6/9, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã thống nhất ban hành thông tư về quản lý giá thuốc, muộn hơn 4 tháng so với dự kiến.
Giá thuốc bán lẻ được niêm yết công khai để người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh Lao động. |
Trao đổi với báo giới, TS Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam cho biết:
Giá thuốc được chia thành 3 khu vực để quản lý: Thuốc do Nhà nước đặt hàng, thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước thì Bộ Tài chính/ UBND tỉnh quy định giá thanh toán. Thuốc thuộc danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập thực hiện khám - chữa bệnh bảo hiểm được đấu thầu. Thuốc lưu hành tại thị trường tự do, cơ sở kinh doanh tự định giá, cạnh tranh về giá.
Tuy thuốc lưu hành tự do chỉ chiếm 20-30%, nhưng khi có biến động giá lại rất rõ rệt và làm người dân lo lắng. Bộ có thể kiểm soát thị trường tự do ra sao?
- Giá thuốc được quản lý theo nguyên tắc: Các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, buôn bán thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá nhưng vẫn chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước dưới hình thức kê khai, kê khai lại, niêm yết giá và công khai minh bạch giá thuốc kê khai, niêm yết. Tuy nhiên, bộ sẽ có trách nhiệm xem xét xem giá thuốc kê khai có hợp lý. Nếu phát hiện sự bất hợp lý, bộ có ý kiến chính thức bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Bộ đã rất nhiều lần nói sẽ căn cứ vào giá thuốc ở các quốc gia có cùng điều kiện kinh tế làm tiêu chí tham khảo, vậy việc này có mâu thuẫn với quan điểm "tự định giá, cạnh tranh về giá"?
- Đây vẫn là tiêu chí quan trọng. Chúng tôi căn cứ vào giá CIF của thuốc cùng hoạt chất, nồng độ hoặc hàm lượng và quy cách đóng gói tại một số nước trong khu vực, quy định rằng giá thuốc ngoại bán ra không được cao hơn giá CIF thực tế trung bình của các nước này. Các cơ sở được quyền định giá, trên cơ sở công khai chi phí nhập khẩu, sản xuất, lưu thông... Tổ công tác liên ngành của Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra xem có hợp lý không.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhấn mạnh, giá bán buôn được thống nhất cho toàn hệ thống bán buôn, nhằm hạn chế sự buôn bán lòng vòng. Ngay thuốc trong nhà thuốc BV không được cao hơn giá phổ biến trên thị trường cùng thời điểm. Dù các cơ sở bán lẻ thuốc trong BV thuộc sở hữu của cơ sở kinh doanh thì GĐ BV vẫn phải chịu trách nhiệm về giá bán, niêm yết giá.
Các DN, cơ sở y tế vi phạm thì sẽ bị "xử" ra sao, thưa ông?
- Hình thức xử phạt tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của DN. Đối với cơ sở nhập khẩu thuốc, bộ xem xét tạm dừng việc cấp đơn hàng nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký nếu tổ công tác liên ngành xác nhận giá kê khai không hợp lý. Khi thuốc nhập khẩu đã có số đăng ký (SĐK) đang lưu hành của một DN, nhưng bị phát hiện đã kê khai giá không hợp lý thì mọi loại thuốc khác đang xin SĐK sẽ bị dừng xem xét cấp. Trong những trường hợp này, chỉ khi DN điều chỉnh kê khai giá thuốc theo yêu cầu của tổ công tác, việc cấp SĐK cho thuốc mới được xem xét trở lại.
(Theo Lao Động)