221
1405
Lao động
laodong
/xahoi/laodong/
346439
Đình công: NLĐ nóng, công đoàn cơ sở lạnh!
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Đình công: NLĐ nóng, công đoàn cơ sở lạnh!
,

(VietNamNet) - Đình công, lãn công đang có chiều hướng gia tăng, nhất là ở các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài. Tình trạng này càng trở nên phức tạp hơn khi DN và NLĐ khó tìm tiếng nói chung.

 

NLĐ xem đình công là vũ khí lợi hại

 

 

Đình công đang là "thói quen" của đa số LĐ phổ thông.

Trong hội thảo về tình trạng tranh chấp LĐ, đình công do Sở LĐTB&XH TP.HCM tổ chức vào ngày 20/5, các sở ngành, liên đoàn lao động (LĐLĐ) quận huyện cũng như nhiều DN đã nhận định như trên. Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, năm 2003, tổng số vụ đình công trên địa bàn TP tăng gấp đôi so với năm trước. Số lượng vụ việc tập trung ở các DN theo thứ tự như sau: nhiều nhất là các công ty Đài Loan, kế đến là Việt Nam, Hàn Quốc, Hồng Kông, cuối cùng là Nhật Bản…

 

Đình công hoàn toàn là điều mà pháp luật cho phép, là quyền của NLĐ Việt Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc là phần lớn các cuộc đình công, lãng công trong thời gian gần đây lại diễn ra không đúng quy định của pháp luật hay chỉ từ bức xúc của một nhóm nhỏ công nhân nhưng lại lôi kéo số đông tham gia… Từ đó, vô tình đẩy NLĐ vào thế bất lợi, tạo nên những căng thẳng luôn tiềm ẩn trong mối quan hệ giữa NLĐ và DN. Một điều cũng đáng nói là tất cả các vụ đình công khi xảy ra, giữa ban lãnh đạo DN và công nhân hiếm khi tự giải quyết nội bộ được với nhau, chỉ đến khi có sự can thiệp của LĐLĐ, UBND và cả lực lượng công an địa phương thì mọi việc mới tạm yên.

 

Theo anh Hoàng Tuấn, Chủ tịch công đoàn Công ty Sam Yang Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) thì hiện nay, đình công đã trở thành một loại bệnh của NLĐ, nhất là LĐ phổ thông. Thế nhưng, các cơ quan chức năng chỉ mới bàn cách phòng chống mà chưa tìm cách chữa trị căn bệnh đang có xu hướng ngày càng phổ biến này. Còn một số đại diện DN cũng cho rằng công nhân đang có tâm lý xem đình công là “vũ khí” lợi hại nhất để đạt được những đòi hỏi nhiều khi vô lý của mình. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý hiện nay chủ yếu chỉ là chữa cháy, tạm thời. Ông Nguyễn Hoàng Kháng, Sở LĐTB&XH cũng cho rằng ngay khi chính quyền địa phương không giải quyết được tranh chấp mà đợi TP xuống thì cũng chỉ biết năn nỉ NLĐ “bớt giận” mà thôi…

 

Khi Công đoàn cơ sở “ăn cây nào rào cây ấy”!

 

Đại diện Sở LĐTB&XH, LĐLĐ TP cũng như phòng LĐ các quận huyện đều nhận định rằng cấp công đoàn cơ sở chưa làm hết chức năng của mình trong việc ngăn chặn, giải quyết sự cố đình công. Theo ông Phùng Văn Hùng, Trưởng phòng quản lý LĐ, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP thì rất nhiều lần ông nhận được tin báo có đình công từ phóng viên báo chí trước khi DN báo lên. Đại diện LĐLĐ các quận 1, 10 và Tân Phú cho biết, vai trò hòa giải, xử lý vấn đề của công đoàn DN mỗi khi xảy ra đình công rất mờ nhạt. Có nơi, ngay khi hàng trăm công nhân đang “hừng hực khí thế” nhưng khi LĐLĐ quận yêu cầu gặp đại diện công đoàn DN để trao đổi hướng giải quyết thì chẳng thấy đâu, thậm chí công nhân phải chạy đi tìm người của công đoàn.

 

Công đoàn cơ sở là nơi nắm rõ nhất diễn biến tâm lý, tâm tư nguyện vọng của công nhân và nếu sâu sát hơn, sẽ phát hiện được những mâu thuẫn nảy sinh, nguy cơ diễn ra đình công trong công nhân để kịp thời báo với ban lãnh đạo DN, đưa ra biện pháp ngăn chặn. Đồng thời do phần lớn LĐ phổ thông rất hạn chế về kiến thức pháp luật, vì vậy công đoàn cơ sở phải là nguồn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho họ cũng như phổ biến những quy định mới của Chính phủ, công ty trong quá trình sản xuất cho công nhân… Thế nhưng, hiện nay thế mạnh này dường như bị “bỏ quên” mất. Phải chăng, công đoàn cơ sở ăn lương của DN nên không thể phát huy hết vai trò bảo vệ NLĐ của mình?! Bởi nếu đứng về phía công nhân, nguy cơ bị ban giám đốc “treo” lương là điều dễ xảy ra.

 

Biện pháp chế tài đối với NLĐ tham gia đình công trái pháp luật? 

 

“Không ai muốn xảy ra đình công tại DN của mình cả”, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội May, Thêu, Đan TP nhấn mạnh, “ai cũng thấy rõ tác hại sau những cuộc đình công, điều quan trọng không chỉ là sản xuất đình trệ mà còn là sự hình thành khoảng cách nhất định giữa DN với NLĐ, uy tín DN bị ảnh hưởng dù lỗi thuộc về NLĐ”. Hiện nay, khi xảy ra đình công, nếu NLĐ đúng, DN phải nộp phạt, thế nhưng trong trường hợp ngược lại, NLĐ hầu như không bị nhắc nhở gì. Vì vậy, hầu hết đại diện các DN, LĐLĐ quận huyện đều kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐTB&XH cần có những biện pháp chế tài đủ mạnh để hạn chế sự tự phát, đồng thời răn đe đối với NLĐ tham gia đình công trái quy định pháp luật.

 

Ông Phạm Xuân Hồng cũng kiến nghị Bộ LĐTB&XH xem xét để phía người sử dụng LĐ, đơn cử như đại diện Hiệp hội DN, được tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp LĐ. Vì theo cơ chế 3 bên hiện nay, chỉ có các cơ quan chức năng nhà nước (ngành LĐTB&XH, LĐLĐ và ngành bảo hiểm xã hội) tham gia xử lý đình công; “Như thế sẽ giảm đi tính khách quan trong quá trình xử lý vụ việc, người sử dụng LĐ là người hiểu rõ công nhân cùng tâm lý, bức xúc, đòi hỏi của họ hơn ai hết…”. Theo nhận định của ông Phùng Văn Hùng, để xảy ra đình công trước hết là lỗi của người sử dụng LĐ. Còn NLĐ tiến hành đình công không đúng pháp luật là chuyện khác. Ngoài những sai phạm của DN trong chế độ trả lương, thưởng, tham gia bảo hiểm xã hội cho NLĐ… thì chừng nào công đoàn cơ sở chưa phát huy hết vai trò cầu nối giữa ban giám đốc với công nhân của mình thì chuyện đình công gia tăng là “điều bình thường, dễ xảy ra”.

  • Linh Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,