- Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long Hồ Ngọc Loan vừa cho biết tính đến trung tuần tháng 9/2009, dự án đầu tư mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc đã cơ bản giải phóng xong 90% mặt bằng và đền bù hơn 954 tỉ đồng cho các tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất...
Theo Ban này, hiện dự án còn "mắc" một số nơi như: tại nút giao Seagame đã chi tiền đền bù nhưng chưa bàn giao được mặt bằng cho đơn vị thi công do dân đang cấy lúa; đường và nút giao An Khánh còn 37 hộ đã có đất tái định cư nhưng chưa đi vì đang xây nhà ở chỗ mới, 25 hộ chưa thống nhất cách bồi thường; tại huyện Thạch Thất vướng cây xăng Đồng Trúc và một số doanh nghiệp; tại nút giao Hòa Lạc còn 1,67ha chưa kiểm đếm...
"Riêng nút giao Hòa Lạc, do khối lượng giải phóng mặt bằng lớn và phức tạp nên cần tập trung giải quyết mặt bằng làm đường tránh từ Láng - Hòa Lạc nối vào quốc lộ 21 để thi công cầu vượt bên phải, đồng thời khoanh vùng, thuận lợi hơn trong giải phóng mặt bằng các nhà hàng thuộc phạm vi cầu vượt bên trái" - Phó Tổng Giám đốc Loan cho hay.
Hà Nội khá "thông cảm" với Bộ GTVT vì Láng - Hòa Lạc là dự án vừa phải thi công mở rộng, vừa khai thác đường cũ phục vụ đi lại, vừa xây nhiều làn mới... (Ảnh: T.M) |
Đến nay, cũng theo Ban quản lý dự án Thăng Long, toàn tuyến đang đồng loạt thi công. Giá trị xây lắp hoàn thành ước khoảng 1.820 tỉ đồng. Các đơn vị đã bàn giao, đưa vào sử dụng toàn bộ hạng mục 1,1km đầu tuyến. Phần đường cao tốc trái đã hoàn thành hơn 21km nền K95 và 19,5km nền K98, khoảng 18,6km đã được thảm bê-tông nhựa.
Cuối tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải sau khi thị sát, kiểm tra công trường dự án Láng - Hòa Lạc đã chỉ đạo phải bằng mọi cách đảm bảo thông xe cao tốc trái đúng tiến độ 31/10/2009. Với phần cao tốc phải, tiến độ được "nới" hơn (đến 30/6/2010). Hiện, khối lượng nền K95 cao tốc phải mới đạt gần 4km, nền K98 đạt 1,5km và thảm được 1,2km bê-tông nhựa.
Tiến độ đường Láng - Hòa Lạc hiện đang là "mối quan tâm" của đông đảo nhân dân và nhiều cơ quan, ban, ngành - không chỉ vì đây là dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Thiết thực hơn, nhiều người dân trong khu vực hoặc thường có việc qua lại con đường này mong sớm thoát sự "khổ ải" của "cung đường khốn khổ" bậc nhất Thủ đô hiện nay này.
Từ giữa tháng 8, trước quá nhiều "kêu ca" của dư luận, nhất là tại khu vực giao cắt đường 70 với Láng - Hòa Lạc, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã phải đề nghị Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục Đường bộ Việt Nam và tổng thầu VINACONEX chỉ đạo Ban quản lý dự án cùng các nhà thầu chấp hành các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.
"Các Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công đã không làm tốt công tác duy trì, đảm bảo giao thông trên đường cũ, dẫn đến tình trạng mặt đường bị hư hỏng, phá hoại rất nặng, thường xuyên đọng nước, mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Đã có một số vụ tai nạn giao thông xảy ra, gây bức xúc trong dư luận nhân dân" - Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Danh Lợi cho biết.
Trước đó, UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT cũng đã yêu cầu Vinaconex chỉ đạo các đơn vị liên quan tự chịu trách nhiệm xử lý những công việc do thi công ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt nhân dân các địa phương liên quan dự án, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông và phải có biện pháp hạn chế bụi, nhất là tại các vị trí thi công cầu vượt, cầu chui, đường tránh...
-
Thoại Mi