221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
1259305
Về Song Hồ tìm "chúa sơn lâm"
0
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Về Song Hồ tìm 'chúa sơn lâm'
,

- Trâu vàng sắp "chào làng" để "chúa sơn lâm" ngự giá. Cận Tết, người dân khắp nơi đổ xô về Song Hồ tìm kiếm những "ông hổ" cho việc cúng bái cuối năm.

Làng Đông Hồ (thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nức tiếng với nghề làm tranh dân gian, đồ hàng mã đang tất bật chuẩn bị cho ra đời những mặt hàng mới chào đón "ông hổ"...

Xem người Đông Hồ "sản xuất" hổ

Trước Tết Nguyên đán 1 tháng, nhưng làng Đông Hồ đã đông vui tấp nập, người ra người vào như trảy hội. Trong làng ngoài ngõ ai cũng bảo nhau rằng năm nay đón ông Hổ, phải làm cho thật “hoành tráng”!

So từ đầu năm đến giờ, dịp này được cho là cao điểm nhất. Khắp đường làng, ngõ xóm Đông Hồ, đâu đâu cũng ngợp mắt khung tre, giấy bồi, quan tiền, hình nhân…

Mô tả ảnh.

Tranh hổ độc xuất hiện để chào đón năm hổ. (Ảnh: Ngọc Huyền)

Đến thăm nhà chị Mai, một gia đình chuyên đại lý hàng mã to nhất nhì làng, chúng tôi choáng ngợp trước “dinh cơ” hàng mã của chị. Chị Mai cho biết: “Năm nay người ta dự tính cho “người âm” ăn Tết to lắm. Năm hổ mà! Chị cứ ở đây một lúc sẽ thấy, người từ khắp nơi đổ về lấy hàng, xe máy, ôtô dựng cả trên đê lẫn trong ngõ, có khi còn tranh nhau khi hết hàng”.

Quả như lời chị Mai nói, mới ngồi được nửa tiếng đồng hồ chúng tôi đã thấy ngoài đường ngoài ngõ tấp nập người, xe. Anh Quang - khách quen của chị Mai cho hay: “Chúng tôi phải vượt đường xa đến đây cũng vì yêu cầu của khách hàng thôi. Họ kén hàng lắm, phải là “made in Đông Hồ” cơ”.

Anh cũng cho biết thêm, chuyến hàng này sẽ được đưa đi các tỉnh từ Lạng Sơn, Cao Bằng đến miền Trung, Thanh Hóa, Nghệ An…

Quan niệm trần sao thì âm vậy được những người làm hàng mã vận dụng triệt để. Trên dương gian có gì, dưới địa phủ cũng không thiếu cái đó: nhà lầu, xe hơi, tiền vàng, điện thoại…

Nếu người trần mua hình nộm "ông hổ" về đặt ở nhà hay cao hổ cốt để có sức khỏe dồi dào thì làng Đông Hồ có cả một đội ngũ đông đảo những người chuyên đan hổ. Từ những cây tre, gióng nứa... dưới bàn tay tài hoa, ông hổ bắt đầu hiện hình.

Gia đình anh Thanh nổi tiếng với nghề đan lát cho biết: “Năm hổ mà không đan hổ sao được, hổ to, hổ nhỏ, hổ mẹ, hổ con... cứ đặt, có tất”.

Mô tả ảnh.

Từ những cây tre, gióng nứa dưới bàn tay của những "nghệ nhân", "ông hổ" bắt đầu hiện hình. (Ảnh: Ngọc Huyền)

Khi được hỏi đan hổ có khó hơn đan những con vật khác không, các “nghệ nhân” nhà anh Thanh ai nấy nhăn mặt: “Khó hơn nhiều chứ! Đan hổ đâu thể giống như đan ngựa được, phải đan làm sao cho nó thành hình một ông chúa sơn lâm oai hùng. Chúng tôi phải mày mò chán mới đan được đấy!” - chị Nga vợ anh Thanh tâm sự.

