221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
911064
Tây Nguyên hạn nặng
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Tây Nguyên hạn nặng
,

(VietNamNet) - Hàng trăm nghìn héc-ta cây trồng các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum đang xơ xác trong nắng hạn. Hàng loạt hồ chứa sắp xuống mực nước chết. Nhiều nơi rừng cây bị lửa đốt, thu hẹp dần diện tích. 

2
Ruộng lúa ở Kon Ch ro (Gia Lai) nứt nẻ dưới nắng


Gia Lai: 4 tháng không một giọt mưa

Tại huyện Chư Sê, nắng hạn khiến khoảng 1.000 ha lúa nước "hấp hối”. Hơn 2.000 ha cà phê đang mùa ra hoa và thụ trái khô héo, nguy cơ trái rụng, mất mùa cận kề. Cánh đồng xã An Phú (thành phố Plei-Ku) với hơn 100 ha lúa nước đang đối mặt với cơn đại hạn. Hơn 50 ha đất đã được chuyển từ trồng lúa sang trồng dưa hấu để trốn hạn, nhưng những ruộng dưa mới trồng hơn một tháng nay cũng sớm rơi vào cảnh ủ rũ, khô héo vì không được bảo đảm nguồn nước tưới.

Anh Nguyễn Đức Phú - một nông dân sớm mạnh dạn “chuyển đổi cây trồng” từ lúa nước sang dưa hấu - đang còng lưng vét chút nước hiếm hoi ở một con mương gần đó, nói với PV VietNamNet: "Năm nay, tôi chỉ giữ lại gần một ha trồng lúa nước để lo đủ gạo ăn cho gia đình, còn hơn 2 ha đất chuyển qua trồng dưa. Dưa đang thời điểm phát triển, nhưng thiếu nước tưới đã gần 10 ngày nay. Mương nước dẫn vào ruộng đã ráo hết rồi, buồn lắm; bà con phải nắn hầu bao bỏ tiền ra thuê người, thuê máy bơm nước từ con suối Bung cách đây gần 1 km vào để lấy nước tưới cây. Tiền nước đổ vào mỗi ruộng dưa đến nay đã gần 5 triệu đồng, không biết tiền bán dưa có bù vào được không?!".

3
Bộ đội giúp dân 
Krông Pách chống hạn
Huyện Krông Pa, nơi hằng năm được coi là “cái nôi” của nắng hạn, năm nay hạn muộn hơn các năm trước, nhưng hơn 3.000 ha cây trồng cạn cũng đang trong nguy cơ thiếu nước. Huyện phải tức tốc cho bơm nước từ sông Ba vào phần nào bù lại lượng nước hao hụt do nắng hạn đang đêm ngày lấn tới.

Nghiêm trọng hơn là 700 nghìn héc-ta rừng ở Gia Lai có thể cháy bất cứ lúc nào, trong lúc các phương tiện chữa cháy lại quá thô sơ và lạc hậu, lại không đủ để trang bị cho các lâm trường và các chủ ; rừng. Đã có hơn 130 ha rừng phòng hộ bị lửa thiêu rụi trong hai tháng đầu năm 2007.

Ông Lê Văn Lịnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: "Đến những ngày đầu tháng 3/2007, trên địa bàn của 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã có hơn 2.000 ha cây trồng cạn bị hạn. Để tránh hạn, nhiều địa phương đã chuyển đổi gần 300 ha lúa nước sang trồng dưa và các loại đậu để tránh hạn. Khả năng hạn hán lan rộng là rất lớn ở các huyện phía Đông và Đông Nam của tỉnh như: Đắc Pơ, Kon Chro, Krông Pa, thị xã An Khê, Mang Yang, Chư Sê và Chư Prông... 

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh đã xuống giống được hơn 45 nghìn héc-ta cây trồng cạn và lúa nước. Chúng tôi đang chỉ đạo thực hiện nhanh chóng các biện pháp như bơm tích nước ở một số hồ chứa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và có kế hoạch di chuyển các đàn gia súc để giảm thiệt hại trong mùa nắng hạn”.

Đắk Lắc: Đổ xô đi tìm nguồn nước tưới 

Sau những cơn mưa hiếm hoi, tiết trời Đắk Lắk những ngày này càng thêm nắng nóng gay gắt, khiến hầu hết các suối nhỏ bị cạn, các sông lớn mực nước cũng chỉ còn khoảng 70- 72% so với cùng kỳ nhiều năm.Vì vậy, diện tích cây trồng khát nước ngày một lên cao, hiện đã có 4.800 ha lúa, 5.000 ha cà-phê bị hạn, trong đó có khoảng 1.000 ha lúa nước khả năng bị mất trắng. 

