(VietNamNet) - Sáng ngày 30/9, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Hoàng Đình Hà đã ký điện khẩn số 7/CĐ-UBND chính thức phát lệnh di dời 7.194 nhân khẩu thuộc 6 xã, thị trấn trong huyện.
- Đã gọi được trên 21.700 tàu thuyền tránh bão
- Miền Trung thực hiện cuộc di dân kỷ lục tránh bão
- Bão số 6 bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp miền Trung
- Bão số 6 mạnh lên
- Sơ tán trên 18 vạn dân từ Hà Tĩnh đến Phú Yên
- Chính phủ: "Không để dân thiệt mạng vì bão số 6!"
- 4.700 ngư dân có nguy cơ gặp bão số 6 trên biển
- Bão số 6 sẽ tàn phá trên diện rất rộng
- Chính phủ họp khẩn cấp đối phó bão số 6
- Miền Trung khẩn cấp đối phó bão Xangsane
- Chiều nay, bão Xangsane vào biển Đông
- Bão Xangsane rất mạnh, tàu thuyền có thể gặp nguy hiểm
Ông Đinh Văn Đáng (cán bộ UBND huyện Nghi Xuân) đang vẽ đường đi của bão số 6 theo tin cập nhật qua Đài Tiếng nói VN. |
Điện khẩn này nêu rõ “Việc sơ tán dân phải được tiến hành khẩn trương và hoàn thành trước 17h ngày 30/9”.
Cụ thể, xã Xuân Hội nằm ven biển Nghi Xuân sẽ là xã có số dân phải di dời lớn nhất: 4.796 khẩu. Ngoài ra, còn các xã Xuân Hải, Xuân Phổ, Xuân Trường, Xuân Đan và Thị trấn Nghi Xuân cũng phải di dời số dân rất lớn.
Mặc dù đến thời điểm hiện nay tâm bão không đổ bộ vào Hà Tĩnh, nhưng những biện pháp ứng cứu khẩn cấp đã được Hà Tĩnh chuẩn bị sẵn sàng. Huyện Nghi Xuân cũng đã thuê sẵn 3 ô tô lớn ứng trực sẵn chuẩn bị giúp đỡ người dân các xã ven biển di dời nhanh chóng.
7h sáng 30/9, Bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh Trần Đình Đàn đã có mặt tại huyện Nghi Xuân cùng Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Ngọc Thuật đã trực tiếp xuống huyện Nghi Xuân cùng lãnh đạo huyện kiểm tra tuyến đê xung yếu Hội Thống (nằm trên địa bàn xã Xuân Hội).
Đường dây nóng nhận tin bão Quý vị có tin tức về bão, hãy gọi điện về tòa soạn VietNamNet theo số điện thoại: 0902206999 hoặc gửi email về tòa soạn theo địa chỉ: hotnews@vasc.com.vn
Tuyến đê này dài 17km bảo vệ cho 5 xã Xuân Hải, Xuân Phổ, Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội, gồm 30.000 dân và 2.000 ha đất canh tác (trong đó có 800 ha nuôi trồng thuỷ hải sản).
Từ ngày 28/9, huyện Nghi Xuân đã huy động gần 5.000 dân thuộc 3 xã Xuân Trường, Xuân Đan, Xuân Hội triển khai kê, bọc lại đê biển. Đến chiều 29/9, toàn huyện Nghi Xuân đã huy động hơn 7.000 bao tải chứa cát sẵn sàng ứng cứu trog trường hợp bão lớn, mưa to kết hợp triều cường sẽ công phá tuyến đê xung yếu này.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch huyện Nghi Xuân Nguyễn Hiền Lương tỏ ra lo ngại “Nếu bão đổ bộ vào với sức gió giật trên cấp 8 trong thời gian kéo dài, cộng với triều cường, thì nguy cơ vỡ đê Hội Thống là không thể tránh khỏi”.
Năm 1986, đê Hội Thống được đắp. Năm 1989, trong cơn bão số 7 có sức gió cấp 10, giật trên cấp 10, đê Hội Thống đã từng bị vỡ. Hiện nay, đê Hội Thống đang được thi công, nâng cấp nhưng đang trong giai đoạn thi công, nên việc cứu đê luôn được Hà Tĩnh quan tâm hàng đầu.
Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị ứng phó trong khả năng cấp huyện đã sẵn sàng. Tuy nhiên, Chủ tịch huyện Hoàng Đình Hà nói vui trong không khí khẩn trương chuẩn bị đón bão số 6: “Nếu bão số 6 với sức gió cấp 13 đổ bộ vào Hà Tĩnh, chúng tôi phải di dời ½ số dân trong toàn huyện lên đường 1A, may ra mới bảo vệ được dân”.
Qua điện thoại, ông Trần Đình Đàn cho hay: “Chiều nay (30/9), việc kiểm tra tuyến đê La Giang sẽ được tiến hành”. Hiện tại, toàn tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung sức người, sức của chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với trận bão số 6.
Hiện tại, tổ phóng viên VietNamNet đang di chuyển từ Hà Tĩnh và TP.HCM vào vùng tâm bão. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật những công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 6 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Quảng Ngãi… và những diễn biến mới nhất từ vùng tâm bão.
-
Chi Mai - Hà Trường - Thế Vinh (từ Hà Tĩnh)