Anh Thanh cho hay, muốn đan hổ đẹp phải đan hai chi sau trước, sau đó đan lên thân, tức là phần lưng và bụng. Muốn đan phần thân đẹp lại phải đan sao cho lưng có nhiều khúc uốn, vì hổ là loài có thân hình mềm mại, sau đó mới đan phần đầu.

Đầu hổ được những nghệ nhân cho là phần khó nhất vì hoàn toàn khác đầu ngựa, phải đan to, tròn nhưng không được quá thô như đan đầu lợn. Còn hai chi trước đan riêng, sau mới gắn vào.

Đó mới xong phần “thô” tức là chưa có mặt mũi, lông lá. Đến phần “phất” là phần trang trí cho "ông hổ". Đầu tiên phải bọc một lớp giấy báo quanh thân "ông" để tạo sự chắc chắn không còn lỗ hở, sau đó mới lấy giấy màu dán khắp thân hình.

Giấy màu phải là loại giấy được mua ở Đông Cao (một làng nổi tiếng về làm giấy hàng mã), dày và mịn. Trên giấy có phết các lớp màu cùng những nét vẽ y hệt lông hổ thật: màu vàng, có sọc vằn đen, nâu…

Anh Thanh còn cho biết thêm, trong thời gian này, ngoài "sản phẩm" ông Công, ông Táo đắt hàng thì hổ, lợn hay ngựa đan cũng được mua với số lượng lớn. Theo lời anh thì có hôm cả nhà phải làm ngày làm đêm kịp cho một bà đồng tận Lạng Sơn về mua toàn hổ, ngựa, lợn đến hơn chục triệu đồng. Đấy là chưa kể những mã khác như quan tiền, nhà lầu, xe hơi...

Một con ngựa đan loại nhỏ có giá 50 nghìn đồng, lợn từ 50-70 nghìn đồng. Riêng ông Hổ vì khó đan nên có giá từ 70-100 nghìn đồng

"Ông hổ" lên tranh

Tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng khắp gần xa, hẳn ít người không biết. Những “mẹ con đàn lợn âm dương” hay “gà lợn nét tươi trong” đã trở thành thương hiệu bao đời nay. Đến làng tranh Đông Hồ mỗi dịp giáp Tết, lại được thưởng thức sự tài hoa của người làm tranh nơi đây.

Mô tả ảnh.

Ngay từ những ngày đầu năm 2009 nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã mày mò tìm hiểu để phục chế lại bản sắc tranh Ngũ Hổ. (Ảnh: Ngọc Huyền)

Mặc dù cả làng chỉ còn 3 nghệ nhân làm tranh nhưng để đón chào năm hổ thì ngay từ những ngày đầu 2009, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã mày mò tìm hiểu để phục chế bản sắc tranh ngũ hổ và sáng tạo tranh hổ độc.

Công việc phục chế và sáng tạo tranh hổ để chào đón năm mới không phải chuyện dễ dàng.

Ông Chế tâm sự: “Việc khôi phục gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đã phải sưu tầm nhiều bức tranh có hổ để từ đó vẽ lại, đổi mới đi để làm sao thật đẹp nhưng vẫn giữ được nét oai hùng của loài vốn tự xưng là chúa sơn lâm”.

Giải thích ý nghĩa của bức tranh ngũ hổ, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh trong tác phẩm "Tìm về cội nguồn Kinh dịch" đã viết: “Ngồi uy nghi giữa tranh là ông Hổ màu vàng, xung quanh là 4 ông với 4 màu khác nhau đỏ, xanh, trắng, đen. Đó chính là tượng trưng cho học thuyết ngũ hành, năm loại vật chất cơ bản làm nên sự vật: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Hổ vàng thuộc hành Thổ, ở chính giữa của muôn vật. Hổ trắng hành Kim. Hổ xanh hành Mộc. Hổ đen hành Thuỷ. Hổ đỏ hành Hoả".

Ông Chế bảo, ngay từ những ngày đầu năm 2010, tranh dân gian Đông Hồ có nội dung về hổ đã được nhiều người chọn mua. Còn tranh ngũ hổ chủ yếu bán cho những "cô đồng" để treo điện thờ, bày tỏ lòng tôn kính trước sức mạnh của chúa sơn lâm.

  • Ngọc Huyền
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,