221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
847056
Miền Trung chạy đua tránh bão số 6 trong lo âu
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Miền Trung chạy đua tránh bão số 6 trong lo âu
,

(VietNamNet) - Chỉ còn hơn 10 giờ nữa, bão số 6 được dự kiến sẽ đổ vào miền Trung. Các nỗ lực giúp dân tránh cơn bão dữ này càng khẩn trương.

 

>> Bấm vào đây để theo dõi diễn biến cơn bão số 6

 

Soạn: HA 910421 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Người già, trẻ em, phụ nữ vùng ven biển Đà Nẵng hối hả sơ tán (Ảnh: HC)

 

Người dân đang rất lo lắng

 

10h sáng 30/0, bão số 6 còn cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 350km về phía Đông với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (từ 134 – 149km/h), giật trên cấp 13. Đó cũng là lúc Đà Nẵng đổ mưa sầm sập, quất rát mặt người đi đường. Gió cũng bắt đầu lồng lên. Bão số 6 đã cận kề rồi…

 

Đường dây nóng nhận tin bão

Quý vị có tin tức về bão, hãy gọi điện về tòa soạn VietNamNet theo số điện thoại: 0902206999 hoặc gửi email về tòa soạn theo địa chỉ: hotnews@vasc.com.vn

Trước những thông tin liên tục được cập nhật về diễn biến của cơn bão số 6, người dân ven biển Đà Nẵng không khỏi âu lo. Vì cơn bão này quá mạnh, gió giật dữ dội kết hợp với thuỷ triều khiến nước biển dâng cao và có thể tạo nên những con sóng cao đến 10m, có thể nhấn chìm tàu thuyền trọng tải lớn nào và phá huỷ cả những công trình kiên cố.

 

Ông Đinh Công Khả ở tổ 18, phường Thọ Quang (Sơn Trà) bộc bạch: “Gia đình tui thấy tình hình bão như thế này hết sức lo lắng. Nếu nó ập vào Đà Nẵng này thì có thể nói hư hại hết cả trăm phần trăm chứ không phải tám chín mươi phần trăm chi nữa. Từ chỗ đó nên nhân dân rất hoang mang. Từ hồi tui sinh ra tới giờ chưa thấy có con bão mô dự báo tới cấp 13 – 14 như vậy!”.

 

Sau những đêm không ngủ hồi bão Chanchu, nay người dân ven biển Đà Nẵng lại có thêm những đêm mất ngủ vì lo lắng. Các làng chài như náo động trong sự khẩn trương sơ tán. Trai gái, già trẻ đều được huy động giúp nhau bảo vệ tài sản trước sự uy hiếp của bão lũ với tinh thần tương trợ cao nhất.

 

Chị Mai Thị Hồng ở tổ 14 Thọ Quang nói: “Thì phải lo thôi chứ, chứ nghe nói bão lớn quá, ai cũng lo hết. Lo con nít, lo người già, lo thúng, lo thuyền… Nhà cửa cũng chuẩn bị giằng chống đó mà chưa có người giúp. Ở đây đầu biển, gió mạnh quá, sợ lắm!”.

 

Bà Lê Thị Cúc ở phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) mới đầu tư 25 triệu đồng mua cá làm mắm để bán dần trong mùa đông, nên nghe tin đài báo có bão lớn, bà lo lắng đến mắt ăn, mất ngủ. Bà than thở: “75 tuổi rồi tui mới nghe có cơn bão quá lớn thế này. Tài sản thì có họ cùng mình. Còn cái nòng cốt trong gia đình, già rồi làm chi nổi nữa. Con cái đông nhưng ở riêng hết, tụi hắn cũng phải lo gia đình của hắn, chừ còn có hai vợ chồng già thôi. Mong muốn răng chừ có người giúp đỡ chở mắm gửi chỗ an toàn, hồi đổ lại kiếm ăn”.

 

Soạn: HA 910435 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Xe cẩu chuyên dụng của BĐBP Đà Nẵng giúp dân di chuyển tàu thuyền vào bờ (Ảnh: HC)

Chính quyền vào cuộc quyết liệt

 

Trước tình hình diễn biến khó lường của bão số 6, sáng nay 30/9, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh đã họp khẩn với lãnh đạo các ngành, địa phương nhằm triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về sơ tán dân đến nơi an toàn. Theo thống kê ban đầu, toàn TP có 5.520 hộ dân ở khu vực nguy hiểm cần phải được sơ tán gấp trước khi bão số 6 đổ bộ vào đất liền.

