– “Lúc trước chưa có KCN Hòa Khánh, nguồn nước ở đây sạch lắm, năng suất nuôi trồng cũng đạt hiệu quả cao. Thế nhưng từ khi có nhiều nhà máy hoạt động ở KCN thì nguồn nước nơi đây cứ đục dần và kéo theo mùi hôi thối..." - một người dân cho biết.
Dân tình khốn đốn vì nước thải KCN
Đến khu dân cư Hồng Phước (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) những ngày đầu năm 2010, chúng tôi chứng kiến mương dẫn nước thải chảy ra một màu đỏ đục nhờ nhờ, bốc mùi hôi nồng nặc.
Những mương nước hình xương cá đan xen trong khu dân cư cũng tanh nồng mùi tạp chất lẫn xác cá chết do nguồn nước ô nhiễm gây nên. Đây là hậu quả do nước thải của các cơ sở sản xuất từ KCN Hòa Khánh thải ra gần chục năm qua. Nhất là vào những ngày nắng nóng, không khí càng ngột ngạt, khó thở.
Người dân phường Hoà Hiệp Nam vớt cá chết do ô nhiễm từ KCN Hoà Khánh Ảnh: HC
Hiện khối phố Hồng Phước có gần 200 hộ dân sống xung quanh khu vực đầu nguồn cửa xả của mương nước thải KCN Hòa Khánh. Ngoài tình trạng ô nhiễm mùi hôi, người dân còn chịu cảnh ruồi nhặng bâu mất vệ sinh, có thể gây nguy cơ dịch bệnh. Đã nhiều lần, người dân bức xúc kiến nghị lên các cấp, nhưng tình hình mới chỉ được giải quyết theo kiểu “giật gấu vá vai”.
Tại thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên, Hòa Vang), nước thải từ KCN Hoà Khánh khiến nhiều thửa ruộng của người dân bị bỏ hoang. Theo Hội Nông dân xã Hoà Liên, hiện có khoảng 80 hộ dân nơi đây sống bằng nghề nông, nhưng 10ha đất sản xuất nằm ngay chỗ trũng phải hứng chịu dòng nước thải này nên mất mùa, giảm năng suất đáng kể. Trước đây, trung bình 1ha cho năng suất khoảng 60 tạ thì nay còn dưới 40 tạ/ha…
Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng Trần Huy Đức cung cấp: người dân phường Hoà Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) phản ảnh nước thải từ KCN Hoà Cầm thải tự do ra ngoài đang gây ô nhiễm nghiêm trọng tại các tổ dân phố 7A, 7B. Người dân đang đòi hỏi gay gắt tình trạng này phải được sớm chấm dứt để không gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt.
Người dân các tổ 1, 2, 3 và 21 thuộc phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) cũng cho hay, vài năm lại đây, hệ thống mương thoát nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở khu vực từ khe Bà Lụa xuống đập Bờ Giữa, Gia Tròn… đã bị
ô nhiễm nặng, làm ảnh hưởng đến năng suất nuôi trồng và nguồn nước sinh hoạt.
“Lúc trước chưa có KCN Hòa Khánh, nguồn nước ở đây sạch lắm, năng suất nuôi trồng cũng đạt hiệu quả cao. Thế nhưng từ khi có nhiều nhà máy hoạt động ở KCN thì nguồn nước nơi đây cứ đục dần và kéo theo mùi hôi thối. Không những việc nuôi trồng bị giảm sút mà sức khoẻ người dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều!” - ông Tuấn, ở tổ 2 kể.
Các hộ dân khu dân cư Hồng Phước cho biết, họ có nhận được tiền đền bù cá, tôm chết do nguồn nước ô nhiễm gây ra. Nhưng theo ý kiến của đa số bà con, nếu chỉ đền bù như vậy thì họ sẽ không có kế sinh nhai về lâu dài. Cái chính là giải quyết nguyện vọng của bà con làm sao để cải thiện tình hình môi trường, bảo đảm sức khỏe về lâu dài cho người dân…
Hệ thống nước thải chỉ mang tính đối phó
Ban quản lý các KCN và Chế xuất Đà Nẵng cho hay, 6 KCN trên địa bàn với tổng diện tích gần 1.400ha cơ bản đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật điện, nước, giao thông, thông tin… và hiện 2 KCN đã được lấp đầy các dự án đầu tư.
