(VietNamNet) - Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VietNamNet mới đây xung quanh vụ ''bán nhà triệu đô'' 12 Nguyễn Chế Nghĩa, Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: Nếu để sự việc này diễn ra là thiếu kiến thức cả pháp luật lẫn đạo đức, là đại vô lý đến mức không thể chấp nhận được!
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ: ''Cần có sự rõ ràng, cứ vuốt ve nhau thì không chống tham nhũng được!'' Ảnh: V.Giang |
- Thứ nhất, bản thân đương sự có đơn xin hoá giá nhà theo Nghị định 61 chứng tỏ thiếu kiến thức về pháp luật, nắm không rõ pháp luật. Đơn xin hoá giá dẫn đến hiệu số chênh lệch giữa giá thị trường với giá nhà 61 rất lớn (theo báo chí nhận định khoảng 1 triệu USD- NV) có thể đánh giá thiếu ý thức đạo đức cách mạng, cần phải hiểu đó là mồ hôi nước mắt của nhân dân.
Thứ hai, việc mua bán nhà là không đúng Luật, cũng thiếu kiến thức về pháp luật vì nguyên tắc nhà 61 là đã cho thuê, đã giao, đã phân phối trước khi Nghị định 61 được ban hành, sau đấy Nhà nước không còn bao cấp về nhà. Việc cho thuê là thuê nhà công vụ.
Hà Nội khẳng định là Nhà sở hữu Nhà nước nhưng hiện nay hành vi lại chưa xác định được nhà công vụ hay nhà thị trường là lỗi của UBND TP Hà Nội, lỗi nặng nhất là của Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất (TNMT&NĐ) vì thời điểm 2001 (ông Nghiên thuê nhà-PV) thì không còn chuyện phân phối nhà nữa.
Thứ ba, Sở TNMT&NĐ Hà Nội làm đơn hoá giá theo Nghị định 61 cho một số nhà chứng tỏ cán bộ của Sở TNMT&NĐ- người đã ký văn bản đó hoặc là không đủ trình độ hoặc là không đủ đạo đức làm cán bộ.
Thứ tư, việc xin hoá giá xảy ra khi Quốc hội vừa thông qua Luật Chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương 3 vừa ra Nghị quyết về phòng chống tham nhũng và lãng phí, thì tất cả những sai phạm đó được nhân lên nhiều lần. Có thể nói là thiếu ý thức thực hiện chủ trương của Nhà nước.
Để sự việc này diễn ra là đại vô lý đến mức không thể chấp nhận được! Tôi nói như trên có người cho là nặng lời, nhưng công cuộc chống tham nhũng cần có sự rõ ràng như vậy, cứ ''vuốt ve'' nhau thì không thể chống được!
- Đến thời điểm này TP.Hà Nội vẫn nói là chưa có chủ trương?
- Khi Nghị định 61 đã ban hành thì tất cả phải tuân theo pháp luật, việc hoá giá nhà sau khi Nghị định 61 đã ban hành là không thể có, nếu làm là sai phạm pháp luật. TP.Hà Nội không có chủ trương gì khác ngoài việc thực hiện pháp luật và công khai hoá toàn bộ quỹ bất động sản của Nhà nước mà hiện nay TP đang chịu trách nhiệm quản lý.
- Một số người dân gọi đây là bệnh bao cấp của chính quyền quan liêu, ông nghĩ sao thưa ông?
- Không phải là bao cấp mà đây là cố tình níu kéo một số bao cấp để thực hiện hành vi tham nhũng. Nghị định 61 nói là không - mà lại cố tình níu kéo cơ chế cũ. Cơ chế bao cấp đặt trên nền kinh tế thị trường thì bao giờ cũng sinh ra lợi ích, đem lợi ích đó về cho mình thì bao giờ cũng sinh ra tham nhũng.
Ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Ảnh: T.Dũng |
- Nhưng có ý kiến lại cho rằng, người có công với đất nước khi nghỉ hưu thì phải được cấp nhà miễn phí; nếu trong thời gian công tác mà không tham nhũng hay tư lợi thì cũng nên xem xét ưu tiên để khuyến khích cán bộ tận tuỵ với dân. Ngay cả Thành uỷ Hà Nội thống nhất chủ trương vận dụng chính sách, trước mắt giải quyết cải thiện nhà ở cho một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của TP?
- Chính phủ đã có Nghị định quy định cụ thể rồi, trường hợp nào thì được miễn giảm ra sao, nếu không thuộc Nghị định đó thì không nên coi mình là gì khác. Trình tự của chúng ta là Nghị quyết, sau đó phải cụ thể hoá bằng luật pháp để thực hiện. Cao nhất là luật pháp, nếu luật pháp không cho thì không ai cho được.
Ngôi nhà ông Nghiên thuê về nguyên tắc là phải trả sau khi hết nhiệm vụ. Sau khi về hưu rồi thì không có nhà công vụ. Nếu cơ quan quản lý không nhắc thì cá nhân người thuê cũng phải nhắc. Vì bên cạnh việc quan chức về hưu ''đòi'' nhà ''đòi'' cửa thì rất nhiều người dân bị thu hồi đất phải lang thang, nhiều người thu nhập thấp không biết bao giờ mới mua được nhà, hay nhiều người cả đời phục vụ cách mạng nhưng giờ chưa chắc đã có tấc đất cắm dùi.
Tôi có thể ví dụ cụ Nguyễn Lương Bằng, sau khi cụ mất, gia đình cụ đã trả lại ngôi biệt thự trên phố Nguyễn Gia Thiều và đến ở khu tập thể, đó là một tấm gương để noi theo vì ngày đó chưa có quy định trả nhà, huống chi giờ có luật rồi mà không theo.
- Thưa ông, sự việc này có khiến dư luận thấy "khó coi" bởi hiện nay từ địa phương đến trung ương đều hô hào chống tham nhũng?
- Hiện nay, nói về công cuộc chống tham nhũng thì lãnh đạo cấp cao nhất và nhân dân lao động rất quan tâm nhưng công cuộc này có thành công hay không là phụ thuộc vào các cán bộ công chức còn lại.
- Thực tế hiện nay, những người còn lại này người thì rất quan tâm, người thì quan tâm trung bình, người thì quan tâm kém, người thì đang tham nhũng. Nếu tất cả các cán bộ không thể hiện được sự quan tâm thực hiện chủ trương lớn của Đảng và của nhân dân thì làm sao mà thành công được. Nếu mỗi cán bộ công chức không chống tham nhũng trong con người mình thì làm sao mà chống được.
Theo ông, những sự việc như thế này phải xử lý như thế nào?
- Thực hiện theo đúng pháp luật thôi, còn cán bộ vi phạm cũng phải xử lý theo pháp luật về cán bộ công chức.
- Xin cảm ơn ông!
-
Kiều Minh - Quý Nhân (thực hiện)
Ý kiến của bạn?