(VietNamNet) - Người đi bộ hầu như chưa bao giờ được an toàn bởi người điều khiển phương tiện không mấy khi để ý dòng chữ nhỏ ở mỗi ngã tư ''Chú ý nhường đường cho người đi bộ''...
>> Kỳ I: Nhật ký "Bất ổn giao thông HN": Phạm luật trước "mũi" CSGT!
Được ưu tiên trong... nguy hiểm!
17h ngày 12/1, nút giao thông Đại Cồ Việt - Giải Phóng đông nghẹt xe cộ qua lại như mọi ngày. Vì sao nhóm PV VietNamNet lại chọn nút giao thông này để thực hiện bài viết về người đi bộ qua đường? Đó là nỗi ám ảnh khi chúng tôi là một trong số ít những nhà báo theo xe cứu thương của BV Việt Pháp đưa GS Paper ra sân bay Nội Bài về Mỹ chữa trị.
Vụ TNGT của GS Papert và sau đó là GS Nguyễn Văn Đạo làm ''nóng'' lên dư luận về ATGT đô thị. Thông tin từ các bác sĩ về bệnh tình của GS Papert đã biến chuyển theo chiều hướng tốt.
Còn tình trạng ở nút giao thông Đại Cồ Việt - Giải Phóng, nơi GS Paper bị nạn vẫn vậy, thậm chí còn lộn xộn, và nguy hiểm vẫn bủa vây người đi bộ.
Với loạt bài "Nhật ký bất ổn giao thông Hà Nội", VietNamNet mong góp một tiếng nói chung, cùng các cơ quan chức năng tìm giải pháp ’’làm sạch’’ giao thông Thủ đô. |
Bình thường, nút giao thông này đã đông đúc, nay thêm dự án ''Xây dựng và cải tạo nút giao thông Kim Liên'' nên càng lộn xộn hơn. Giữa dòng xe cộ như nêm, một cụ ông lò dò qua đường; sau lưng và phía trước cụ, xe máy, ôtô vẫn phóng vèo vèo. Sau những phút giây căng thẳng thần kinh cộng với liều lĩnh, cụ cũng qua được bên kia đường an toàn.
Nút giao thông này là một trong những nút thường xuyên có đông người đi bộ qua đường nhất. Buổi sáng và buổi chiều, 2 đối tượng là sinh viên ĐH Bách Khoa và người đi tập thể dục vào công viên Thống Nhất. Hiểm nguy luôn rình rập nơi đây. Đèn đỏ bật lên, người đi bộ ào qua đường, nhưng làn xe đèn xanh ngoài đi thẳng, vẫn có rất nhiều phương tiện rẽ phải, rẽ trái với lưu lượng lớn. Ai đi nhanh thì qua, ai đi chậm thì lần từng bước và cố gắng làm ám hiệu gì đó để xe máy, ôtô... biết mà tránh, không thì... ráng mà chịu!
Người đi bộ ''được ưu tiên'', nhưng 4 phía vẫn có xe lưu thông, và xe nào cũng phóng ào ào để mong thoát khỏi cái ngã tư ''bùng nhùng'' này thật nhanh.
Ông Lê Văn Cử, hưu trí Khu tập thể Kim Liên, ngày nào cũng đi bộ qua nút giao thông này cho biết: ''Bảo ưu tiên cho chúng tôi ư? Chẳng có ưu tiên gì hết! Đèn xanh đèn đỏ đều có xe, nếu chờ ưu tiên cho người đi bộ thì 10h tối mới qua được đường! Thế là, cứ liều mà qua...''.
''Cứ liều'', sẽ đi về đâu?
Năm 2006, TNTG ở Hà Nội có những thay đổi giật mình nhà quản lý. Đó là tỷ lệ TNGT khu vực nội thành chiếm 52,7%, khu vực ngoại thành 47,3% (năm 2005, tỷ lệ TNGT ngoại thành cao hơn nội thành từ 15-20%). Và đáng chú ý nhất, TNGT liên quan đến người đi bộ là 121 vụ (chiếm 15%).
Ghi nhận của PV VietNamNet tại các nút giao thông Đại Cồ Việt - Giải Phóng, trước cổng BV Bạch Mai, nút Hai Bà Trưng - Phan Bội Châu, trước cổng ĐH Luật Hà Nội cho thấy, tình trạng người đi bộ qua đường tuỳ tiện, coi thường tính mạng mình khá phổ biến. Tại nút Đại Cồ Việt - Giải Phóng chiều 12/1, mặc dù có vạch sơn dành cho đi bộ, một người đàn ông bán nước vẫn nghênh ngang xách phích nước đi qua được chỗ không có vạch sơn. Tứ phía, xe máy ôtô đều lách qua anh ta như mắc cửi.