 

UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương, ngành liên quan tập trung vào công tác di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao, trọng tâm là các vùng ven biển. Chậm nhất đến 17h ngày 30/9 phải hoàn thành công tác này với sự đảm bảo về lương thực, thuốc men, nước uống và các điều kiện sinh hoạt khác cho người dân trú bão. Trường học, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước là nơi tập kết chủ yếu của các hộ dân sơ tán này.

 

Ông Trần Văn Minh yêu cầu xem việc sơ tán dân tránh bão số 6 là nhiệm vụ đột xuất quan trọng, phải liên tục báo cáo tiến độ thực hiện cho Ban chỉ huy PCLB TP. Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm điều động lực lượng trên địa bàn phục vụ công tác sơ tán dân. Đồng thời bố trí công an, quân sự, biên phòng và lực lượng xung kích của địa phương chốt một số điểm trên địa bàn, thực hiện tốt việc giữ gìn an ninh trật tự, nhà cửa, tài sản cho người dân di dời. Các Sở GT-CC, Xây dựng đặt máy bơm tại các điểm trọng yếu để tránh ngập úng. Ngành điện bảo đảm điện tối đa, chỉ cắt điện ở các khu vực không an toàn và kiểm tra nguồn điện dự phòng…

 

Ông Trần Văn Minh cũng đề nghị nhân dân bình tĩnh, hưởng ứng và chấp hành đúng yêu cầu sơ tán của chính quyền địa phương. Đây là hoạt động nhằm ứng phó có hiệu quả với cơn bão số 6, giảm thiểu tổn thất tính mạng của nhân dân.

 

Trong khi đó, dọc theo tuyến biển Sơn Trà - Điện Ngọc cũng như Liên Chiểu - Thanh Khê, ngư dân vẫn đang tiếp tục nỗ lực di chuyển tàu thuyền vào sâu trong bờ để tránh bão. Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã điều xe cẩu đặc chủng đến tận hiện trường để giúp dân. Cùng lúc, nhiều người bắt tay vào chèn chống nhà cửa và gói ghém đồ đạc, chuẩn bị sẵn sàng sơ tán với sự giúp đỡ, hỗ trợ của lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích.

 

Soạn: HA 910439 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Trần Văn Hai: "Tui đã sẵn sàng để  sơn tán rồi!" (Ảnh: HC)

Sự chủ động của cơ sở là rất quan trọng

 

Ông Trần Văn Hai ở phường Mân Thái (quận Sơn Trà) cho biết: “Gia đình tui đã chuẩn bị tất cả mọi việc rồi, chiều ni sẽ đi vô nhà của các con tui ở sâu trong nớ để tránh bão. Bảo đảm tính mạng của con cháu cho nó được cái đã, còn chuyện tài sản thì mình không nói tới!”.

 

Theo ông Lê Bá Lợi, Trưởng Ban chỉ huy PCLB quận Sơn Trà, với 3 mặt giáp sông biển, lại tập trung đông các khu nhà tạm nên công tác di dời dân được chính quyền quận chú trọng hàng đầu, lập phương án triển khai rất chi tiết, từ lực lượng, lương thực, thuốc men, phương tiện đến công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm di dời.

 

Do số dân trong diện phải sơ tán lớn nên trước mắt, quận Sơn Trà ưu tiên cho trẻ em, người già và phụ nữ các phường Mân Thái, Phước Mỹ, Thọ Quang chuyển tới các cơ sở kiên cố như trường học, cơ quan. Đồng thời làm việc với các ban quản lý mở cửa tất cả các khu chung cư (mặc dù chưa bàn giao) để sẵn sàng đón dân vào ở. UBND quận cũng giao nhiệm vụ cho công an quận chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự trong khu vực dân sẽ sơ tán đi cũng như sơ tán đến.

 

Tại các phường ven biển Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), người dân cũng đang khẩn trương thu dọn nhà cửa, đồ đạc để sơ tán. Khối phố Tân An, phường Mân Thái nằm ngay sát biển, có gần 180 hộ với khoảng 2.000 dân cũng dự trữ đầy đủ lương thực, thuốc men, nước uống với kinh phí gần 50 triệu đồng để đưa dân đến nơi an toàn.

