Trụ sở cơ quan thành… cửa hàng bách hoá
Đi trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, nếu không để ý thật kỹ, có lẽ ít ai nhìn ra được trụ sở khu liên cơ quan của Sở NN-PTNT TP.HCM, cho dù nó là một khu nhà cao 2-3 tầng nằm trên khuôn viên rộng đến hơn 3.300m2 ngay mặt tiền góc đường Hai Bà Trưng - Nguyễn Văn Thủ (số 178-180D Hai Bà Trưng và 186 Nguyễn Văn Thủ).
Qua quan sát của phóng viên, toàn bộ mặt tiền khu vực này lâu nay đã được “quây” kín bởi một loạt cửa hàng, trung tâm mua sắm. Trên đường Hai Bà Trưng là các trung tâm kinh doanh điện thoại di động, thời trang và hệ thống cửa hàng thực phẩm của các Công ty Nam Phong, Vinamilk, Vissan. Trên đường Nguyễn Văn Thủ là cửa hàng giày dép, thời trang, quần áo trẻ em, quán ăn, trung tâm kinh doanh xe máy… Mặc dù mặt tiền khu này rộng chỉ vài chục mét, nhưng cũng được đơn vị chủ quản “phân lô” thành một loạt ki ốt cho thuê làm cửa hàng bán giày dép, quần áo và đồ thể thao.
Trong khi đó, trên đường Điện Biên Phủ, điểm sơ đoạn từ đường Cách Mạng Tháng 8 đến Hai Bà Trưng, không kể các doanh nghiệp, cũng có đến 30-40 cơ quan nhà nước “xẻ” trụ sở cho thuê.
Khu liên cơ quan của quận 3 bao gồm Uỷ ban MTTQ, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội cựu chiến binh rộng 1.650m2 ở địa chỉ 299 Điện Biên Phủ, giờ đây không chỉ được tận dụng cho thuê làm văn phòng luật sư, Trung tâm Đào tạo luật quốc tế, mà còn được “trang trí” thêm shop hoa tươi, sạp báo, tiệm giày dép, cửa hàng mắt kính. Khu văn phòng rộng 850,7m2 ở số 283, do Nhà xuất bản Công an Nhân dân quản lý sử dụng, mặt tiền cũng được “quy hoạch” thành trung tâm kinh doanh mắt kính.
Ở số 273, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng “ứng dụng khoa học” bằng cách cắt một phần trong khu trụ sở rộng 2.688m2 cho một công ty TNHH thuê…
Trên các tuyến đường Võ Thị Sáu, Trần Quốc Thảo, Lý Chính Thắng, Phạm Ngọc Thạch, Võ Văn Tần…, một loạt cơ quan như: Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Hội Liên hiệp phụ nữ TP, Nhà Xuất bản Văn nghệ, Trung tâm Điện toán và truyền số liệu… cũng đem trụ sở ra cho thuê làm cửa hàng kinh doanh, văn phòng công ty, quán cà phê, karaoke.
Điển hình như Trung tâm Điện toán và truyền số liệu, sau khi xây dựng trụ sở mới ở số 34A Phạm Ngọc Thạch, đơn vị này đem toàn bộ trụ sở cũ rộng 713m2 ở số 7 Phạm Ngọc Thạch cho Công ty Bảo Anh thuê lại để mở quán cà phê. Tại quận Bình Thạnh, Sở LĐ-TBXH được giao quản lý 5-7ha ở mặt tiền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 17) nhưng trong thời gian qua, mặt bằng này cũng bị “băm nát” và trở thành “sở hữu” của nhiều tổ chức, cá nhân. Hiện tại khu vực này không chỉ có trường học dân lập, trụ sở công ty, trung tâm mua sắm mà còn “mọc lên” cả nhà hàng, quán nhậu…
Trường học thành… "chợ"
Không chỉ cơ quan, doanh nghiệp là “thức thời”, qua tìm hiểu, phóng viên còn nhận thấy tình trạng “chợ hoá trụ sở” diễn ra ở cả khối trường học. Tại Trường Đại học Sư phạm TP ở số 280 An Dương Vương, quận 5, toàn bộ mặt hông của trường ở phía đường Nguyễn Văn Cừ được bọc kín bởi một loạt “thành phần”: quán cà phê, tiệm photocopy, cửa hàng sách, điểm truy cập Internet, cửa hàng mắt kính, văn phòng công ty.
Không những thế, khu nhà phía trong “phố thương mại” vốn trước đây cũng là “tài sản” của trường, lâu nay đã trở thành nhà ở của nhiều hộ cán bộ công nhân viên.
