(VietNamNet) – Tai họa tràn dầu trên biển miền Trung đang tiến gần đến… thảm họa, nhưng khả năng khắc phục lại rất hạn chế. Các tỉnh miền Trung đang kêu cứu!
Việc thu gom dầu trên bờ gặp nhiều khó khăn
Trao đổi với VietNamNet ngày 4/2, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cho hay: “Chúng tôi đã gửi công văn lên TƯ đề nghị hỗ trợ phương tiện, biện pháp khắc phục sự cố tràn dầu. Đồng thời đề nghị Chính phủ kêu gọi các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm xử lý sự cố tràn dầu giúp đỡ.
Việc xác định nguyên nhân tràn dầu từ ngoài khơi hoàn toàn nằm ngoài khả năng của tỉnh. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì vùng biển Quảng Nam cũng như nhiều địa phương miền Trung sẽ khó tránh khỏi một thảm họa về môi trường, hậu quả sẽ rất khó lường!”.
Có thể nói, phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng là lời kêu cứu của nhiều địa phương miền Trung trước tai họa bất ngờ và đầy nguy hiểm chưa biết từ đâu kéo tới này. Sau 1 tuần với nhiều nỗ lực, Quảng Nam, Đà Nẵng và nhiều địa phương khác vẫn đang trong tình trạng hết sức lúng túng. Các biện pháp khắc phục vừa qua chỉ mang tính đối phó cấp thời và không thật sự hiệu quả, khi mà dầu cứ từ ngoài khơi tràn vào bờ, vớt hết lớp này lại đến lớp khác.
Tại Quảng Ngãi, đến chiều 4/2, dầu vón cục với kích thước lớn gây ảnh hưởng 4km ven biển từ giáp ranh với tỉnh Quảng Nam tới hết huyện Bình Sơn và bắt đầu lan qua huyện Sơn Tịnh. Qua thị sát cho thấy, dầu vẫn còn nhiều ở ngoài khơi vùng biển Bình Sơn và có nguy cơ đe dọa môi trường biển và ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thuỷ sản của ngư dân.
Trước tình hình này, chiều cùng ngày, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Xuân Huế đã dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành đi thị sát để xác định mức độ ảnh hưởng và tìm giải pháp khắc. Tiếp đó, tỉnh đã họp khẩn cấp, chỉ đạo huyện Bình Sơn (địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất) huy động bộ đội, thanh niên, dân quân và nhân dân địa phương tập trung thu gom dứt điểm dầu đã vón cục.
Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi nghiên cứu tận dụng nguồn nhiên liệu này để đốt lò sản xuất đường (thay vì dùng bã mía và củi than). Hiện Công ty này đã trang bị lò đốt có bộ tĩnh điện xử lý khói, không chế được nồng độ khí thải C02 đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường. Đây là giải pháp khắc phục vừa tận dụng được nguồn năng lượng phục vụ sản xuất, vừa hạn chế tác động gây ô nhiễm môi trường từ sự cố tràn dầu.
Song không phải địa phương nào cũng có điều kiện để làm theo cách trên đây. Theo Sở TN-MT Đà Nẵng, đến thời điểm này lượng dầu tràn vào bờ biển TP chưa đáng kể, qua 2 ngày mới thu gom trên 100 kg. Tuy nhiên, dầu tràn vào biển Đà Nẵng lại trải dài từ biển Ngũ Hành Sơn đến gần Sơn Trà, có nhiều mảnh dầu chỉ bằng hạt gạo nên rất khó thu gom. Hiện UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo cho Sở TN-MT phối hợp với các ban ngành triển khai công tác đối phó với sự cố tràn dầu này.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng và các lực lượng phối hợp đã sẵn sàng cho việc thu gom khi dầu vào bờ. Tuy nhiên, để dầu tràn vào đến bờ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến một trong những bãi biển quyết rũ nhất hành tinh. Vì vậy, Sở TN-MT Đà Nẵng đang tính biện pháp xử lý khi dầu ngay từ khi còn ngoài biển. Nếu dầu đóng thành lớp dày sẽ dùng phao quây để thu gom ngoài biển, nếu vệt dầu mỏng sẽ cho thuyền nhỏ, thuyền thúng bơi ra dùng các sơ dừa, lưới thấp... để thu gom trước khi dầu vào bờ.
