>> 12/9: Bắt đầu thanh tra giá thuốc tại các bệnh viện
>> Thứ trưởng Bộ Y tế: Giá thuốc sẽ không tăng đột biến
Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang |
Cơ sở kinh doanh thuốc phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về kê khai, kê khai lại giá và niêm yết giá. Việc quản lý giá thuốc được tổ chức theo cơ chế phân cấp giữa cơ quan quản lý Nhà nước về giá thuốc ở T.Ư và địa phương. Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm quản lý giá đối với các doanh nghiệp trên địa bàn, Cục Quản lý dược sẽ trực tiếp quản lý giá thuốc đối với các công ty nước ngoài.
Thưa ông, liệu có lặp lại tình trạng doanh nghiệp kê khai giá "đón đầu" gây tăng cao bất hợp lý như đã từng xảy ra vào thời điểm cuối 2003, đầu 2004 ?
- Mặc dù tự định giá, kê khai giá nhưng giá này sẽ được kiểm soát, bởi vì sẽ có tổ thẩm định xác định mức kê đó có hợp lý hay không. Mức kê đó sẽ căn cứ trên giá nhập khẩu tại hải quan cũng như căn cứ trên cơ cấu tính toán giá thành đối với đơn vị sản xuất. Trước đây, có tình trạng đội giá khi kê khai vì giá nhập khẩu không được công khai.
Nhưng thặng số lợi nhuận bao nhiêu thì được coi là "hợp lý”?
- Đúng là việc này không đơn giản. Không thể có thặng số lãi suất chung cho các thuốc, bởi với thuốc có giá trị cao thì chỉ vài phần trăm cũng là đáng kể, nhưng với thuốc có giá trị thấp, chỉ vài vài trăm đồng/viên hay một vài ngàn đồng/vỉ thuốc thì tỷ lệ này là quá thấp. Như vậy, chúng tôi cũng sẽ phải có thặng số riêng cho từng nhóm thuốc.
Giá nhập cảng (CIF) có thể là giá đã được "làm" từ nước ngoài, nghĩa là dù phần trăm lãi suất kê khai thấp, nhưng thực chất đã được đội lên rồi. Nó chính là nguyên nhân khiến không ít thuốc bán tại VN có giá cao hơn khi mua ở một số nước khác?
- Vấn đề này sẽ được khống chế thông qua việc yêu cầu các công ty không được bán với giá cao hơn so với các nước có cùng điều kiện y tế với VN. Đồng thời, Cục Quản lý dược VN sẽ có hợp tác với các cơ quan quản lý dược nước ngoài, mà trước mắt sẽ là hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN về các vấn đề liên quan đến giá thuốc cũng như chất lượng.
Các tầng nấc trung gian, mua bán lòng vòng đẩy giá lên cao sẽ được "sắp xếp" như thế nào ?
"Trước mắt, việc quản lý giá thuốc sẽ tập trung vào các nhóm thuốc thiết yếu, chiếm đến 80% thuốc được kê đơn sử dụng: kháng sinh, vitamin, hạ nhiệt, giảm đau, hô hấp, huyết áp tim mạch, tiêu hóa. Các doanh nghiệp sẽ phải hoàn thành việc kê khai giá vào 31.12.2007. Giá kê khai sẽ được công bố rộng rãi, công khai từ đầu năm 2008" - Thứ trưởng Cao Minh Quang |
- Theo tôi, với việc kê khai giá thực chất là quản lý giá bằng "thặng số toàn chặng". Dù qua bao nhiêu khâu phân phối, thì giá bán đến người sử dụng chỉ được phép như mức đã kê khai, không được vượt quá. Như vậy, thị trường sẽ tự sắp xếp lại, anh muốn lợi nhuận nhiều thì sẽ phải tự giảm các khâu phân phối, qua đó, các tầng nấc trung gian sẽ bị cắt giảm.
Với các đơn vị cố tình vi phạm về quản lý giá thuốc, hình thức xử phạt nào là đủ mạnh ?
- Nếu chỉ phạt vài triệu đồng, có lẽ là không thấm gì so với vi phạm để có được lợi nhuận. Vì vậy, tùy mức độ, cơ quan quản lý sẽ có các hình thức xử lý. Trước hết, nếu giá kê bất hợp lý, yêu cầu doanh nghiệp phải kê khai lại. Nếu không sẽ xem xét tạm dừng việc xét cấp số đăng ký với các mặt hàng mới; dừng xem xét việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ quảng cáo thuốc và có thể là sẽ tạm ngưng cấp phép cho nhập khẩu lô hàng chưa có số đăng ký.
(Theo Thanh niên)