi việc, cắt tiền chuyên cần… nên phải “cày mù mịt”, ông bà nghĩ sao?
Ông Kim: Người lao động dù muốn dù không vẫn phải tăng ca bởi hàng loạt nỗi sợ: sợ bị đuổi việc, trừ lương, trừ tiền phụ cấp, trừ tiền thưởng… Điều này là có thật. Ngược lại, các doanh nghiệp khi bị thanh tra lao động xuống kiểm tra lại giải thích rằng có sự thỏa thuận giữa người lao động và công ty chứ không phải ép tăng ca.
Tuy nhiên, bất kể có sự thỏa thuận về làm thêm giờ giữa ban giám đốc và công ty thì việc tăng ca vượt quá số thời gian quy định là sai.
Bà Dân: Thực tế, công nhân không có khả năng tự bảo vệ mình bởi họ không có kiến thức pháp luật tốt, đôi lúc không dám nói sự thật vì sợ bị mất việc… Vì thế, quan trọng nhất là công nhân phải dám lên tiếng phản ánh sai phạm của các công ty. Đồng thời, bằng nhiều hình thức khác nhau công nhân nên tìm hiểu, nắm bắt được các quy định pháp luật lao động hiện hành.
Sợ vì trừ lương, đuổi việc... nhiều công nhân không dám lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi của chính mình. (giờ tan ca của công nhân KCX Tân Thuận, TP.HCM) Ảnh minh họa: T.P |
Ông Kim: Chúng tôi vẫn thường thanh kiểm tra các doanh nghiệp khi biết họ “thỏa thuận” với công nhân để tăng ca quá thời gian cho phép. Thế nhưng, khi hỏi người lao động họ lại im lặng và chịu đựng thay vì lên tiếng còn tổ chức công đoàn thì chưa can thiệp hoặc hỗ trợ kịp thời.
Bà Dân: Công nhân cần mạnh dạn phản ánh kịp thời, thẳng thắn, chúng tôi sẵn sàng phối hợp cùng với các tổ chức công đoàn các cấp, ban quản lý các KCN - KCX để bảo vệ quyền lợi của công nhân. Bên cạnh đó, thanh tra lao động sẽ kiểm tra xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm.
Vậy khi biết được sai phạm của công ty, công nhân sẽ tìm đến đâu để phản ánh?
Ông Kim: Khi gặp bất cứ vấn đề gì khó khăn, chưa hiểu thì công nhân hãy lên gặp BQL các KCN, các công đoàn công ty, Sở Lao động thương binh xã hội… sẽ có hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể. Còn nếu chúng tôi phát hiện các công ty sai phạm sẽ nhanh chóng xử lý. Chỉ cần công nhân dám lên tiếng tố cáo sai phạm của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ vào cuộc.
Bà Dân: Công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động, giáo dục hỗ trợ công nhân. Do đó, khi người lao động mới vào công ty, công đoàn cần hỗ trợ tuyên truyền, giáo dục người lao động, phổ biến cho họ hiểu luật lao động. Chỉ cần công nhân đặt vấn đề phối hợp với cơ quan chức năng thì luôn được ủng hộ.
Không chỉ đi làm ở công ty tăng giờ, mà thời gian rảnh, công nhân còn nhận làm thêm ở nhà để tăng thu nhập. (công nhân KCN Amata đan mây tre lá tại nhà). Ảnh: Thái Phương |
Tăng ca suốt tuổi thanh xuân, đến 35 thì thải
Một thực tế đang xảy ra ở khá nhiều doanh nghiệp tại các KCN, KCX là tình trạng cho “nghỉ hưu” sớm đối với lao động nữ ngoài tuổi 35?
Ông Kim: Tôi thừa nhận cuộc sống của công nhân nữ sau tuổi 35 rất khó khăn, nan giải. Nhiều nữ lao động đi làm công nhân từ năm 18 tuổi. Đến khi công nhân ngoài tuổi 35, sức khỏe giảm sút còn các công ty tìm cách “lách luật” để không tiếp tục ký hợp đồng với họ. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp cố tình lấp liếm chuyện ký hợp đồng với công nhân 1 năm, 3 năm thay vì hợp đồng dài hạn…
Bà Dân: Các công ty, xí nghiệp may, da giày… hiện nay rất ít tuyển công nhân sau tuổi 35 - 40 bởi họ bị vắt kiệt sức từ năm 18 tuổi. Tuổi thanh xuân của họ là những ngày tăng ca từ sáng đến chiều ở các nhà máy, xí nghiệp.
Không có thời gian yêu đương, kết hôn khiến một bộ phận lao động nữ sau tuổi 35, 40 phải sống “bơ vơ”, cô độc. Đây là vấn đề toàn xã hội phải quan tâm và đặc biệt là các nhà quản lý, các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn.
Trước thực trạng này, theo ông bà các công nhân nữ trong và sau độ tuổi này phải làm gì để đảm bảo quyền lợi cho mình?
Ông Kim: Các doanh nghiệp cho rằng phải tăng ca công nhân mới có thu nhập cao. Công ty nào ít tăng ca công nhân sẽ không “mặn mà”. Tôi đặt vấn đề, tại sao anh không tăng lương, không có biện pháp đảm bảo đời sống cho người lao động mà lại cố tình đưa ra mức lương thấp rồi “mồi chài” tăng ca để họ lao vào làm, ảnh hưởng đến sức khỏe sau này? Chính vì vậy, BQL các KCN sẽ cố gắng làm nghiêm và có biện pháp xử lý, kiểm tra không để doanh nghiệp “lách luật” rồi đào thải công nhân lớn tuổi.
Bà Dân: Thực tế, cơ quan nhà nước không thể theo sát 24/24 các doanh nghiệp và chỉ cần khi mình đi khuất họ lại “đóng cửa” rồi âm thầm lặng lẽ “muốn làm gì thì làm” như ép tăng ca, giảm lương thưởng, trừ các khoản tiền vô lý... Lúc đó, chỉ có công nhân và công đoàn cơ sở mới biết doanh nghiệp đang vi phạm để lên tiếng, phản ánh với cơ quan chức năng.
Nhiều doanh nghiệp vô lương tâm không chú ý đến quyền lợi của công nhân mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận, từ đó tranh thủ vắt kiệt sức người lao động bằng cách trả lương rẻ mạt, buộc tăng ca… Với dạng doanh nghiệp “ăn xổi ở thì” này công nhân cần phải lên tiếng ngay để thanh tra vào cuộc, xử lý.
-
Thái Phương