(VietNamNet) - Ngày 2/3, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) đến năm 2020. Theo đó, tổng chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh là 2.186 km, trong đó, chi nhánh chính phía Đông là 1.676 km, nhánh phía Tây 510 km; phạm vi nghiên cứu hai bên đường có chiều rộng khoảng 2 km với diện tích khoảng 437.200 ha.
Theo quyết định này, tuyến đường Hồ Chí Minh được phát triển với chức năng là hành lang giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia phía Tây của đất nước; là trục phát triển kinh tế và các đô thị, điểm dân cư nông thôn; trục cảnh quan gắn với các di tích văn hoá, lịch sử, danh lam thắng cảnh.
Đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) đi qua 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và được chia thành 5 vùng. Vùng 1 gồm 2 tỉnh Hà Tây và Hoà Bình có chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua là 95 km, tổng diện tích đất khoảng 19.000 ha, trong đó đất xây dựng đến năm 2020 khoảng 17.800 ha. Trong vùng này có 6 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III và 4 đô thị loại V.
Vùng 2 gồm 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh, có chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua là 345 km, tổng diện tích đất khoảng 69.000 ha, đất xây dựng đến năm 2020 khoảng 9.000 ha. Trong vùng này có 20 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III, 1 đô thị trung tâm vùng núi phía Tây tỉnh Nghệ An (tương đương đô thị loại III), 1 đô thị hạt nhân và 17 đô thị loại V.
Vùng 3 gồm 5 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua là 1.054 km, tổng diện tích đất khoảng 210.800 ha, trong đó đất xây dựng đến năm 2020 khoảng 26.200 ha. Vùng này có tổng số 24 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại I, 2 đô thị loại III và 20 đô thị loại V.
Vùng 4 gồm 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông, chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua là 502 km, tổng diện tích đất khoảng 100.400 ha, trong đó đất xây dựng đến năm 2020 khoảng 15.400 ha. Vùng này có tổng số 17 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, một đô thị loại IV và 13 đô thị loại V.
Vùng 5 gồm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, chiều dài tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua là 190 km, tổng diện tích đất khoảng 38.000 ha, trong đó đất xây dựng đến năm 2020 khoảng 9.200 ha. Vùng này có tổng số 7 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 4 đô thị loại V.
Về định hướng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường Hồ Chí Minh kết nối với mạng lưới đường bộ một cách thống nhất, cân đối, bảo đảm được tính liên hoàn, liên kết giữa các loại hình giao thông, tạo thành hệ thống giao thông thông suốt đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng trên phạm vi quốc gia và quốc tế.
Cụ thể, về đường bộ sẽ đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống các tuyến đường ngang nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 1 và các quốc lộ khác. Ngoài ra, đường Hồ Chí Minh sẽ kết nối với các tuyến đường đối ngoại nằm trong hệ thống đường bộ xuyên Á, đường ASEAN và khu vực theo quy hoạch phát triển giao thông đường bộ VN đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về đường thuỷ, sẽ đầu tư xây dựng phát triển các cảng biển có liên kết với tuyến đường Hồ Chí Minh trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển VN đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về đường sắt, sẽ đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường sắt có quan hệ vận tải với tuyến đường Hồ Chí Minh, kết nối thành hệ thống đường sắt liên hoàn phù hợp với quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt VN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với định hướng về quy hoạch đô thị và giao thông, Chính phủ cũng phê duyệt các giải pháp tổ chức các khu dân cư dọc tuyến. Theo đó, việc phát triển các khu dân cư phải có biện pháp nghiêm ngặt để đảm bảo quy hoạch và nằm ngoài hành lang an toàn giao thông của tuyến. Ngoài ra, quyết định này cũng quy định về các giải pháp tổ chức điểm dừng, vấn đề thoát nước và vệ sinh và bảo vệ môi trường.
-
Thế Lê Vinh