(VietNamNet) - Theo nhận định của Sở GTCC TP.HCM, sạt lở tại bán đảo Thanh Đa là do dân tự ý lấn chiếm kênh rạch và ghe thuyền neo đậu không đúng quy định làm thay đổi dòng chảy.
Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Khu đường sông cho biết, theo thị sát của đoàn kiểm tra, nhiều đoạn sông dọc theo bán đảo Thanh Đa bị người dân đóng cọc tràm, đắp bao cát làm thu hẹp lòng sông. Nhiều đoạn sông bao cát còn mới nguyên, chứng tỏ các hộ dân cố ý làm việc này vì mục đích tư lợi.
Theo đánh giá của ông Trần Minh Dũng, Phó giám đốc Sở GTCC, bán đảo Thanh Đa là một khu du lịch sinh thái rất lý tưởng, hứa hẹn nhiều cơ hội tốt thu hút nhiề dự án du lịch cho TP.HCM. Không chỉ ông Minh Dũng nhận ra điều này mà từ lâu, nhiều hộ dân đã nắm bắt được tiềm năng của khu vực bán đảo. Vì thế, họ đã tự ý lấn chiếm bờ sông làm nơi kinh doanh, buôn bán. Các quán cà- phê sân vườn, cháo vịt, nhà hàng… mọc lên như nấm trước sự "bất lực của cơ quan quản lý nhà nước".
Một điều đáng lo ngại là việc người dân tự ý gia cố bờ kè như hiện nay đều không đúng kỹ thuật. Ở những vùng sạt lở có bờ sông dốc đứng như Thanh Đa, việc đắp bao tải cát phải thực hiện từ dưới lên. Thế nhưng, chủ đất lại tự đóng cừ tràm và đắp bao cát từ trên xuống. Do nền đất không ổn định đã gây trượt khối đất vừa đắp xong và làm sạt lở luôn phần đất lẽ ra được bảo vệ.
Bên cạnh đó những nguyên nhân vừa kể trên, Sở GTCC còn đưa ra nguyên nhân bắt nguồn từ việc di chuyển của những xà lan chở cát nặng đến 1.000 tấn trên những tuyến sông đi ngang qua bán đảo. Việc di chuyển này đã tạo ra những đợt sóng ngầm, xoáy sâu vào bờ sông vốn có độ kết dính yếu, gây ra sạt lở. Những xà lan chở cát này phần lớn vận chuyển nguyên vật liệu cho nhà máy xi măng Hà Tiên (gần khu vực sạt lở nhà thờ La San Mai Thôn). Tương tự như ở bán đảo Thanh Đa, tình trạng sạt lở ở khu vực sông Đông Điền (huyện Nhà Bè) cũng do hoạt động chuyên chở cát của các xà lan. Gần khu vực sông Đồng Điền là ngã ba sông Xoài Rạp, nơi đây chất lượng cát rất tốt, thường được dùng để xây dựng. Do vậy, một lượng cát lớn đã bị khai thác một cách vô tội vạ nhằm phục vụ quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh tại huyện Nhà Bè.
Theo chỉ đạo của ông Hà Văn Dũng, Khu đường sông phải xúc tiến ngay dự án chỉnh trị và bảo vệ bờ sông Sài Gòn - khu vực nhà thờ La San Mai Thôn (Q. Bình Thạnh) vào cuối tháng 7/2004. Tổng mức đầu tư được duyệt của dự án vào khoảng 9,6 tỉ đồng. Như vậy từ này cho đến giữa mùa mưa năm nay, các hộ dân ở khu vực này vẫn cứ “cầu may” mong sao hiểm họa sạt lở đừng “đụng” tới nhà mình. Tại TP.HCM, sạt lở không chỉ xảy ra ở bán đảo Thanh Đa mà còn có ở huyện Nhà Bè, Thủ Đức…Hầu như các Quận, Huyện của TP.HCM có bờ sông đều đang trong nguy cơ sạt lở trong khi đó các dự án khắc phục vẫn cứ “xa tít mù khơi”.
- Tin ảnh: Trần Duy