(VietNamNet) - Theo Ban chỉ đạo di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở TP.HCM, TP có 398 cơ sở đã di dời, ngừng sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề. Song cho đến nay còn vài trăm cơ sở nữa không biết đi đâu, về đâu… hằng ngày vẫn phun chất ô nhiễm vào các khu dân cư.
Tiền ở đâu ra?
Có hai vấn đề quyết định đến việc di dời của doanh nghiệp (DN), đó là vốn và mặt bằng. Để giải quyết vấn đề vốn, UBND TP đã cho phép các DN nhà nước bán mặt bằng để tạo nguồn vốn. Tuy nhiên, hiện tại cũng không hề dễ dàng trong việc bán mặt bằng nhà xưởng. Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá nêu vấn đề: “Đất, nhà của Nhà nước mà đưa ra đấu giá, rất nhiêu khê về việc xác định giá trị, điều chỉnh rất khó”. Trưởng ban chỉ đạo di dời của quận 11 nói: “Bán nhà xưởng rồi DN sẽ ở đâu? Bán rồi ra nơi mới, riêng việc trả tiền thuê đất cũng đủ lao đao”. Bên cạnh đó, nhiều mặt bằng của DN được quy hoạch thành công trình công cộng như công viên cây xanh, trường học, cũng là một yếu tố gây khó khăn cho cơ sở khi giải quyết mặt bằng để tạo vốn.
Khó khăn hơn nữa là các công ty cổ phần, khi tài sản mặt bằng không được tính vào giá trị DN như DN nhà nước. Ông Giám đốc Công ty cổ phần Bao bì Dược cho biết, khi công ty chuyển sang cổ phần hóa, giá trị sử dụng đất không được tính vào giá trị DN. Vì vậy khi di dời sang khu công nghiệp (KCN) mới, DN phải bỏ ra chi phí lớn hơn vốn điều lệ nhiều lần. Tương tự, ông Võ Văn Em, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Vissan cho biết, nếu di dời ra nơi mới, chỉ riêng tiền thuê đất của công ty đã mất 50 tỷ đồng. Bà Hồng cũng chỉ ra một nghịch lý, mà đây cũng đang là một bế tắc của các công ty cổ phần: “Cơ sở đề nghị giải quyết về vốn, nhưng bổ sung thì lại sợ ảnh hưởng cơ cấu vốn, quyền lợi của công ty và cổ đông, còn vay thì nói là vay không nổi”.
Vì vậy, cùng với Bao bì Dược và Vissan, hầu hết các công ty cổ phần đều cùng chung 1 kiến nghị, là được TP hỗ trợ cho vay không tính lãi tiền thuê mặt bằng.
Theo quyết định của UBND TP.HCM về việc ưu đãi cho cơ sở di dời, trong khi chưa bán được nhà xưởng, DN có quyền vay ở ngân hàng, nhưng rất ít DN đi vay. Hầu hết các cơ sở đề nghị, Nhà nước hỗ trợ DN cho vay không lãi. “DN vẫn có thể vay ngân hàng, nhưng khi nguồn vốn chính bị ách tắc, đang tạm ngừng sản xuất (để di dời), thì việc vay ngân hàng cũng là một rủi ro lớn, không ai dám vay”, lãnh đạo Công ty Cao su Thống Nhất nói.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đi dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, sau hơn 1 năm ban hành chính sách di dời, UBND TP.HCM chỉ mới cấp được 17 giấy chứng nhận ưu đãi di dời cho DN, 8 đơn vị được giải ngân 3,4 tỷ đồng.
Dời về đâu?
