221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
841958
Bảo hiểm y tế Cà Mau: Thầy thuốc bệnh nhiều hơn dân!
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Bảo hiểm y tế Cà Mau: Thầy thuốc bệnh nhiều hơn dân!
,

Trong quí 2 vừa qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau đã đưa ra một thông tin thống kê cho thấy nhân viên y tế tại địa phương này “bệnh nhiều, bệnh nặng” hơn người dân...

 
Soạn: AM 898671 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Một bác nông dân cầm thẻ BHYT đến Bệnh viện Cà Mau để mong được khám và cấp thuốc

Thực trạng này thể hiện qua số lần khám bệnh và số tiền thanh toán trên hóa đơn mua thuốc điều trị bệnh.

Bác sĩ (BS), nhân viên y tế bệnh nhiều quá cũng khiến phía bảo hiểm... đau đầu. Tuy không phải là nguyên nhân chính nhưng việc “khám, khám nữa, khám mãi” đã góp phần làm mất cân đối thu chi của bảo hiểm y tế (BHYT). Một cán bộ của Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau cho biết từ khi nghị định 62 ngày 16-5-2005 (mở rộng thêm quyền lợi người tham gia BHYT) của Chính phủ có hiệu lực thì việc khám chữa bệnh bắt đầu tăng đột biến vì đối tượng khám chữa bệnh được mở rộng và quyền lợi được nâng lên so với trước đây khi tham gia BHYT. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã quá tải, các phát sinh tiêu cực do lạm dụng... bệnh cũng bắt đầu xuất hiện trong người dân tham gia bảo hiểm và kể cả cán bộ, BS, nhân viên ngành y tế.

Lạm dụng... bệnh

Với cách thức tham gia BHYT theo diện thân nhân người lao động, cả hộ nên có hiện tượng “nào ta cùng bệnh” trong một gia đình và cùng nhau đi khám bệnh cho vui, cứ khai bệnh đại khái nào đó thì dĩ nhiên được cấp phát thuốc không tốn tiền, không uống thì đem về bỏ vào tủ thuốc gia đình.

Trước đây, số lượt cán bộ, viên chức của Bệnh viện Cà Mau khám bệnh ít, bệnh cũng không nhiều, không nặng (theo kê toa), nhưng từ khi có nghị định mới bỏ áp giá trần cho mỗi lần điều trị, được hỗ trợ điều trị kỹ thuật cao, bỏ cùng chi trả 20%... thì bệnh của CBCNV tỏ ra “nặng” và “nhiều” hơn.

Có BS trong tháng, trong quí bệnh “liên miên”, cứ khám và bốc thuốc đều đều. Thống kê của phòng giám định chi (Bảo hiểm xã hội) cho thấy cán bộ viên chức của Bệnh viện Cà Mau trị bệnh ngoại trú quá nhiều, cứ khoảng sáu người đến khám BHYT thì trong đó có một người thuộc biên chế bệnh viện. Số tiền chi trả cho các cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng cao hơn dân thường, rất nhiều trường hợp có số thanh toán tiền thuốc men lên đến vài trăm ngàn đồng.

Cá biệt có trường hợp của BS L.A.T., một lãnh đạo bệnh viện, đã khám điều trị ngoại trú bằng thuốc ngoài danh mục Hepreza với giá trị thanh tóan lên đến trên 1,7 triệu đồng. Trong quí 2, cứ khoảng 5 đồng thanh toán cho BHYT có số lượt điều trị tại Bệnh viện Cà Mau thì có 1 đồng thanh toán cho cán bộ viên chức của bệnh viện này.

Tiếp xúc với một người dân nghèo đang khám bệnh có BHYT tại Bệnh viện Cà Mau, chúng tôi biết rằng khi họ có bệnh mới đến bệnh viện và số thuốc men được cấp phát mỗi lần có giá trị không cao. “Thuốc không mắc tiền cũng không sao, chủ yếu là trị hết được bệnh” - người dân nghèo này nói. Chính vì thế mới thấy quyền lợi BHYT đã không được bình đẳng chia đều cho quan - dân mà nó đang có dấu hiệu “chảy” về những cá nhân liên quan đến ngành y tế và người thân của họ.

