- Trong tổng số 19 dự án sân golf và dự án đô thị có sân golf tại Hà Nội hiện nay, 4 dự án chiếm nhiều đất lúa, đất trại giống cây trồng vật nuôi nhất vừa bị các cơ quan chức năng "điểm mặt" và khó thoát rà soát, điều chỉnh thời gian tới...
Số liệu cập nhật mới nhất sau một thời gian rà soát, tổng diện tích chiếm đất của 19 dự án sân golf và dự án đô thị có sân golf trên toàn địa bàn Hà Nội mở rộng hiện nay (Hà Nội cũ 8 dự án, Hà Tây cũ 10 dự án và Mê Linh 1 dự án) là 6.690ha. Trong đó, khoảng 252ha là đất trồng lúa 1 vụ, 230ha đất trồng lúa 2 vụ, 1.300ha mặt nước, còn lại là đất lâm nghiệp, đồi gò hoặc nông nghiệp nhưng năng suất thấp...
Với quan điểm chủ đạo "hạn chế tối đa việc sử dụng đất lúa" cho các dự án kể trên, lãnh đạo Hà Nội chủ trương điều chỉnh, tiến tới dừng hoặc "co hẹp" một số dự án golf tại những khu vực sử dụng nhiều đất trồng lúa, nhằm bảo đảm an ninh lương thực và phát triển khoa học kỹ thuật ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.
Một dự án "tiêu biểu" trong việc triển khai hầu hết trên đất lúa. |
Cả 4 dự án bị "sờ gáy" đợt này đều nằm trên địa bàn Hà Tây cũ. Trong số này, 2 dự án chiếm nhiều đất trồng lúa và 2 dự án chiếm lượng lớn đất trại giống cây, giống con.
Lấn đất lúa nhiều nhất là dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Tuần Châu Hà Tây từ ngày 3/3/2007. Dự án này được hoạch định tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai với tổng diện tích chiếm đất là 198,2ha chủ yếu đang trồng lúa.
Dự án này dự kiến dành 93ha trong tổng số 198,2ha đất lúa (kể trên) xây sân golf 18 lỗ kết hợp các công trình phụ trợ, vui chơi giải trí, khách sạn, biệt thự và hệ thống sân vườn, đường dạo... Tuy nhiên, dự án hiện đang tạm dừng do một trong những nguyên nhân là dân bất đồng, khiếu kiện nhiều khi giải phóng mặt bằng.
Dự án chiếm nhiều đất lúa thứ hai là Sân golf Temple Lake Golf & Resort do Ngân hàng Mutual Saving Bank và một số doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất. Từ cuối 2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã chấp thuận chủ trương cho các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu, lập dự án sân golf này tại khu vực chùa Trầm (xã Phụng Châu và Tiên Phương, huyện Chương Mỹ).
Tuy nhiên, kết quả rà soát ban đầu cho thấy, trong tổng diện tích đất nghiên cứu cho dự án này là 128,72ha có đến 97,51ha là đất nông nghiệp đang trồng lúa, còn lại là đất công cộng, đất các loại khác...
"Đứng đầu" trong số các dự án sân golf lấn đất chuồng trại là dự án "nổi tiếng" thời gian qua (dư luận chỉ trích; chủ đầu tư đã "rút lui") - Khu du lịch quốc tế Tản Viên tại khu vực hồ Suối Hai, Ba Vì. Theo qui hoạch chi tiết 1/2000 đã duyệt, tổng diện tích chiếm đất của dự án này khoảng 1.204,8ha, trong đó 730ha mặt hồ, 183ha diện tích các đảo trong lòng hồ và 291,5ha đất bờ hồ.
Dự kiến ban đầu của nhà đầu tư qui hoạch xây dựng nhiều công trình nhà ở, biệt thự trên các đảo tự nhiên tại khu vực hồ Suối Hai. |
Dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1diện tích khoảng 158,3ha gồm hầu hết các đảo trong lòng hồ Suối Hai hiện do Công ty Khai thác thủy lợi Ba Vì quản lý, mục tiêu đầu tư một sân golf 18 lỗ và nhà nghỉ dưỡng, câu lạc bộ, biệt thự cao cấp; giai đoạn 2 khoảng 1.046ha gồm 291ha đất trại gà, 68ha đất trại tinh bò giống Mondaca (tổng cộng 359ha đất trại gà, bò giống) và mặt nước hồ Suối Hai, cũng dự tính xây một sân golf 18 lỗ cùng khách sạn, biệt thự, khu vui chơi giải trí.
Ngày 16/6/2009 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có văn bản xin không tiếp tục đầu tư dự án do không đảm bảo mục tiêu đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, huyện Ba Vì vẫn đề nghị Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án này (dĩ nhiên có cả sân golf) với lý do "tạo động lực kinh tế phát triển huyện nghèo".
Một dự án golf nữa cũng vừa được phát hiện chiếm 120ha diện tích trại giống cây trồng là Khu sân golf - resort - vui chơi giải trí cao cấp Hồ Cẩm Quỳ tại xã Ba Trại và Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì. Diện tích đất dự án này chiếm là 254,4ha trong đó khoảng 60ha mặt nước, còn lại là đất đồi gò trồng cây lâm nghiệp.
Công ty CP Đầu tư và quản lý tài sản Toàn Cầu dự định xây dựng tại đây một sân golf 36 lỗ kết hợp resort, khách sạn, khu vui chơi giải trí... với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 68 triệu USD.
Cả qui hoạch chi tiết 1/2000 lẫn 1/500 dự án này đều đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt. Tuy nhiên, khi giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư (kể trên) vướng việc di dời trung tâm giống cây trồng.
Sân golf trong các dự án chiếm lượng lớn đất nông nghiệp (kể trên) đang đứng trước "nguy cơ" bị co hẹp, dừng hoặc chuyển mục tiêu đầu tư. Bên cạnh đó, những dự án đầu tư sân golf tại các khu vực đông dân cư, khó giải quyết việc làm khi thu hồi đất; nhạy cảm về chính trị, văn hóa, xã hội, tâm linh... hoặc ảnh hưởng đê điều cũng đã, đang được lãnh đạo Hà Nội tiếp tục cân nhắc.
Đặc biệt, dự án sân golf quốc tế Sóc Sơn như đã thông tin, dù chiếm đến 86ha đất nông nghiệp (trong đó khoảng 30ha trồng lúa và hoa màu) vẫn có xu hướng được cho phép tiếp tục đầu tư xây dựng, không chuyển mục tiêu, không dừng và cũng không "co hẹp". Đây là dự án sân golf duy nhất hiện nay của Thủ đô nằm trong danh mục các công trình trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
-
Hoàng Huy