Nhưng trong đó, chỉ mới có KCN Đà Nẵng và KCN Hòa Khánh đã có nhà máy xử lý nước thải, còn các KCN Liên Chiểu, Hòa Cầm, KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang… vẫn chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Hệ thống thu gom, xử lý nước thải của KCN Hoà Khánh không những chưa phát huy tác dụng mà còn là nguồn gây ô nhiễm ra khu vực dân cư Ảnh: HC |
Theo ông Huỳnh Ngọc Thạch, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Đầu tư và tư vấn công nghệ Đà Nẵng, sau khi được lấp đầy dự án và đi vào hoạt động thì lượng nước thải của các KCN kể trên ước tính lên đến 43.000 m3/ngày đêm. Nếu lượng nước thải này không được xử lý đạt tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường tự nhiên và nhiều khu vực dân cư trên địa bàn TP.
Trên thực tế, theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng, hiện chỉ có 92/252ha tại KCN Hoà Khánh được thu gom, xử lý nước thải, còn lại vẫn đang "tự nhiên" thải ra môi trường. Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Hoà Khánh tuy được thiết kế 5.000m3/ngày đêm nhưng chỉ hoạt động được khoảng 1/4 công suất.
Mới có 10% trong hơn 200 doanh nghiệp tại đây chấp hành quy định đấu nối hệ thống xử lý nước thải đến trạm xử lý tập trung. Bên cạnh đó, hệ thống đường ống chung này lại có nhiều chỗ bị hư hỏng làm nước thải chảy ra ngoài!
Đối với KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang, do đặc điểm của ngành chế biến thủy sản phải sử dụng lượng nước khá lớn, trong khi đó nhiều doanh nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải cục bộ, KCN lại chưa có trạm xử lý nước thải tập trung nên nước thải chảy ra hệ thống thoát nước đô thị bên ngoài âu thuyền Thọ Quang, gây nên điểm nóng ô nhiễm môi trường nước.
Còn KCN Liên Chiểu thì tập trung chủ yếu các doanh nghiệp công nghiệp nặng như chế tạo máy, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng… và ô nhiễm chủ yếu là do khói bụi gây ra.
Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cuối năm 2009, ông Nguyễn Điểu xác nhận tình trạng nhiều doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng chỉ mang tính đối phó hoặc không vận hành vì sợ tốn kém. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN, do hiệu quả kinh doanh còn thấp, số vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho cả KCN lại quá lớn nên họ chưa thật tích cực trong việc bỏ vốn ra xây dựng trạm xử lý nước thải.
Vẫn đang trong... dự kiến
Ông Nguyễn Điểu cũng cho hay, hệ thống thu gom nước thải cho phần diện tích còn lại ở KCN Hoà Khánh dự kiến hoàn thành trong tháng 2/2010. Tại KCN Liên Chiểu, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng dự kiến quý 2/2010 triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải và hoàn thành vào cuối năm 2010.
Nước thải chưa qua xử lý từ KCN dịch vụ thuỷ sản Thọ Quang đang gây ô nhiễm nghiêm trọng vùng vịnh Đà Nẵng Ảnh: HC |
cuối năm 2008, Sở TN-MT Đà Nẵng đã tiến hành thanh tra, xử phạt và yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư KCN Hòa Cầm xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.
Tuy nhiên, đến nay đã tròn 1 năm trôi qua, mọi việc chỉ mới dừng ở chỗ “UBND TP đã phê duyệt tổng mặt bằng xây dựng Nhà máy xử lý nước thải cho toàn KCN, Sở TN-MT đang thẩm định quy trình công nghệ, Công ty Cổ phần đầu tư KCN Hòa Cầm đang tiến hành các thủ tục giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư. Dự kiến hoàn thành các thủ tục trên trong quý 1/2010” như báo cáo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương!
Hay như tại Công ty TNHH chế biến thực phẩm D&N trong KCN Dịch vụ thuỷ sản Thọ Quang, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu đến cuối tháng 9/2008 phải khắc phục xong hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi thải ra môi trường. Thế nhưng đến kỳ họp HĐND TP cuối năm 2009 vừa qua, Sở TN-MT cho biết… vẫn đang chờ kết quả phân tích mẫu nước sau hệ thống xử lý!
-
Hải Châu