- Mới đây, rất nhiều người hiếu kỳ khi chứng kiến một thanh niên ăn mặc quái dị, tay cầm cây kéo nhọn hoắt "múa võ giương oai" trên đường Ngô Gia Tự, quận 10, TP.HCM. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp đặc biệt. Còn rất nhiều kiểu tâm thần "quái chiêu" khác...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Tâm thần, cơ sở Chợ quán, quận 5, TP.HCM cho biết ông đã và đang phải điều trị cho rất nhiều người có triệu chứng nói trên.
Thích ăn mặc "sốc hàng"
"Có một nam bệnh nhân tên Tuấn, là cán bộ công chức, ngụ tại Củ Chi. Cách đây không lâu, Tuấn bị tai nạn giao thông. Sau khi bình phục, lúc đi làm lại, anh cứ đòi… luộc chín giám đốc. Không chỉ thế, Tuấn luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ mình là người nổi tiếng, rất giàu có. Tuấn mua nhiều trang sức bằng vàng giả, đeo đầy người, mặc áo thun phỏng theo của một cầu thủ bóng đá nổi tiếng trên thế giới. Đi đến đâu Tuấn cũng khoe mình nhiều đất đai, nhà cửa trị giá nhiều tỷ đồng" - bác sĩ Phạm Văn Trụ, kể lại.
Một trường hợp tâm thần khác cũng rất kỳ lạ, đó là bệnh nhân tên Anh Hải, ngụ TP.HCM, một người từng làm ăn bên Nga nhưng do thua lỗ nên phải hồi hương. Từ lúc về nước, ngày nào Hải cũng ăn mặc chỉnh tề, xách va li, dắt theo vợ con ra sân bay đứng. Ai hỏi anh cũng nói chuẩn bị sang Nga làm ăn tiếp. Vì thế nhiều người cứ ngỡ anh còn làm ăn khấm khá chứ không phải... tâm thần.
Một thanh niên ăn mặc quái dị đang dọa... thùng rác tại quận 10, TP.HCM. Ảnh: VietNamNet. |
Cách đây không lâu, bác sĩ Trụ được một bệnh nhân cũ đến nhà riêng… thăm. Bà này bị bệnh đã 10 năm nay. Bác sĩ “choáng” vì thấy bà bệnh nhân gần 70 tuổi của mình ăn mặc rất… "sốc hàng". Theo cháu ngoại của bệnh nhân, bà mình rất thích ăn mặc đẹp, đặc biệt tự coi mình là…đệ nhất phu nhân, hở ra là đem đồ và tiền của nhà đi phân phát cho hàng xóm.
Anh Trần Văn Hùng, quê tại Nghệ An, đang làm việc tại TP.HCM cũng cùng một tuýp. Qua điều tra bệnh sử, các bác sĩ biết anh chàng này rất… thích làm từ thiện vì cho rằng mình là một đại gia khét tiếng Sài thành. Dạo trước, nghe tin Nghệ An, quê mình bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt, anh đã bán hết gia sản để thuê hai chiếc xe tải chở hàng cứu trợ. Anh cho xe tải đi trước còn mình đi xe theo sau.
Khi bác sĩ hỏi đi Nghệ An cứu trợ sao anh lại mua vé ra Hà Nội thì Hùng thản nhiên trả lời: “Em đi ra Hà Nội. Đến Hà Nội em lại… vòng ngược về Nghệ An”.
Hiện tượng rối loạn cơn hưng cảm
Tất cả những triệu chứng bất thường nêu trên được bác sĩ Trụ giải thích là biểu hiện của cơn hưng cảm và rối loạn khí sắc hay còn gọi là rối loạn lưỡng cực (có từng cơn hứng cảm và trầm cảm).
Đa số các trường hợp này được chẩn đoán chậm hơn vì dễ lầm với những rối loạn tâm thần khác. Những người mắc phải triệu chứng này thường nói nhiều, không có nhu cầu về ăn và ngủ, gia tăng hành vi. Nếu họ bị kèm theo các hành động kỳ dị như ăn mặc quái đản, dọa… thùng rác (như anh thanh niên trên đường Ngô Gia Tự, quận 10)… thì có khả năng đó là bệnh tâm thần phân liệt.
Riêng nguyên nhân của việc ăn mặc khác thường (có thể là quái dị hoặc quá nuột nà) là do họ thích bắt chước một ai đó. Biểu hiện này ở người lớn tuổi ít gặp hơn.
Điều trị cho những bệnh nhân bị chứng bệnh kể trên, các bác sĩ sẽ dùng thuốc chữa loạn thần khống chế tức khắc khi lên cơn. Sau đó, bệnh nhân còn phải uống thuốc điều chỉnh khí sắc mỗi ngày để kéo dài sự ổn định.
Tuy nhiên, đa phần các bệnh nhân có cơn hưng cảm lại không chịu hợp tác điều trị. Uống thuốc loạn thần xong, trở lại được trạng thái bình thường thì họ không chịu uống tiếp thuốc điều chỉnh khí sắc nữa. Cũng vì lý do này mà khi gặp một sự cố trong cuộc sống, bệnh của họ rất dễ bị tái phát.
(*) Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.
-
Thanh Huyền