(VietNamNet) - TP.HCM vẫn tiếp tục là "đại công trường" trong khi đó, tình hình ùn tắc giao thông có xu hướng tăng trở lại trong 3 tháng cuối năm.
Nguyên nhân được giải thích là do lượng xe 4 bánh tăng mạnh và do triển khai đồng loạt các dự án hạ tầng đô thị lớn như Nhiêu Lộc- Thị Nghè, Đại lộ Đông Tây và cải thiện môi trường nước, mạng cấp nước 1,2... Ngoài ra, phương tiện cơ giới đường bộ tiếp tục gia tăng trong khi công tác quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu.
Hiện nay, số lượng xe gắn máy tại TP.HCM đã lên đến 3 triệu chiếc, xe 4 bánh vào khoảng 319.000 chiếc.
"Việc triển khai thực hiện công trình giao thông đường bộ trong điều kiện chưa giải tỏa mặt bằng hoặc vừa giải tỏa vừa thi công sẽ không đảm bảo tiến độ công trình, gây ra nhiều tai tiếng đối với xã hội. Để chấm dứt tình trạng này trong tương lai, các chủ đầu tư chỉ được phép thực hiện xây dựng công trình sau khi đã có mặt bằng 100%" – ông Trần Quang Phượng cho biết. |
Chiều 26/1, tại cuộc họp tổng kết khối giao thông đường bộ, ông Trần Quang Phượng, giám đốc Sở GTCC TP.HCM nói tình hình giao thông thành phố vẫn đang rất phức tạp. "Thấy đào đường thì bức xúc nhưng nếu không đào để làm hệ thống cáp ngầm, công trình hạ tầng kỹ thuật thì càng chết. Tuy nhiên không thể chấp nhận việc làm ù lì, làm mãi không xong được"- ông Phượng giải thích.
Báo cáo của Khối giao thông đường bộ cho biết công tác chuẩn bị đầu tư các dự án mang tính chiến lược như: tuyến metro số 1, đường vành đai phía Đông, cầu cạn nối cầu Phú Mỹ- đường Nguyễn Văn Linh...đã hoàn thành. Tuy nhiên, phải mất 7 năm nữa, hệ thống metro mới hoạt động được nên áp lực giao thông hiện nay vẫn còn quá lớn.
Liên quan đến những công trình giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố, ông Phượng cho biết ở một số dự án trọng điểm tuy đã tổ chức đấu thầu nhiều lần nhưng chưa chọn được nhà thầu, dẫn đến chậm tiến độ công trình.
Nguyên nhân là do các đơn vị mạnh về xây dựng trong thời gian qua đã nhận thầu nhiều công trình lớn của Bộ GTVT quản lý như: dự án cao tốc TP.HCM- Trung Lương, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, tuyến nam sông Hậu...
Mặt khác, phần lớn các nhà thầu xây dựng có những khó khăn về tài chính nên không mở rộng quy mô sản xuất dẫn đến trong những thời điểm nhất định không có nhà thầu tham gia dự thầu.
Thêm vào đó, công trình xây dựng trong nội đô thành phố có những yêu cầu rất chặt chẽ về vấn đề đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và tiến độ thi công, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Đây cũng là vấn đề mà nhà thầu cân nhắc khi tham gia dự thầu ở thành phố.
Trong khi đó, giá vật tư thường xuyên biến động. Nếu nhà thầu dự báo sự trượt giá vật tư để đề xuất giá dự thầu thì giá dự thầu luôn cao hơn so với giá gói thầu được duyệt dẫn đến kết quả không trúng thầu.
Dự kiến trong năm 2007, TP.HCM sẽ triển khai xây dựng 13 công trình giao thông đường bộ lớn.
-
Trần Duy