(VietNamNet) - "Nhân viên tổ quản lý trật tự đô thị phường, xã nhiều người chỉ học hết lớp 12, không có khả năng đọc hiểu bản vẽ công trình. Họ chính là những người được giao cho trách nhiệm thừa hành việc kiểm tra xây dựng tại địa phương".
>>>Chống nghiêng: 1 khách sạn sập, 4 nhà dân sập theo
>>>Vụ sập 5 căn nhà: có dấu hiệu thi công "lụi"
>>>Nhà đang xây bất ngờ đổ sập đè chết ba công nhân
>>>Cơ quan quản lý "vô tội" trong vụ sập nhà?
Hướng xử lý cụ thể liên quan đến việc gia cố, chống nghiêng móng "lụi" dẫn đến sập nhà 46/46 Nguyễn Cửu Vân, phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM làm 4 căn nhà khác bên cạnh đổ theo đang được xem xét. Nhà thầu thi công để sập nhà tạm thời đã được công an thả ra.
Trong việc để ra sập nhà trong lĩnh vực quản lý xây dựng, địa phương phải chịu trách nhiệm chính, còn cơ quan cấp trên "vô tội"? |
Ông Nguyễn Văn Hiệp, PGĐ Sở Xây dựng thành phố cho biết việc xử lý cụ thể trong việc sập nhà ở phường 17 sẽ thực hiện theo Nghị định 126. Tức sẽ phạt chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn thiết kế.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, còn phải xem lại hợp đồng có giao kèo phần việc về thiết kế phương án chống nghiêng và nhà thầu có đủ năng lực hay không từ đó sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề. Hiện nay, theo quy định không phải chỉ có chứng chỉ hành nghề là được làm đủ thứ mà phải tùy theo năng lực.
Để xảy ra sự việc gây hậu quả nghiêm trọng như trên, ông Hiệp cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương. Vì ở địa phương/xã, quận/huyện nào cũng đều có tổ, đội quản lý trật tự đô thị cộng thêm thanh tra của Sở Xây dựng (mặc dù chỉ có 12 người).
- Liệu ông có từ chối trách nhiệm không?
Không phải chúng tôi chối trách nhiệm. Nhân viên của chúng tôi chỉ có 12 người mà quản lý cả địa bàn thành phố này thì quá sức rồi.
Trong khi đó, nhân viên tổ, đội quản lý trật tự đô thị lại là anh em đi bộ đội xuất ngũ về, thậm chí học chưa hết lớp 12 cho nên họ đọc bản vẽ không rành, hiểu pháp luật không rành do vậy xử lý tình huống rất chậm.
Cả thành phố này gồm 24 quận, huyện, lực lượng đội và tổ quản lý trật tự đô thị tính ra khoảng trên 1.200 người. Từng phường, xã một đều có hết nhưng tình hình diễn ra cho thấy anh em bất cập về năng lực mà không dễ khắc phục một sớm một chiều được. Cho nên cần kêu gọi người dân về ý thức pháp luật.
Ngoài ra, các quận, huyện đều không làm theo ý của Sở Xây dựng.
Từ năm 2004, chúng tôi đã phát hành những tập hướng dẫn cho chủ đầu tư là tư nhân. Bộ hướng dẫn khoảng gồm chục trang A4, trong đó chúng tôi có hướng dẫn về mặt hợp đồng, chọn nhà thầu, thiết kế, khảo sát, thi công kể cả giám sát nếu có.
Chúng tôi cũng hướng dẫn về mặt an toàn lao động, che chắn công trình, hướng dẫn thi công thế nào không làm ảnh hưởng đến móng nhà bên cạnh; đụng ống cống chung phải xử lý ra sao? Báo cho ai? Đấu nối hầm cầu thế nào?... và gởi xuống quận/huyện để họ kèm theo vào giấy phép xây dựng khi cấp cho tư nhân nhằm khi xảy ra sự cố thì chủ đầu tư không thể nói không hiểu, không biết.
