221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
1260511
Đi cầu con, không có thai vẫn được bốc thuốc...dưỡng thai?
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Đi cầu con, không có thai vẫn được bốc thuốc...dưỡng thai?
,

- Ngày 28/1, Sở Y tế TP.HCM đã chính thức rút giấy phép hành nghề vĩnh viễn của 2 cơ sở khám thai có liên kết với cò mồi, lừa gạt, kê đơn dưỡng thai cho các phụ nữ đi cầu con ở quận Thủ Đức, TP.HCM.

 

Trước đó, vào ngày 16 và 17/1, thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra phòng chữa trị y học cổ truyền Mai Hoa Đường, phường 12, quận Gò Vấp và phòng chẩn trị y học cổ truyền số 241 đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận.

 

Khám không có thai vẫn bốc thuốc dưỡng

 

Tại thời điểm thanh tra, đoàn phát hiện rất nhiều phụ nữ đi cầu con đến khám thai. Trên thực tế, những thai phụ trên không hề có thai nhi nhưng vẫn được lương y tại 2 phòng khám trên kê toa, bán thuốc dưỡng thai (mỗi đơn thuốc có giá từ 35.000 đồng đến 60.000 đồng cho 7 đến 10 ngày).

 

Phòng chẩn trị y học cổ truyền Mai Hoa Đường do bà Trần Thị Hoa Mai, sinh năm 1970 làm chủ. Phòng khám của bà Mai không hề treo biển hiệu, không đủ điều kiện vệ sinh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm với các mặt hàng thực phẩm chức năng có nguy cơ cao, sử dụng dược phẩm chưa được phép của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Chủ phòng khám Mai Hoa Đường đang bị xử lý tại Sở Y tế. Ảnh: Thanh Huyền.

 Bà Mai cũng không xuất trình được sổ sách theo dõi bệnh nhân và sổ lưu kê đơn thuốc.

 Tại Sở Y tế, bà Mai đã làm bản tường trình về việc khám thai cho các phụ nữ đi cầu nguyện.

 

Bà Mai cho biết, trong các trường hợp đi cầu nguyện về được mình khám thai có nhiều người vẫn có kinh vài ngày trong một tháng, thời gian mang thai lâu hơn bình thường, thai máy ít. Dù vậy, trong số đó có người đã sanh ra em bé mạnh khỏe.

 

Cụ thể như chị Nguyễn Thị Mỹ D., ngụ quận 12, đi cầu thai từ tháng 8/2008 và đến tháng 9 năm 2009 đã sanh ở nhà bảo sanh Thiện Phước một bé trai nặng 2,8kg.

 

Chị Nguyễn Thị X., 42 tuổi, ngụ quận 7, đi cầu con từ tháng 4 năm 2008 và đến tháng 10 năm 2009 đã sanh ra bé trai nặng 3,4 kg ở Bệnh viện Hùng Vương…

 

Bà Mai tuyên bố: “Dù không khuyến khích chuyện đi cầu thai nhưng chị em nào có nhu cầu dưỡng thai thì bà vẫn thăm khám, bốc thuốc”.

Số thuốc tịch thu tại phòng chữa trị y học cổ truyền Mai Hoa Đường. Ảnh: Thanh Huyền.

 Khi được thanh tra hỏi về cách khám để nhận biết người phụ nữ có thai mà Mai tỉnh bơ: “Em dựa vào kinh nghiệm dân gian của ông bà. Nếu thấy hai đầu vú đen thì có thai.  Thai được 2 tháng bắt đầu biết…máy.”

 “Khám thai nhưng em không rành…chuyên môn”

 

Trong buổi sáng 28/1, chủ phòng chẩn trị y học cổ truyền số 241 đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, bà Trần Thị Hạnh cũng được mời đến Sở Y tế để xử lý. Riêng lương y Nguyễn Văn Huệ, người cùng khám bệnh với bà Hạnh không đến với lý do…bận đi công tác dài ngày.

 

Trước đó, vào ngày 17/1, đoàn thanh tra ghi nhận tại phòng khám ngoài bà Trần Thị Hạnh còn có lương y Nguyễn Văn Huệ đang hành nghề nhưng không mặc áo blouse và đeo bảng tên.

Bà Trần Thị Hạnh, chủ phòng khám số 241 Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận. Ảnh: Thanh Huyền.

 Đặc biệt, thanh tra phát hiện 71/210 toa thuốc có nội dung dưỡng tâm thai nhưng các thai phụ không hề…có thai. Theo bà Hạnh, số thuốc trên (gồm tễ và viên nang) được cơ sở tự bào chế, còn thuốc thang mua ở đường Hải Thượng Lãn Ông.

 Tại Sở Y tế, được hỏi về phương pháp nhận biết người phụ nữ có thai bà Hạnh trả lời: “Tôi không…rành về chuyên môn (?).”

 

Thanh tra Sở Y tế đã đi đến quyết định cuối cùng là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của các chủ cơ sở và giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề của 2 phòng khám trên.

71 đơn thuốc dưỡng thai cho các phụ nữ không có thai thật. Ảnh: Thanh Huyền.

 Thuốc tịch thu sẽ được lấy mẫu đem xét nghiệm, toàn bộ số còn lại đem tiêu hủy.

 Cùng ngày, Tiến sĩ bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM đã được mời đến Sở Y tế để giải thích một cách khoa học về hiện tượng những phụ nữ đi cầu về bụng to lên nhưng không có thai nhi.

 

Bác sĩ Hà cho biết, từ tháng 5/2009 đến nay, Bệnh viện Từ Dũ ghi nhận 12 trường hợp đến khám thai sau khi đi cầu nguyện về.

 

Những phụ nữ này vẫn được làm hồ sơ khám thai như bình thường. Tuy nhiên, khi thăm khám, dù bụng của mấy người này to nhưng bác sĩ không sờ thấy đáy tử cung, không nghe được tim thai, siêu âm cũng không có thai nhi trong tử cung.

Kết quả siêu âm của các trường hợp đi cầu nguyện về khám tại Bệnh viện Từ Dũ không hề có thai nhi. Ảnh: Thanh Huyền.

 “Khi được chẩn đoán không mang thai, 2 phụ nữ đã bật khóc tại chỗ. Họ xua đuổi không cho bác sĩ đến gần và cho rằng vì mình không tin, đi khám nên mới mất con.

 Ngoài ra, một trường hợp ngụ ở Củ Chi, mang thai được 2 năm chưa sanh, khi đến bệnh viện khám, biết mình không có thai không lấy làm bất ngờ nhưng vô cùng buồn bã, lẳng lặng ra về.

 

Không phải ai đi cầu con về mang thai giả cũng đều còn kinh nguyệt. 11/12 trường hợp đến Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ khám đều mất kinh.”, bác sĩ Hà nói.

 

Qua đó, bác sĩ cảnh báo người dân, không chỉ căn cứ vào chuyện núm vú đen mà cho rằng mình mang thai.

 

Để nhận biết có thai phải dựa trên đủ các yếu tố như tắc kinh, kết quả test nhanh 2 vạch, nôn ói (ốm nghén), siêu âm có túi thai.

 

Và trong 3 tháng đầu thai kỳ, bác sĩ cần siêu âm để xác định tuổi thai cũng như thai có nằm trọn trong tử cung không, khi đó mới quyết định kê toa cho bệnh nhân dưỡng thai.

 

  • Thanh Huyền
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,