- Sau nhiều nghiên cứu, phối hợp bàn thảo giữa các cơ quan Bộ GTVT và sở, ngành, địa phương thuộc Hà Nội, tuyến vành đai 4 củaThủ đô đã dần "định hình"...
Tuyến này - cũng như vành đai 5, hiện hoàn toàn "trên giấy", dù rất nhiều khu đô thị đã nhanh nhẹn dựa vào "mác" sát vành đai 4 để chào hàng! Và dù chưa ai lúc này nhìn thấy một "vành đai 4" trên thực địa, tuyến đường còn ở "thì tương lai" này đã, đang khiến nhiều hộ dân chủ yếu ở khu vực Hà Nội mở rộng người vui mừng, kẻ âu lo...
Chưa "va chạm" giải phóng mặt bằng, chưa đền bù giải tỏa, thậm chí chưa thống nhất cả hình thức hợp đồng xây dựng - vành đai được kỳ vọng là "tuyến giao thông chính cho hoạt động vận tải quá cảnh qua Thủ đô" vẫn đang gian nan xác định hướng tuyến, các vị trí giao cắt cùng hàng loạt vấn đề liên quan khác.
Tim đường càng vẽ càng lệch?!
Được Bộ GTVT giao nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 Hà Nội, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã đề xuất phương án hướng tuyến vành đai này và cơ bản được các quận, huyện tại Hà Nội và Hà Tây cũ thống nhất từ những năm 2005 - 2007 (chưa mở rộng Thủ đô). Vành đai 4 theo tính toán của TEDI sẽ đi qua Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông (trước đây thuộc Hà Tây, Hà Nội và Vĩnh Phúc).
Từ quý II-2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có văn bản thống nhất các điểm khống chế chủ yếu của tuyến vành đai 4 qua địa phương này. Sau đó, khi đã hợp nhất với Hà Nội, các sở tham mưu cũng theo đó thống nhất về nguyên tắc hướng tuyến vành đai 4 TEDI đề xuất (kể trên), cơ bản phù hợp hướng tuyến đã được UBND các địa phương trước đây thống nhất.
Vành đai 4 Hà Nội đã được hoạch định từ khi Thủ đô chưa chính thức mở rộng. |
Tuy nhiên, đến khoảng giữa 2009, UBND quận Hà Đông "bỗng" phát hiện tim tuyến vành đai 4 theo hồ sơ dự án do TEDI lập lệch khoảng 100 - 150m so với tim tuyến vành đai 4 theo Quy hoạch chung xây dựng thị xã Hà Đông (đã được UBND tỉnh Hà Tây trước đây phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 1782/2006/QĐ-UBND ngày 21/10/2006), đồng thời chồng lấn một số dự án quy hoạch đã được tỉnh Hà Tây cũ duyệt, như: trục đô thị phía Bắc, khu đô thị mới Dương Nội, cụm công nghiệp Đồng Mai, khu đất dịch vụ xã Phú Lãm...
Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Vũ Tuấn Định, để tránh việc chồng lấn này, Sở đã đề nghị UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư và TEDI phối hợp chặt chẽ với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các quận, huyện vành đai 4 sẽ đi qua, thống nhất cụ thể phương án hướng tuyến và lập ngay hồ sơ chỉ giới đường đỏ vành đai 4 trên địa phận Thủ đô.
Về việc này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tiến Minh từ quý III-2009 đã cho rằng "những thỏa thuận với các địa phương trước đây về hướng tuyến vành đai 4 chủ yếu là những điểm khống chế trên bản đồ, chưa có các mốc cụ thể ngoài thực địa nên chưa thể tham gia góp ý chi tiết hoặc kiểm tra đối chiếu với các dự án đang triển khai, nhất là đoạn qua các khu đô thị mới".
Lãnh đạo Hà Nội cũng thống nhất với ý kiến Sở GTVT, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo tư vấn phối hợp chặt chẽ với các địa phương vành đai 4 đi qua, xác định các điểm chi tiết của hướng tuyến, ranh giới ngoài thực địa, sớm phát hiện, giải quyết các vướng mắc về chồng lấn chỉ giới đường này.
Giao cắt khác mức với đường địa phương
Với quan điểm các giao cắt của vành đai 4 với các tuyến quốc lộ, đường cao tốc và trục đường chính phải thiết kế khác mức, TEDI đã đề cập một số giao cắt chính. Tuy nhiên, phía Hà Nội vừa đề nghị tư vấn này bổ sung thêm một số vị trí giao cắt khác mức với đường trên địa phận Thủ đô, như: giao với đường trục mặt cắt 100m thuộc huyện Mê Linh (cách nút giao quốc lộ 23 khoảng 570m về phía đê tả sông Hồng), với trục Tây Thăng Long thuộc huyện Đan Phượng, với đường trục phát triển phía Nam huyện Thanh Oai... và một số vị trí quan trọng khác.
"Tư vấn cần đề xuất hình thức giao cắt, giải pháp tổ chức giao thông có thỏa thuận từng nút giao với địa phương. Những vị trí thiết kế dạng hầm chui dưới vành đai 4, đề nghị tư vấn nghiên cứu đảm bảo tĩnh không, bề rộng theo quy định, có tính đến việc cải tạo, nâng cấp công trình của từng địa phương trong tương lai" - ý kiến của TP Hà Nội.
Theo lãnh đạo Hà Nội, tuyến vành đai 4 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thủ đô mở rộng, là vành đai cao tốc kết nối với rất nhiều tuyến quốc lộ và cao tốc hướng tâm, nối các khu công nghiệp, khu đô thị liền kề...
Hà Nội cơ bản thống nhất chiều rộng lộ giới vành đai này là 120m. Ở những khu vực mặt bằng hạn chế, chiều rộng lộ giới có thể giảm xuống chỉ còn 90m. Mặt cắt ngang từng đoạn tuyến bố trí dải dự trữ mở rộng.
Hà Nội cũng đề nghị tư vấn bổ sung vào dự án vành đai 4 các thông tin liên quan trên cơ sở cập nhật các định hướng quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu, cụm, điểm công nghiệp đã được duyệt dọc hai bên tuyến, song song với việc cập nhật nghiên cứu đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đảm bảo phù hợp, khả thi.
-
Tràng An Nguyễn