 

Ông Huỳnh Văn Lệ, trưởng ban bảo vệ dân phố khối Tân An cho biết: Chúng tôi thường xuyên đi nhắc nhở bà con chèn chống nhà cửa, đưa tất cả những vật dụng có giá trị trong nhà đến gửi ở những nơi an toàn và yêu cầu sơ tán dân. Những người lớn tuổi, phụ nữ, trẻ em được sơ tán trước tiên lên các gia đình đã lên phương án rồi. Thanh niên ở lại vừa bảo vệ tài sản, vừa chống bão!”.

 

Soạn: HA 910441 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Người dân giúp nhau đưa tàu thuyền đi trú ẩn (Ảnh: HC)

 

Tại Quảng Ngãi, sáng 30/9, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Trung tướng Phạm Hồng Lợi, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN đã có cuộc họp với các ban ngành của tỉnh nhằm thống nhất các biện pháp đối phó với bão số 6. Trong đó nhấn mạnh việc tập trung nỗ lực hoàn tất di dời dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trước 17h; bằng mọi biện pháp liên lạc với tàu thuyền của ngư dân còn ở trên biển tìm nơi trú ẩn; chủ động lên các phương án đề phòng lũ quét có thể xảy ra…

 

Ngay sau đó, Ban chỉ huy PCLB Quảng Ngãi chia làm 6 đoàn công tác đi kiểm tra và phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai di dời khẩn cấp 200 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở ở các xã Phổ Thành (huyện Phổ Đức), Đức Lợi (Mộ Đức), Bình Châu (Bình Sơn) cùng một số hộ dân khác ở hai huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa đến nơi an toàn.

 

Ông Trần Em, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, hiện trên địa bàn huyện có hai khu vực phải di dời khẩn cấp là khu dân cư Thạnh Đức 1 và vùng sạt lở ở bờ sông Trà Câu với trên 60 hộ. Sáng nay 30/9, chính quyền địa phương đã đến động viên, giúp đỡ số hộ dân này sơ tán. Sau đó UBND huyện sẽ vào kiểm tra. Nếu người dân vẫn không tự giác di chuyển thì phải cưỡng chế.

 

Tại Quảng Nam, tính đến 10h sáng nay, đã có trên 1.000 tàu thuyền đánh cá của ngư dân trở về đất liền an toàn và đang neo đậu tại bến. Toàn bộ ngư dân đã được lệnh rời khỏi tàu. 15 tàu hàng đang neo đậu tại Cù Lao Chàm cũng được di chuyển về cảng Đà Nẵng.

 

BĐBP Quảng Nam phối hợp với các lực lượng đã chuyển được 900 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn và tiếp tục thực hiện di dời khoảng 20.000 người ở dọc ven sông Hội An và cửa An Hoà (Núi Thành). Anh Nguyễn Văn Mỹ, Hải đội trưởng Hải đội 2 (BĐBP Quảng Nam) cho biết, tại Kỳ Hà có 4 tàu thường trực làm nhiệm vụ PCLB. Lương thực, thực phẩm đã chuẩn bị đủ cho các tàu trong 10 ngày và sẵn sàng hỗ trợ nhân dân. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chuẩn bị doanh trại để đón dân vào tránh bão.

 

Riêng tại Hội An, chỉ trong sáng nay đã sơ tán gần 5.000 dân phường Cửa Đại về vùng an toàn. Việc sơ tán được triển khai rất nhanh chóng, thuận lợi. Buổi sáng di chuyển toàn bộ người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh về trường Trần Hưng Đạo và một số trường học khác. Tiếp đó là di chuyển các đối tượng còn lại.

 

Tại khu vực này, lực lượng dân quân cũng được triển khai trực chiến để khi có trường hợp xấu sẽ nhanh chóng xử lý triệt để, giảm thiệt hại tài sản cho các hộ dân. Đối với trên 500 du khách đang trú tại các khách sạn trong khu vực này, UBND thị xã Hội An chỉ đạo các khách sạn phải mua phòng tại các khách sạn trong nội thị để trú bão.

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,