Đắk Lắk có 175 nghìn héc-ta cà phê và gần 30 nghìn héc-ta cây trồng vụ đông xuân đang đứng trước nguy cơ bị thiệt hại trong đợt hạn hán này. Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay toàn tỉnh đã có hơn 2 nghìn héc-ta cây trồng vụ đông xuân, chủ yếu là lúa nước bị khô hạn có khả năng bị mất trắng.

Nhiều huyện trong tỉnh Đắk Lắk, hạn hán đã xảy ra trên diện rộng: Đồng ruộng khô nứt nẻ, lúa đông xuân đang kỳ trổ bông làm hạt khô nỏ như rơm, hàng nghìn ha cà phê thiếu nước tưới bị héo lá. Người dân lại thêm một lần tốn tiền chi phí cho việc đào giếng, khoan giếng tìm mạch nước ngầm chống hạn.

Về huyện Krông Pách, địa phương đang bị hạn nặng nhất tỉnh, đâu đâu cũng thấy cảnh nông dân bơm nước chống hạn.

Trong vụ đông xuân này, toàn huyện gieo trồng 4.164 ha lúa nước, bắp và đậu các loại.  Tính đến thời điểm hiện nay, hạn hán đã "tấn công" 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn Krông Pách. Theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp huyện Krông Pách, hiện nay diện tích cây trồng bị khô hạn đã lên đến 1.095,5 ha, trong đó diện tích bị mất trắng 441,2 ha. Cây trồng bị thiệt hại nhiều nhất là lúa nước với 1.066,5 ha bị khô hạn, trong đó diện tích mất trắng 433,2 ha. Ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra cho Krông Pách hiện lên đến 12,7 tỷ đồng

Trước diễn diến ngày càng gay gắt của hạn hán, UBND huyện Krông Pách chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương triển khai phương án chống hạn theo phương châm: “Tiết kiệm nước để tập trung cứu những diện tích còn khả năng cho thu hoạch, không tưới dàn trải gây lãng phí nước”. Bên cạnh đó, huyện Krông Pách cũng tính đến việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số một phần kinh phí mua dầu, bơm nước tưới chống hạn cứu lúa đông xuân. UBND các xã, thị trấn tiến hành thống kê thiệt hại của nhân dân, có kế hoạch cứu đói cho những hộ thiếu đói do thất thu trong vụ đông xuân này.

Xã Ea Yông, là một trong những địa phương đang bị hạn nặng. Chủ tịch UBND xã - ông Y Rít Êban cho biết: Hạn hán đã làm cho 148 ha lúa nước đông xuân bị khô cháy (trong đó diện tích mất trắng 89,9 ha), 312 ha cà phê thiếu nước tưới trầm trọng đang bị khô héo.

1
Cháy rừng ở Kon Tum
Chánh văn phòng UBND xã, anh Nguyễn Văn Đào cũng lo lắng: Toàn xã sẽ có 319 hộ rơi vào tình trạng thiếu đói. Vì thế, cùng với hỗ trợ bà con chống hạn, xã Ea Yông đang phải tính đến công việc cứu đói cho những hộ thất thu trong vụ đông xuân này!

Kon Tum: Hạn sẽ hoành hành từ cuối tháng 3

Tại tỉnh Kon Tum, mực nước tại các sông suối và các hồ chứa cũng giảm trên 30cm so với cùng kỳ năm rước. Dự báo cơn đại hạn có thể sẽ xảy ra cuối tháng 3, tháng 4 và đầu tháng 5. 

Hiện UBND tỉnh Kon Tum đang tích cực chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương vận động đồng bào nỗ lực chóng hạn như: nạo vét kênh mương thuỷ lợi, sửa chữa và nâng cấp hệ thống tưới tiêu và tiết kiệm hết sức nguồn nước tưới từ các ao hồ…Lượng nước của gần 400 hồ chứa đập dâng của Kon Tum hiện vẫn đủ đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng đang lên cơn khát.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Ngô Chí Bình - Phó Giám đốc Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Tây Nguyên cho biết: Năm nay ít mưa, nguồn nước sẽ thiếu trầm trọng. Nguy cơ đại hạn đối với khu vực Tây Nguyên là khá rõ. Dự báo trong tháng 3, 4 mực nước ở các sông suối, các hồ chứa sẽ xuống rất thấp. Hiện mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm, độ ẩm thấp, nắng nóng, khô hanh nên nguy cơ xảy ra hoả hoạn là rất lớn. Cần tiết kiệm các nguồn nước tối đa, sử dụng nguồn nước hợp lý, kể cả nước sinh hoạt…

  • Hân Minh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,