(VietNamNet) - Một số người dân, công chức đang suy sụp vì bị “chụp mũ” nghiện, sau khi làm điện não đồ tìm chất ma tuý theo chỉ thị 03 của Tỉnh uỷ Sơn La.
Không nghiện thành nghiện
"Cứu tôi!" - đây là lời kêu cứu của anh Dương Duy Quảng, 43 tuổi, công nhân quản lý vận hành đường dây và trạm điện 110 kv Mộc Châu - Sơn La.
Biết có đoàn phóng viên lên, mặc cho mưa trên cao nguyên Mộc Châu như trút, anh Quảng vẫn mặc áo mưa đứng chờ phóng viên với những hy vọng chuyện của anh được đưa lên mặt báo.
Đầu tháng 7/2006, anh Quảng được Trưởng chi nhánh điện huyện Mộc Châu thông báo có đơn phát giác anh sử dụng ma tuý, dù anh chưa từng nhìn thấy ma tuý (chứ chưa nói đến sử dụng). Sau một thời gian, anh được gọi đi xét nghiệm tại Trung tâm y tế huyện Mộc Châu bằng phương pháp điện não đồ, và một tháng sau anh được thông báo ''có biểu hiện sử dụng chất ma tuý''.
Không tin vào kết quả của huyện Mộc Châu, anh Quảng lặn lội đến Bệnh viện châm cứu TW (Hà Nội) để xét nghiệm lại. Đúng như mong muốn của anh, cả kết quả điện não đồ và dung lượng chất gây nghiện trong nước tiểu đều âm tính.
Nhưng ở Sơn La, anh Quảng và gia đình vẫn bắt đầu gánh cái án "nghiện" mà kết quả điện não đồ ở đây đã tuyên. Đi đâu anh cũng bị nhìn với ánh mắt khác lạ. Anh Quảng nghẹn lời: ''Bao nhiêu năm công tác, phấn đấu, tôi mất hết uy tín và danh dự chỉ vì kết luận của Ban chỉ đạo 03 huyện Mộc Châu".
Từ hôm chồng bị kết luận là "nghiện", vợ anh Quảng mất ngủ, sụt đến 4kg. Đi đâu chị cũng không dám ngẩng mặt lên vì sợ bị dèm pha. Chị khẳng định chồng mình không liên quan đến ma túy, thuốc lá còn không hút, không chơi bời gì, lúc nào cũng chắt chiu dành dụm cho vợ con. "Đêm nằm, cứ nghĩ đến chuyện oan của chồng là tôi lại khóc. Hãy minh oan, cứu chồng tôi, cứu gia đình tôi!'' - chị khóc lóc.
Con gái anh Quảng năm nay học lớp 12 cũng bị suy sụp hoàn toàn khi nghe tin về bố.
Cụ Dương Duy Quỳ, 74 tuổi, bố anh Quảng lặn lội từ Thái Bình lên thăm và động viên con. Ông nói với PV VietNamNet: ''Tin về con tôi đã lan về quê, ảnh hưởng đến toàn dòng họ.
Biết tin phóng viên đến, bạn bè và hàng xóm kéo đến để... "kêu" giúp gia đình anh.
Ông Lê Minh Phái, tiểu khu trưởng khu 19/5 cho biết, anh Quảng là người tốt về đạo đức và lối sống, được người dân cùng khu tin yêu. Ông Phái không nghĩ có chuyện anh Quảng nghiện ma tuý.
Ông Nguyễn Cao Khiển, đồng nghiệp của anh Quảng cũng bức xúc: ''Tôi làm việc cùng Quảng từ năm 1994, chứng kiến Quảng đi lên từ 2 bàn tay trắng đến lúc có một cơ ngơi thế này. Người nghiện sao sử dụng đồng tiền được thế? Tôi khẳng định anh Quảng không thể là người nghiện ma tuý hay có biểu hiện của người nghiện!''.
Tại sao lại có kết luận khác nhau giữa nhóm bác sĩ của Viện Châm cứu TW lên giúp Ban chỉ đạo 03 tỉnh Sơn La và bác sĩ của Viện này tại Hà Nội về trường hợp của anh Dương Duy Quảng?
Không chỉ có anh Quảng. Nhiều người dân, cán bộ tại Sơn La bị kết luận nghiện ma tuý sau khi điện não đồ đều đang buồn rầu tự hỏi: ''Hay máy móc có sự nhầm lẫn? Nếu nhầm chỉ nhầm vài người, sao lại nhầm nhiều đến như vậy?''.
Công chức mất việc
PV VietNamNet về huyện Yên Châu, một trong những địa phương có nhiều người gửi đơn thư đến các cơ quan báo chí và chức năng kêu cứu, đề nghị xem xét lại kết quả, phương pháp và tính chính xác của điện não đồ.
Anh Nguyễn Đình Quang (29 tuổi), hiện đang công tác tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) huyện Yên Châu bức xúc: "Ngày 13/6, tôi nhận được giấy mời của Ban chỉ đạo 03 huyện Yên Châu yêu cầu đi xét nghiệm ma tuý do có phiếu tố giác tôi có biểu hiện sử dụng ma tuý. Vì chưa từng sử dụng ma tuý nên tôi rất tự tin xét nghiệm theo phương pháp điện não đồ để chứng tỏ sự trong sạch của mình".
