5 tháng đầu năm, cả nước đã có 14.000 ca sốt xuất huyết, trong đó 10 ca đã tử vong. Thời tiết đang diễn biến phức tạp báo hiệu dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát trên toàn quốc.
>>Cả nước đã có hơn 15.000 ca sốt xuất huyết (16/06/2007)
>>Dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết, rất khó đối phó... (11/06/2007)
Bệnh viện quá tải vì số bệnh nhân ngày càng tăng |
Theo báo Lao Động thì sau khi có 1 vụ dịch sốt xuất huyết lớn vào năm 1998 thì dịch tạm lắng, nhưng vào các năm 2003, 2005, thậm chí năm 2006, bệnh nhân SXH luôn giữ ở mức tương đối cao. Năm 2006 có tới 70.000 ca. Con số trung bình cũng không dưới 40.000 ca/năm.
Báo Dân Trí ra ngày hôm nay,19/6, dẫn lời PGS.TS Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ: "sốt xuất huyết là bệnh nhiễm vi rút cấp tính gây nên bởi 4 týp vi rút Dengue. Hiện, Việt Nam đã phân lập được cả 4 type vi rút gây bệnh SXH: D1, D2, D3 và D4".
Giám sát dịch tễ tại một số tỉnh phía Nam cho thấy, hiện mật độ muỗi ở mức cao và số lượng vi rút type D1 có xu hướng tăng. Đây là yếu tố đáng lo ngại vì cộng đồng chưa có miễn dịch nhiều với type này. Còn vi rút sốt xuất tupe 3 và 4 rất dễ gây sốc và trụy tim mạch.
Tờ báo này cũng trích ý kiến của bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ . Ông này nhận định xuất huyết có những triệu chứng điển hình như: sốt dao động, lúc cao lúc thấp, toát mồ hôi, rét run. Trong nhiều trường hợp có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu dạ dày. Bệnh diễn biến nặng dần (thường ở ngày thứ 4) với biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: Dưới da, niêm mạc, xuất huyết nội tạng... Đây cũng là thời điểm nhiệt độ cơ thể bắt đầu giảm xuống, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, li bì, chân tay lạnh, mạch khó bắt, tụt huyết áp do mất dịch. Và đây là thời điểm rất dễ gây tử vong.
Có nhiều phụ huynh đã nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và sốt thường, và dã cho trẻ uống các thuốc hạ sốt có tính axit như Aspirin... Trong khi đó, những loại thuốc này chỉ dùng để hạ sốt thông thường, còn khi bị sốt xuất huyết tuyệt mà dùng thuốc thì nó sẽ gây chảy máu đường tiêu hoá (chảy máu dạ dày, chảy máu ruột...), làm tăng nguy cơ tử vong.
Báo Nhân Dân cũng đăng tải ý kiến của TS Phạm Ngọc Ðính, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư: Với mức đầu tư cho công tác phòng, chống dịch SXH như hiện nay thì Việt Nam khó đạt được kết quả mong muốn. Cơ sở vật chất phòng, chống dịch như: máy phun hóa chất, dịch truyền, phương tiện cấp cứu, oresol... đã được đưa về các cơ sở y tế địa phương, nhưng chưa đủ. Nhất là căn cứ vào tình hình một vài năm gần đây, trẻ em dưới 15 tuổi mắc SXH luôn chiếm tỷ lệ cao, nhiều trường hợp nặng và có tử vong.
Cách phòng bệnh duy nhất và có ý nghĩa rất quan trọng là người dân cần ngủ màn, dọn vệ sinh sạch sẽ những vùng nước đọng, phát quang bụi rậm, thường xuyên cọ rửa dụng cụ chứa nước, đậy nắp kín hoặc thả cá để diệt ấu trùng, loăng quăng, phun thuốc trừ muỗi...
( Tổng hợp theo Lao Động, Dân Trí, Nhân Dân)