Quen nhiều "kê" thuốc nhiều 

Soạn: AM 898669 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Người dân đang chờ khám BHYT tại Bệnh viện Cà Mau

Tìm hiểu tại khoa khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Cà Mau, BS Tăng Công Lành - trưởng khoa - cho biết việc có nhiều BS, nhân viên bệnh viện khám, điều trị và thanh toán cao như thế là do... họ thường bị bệnh mãn tính, bệnh kéo dài nên đôi khi toa thuốc có sự “ưu ái” và kéo dài thời gian điều trị lên. Như bệnh cường giáp thì phải cho thuốc tới... một tháng. Ngoài ra cũng do khách quan là làm chung bệnh viện nên các BS... tranh thủ khám bệnh khi có... sụt sịt. Còn việc vì sao toa thuốc của một cán bộ lãnh đạo bệnh viện có giá trị thanh toán cao và ai là người khám thì BS Lành cho đó là điều tế nhị và không thuộc thẩm quyền trả lời của mình.  

Trao đổi với chúng tôi xung quanh chuyện “BS bệnh nhiều hơn dân”, BS Bùi Văn Bình, phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Cà Mau, khẳng định bệnh viện không có bất kỳ một chủ trương hay khuyến khích nào đối với việc cán bộ “siêng năng” trong việc đi khám chữa bệnh diện BHYT. Điều trị theo phác đồ chung, không có một ưu tiên nào.

Tuy nhiên, BS Bình cũng thừa nhận “chắc có lẽ anh em tình cảm nên kê thuốc nhiều hơn, thay vì cho toa bảy ngày thì lại ra toa 10 ngày... Bệnh viện cũng đã có qui định nhân viên, BS khi khám bệnh phải có giấy giới thiệu của y tế cơ quan nhưng một số BS lại xé rào, các bộ phận có liên quan cũng nể nang, lỏng lẻo nên để xảy ra tình trạng “bệnh nhiều, bệnh nặng” mà bảo hiểm xã hội phản ánh”.

Xung quanh câu hỏi có thể xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách BHYT tự nguyện để tuồn thuốc về cho phòng mạch tư nhân hay không thì BS Bình cũng chưa thể khẳng định vì chưa có một cuộc kiểm tra nào để làm sáng tỏ việc này cũng như chưa phát hiện việc các BS nhờ người khác đi khám bệnh, nhận thuốc thay bằng thẻ khám chữa bệnh của mình. Qua việc BS bệnh nhiều, bệnh nặng, BS Bình cho biết đã họp rút kinh nghiệm trong toàn bệnh viện và chỉ đạo đến từng cá nhân không được “bệnh nhiều, bệnh nặng”.

Trước sự việc liên quan đến ngành y tế, ông Huỳnh Trung Kiên - phó giám đốc Sở Y tế Cà Mau - cũng khẳng định việc “BS bệnh nhiều, bệnh nặng” là có thật và không chỉ xảy ra tại Bệnh viện Cà Mau mà các bệnh viện khác trong toàn tỉnh cũng y vậy. Các BS có dấu hiệu lợi dụng chính sách này để được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, lạm dụng như thế là không nên và cần chấn chỉnh lại.

Ông Kiên cũng cho biết đang lên kế hoạch củng cố lại việc tham gia BHYT trong ngành bằng việc hạn chế khám, điều trị không cần thiết bằng thẻ BHYT. Đối với các bệnh thông thường thì dùng thuốc từ tủ thuốc y tế của đơn vị, không thể cứ nhức đầu sổ mũi là dùng thẻ BHYT. Tủ thuốc này được xây dựng từ quĩ phúc lợi của đơn vị sự nghiệp có thu, những trường hợp nặng hơn thì phải có sự giới thiệu từ cơ quan chức năng trong ngành. Có như vậy mới tránh được tình trạng mỗi chút mỗi bệnh.

Với các chính sách, qui định như hiện tại, việc mất cân đối thu chi trong BHYT là rõ ràng nếu không có sự giám sát, phối hợp chặt chẽ từ ngành y tế, bảo hiểm. Và không chỉ có Cà Mau mà hiện tại các BS ở nhiều tỉnh thành khác cũng đang có dấu hiệu “bệnh nhiều, bệnh nặng” hơn dân.

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,