Tiền đã khó, nhưng có tiền rồi, thì đi về đâu, cũng là chuyện hóc búa. Bà Giám đốc Công ty cổ phần Sơn Bạch Tuyết bức xúc kiến nghị: “Tôi vay 16 tỷ, tiền đã cầm nhưng mặt bằng tìm không ra, bây giờ không biết làm sao đây? Cứ nghĩ đến chuyện đó là tôi không làm sao ngủ được. Tôi chỉ xin thành phố hỗ trợ cho tôi vay 16 tỷ để trả nợ cho ông Hai Sang (tức Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận)”. Lãnh đạo Công ty Dệt may Gia Định nói rằng, nếu bán mặt bằng của Dệt may cũng được 400 tỷ, và đầu tư mới cũng chỉ mất 250 tỷ. Thế nhưng ông Giám đốc Công ty Dệt may lại hỏi: “Mặt bằng nào, ở đâu?”. Giữa 2003, Dệt may Gia Định đã xin về Trảng Bàng (Tây Ninh), rồi Bình Dương, Linh Trung 3, Hiệp Phước đều vẫn không được. Tỉnh Tây Ninh thì đề nghị làm công tác đầu tư môi trường, Bình Dương không chấp nhận vì là đầu nguồn sông Đồng Nai, Linh Trung 3 thì chưa được, còn Hiệp Phước thì không đảm bảo nước cất và nước thải cho công việc nhuộm vải. Vì vậy mà Dệt may Gia Định vẫn cứ loanh quanh từ bấy lâu nay!
Theo các DN, việc Nhà nước định giá mặt bằng cũng chưa hợp lý, nên rất khó mua. Ông Phan Hồng Quân, Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp dẫn chứng, mặt bằng cho cơ sở phải có diện tích lớn nhưng chỉ sử dụng một phần, trong khi đó lại được định giá ngang với giá nhà đất trên thị trường, DN không thể mua nổi. Còn các DN có quy mô nhỏ, vẫn khó mua vì không có vốn.
Bên cạnh đó, lượng quỹ đất cũng không đủ đáp ứng cho DN di dời. Trong một cuộc họp khác, bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp cho biết, nếu tính bình quân 1 DN cần 1ha, thì tổng cộng cần phải có 1.000ha để DN di dời, trong khi đó, quỹ đất này không đủ đáp ứng.
Chi phí để làm xanh và sạch môi trường
Ông Trưởng ban chỉ đạo di dời cơ sở gây ô nhiễm quận 11 đề nghị, dù có phải di dời, DN vẫn phải bảo đảm được sản phẩm. Đồng tình với ý kiến này, lãnh đạo của Công ty cổ phần Nhựa Tân Tiến khẳng định, việc di dời là chủ trương đúng, tất cả đều tự nguyện, nhưng trong quá trình này, Nhà nước cũng nên cân nhắc để tạo điều kiện cho DN, đặc biệt là không nên để gián đoạn sản xuất, hoặc xảy ra tình trạng lao động bị dôi dư. Vì vậy, đại biểu này đề nghị Nhà nước nên có thêm một khoản đền bù tương đối để giúp cơ sở duy trì sản xuất. Ông Quân đồng tình, cho rằng Nhà nước nên xem việc di dời này là chi phí xã hội để làm xanh môi trường, vì vậy phải có một chủ trương nhất quán về việc di dời, để hỗ trợ cho DN. Giám đốc Khu chế xuất Linh Trung kiến nghị, có thể tham khảo cách làm của thành phố Kualalumpua, xây dựng kiểu nhà xưởng, từng khu nhỏ, có chỗ ở, làm việc và xưởng sản xuất, sau đó giao cho DN. Việc này có thể đặt hàng với các đơn vị xây dựng cơ sở hạ tầng, TP không cần phải đi tìm kiếm vốn hay mặt bằng. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng ban quản lý các KCN, khu chế xuất, cho biết, hiện tại ở các KCN còn 147ha, thêm 2 KCN là Talimex và Trảng Bàng, vì vậy về mặt bằng không đáng lo ngại. Với các DN nhỏ không đủ vốn, nhiều ý kiến cho rằng, nên động viên chuyển đổi ngành nghề. Lãnh đạo Công ty Cao su Thống Nhất kiến nghị: Nhà nước, TP cần có một lộ trình thực hiện, để tiết kiệm thời gian cho DN, vì với DN, thời gian là hiệu quả, là sức cạnh tranh.
Ghi nhận hết tất cả các ý kiến của DN, ông Mai Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, thời gian đã rất gấp (đến cuối năm 2004 phải hoàn thành công tác di dời), TP sẽ hết sức nỗ lực cùng với DN tìm giải pháp. Về những kiến nghị có ý tưởng mới như trên, Ban chỉ đạo sẽ trình lên UBND TP để xem xét tính khả thi. Ông Bình cho rằng, cần phải có những ý tưởng, giải pháp đột phá và mạnh dạn như vậy, mới có thể tìm ra lời giải cho bài toán di dời hiện nay đang lúng túng.
-
Đặng Vỹ