Thế nhưng khi chuyển xuống các quận/ huyện thì hầu hết các phòng quản lý đô thị hiện nay khi cấp phép không đưa cho người dân.
Một thực tế khác, luật pháp trong thời gian quá dài không đầy đủ cho nên rất nhiều người dân "ngại" chấp hành luật pháp ngay từ đầu dẫn đến những sự cố đáng tiếc.
- Quy chế phân cấp có gì không ổn?
Nếu địa phương làm hết trách nhiệm thì ổn nhưng thường là không hết trách nhiệm. Phường không xử lý đến nơi đến chốn, không loại trừ có việc cả nể, thậm chí có những tiêu cực khác.
- Từ đầu năm 2006 đến nay, đây không phải là vụ sập nhà đầu tiên. Nguyên nhân chung nhất của những vụ sập nhà đó là gì?
Đối với một số người dân có khi chắt chiu cả một đời mới làm được nhà nhưng lại thích cái rẻ nên thấy ông cai, ông thợ hồ nào có vẻ tin cậy được là ngã giá thỏa thuận nhau luôn. Chủ nhà cũng không định nghĩa được thế nào là năng lực chủ thầu. Vì không có ý thức như vậy lại tiết kiệm nên mới sinh ra những câu chuyện bất cập.
Cũng có những trường hợp không phải vì tiết kiệm nhưng chủ nhà muốn làm cho nhanh, cho vội... nhiều lý do lắm!.
Nhưng cái quan trọng nhất là chính quyền địa phương. Chỉ có chính quyền địa phương cấp phường là người am hiểu ngọn ngành, ngóc ngách những việc trong địa phương mình thông qua tổ dân phố, khu phố, tổ quản lý trật tự đô thị. Trong quá trình làm nếu có gì không hiểu thì hỏi quận, quận hỏi thành phố...
- Có giải pháp nào hạn chế những tai nạn trong lúc xây dựng không?
Chúng tôi đã từng kiểm tra hoạt động xây dựng theo lệnh của UBND thành phố nhưng chỉ kiểm xác suất thôi làm sao kiểm tra hết!
Cũng chỉ có thể chia thành 2 tổ chứ không thể nhiều hơn trong khi đó có đến 24 quận, huyện.
Chỉ có cách nâng cao trách nhiệm của tổ, đội quản lý trật tự. Anh được nhà nước tuyển vô làm ăn lương, được truyền đạt hết về nghiệp vụ thì cái gì ngoài tầm phải hỏi cấp trên trực tiếp cao hơn phụ anh. Còn nếu không, anh tự chịu trách nhiệm hoặc đừng làm.
- Kiểm tra theo từng sự vụ có phải là biện pháp căn cơ?
Việc kiểm tra sẽ làm thường xuyên hơn. Ngoài ra, phải đưa tài liệu hướng dẫn cho người dân, kể cả tài liệu hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng nhà riêng lẻ và chủ đầu tư các dự án.
- Chỉ trong vòng 2-3 tháng đã xảy ra 2 vụ sập nhà. Liệu có phải việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng chưa tốt?
Quy định của nhà nước đã đầy đủ rồi. Về việc phạt vi phạm trong lĩnh vực xây dựng theo Nghị định 126, chúng tôi đang trình Bộ Xây dựng đề nghị trình Thủ tướng sửa đổi vì có điểm bất cập. Bất cập đó là quy định về hình phạt chính và hình phạt bổ sung.
Chúng tôi kiến nghị, không phân biệt phạt chính hay phụ vì người thừa hành thường nghĩ hình phạt chính là hình phạt phải làm, còn hình phạt bổ sung thường được nghĩ là phụ nên làm hay không cũng chẳng sao.
Theo tôi, cái bổ sung mới là dữ dội. Phạt chính là phạt tiền thì hiện nay hành vi xây dựng không phép chỉ phạt 100.000- 200.000đ, có đơn vị phạt lấy trung bình cộng là 150.000đ.
Việc phạt như vậy không có tính răn đe, tính nghiệm trị. Người dân bị phạt xong vẫn vui vẻ xin đóng tiền liền. Còn hình phạt bổ sung thì không ai chịu làm.
Bổ sung phải được hiểu là ngưng thi công công trình, phải xin phép xây dựng (nếu chưa cấp phép), phải thi công đúng giấy phép xây dựng (nếu có giấy phép) và đập phá tháo dỡ công trình nếu không đúng giấy phép xây dựng. Nếu không thực hiện thì có quyết định cưỡng chế. Nhưng địa phương lại lúng túng khi đưa ra quyết định cưỡng chế dẫn đến dây dưa. Đến khi ra được quyết định cưỡng chế thì nhà đã xây xong.
- Trách nhiệm của địa phương thì rõ rồi nhưng trách nhiệm của quận/huyện hay những cơ quan trên cao nữa thì sao?
Sắp tới phải chỉnh chu lại, phải tuyên truyền hướng dẫn. Những văn bản hướng dẫn chúng tôi chuyển xuống phải đưa vào thực hiện. Đồng thời đội quản lý trật tự của quận phải giúp cho phường.
- Ông nghĩ có nên ràng buộc trách nhiệm cao hơn giữa địa phương và những cơ quan cao hơn?
Điều này thuộc về quản lý nhà nước, uy lực của chính quyền thành phố, uy lực của quận... "Uy lực" có nghĩa là khi đã giao, nếu cấp dưới vi phạm thì người lãnh đạo phải gánh chịu.
- Phải chăng trước đây, khi chưa thực hiện phân cấp cho các quận/huyện, địa phương, ít khi xảy ra những vụ sập nhà?
Trước đó cũng có nhưng ít. Khi xã hội, kinh tế phát triển thì chuyện xây dựng luôn đi trước. Lúc trước, khối lượng cấp phép xây dựng không bao nhiêu nhà, còn bây giờ rộ lên ở từng quận, huyện. Số đầu việc xây dựng càng nhiều thì rất dễ xảy ra bất cập... Đúng quy định phải phân cấp hơn nữa.
- Với trình độ của cán bộ cơ sở như ông vừa nói sao?
Cái đó phải thuộc về ông chủ tịch của các quận, huyện thôi. Trách nhiệm của ai thì người nấy làm chứ! Còn về nghiệp vụ thì chúng tôi lo.
Vừa rồi tôi đã hướng dẫn cho 7 lớp với khoảng trên 1.000 người là nhân viên của tổ quản lý trật tự đô thị. Toàn mấy em trình độ lớp 12.
- Trong thực trạng như vậy còn tiếp tục phân cấp "sâu sắc" hơn nữa thì liệu có ổn không thưa ông?
Việc phân cấp luôn luôn phải đi theo hai phía, nước nào cũng thế thôi. Phải phân cấp, không thể "ôm". Kèm theo đó phải chăm chút huấn luyện đào tạo cán bộ để đáp ứng được sự phân cấp. Chuyện này là chuyện của quận, huyện.
Chẳng hạn nhân viên của đội quản lý trật tự đô thị ở quận tuyển từ trung cấp, cao đẳng trở lên được không? Đôi khi do quan hệ này nọ rồi nhận người vô đào tạo. Đã tuyển người vào thì nhà nước cho đi học, cử đi học. Học thêm cái này, cái kia xong thì bay đi chỗ khác không làm nữa. Nên chăng tiền lương cao thêm một chút để có điều kiện tuyển người có trình độ cao đẳng hay kỹ sư nhiệt tình vì những người này biết đọc bản vẽ.
Nói thế nhưng nếu không có lực lượng này thì lại càng bất cập hơn!
-
Trần Duy thực hiện
Ý kiến của bạn?