Mặt tiền khu liên cơ quan 173 Hai Bà Trưng đã được tư nhân thuê trọn gói! |
Tại Trường Đại học Sư phạm TP ở phía bên kia đường An Dương Vương, mặt tiền cũng được bao bọc bởi một dãy tiệm photocopy, nhà sách, trung tâm luyện thi. Cách đó không xa là Trường THPT Lê Hồng Phong. Theo hồ sơ từ cơ quan chức năng, nguyên thuỷ Trường Lê Hồng Phong có diện tích lên đến 4-5ha, vuông hình chữ nhật, kéo dài từ đường Nguyễn Văn Cừ qua Trần Phú đến Trần Bình Trọng.
Tuy nhiên, qua nhiều năm, một phần đã được “chia” ra để xây dựng hồ bơi Lam Sơn, một phần (phía đường Trần Phú) trở thành nhà ở thuộc sở hữu tư nhân. Hiện nay, toàn bộ mặt tiền phía đường Trần Bình Trọng cũng đã mọc lên một dãy quán nhậu.
Trong khi đó, tại quận 3, có lẽ do “sở hữu” đến 21.107m2 ở số 26 Lê Quý Đôn, quá “dư” nên Ban giám hiệu Trường Marie Curie cũng “quy hoạch” thành văn phòng cho một số công ty TNHH, Trung tâm sinh ngữ thuê. Tại Trường cấp 2 Lê Lợi ở số 282 Võ Thị Sáu (rộng 4.356m2), nhà trường cũng “trổ” tường xây một loạt ki ốt làm “chợ” luyện thi, trung tâm tin học.
Còn tại địa chỉ 105 Bà Huyện Thanh Quan, Trường ĐH Sư phạm TP (Khoa Kỹ thuật) cũng tận dụng cả trong lẫn ngoài khuôn viên, “chia lô” cho thuê để mở trường dạy lái xe, trung tâm nghiên cứu – đạo tạo công nghệ thông tin, shop hoa, quầy sách báo.
Ở các địa bàn khác, tình trạng cũng tương tự. Tại quận 1, Trường Trung học Kỹ thuật Nông nghiệp (rộng 667m2), ngoài việc đem cơ sở hạ tầng có sẵn cho các trường khác dạy “thêm giờ”, còn cắt hẳn một phần ở góc đường Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Văn Thủ cho Trường Ngoại ngữ - Tin học ứng dụng Thời Đại Mới thuê làm văn phòng. Ngay như Viện Nghiên cứu giáo dục (thuộc Đại học Sư phạm) ở địa chỉ 115 Hai Bà Trưng, quận 1, cũng chuyển toàn bộ mặt tiền thành shop quà lưu niệm, tiệm điện thoại di động, cửa hàng quẹt gaz…
"Phân lô" cả công viên, nhà văn hóa!
Nhưng cũng không chỉ có cơ quan, trường học, trong thời buổi tấc đất - tấc vàng, ngay cả trụ sở các nhà văn hoá, khu vui chơi như công viên… cũng được các cơ quan chủ quản tận dụng để “cải thiện đời sống”.
Dễ nhận thấy nhất là Cung văn hoá Lao Động. Ngoài khu vực phía bên trong được “quy hoạch” làm sân quần vợt, một số ki ốt kinh doanh băng đĩa, sàn nhảy, sân khấu ngoài trời, phần mặt tiền từ cổng đến đường Trương Định, từ hàng chục năm nay được “trổ” 9 ki ốt cho thuê kinh doanh đồ thể thao.
Còn toàn bộ diện tích ở phía đường Huyền Trân Công Chúa, Cung văn hoá Lao Động cũng “quy hoạch” thành nhà hàng Đoàn Viên, cà phê sách. Liền theo đó, một phần công viên Tao Đàn sau khi trở thành sân bóng đá, cũng được ngành thể dục thể thao “xẻ” toàn bộ mặt tiền xây hàng chục ki ốt cho thuê bán đồ thể thao.
Tại Nhà văn hoá Thanh Niên, mặt tiền phía đường Hai Bà Trưng lâu nay cũng được “trang điểm” bởi một loạt “điểm văn hoá” như quán cà phê, trung tâm huấn luyện quần vợt, cửa hàng trưng bày xe vespa…
Tại Nhà văn hoá quận 1, mặt bằng rộng 2.065m2 ở số 7 Trần Cao Vân, lâu nay cũng được tận dụng cho một số công ty, trường học thuê mở trường ngoại ngữ, sân khấu kịch, thậm chí cả quán ăn.
Đến như Quận đoàn 3, lâu nay một phần trong số 1.857m2 ở địa chỉ 274 Võ Thị Sáu được cắt ra cho một công ty tư nhân thuê làm nơi trưng bày xe. Còn Nhà văn hoá quận Phú Nhuận trên đường Nguyễn Văn Trỗi, sau khi được đầu tư xây mới, 4-5 năm nay, không chỉ cho thuê làm sân khấu kịch mà còn trở thành trung tâm tổ chức tiệc cưới…
Bài 2: "Phân lô" công ty cho thuê
-
Trường Thiện