(VietNamNet) - Hư hỏng đã kéo dài hàng thập kỷ, mức độ nguy hiểm đã được nhiều Hội đồng, Cục, Viện đánh giá kỹ lưỡng, việc di dời là tất yếu nhưng việc chuyển dân ra khỏi nhiều khu nhà cũ nát hiện nay vẫn đang là ''vô thời hạn''?
>>UBND TP.Hà Nội trả lời vụ B6 Giảng Võ
>>HN: Khẩn cấp di dân khỏi nhà nguy hiểm B6 Giảng Võ
>>Chung cư nát - không nan giải nếu tư duy rành mạch!
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Chủng - Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, ở nước ngoài, nếu một khu nhà hoặc đơn giản chỉ một ngôi nhà đã bị cơ quan có thẩm quyền khám nghiệm và kết luận là nguy hiểm thì người ta sẽ dán tem ''gạch chéo'' vào ngôi nhà hoặc khu nhà đó.
Người sống tại đây lập tức phải “lên đường” ngay, bất luận thế nào và không còn gì phải bàn cãi vì tính mạng của họ và những người xung quanh là quan trọng nhất. Chuyện tiền bạc, tương lai, lợi ích… sẽ tính sau - bởi các vấn đề này còn nhiều thời gian để lo và còn được pháp luật bảo vệ, nhưng tính mạng và mối hiểm nguy thì không thể ''dài dài''…
Đó là chuyện ở nước ngoài, còn ở ta thì sao…
Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) Trần Chủng. (Ảnh: H.H) |
13 năm vẫn là... ''khẩn cấp''!
Chung cư 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM) đã liệt vào dạng cũ nát từ những năm đầu thập niên 90. Năm 1993, UBND TP.HCM ra quyết định giải toả, di dân và ngay lúc đó đã có một số hộ dân lập tức chuyển đi vì lo tính mạng, nhưng một số khác cho đến nay (tức là 13 năm trôi qua) vẫn nhất định không chịu di dời, chấp nhận sống chung với dột, nát, bong, tróc và sự đổ sập có thể xảy đến bất cứ lúc nào để… đòi ''phương án đền bù thoả đáng''!
Chung cư B6 Giảng Võ (Ba Đình, HN) cũng đã hư hỏng nặng nề từ đầu thập niên 90. Qua nhiều lần khám nghiệm, năm 1994, Sở Xây dựng đã có công văn khẳng định việc tiếp tục sử dụng toà nhà là mất an toàn nhưng dân không nhất trí nên chính quyền cũng không có… cơ sở để thực hiện!
Hơn một thập kỷ trôi qua, gần đây nhất (tháng 11/2006), Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã ra kết luận dựa trên kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học công nghệ xây dựng, khẳng định chung cư B6 Giảng Võ thuộc dạng ''tối nguy hiểm'' (mức độ D theo Tiêu chuẩn đánh giá mới ban hành năm 2006) nhưng tháng 1/2007, trả lời nhiều báo đài, một số cư dân khu nhà này vẫn cho rằng chẳng có gì nguy hiểm, chưa bức thiết phải di dời và chỉ cần sửa chữa!?
Để có thể nấn ná ở lại ''khu nhà chết'', một số người (không phải toàn bộ cư dân) đưa ra rất nhiều lý do: không yên tâm với phương án di dời (dù phương án này còn chưa được phê duyệt), lo lắng về nơi tạm cư (dù quỹ nhà dự định tạm cư đã được nhiều sở, ngành Thành phố kiểm tra và đảm bảo đủ điều kiện điện, nước, sinh hoạt…), nghi ngờ năng lực của chủ dự án (dù việc thẩm định năng lực này sẽ còn được cả một Hội đồng gồm nhiều ban, ngành cùng nghiên cứu, kết luận)… nhưng một lý do vô cùng thực tế lại bị bỏ qua, đó là: kéo dài thêm mỗi tháng thì mỗi cửa hàng mặt tiền tầng 1 khu chung cư này sẽ thu về thêm nhiều triệu đồng, mỗi năm xấp xỉ gần trăm triệu đồng/hộ kinh doanh… Và, với cả một dãy cửa hàng tầng 1 như vậy thì số tiền thất thu nếu dời đi khiến họ tiếc đứt ruột!
Theo Cục trưởng Trần Chủng, kết luận là ''tối nguy hiểm'' đồng nghĩa công trình có thể sập đổ bất cứ lúc nào, phải di dời ngay, càng sớm càng tốt để đảm bảo tính mạng, tài sản cho dân. Ông Trần Chủng nhấn mạnh: ''KHẨN CẤP nghĩa là ngay tắp lự''! Đã gọi là ''khẩn'' thì không thể để vài tháng, hay sang năm, thậm chí vài năm… Tuy nhiên, Cục trưởng cũng thừa nhận nhiều trường hợp đã kết luận ''tối nguy hiểm, khẩn cấp di dân'' nhưng năm này qua năm khác vẫn cứ là khẩn cấp! Khẩn cấp đã được hiểu là ''vô thời hạn'', bao giờ đi tuỳ thích, ở lại cũng không sao...
Luật Nhà ở còn kẽ hở?
Điều 83, 84 và 86 Luật Nhà ở quy định: ''Các trường hợp nhà ở phải phá dỡ gồm: Nhà ở bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng; Nhà ở thuộc diện phải giải toả để thu hồi đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Nhà chung cư cao tầng hết niên hạn sử dụng; Nhà ở thuộc diện phải phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Việc phá dỡ nhà chung cư từ 2 tầng trở lên và nhà ở khác từ 4 tầng trở lên phải do doanh nghiệp có năng lực về xây dựng thực hiện và phải có phương án phá dỡ cụ thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp khẩn cấp.
Trường hợp nhà ở phải phá dỡ (nêu trên) mà chủ sở hữu nhà ở, chủ đầu tư công trình hoặc người đang quản lý sử dụng không tự nguyện thực hiện việc phá dỡ nhà ở thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế phá dỡ''.
Trong Luật có nhắc đến nguy cơ sập đổ, có tính đến việc phải cưỡng chế phá dỡ, có lưu ý ''trừ trường hợp khẩn cấp'' song lại không quy định cụ thể ''trường hợp khẩn cấp'' thì thời hạn tối đa là bao lâu kể từ khi kết luận là nguy hiểm - phải di dời toàn bộ người và tài sản ra khỏi toà nhà!?
Ông Trịnh Huy Thục, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà (Bộ Xây dựng) - một trong những uỷ viên Ban soạn thảo Dự án Luật nhà ở, đồng thời là Tổ trưởng Tổ biên tập dự luật này cũng cho VietNamNet biết đúng là trong Luật đã không quy định cụ thể: mức độ nguy hiểm loại nào thì tương ứng với thời hạn tối đa phải di dời khỏi toà nhà là bao lâu. Ví dụ: nguy hiểm loại D thì tối đa 15 ngày phải di dời, nguy hiểm loại C tối đa 1 tháng phải di dời…
Chính vì không quy định thời hạn nên việc nấn ná của người dân hiện nay có thêm cơ hội kéo dài bao lâu tuỳ thích. Và, cũng chính vì ''vô thời hạn'' nên chính quyền cùng nhiều cơ quan, đơn vị hữu quan không có cơ sở để thúc đẩy nhanh việc lập và phê duyệt phương án, kế hoạch, dự án… trong khi những người dân không đồng tình lại có cơ sở để nán lại khu nhà nguy hiểm, đưa ra nhiều đòi hỏi mà nếu đáp ứng được thì phải mất vài năm!
Chẳng hạn như: Hai nhà tạm 5 tầng cho công nhân xi-măng Bỉm Sơn từ khi Cục Giám định kết luận là cực nguy hiểm, phải ''rút'' công nhân ra ngay cho đến khi di dời được hết những người sống trong đó là hơn 2 năm (vì còn chờ hoàn tất các thủ tục thanh lý, đấu thầu…); chung cư nghiêng P3 Phương Liệt từ khi ra quyết định di dời đến khi chuyển được toàn bộ dân đi cũng mất khoảng 2 năm...
Cũng chính vì Luật thì chung chung còn hệ thống văn bản pháp quy nói chung cũng chưa tham khảo các mức độ nguy hiểm rất cụ thể đã ban hành trong bộ Tiêu chuẩn (mới) để đối chiếu và đặt ra hời hạn tối đa di dân khỏi các nhà nguy hiểm - nên tại các địa phương có nhà nguy hiểm cần di dời, chính quyền chỉ biết lo lắng và cũng ra thông báo chung chung là "ngay", nhưng "ngay" là bao lâu thì còn ''tùy tâm'' nhân dân và... phụ thuộc nhiều yếu tố!
Ví dụ như trường hợp chung cư tối nguy hiểm B6 Giảng Võ, UBND TP Hà Nội cũng rất lo nhưng đồng thời với lo lắng đã ''đưa quả bóng'' sang UBND quận Ba Đình: ''Đối với nhà nguy hiểm đã được cơ quan có thẩm quyền xác định phải dỡ bỏ, trong khi chưa xác định được chủ đầu tư lập, thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại thì việc di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người sử dụng và công trình là cấp thiết và là trách nhiệm của chính quyền địa phương. UBND các quận, huyện nơi có các công trình thuộc diện nguy hiểm nói trên chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về việc tổ chức thực hiện di dời''.
Còn ông Bùi Văn Thông - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình thì ngay khi ý thức được trọng trách của mình, trước các cuộc họp có đầy đủ các cơ quan, đơn vị hữu quan và nhà báo đã luôn miệng đốc thúc: ''Khẩn trương làm Tờ trình, lên phương án di dời nhanh lên, nhà B6 mà đổ ụp thì công an hỏi thăm chúng tôi đầu tiên!''. Nhưng, một số dân thì vẫn nhởn nhơ, thừa thời gian để kiến nghị, đòi quyền lợi này, phương án nọ...
Dư luận đặt câu hỏi: một lon nước còn có hạn sử dụng, một cuộc điều tra còn phải có thời hiệu - tại sao các khu nhà đã xác định rõ mức độ nguy hiểm, cần di dân lại không có thời hạn di dời được ''luật hoá'' cụ thể, để làm cơ sở cho những tính toán của chính quyền cùng các đơn vị liên quan, chấm dứt tình trạng ''khẩn cấp nghĩa là vô thời hạn'' nêu trên?
-
Tràng An Nguyễn
Theo ý kiến của bạn?