Bất ngờ, đến ngày 16/7, anh Quang nhận được thông báo kết quả điện não đồ là có sử dụng ma tuý. Bức xúc trước kết quả này, anh đã gửi đơn lên Ban chỉ đạo 03 huyện Yên Châu để khiếu nại và yêu cầu được xét nghiệm lại.
Ngay sau khi vừa nhận được tin anh Quang sử dụng ma tuý, ngày 20/7, Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) huyện Yên Châu yêu cầu anh làm các thủ tục để đi cai nghiện tập trung. Anh kiên quyết phản đối vì biết chắc mình không nghiện.
Cũng như nhiều người dân Sơn La đang có thắc mắc, phản đối về kết quả điện não đồ, anh Quang về Hà Nội, đến Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện 103 để làm điện não đồ và xét nghiệm máu tìm chất gây nghiện. Cả hai bệnh viện đều cho kết quả trái ngược với kết quả điện não đồ ở Sơn La. Đơn khiếu nại tiếp tục được gửi đi.
Nhưng ''oan tin'' vẫn giáng xuống người cán bộ kho bạc trẻ. Ngày 11/8, anh Quang nhận được công văn số 335 của KBNN tỉnh Sơn La do Phó GĐ Lò Thị Hoan ký, trong đó yêu cầu Kho bạc Nhà nước huyện Yên Châu không bố trí cho anh làm công tác nghiệp vụ và chỉ được hưởng mức lương tối thiểu là 350.000 đồng/tháng.
Nguyễn Đình Quang nói: ''Tôi nghĩ có rất nhiều người oan sai như tôi. Nhưng có phải ai cũng biết cách để viết đơn kêu các cơ quan chức năng và báo chí đâu. Chúng tôi đề nghị quý báo, quý đài và các cơ quan chức năng làm rõ máy điện não đồ có thực sự kiểm tra được chất ma túy không? Nếu máy điện não đồ cho kết quả sai, tỉnh Sơn La phải giải quyết như thế nào? Phải có những hành xử thế nào để trả lại công việc và nhất là danh dự cho chúng tôi?''.
Loại ngũ bộ đội "dính" oan ma tuý
Không chỉ có cán bộ, công chức như anh Quang bị kết luạn sai, đơn thư của một số chiến sĩ, sĩ quan thuộc Tiểu đoàn 1, BCH Quân sự tỉnh Sơn La gửi về VietNamNet cũng cho thấy họ bị "biến thành nghiện''. Đó là các quân nhân Nguyễn Thanh Tùng, Khiếu Hữu Huân, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Duy Hùng và Ngô Duy Khánh. Trong đó, có những người đã là đảng viên, được ăn học tử tế, là chiến sĩ giỏi ở đơn vị. Tuy nhiên, khi có chương trình phát giác ma tuý bằng phương pháp điện não đồ ở Bệnh viện y học cổ truyền Sơn La, họ bị ''dính" ngay "oan tin".
Người thân các quân nhân Tiểu đoàn 1 bức xúc với phương pháp điện não đồ tìm ma tuý ở Sơn La- Ảnh; TV |
Không tin vào kết quả điện não đồ ở bệnh viện này, bố Nguyễn Thanh Tùng đã đưa anh về Hà Nội xét nghiệm lại tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện y học cổ truyền TW; kết quả đều âm tính.
Cũng như các "nạn nhân" của giải pháp "dò nghiện" ở Sơn La, Nguyễn Thanh Tùng lập tức nhận được giấy triệu tập đi cắt cơn tại Bệnh viện y học cổ truyền Sơn La. Là một quân nhân, anh chấp hành mệnh lệnh của đơn vị và đã có bản cam kết ''không sử dụng ma tuý, không nghiện ma tuý, không cần một biện pháp cai nghiện nào''.
Trong đợt ''đi cắt cơn'' với Nguyễn Thanh Tùng còn có 19 quân nhân khác nhưng chỉ có 2 người lên cơn vật cần sự hỗ trợ của bác sĩ. Những người còn lại đều bị lôi ra châm cứu theo quy trình.
Khi các quân nhân này có thái độ phản ứng, BS. Phạm Hồng Thái (trưởng khoa hỗ trợ cai nghiện) và bác sĩ Hoàng Xuân Tâm (Phó giám đốc) trả lời: ''Chúng tôi không cần biết các anh có nghiện hay không. Ban chỉ đạo 03 của các anh đưa vào thì chúng tôi thi hành theo phác đồ điều trị!''.
Trong đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng và báo chí, Nguyễn Thanh Tùng viết: ''Trở về đơn vị chứng kiến những ánh mắt, những lời bàn tán, chúng tôi biết sự nghiệp và quyền lợi chính trị của mình, cũng như danh dự gia đình, đã tan biến. Nỗi oan này, kính mong các cấp lãnh đạo, các tổ chức có trách nhiệm trả lời".
Được biết, tất cả các chiến sĩ, sĩ quan thuộc Tiểu đoàn 1 bị máy điện não đồ kết luận nghiện ma tuý đã có quyết định ra quân.
Trong khi đó, ba từ ''điện não đồ'' vẫn đang là chủ đề "nóng" để bàn tán và nỗi khiếp sợ thường nhật tại Sơn La vào thời điểm này.
Kỳ II: GS.Nguyễn Tài Thu nói về điện não đồ "tìm" ma túy ở Sơn La?
-
Thế Lê Vinh
Ý kiến của bạn: