(VietNamNet) - Trước nguy cơ bão số 9 có khả năng đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau, Thủ tướng CP sáng 2/12 đã có Công điện khẩn yêu cầu địa phương ven biển, bằng mọi biện pháp kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền trú ẩn; đồng thời, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về sự an toàn của ngư dân, tàu thuyền địa phương mình.
>>Bão Durian yếu dần khi vào VN
>>Gần 100 tàu đang ở vùng nguy hiểm của bão
>>Bão DURIAN mạnh, tàu thuyền không hoạt động ở vùng nguy hiểm
>>Ngày 1/12, bão DURIAN sẽ vào biển Đông
Phải nắm chắc từng con tàu
Công điện này được gửi đến các Bộ: NN-PTNT, Tài nguyên và Môi trường, GTVT, Thủy sản, BC-VT, Quốc phòng, Công an; UBND các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; UB quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn; Ban Chỉ đạo PCLB TƯ... Theo đó, người đứng đầu Chính phủ lệnh cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành ven biển tiếp tục nắm chắc từng con tàu của địa phương mình còn hoạt động trên biển.
Tuy đã suy yếu nhưng ảnh chụp từ vệ tinh vẫn thấy rõ mắt bão số 9. |
Riêng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau chuẩn bị sẵn sàng để triển khai các biện pháp phòng, chống bão trên đất liền, chủ động đối phó với tình huống bão số 9 đổ bổ vào bờ với sức gió mạnh, kèm theo mưa lớn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, dự báo và cung cấp thông tin về bão số 9 kịp thời.
Bộ Thủy sản cần phối hợp với Bộ đội Biên phòng và địa phương nắm chắc số lượng ngư dân và tàu thuyền còn hoạt động trên biển, bằng mọi biện pháp thông báo, hướng dẫn tàu thuyền tìm nơi tránh, trú bão và tổ chức neo đậu an toàn, đặc biệt giữ liên lạc thường xuyên với số tàu thuyền còn trong vùng biển nguy hiểm để thực hiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi cần thiết.
Bộ Quốc phòng phải nhanh chóng thực hiện việc bắn pháo hiệu và bay kiểm tra, thông báo bão trên vùng biển gần bờ. Đồng thời, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng cùng địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống khi bão đổ bộ vào bờ.
UB quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn chỉ đạo lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị phương tiện, trực thường xuyên, sẵn sàng thực hiện việc cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra.
Trong Công điện, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ: Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ BC-VT trong việc thông báo diễn biến của bão số 9 tới ngư dân trên biển; Bộ Ngoại giao trong việc gửi công hàm cho các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện, giúp đỡ cho tàu thuyền và ngư dân Việt Nam được vào tránh, trú bão; Tổng cục Du lịch triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách...
Đã có tàu bị chìm
Tổng hợp mới nhất từ Ban chỉ đạo PCLB TƯ, đến 6h sáng nay, các địa phương đã thông báo được 29.681 tàu/167.834 ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 9 để về bờ và di chuyển tránh bão.
Tuy nhiên, đã có những con số đầu tiên về ảnh hưởng của bão số 9 tới ngư dân. Tại Ninh Thuận, 1 thuyền đã bị chìm tại bến đậu Sơn Hải, xã Phước Dinh nhưng không có thiệt hại về người.
Tỉnh Hà Tĩnh có 5 thuyền/14 ngư dân trên đường chạy tránh bão bị sóng lớn đánh chìm tại khu vực Cửa Nhượng, Cửa Sót, các ngư dân đã được cứu đưa vào bờ an toàn. Riêng tại Hòn Bớt có 1 thuyền bị chìm, 3 thuyền viên trên tàu đã được cứu đưa vào bờ an toàn. Ngoài có 7 tàu/46 ngư dân xã Cẩm Nhượng ở khu vực đảo Hòn Bớt, hiện đã về được 4 tàu và 3 tàu đang trên đường về.
Số liệu của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, tàu số hiệu QNG 96139 của đảo Lý Sơn do ông Bùi Nam (Bùi Thông) làm chủ tàu, bị gãy cốt máy không hoạt động được, trên tàu có 16 lao động, đang ở tọa độ 13,50N, 112,30 E. Hiện tàu hải quân HQ 957 đã ra cứu hộ nhưng chưa tiếp cận được. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các tàu cá Quảng Ngãi ở khu vực đảo Bông Bay - Trường Sa ra hỗ trợ kéo về đảo.
Quảng Ngãi hiện còn 23tàu/331 ngư dân đang ở khu vực Trường Sa, và Hoàng Sa đã có liên lạc.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định cũng nhận được tin tàu BĐ-0856 có 7 người do ông Đỗ Nhảy làm thuyền trưởng bị hỏng máy đang trôi dạt ở 9001’N, 106026’E, phía Đông Nam cửa Trần Đề - Sóc Trăng đề nghị được cứu kéo. Ngay sau đó, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng đã liên lạc với tàu bị nạn và thông báo cho các tàu gần đó tìm cách giúp đỡ; đồng thời lúc 21h ngày 1/12 đã điều động tàu của Hải đội 2 thuộc biên phòng Sóc Trăng (số hiệu BP 101813) xuất phát ra cứu kéo tàu bị nạn. Đến 4h30 sáng nay, tàu biên phòng và tàu bị nạn đã bắt được liên lạc với nhau.
Từ 4/12, bão ảnh hưởng tới Bình Định - Khánh Hoà
Theo Trung tâm Dự báo KTTV TƯ, 10h sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,5 độ vĩ bắc; 116,6 độ kinh đông; cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 790km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật trên cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 10h ngày 3/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ vĩ bắc; 113,4 độ kinh đông, cách bờ biển Bình Định - Khánh Hòa khoảng 460 km về phía đông. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 120 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250-300 km.
Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu đi một ít. Đến 10h ngày 4/12 vị trí tâm bão cách bờ biển Bình Định - Khánh Hòa khoảng 130 km về phía đông.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12, sóng biển cao từ 8 đến 10m. Biển động dữ dội. Từ chiều 3/12 ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, gió bão sẽ mạnh dần lên cấp 6- , sau tăng lên cấp 8-9. Biển động rất mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6- , giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh. Như vậy, từ sáng sớm ngày 4/12 ở vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7 và có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
-
Hà Yên