Lại có những người đi đúng phần dành cho người đi bộ nhưng chẳng cần để ý đến tín hiệu đèn màu gì, thích thì qua, mặc phương tiện tự tránh (xem ảnh và clip).
Tại cổng BV Bạch Mai, nơi hàng ngày có hàng trăm người dân các tỉnh đổ về khám chữa bệnh, tình trạng mất ATGT đối với người đi bộ qua đường cũng xảy ra thường xuyên. Đèn đỏ vừa sáng, người đi bộ băng ào ào qua đường, không để ý gì đến việc phải đi trên vạch ưu tiên. Trong khi đó, xe máy, ôtô từ hướng khác đi tới vẫn phóng vun vút.
Tại cổng trường ĐH Luật Hà Nội, tình trạng vi phạm Luật Giao thông khá phổ biến. Dù có vạch sơn ưu tiên cho người đi bộ nhưng ít sinh viên sử dụng. Họ tự do đi giữa đường, bất cứ chỗ nào thấy thích, thấy tiện. Cứ 4, 5 tốp qua đường nối tiếp nhau, các phương tiện đi qua bắt buộc phải tránh (xem clip).
Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: ''Hà Nội bây giờ đang rất thiếu vị trí cho người đi bộ. Đây là một trong những nguyên nhân gây ách tắc giao thông và TNGT. Vỉa hè thì bị xâm chiếm, dưới đường thì nhiều phương tiện...''. |
Tuy nhiên, có một thực trạng tại đây, dù nhiều sinh viên đi đúng phần dành cho người đi bộ nhưng vẫn đối diện với nhiều hiểm nguy (đã xảy ra một số vụ tai nạn). Bởi nơi đây không có đèn đỏ, người đi bộ đúng làn đường dành cho mình vẫn có thể gặp nạn bởi dòng xe một chiều đang ầm ầm lao đến.
Thêm nhiều nguy hiểm khác dành cho người đi bộ. Ví dụ tại ngã tư Phan Bội Châu - Hai Bà Trưng, người đi bộ qua nút này luôn phải đối diện với các hướng xe. Khi đèn xanh bật cho xe cộ và người đi bộ đi hướng thẳng Phan Bội Châu cắt Hai Bà Trưng nhưng lại đồng thời cho phép dòng xe từ hướng Cửa Nam, rẽ trái sang Hai Bà Trưng. Đi bộ qua dòng xe rẽ trái, rẽ phải đó không đơn giản. Nhiều người đã chọn giải pháp... chạy bộ qua đường, vì nếu đợi hết dòng xe này thì lại gặp dòng xe của hướng khác.
Có nhiều nút giao thông, khi có đèn dành cho người đi bộ, ai muốn qua an toàn phải đi thật nhanh hoặc chạy vì nếu đi chậm vài giây sẽ phải đứng giữa đường vì chu kỳ đèn quá ngắn!
Đi bộ cũng cần kinh nghiệm!
Được biết, Hà Nội hiện có hơn 700 điểm có vạch sơn ưu tiên cho người đi bộ. Tuy nhiên, rất nhiều điểm không được gắn biển cảnh báo hoặc gờ giảm tốc trước vạch sơn. Vì thế, gần đến vạch ưu tiên cho người đi bộ, các phương tiện vẫn đi rất nhanh. Và điều gì đến sẽ đến, người đi bộ đành liều và... TNGT xảy ra!
Đi bộ qua đường ở Hà Nội có an toàn không? Xin nhắc lại lời ông Michimasa Takagi - Cố vấn trưởng Quy hoạch ATGT (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA): ''Tôi sống ở Hà Nội hơn 10 năm, tôi đã học được cách qua đường như thế nào cho an toàn. Tôi chỉ qua đường chỗ nào có vạch sơn dành cho người đi bộ. Khi có tín hiệu đèn xanh dành cho người đi bộ, nhiều người sẽ qua đường ngay. Nhưng riêng tôi thì không. Tôi vẫn quan sát thật kỹ nhiều hướng rồi mới dám đi. Nhiều người nghĩ đó là việc bình thường, nhưng tôi coi đó là kinh nghiệm!''.
Ông Michimasa Takagi còn cho rằng, ở các nước giao thông phát triển, có tín hiệu đèn xanh dành cho người đi bộ thì bao giờ cũng an toàn, nhưng ở Việt Nam thì khác... Đôi khi, đi bộ trên vỉa hè ở Hà Nội bạn cũng phải cẩn thận vì khi tắc đường, xe máy lao cả lên vỉa hè...
-
Bài: Thế Lê Vinh
Ảnh: Phạm Hải
Clip: Anh Linh - Trọng Đại