Những bãi biển tràn ngập dầu đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch các tỉnh, thành miền Trung Ảnh: HC |
Thiệt hại ngày càng nặng nề
Nặng nhất vẫn là tại Quảng Nam. Theo ông Nguyễn Hiền, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường Hội An, những ngày qua, thị xã đã huy động trên 1.000 ngày công và chi ngân sách trên 100 triệu đồng để vớt váng dầu ven biển. Đến thời điểm này, thị xã đã thu gom gần 100 tấn dầu tràn vào bờ. Tuy nhiên, việc thu gom thủ công đã bắt đầu xuất hiện khó khăn.
Với những mảng dầu lớn, người dân có thể vớt bỏ vào bao, còn số dầu bị sóng đánh rã ra chỉ to bằng viên bi, hạt gạo thì không cách nào thu gom hết được. Hầu hết số dầu này đã lẫn vão đất, gặp trời nắng sẽ tan ra thì mức độ ô nhiễm càng lớn.
Đặc biệt, thông tin về sự cố tràn dầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch Hội An, nhất là đối với những khách sạn dọc theo ven biển. Theo lãnh đạo khách sạn Golden Sand, từ khi xảy ra sự cố tràn dầu, nhiều du khách quốc tế và nội địa đã hủy phòng, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 64.000 USD. Không chỉ khách sạn này, mà nhiều khách sạn cao cấp dọc bờ biển như Victoria; Hội An ... cũng bị thiệt hại nặng nề do tình trạng này.
Bà Võ Thị Thu, Giám đốc Trung tâm du lịch thị xã Hội An thừa nhận, sự cố tràn dầu đã ảnh hưởng lớn đến lượng du khách đến Hội An, nhất là thời điểm này đang là cao điểm của mùa du lịch.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, tuy chưa ảnh hưởng nhiều như Quảng Nam nhưng nhiều du khách cũng ngại bắt đầu tham quan bán đảo Sơn Trà và bờ biển. Lãnh đạo Sandy Beach xác nhận, bãi biển trước khu du lịch này đã xuất hiện nhiều cục dầu bằng ngón tay, ngón chân, đặc biệt những hạt dầu lấm chấm như hạt gạo rất nhiều.
Chỉ ngày đầu tiên phát hiện bãi biển có dầu, khu du lịch này đã thu gom hơn 20kg, nhưng đành bó tay trước những váng dầu nhỏ lẫn trong cát. Thậm chí tại Furama, dầu cũng đã bắt đầu tấp vào bờ và hậu quả sẽ đến mức nào với khu du lịch 5 sao nổi tiếng này thì vẫn chưa thể lường hết được…
Đến thời điểm này, có thể khẳng định nhiều địa phương ven biển miền Trung đang phải đối diện những mối nguy hại rất lớn, không chỉ về môi trường mà còn tác hại đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội và dân sinh. Tuy nhiên việc ngăn chặn từ gốc mối họa này lại nằm ngoài khả năng của các địa phương. Đây đã là vấn đề mang tầm quốc gia.
Trong khi đó, sự can thiệp, hỗ trợ của các ngành hữu quan TƯ vẫn còn rất hạn chế và chậm chạp. Nên tai họa vẫn đang ngày một tiến gần đến… thảm họa đối với các tỉnh, thành miền Trung!
Quảng Ngãi: Vớt dầu loang cho đốt lò sản xuất đường |
Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, ngày 4/2/2007, dầu loang trên biển đã lan tới vùng biển Quảng Ngãi. Dầu FO vón cục kích thước bằng bàn tay dạt vào khá nhiều dọc theo bờ biển từ địa phận tiếp giáp với tỉnh Quảng Nam kéo dài 4 km đến cửa sông Trà Bồng, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, đe dọa môi trường biển và ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thuỷ sản của ngư dân. Tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Huế làm trưởng đoàn đi thị sát các xã ven biển Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn vào chiều ngày 4/2 để xác định mức độ ảnh hưởng và tìm giải pháp khắc phục. Ngày 5/2 tỉnh sẽ huy động bộ đội, thanh niên, dân quân và nhân dân địa phương để tập trung thu gom số dầu vón cục dọc theo 4 km bờ biển xã Bình Thạnh. Một phương án “nhất cử lưỡng tiện” là Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi sẽ tận thu nguồn nhiên liệu này để đốt lò sản xuất đường (thay vì dùng bã mía và củi than). Được biết, hệ thống lò đốt của công ty có bộ tĩnh điện xử lý khói, khống chế được nồng độ khí thải C02 đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường. Đây là giải pháp vừa tận dụng được nguồn năng lượng phục vụ sản xuất vừa hạn chế tác động gây ô nhiễm môi trường từ sự cố tràn dầu. H.M |
- Thanh Hải