221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
792710
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa ưu ái cho Chi "lừa" ra sao?
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa ưu ái cho Chi 'lừa' ra sao?
,

(VietNamNet) - Ngoài việc lừa đảo chiếm quyền sử dụng 45 ha đất khu vực Bãi Tiên, Chi "lừa" còn được UBND tỉnh Khánh Hòa "tin tưởng" giao 25,4 ha đất tại Bãi Dài (Cam Ranh) để "xây dựng dự án du lịch".

Soạn: AM 770227 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Một phần dự án khu nghỉ mát Rusalka ở KHánh Hoà. Ảnh: Hoàng Dung

Việc giao 25,4 ha đất tại Bãi Dài cho Nguyễn Đức Chi (Chi "lừa") được nguyên Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Phạm Văn Chi trong 2 thông báo đồng ý. Cụ thể, thông báo giao 13 ha đất cho Công ty cổ phần đầu tư thương mại Hoa Hồng (do Chi "lừa" cùng 2 em gái "sáng lập", Chi "giữ chân" Chủ tịch Hội đồng quản trị, vốn đăng ký 30 tỷ) được ông Phạm Văn Chi ký tháng 2/2004.

Cũng trong tháng này, ông Phạm Văn Chi ký thêm 1 thông báo "đồng ý" nữa giao 12,4 ha đất cũng tại khu vực Bãi Dài cho Công ty Cổ phần Vạn Xuân, do Nguyễn Đức Chi làm Tổng giám đốc, để công ty này "xây dựng dự án du lịch".

Được biết, theo quy định của tỉnh Khánh Hòa, tỷ suất đầu tư của mỗi nhà đầu tư muốn vào "làm ăn" khu vực Bãi Dài tối thiểu phải là 1 triệu USD/ha. Như vậy, Nguyễn Đức Chi phải "bói" ra 25,4 triệu USD để đầu tư vào 2 khu du lịch trên... giấy này, sau khi được ông Phạm Văn Chi "đồng ý".

Trong khi đó, với 11,5 tỷ đồng phải trả lại cho tỉnh Khánh Hòa sau khi tỉnh này đồng ý "nắn" con đường chạy dọc ven biển không đi qua dự án Rusalka do Chi "lừa" làm chủ đầu tư, Chi đã tìm cách... chạy dài. Nghiêm trọng nhất, không chỉ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty XNK và lương thực Trà Vinh, Công ty Lâm Viên (Lavico), chi nhánh Công ty 424 (Nghệ An), Chi "lừa' còn lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng 45 ha đất tại khu vực Bãi Tiên (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang, Khánh Hòa).

Từ khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) diện tích đất này (45 ha để làm dự án khu du lịch Rusalka), Nguyễn Đức Chi đã thế chấp trái pháp luật, lừa các nhà thầu bỏ tiền vào xây dựng dự án (Công ty BMC bỏ ra khoảng 60 tỷ đồng xây dựng, đến nay số tiền lãi ngân hàng đã lên tới 5 tỷ nhưng không được thanh toán), tìm cách bán dự án, thực chất là bán đất.

Liên quan đến việc "tiếp tay" này, có trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT), cùng hàng loạt lãnh đạo "chủ chốt" của tỉnh Khánh Hòa. Mới nhất, CQĐT đã quyết định mời các ông Phạm Văn Chi (nguyên Chủ tịch tỉnh, nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa), Trần Minh Duân (nguyên Phó Chủ tịch tỉnh), Nguyễn Trọng Hòa (Phó Chủ tịch tỉnh, nguyên GĐ Sở KH&ĐT), Nguyễn Thị Thu Hằng (Phó Chủ tịch tỉnh) ra Hà Nội làm việc.

Những ai "tiếp tay" cho Chi "lừa"?

Ngày 27/5/2003, ông Trần Minh Duân (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) ký quyết định cấp sổ đỏ cho Nguyễn Đức Chi sử dụng 45 ha đất làm dự án Rusalka. Nguyên bản, tại hồ sơ dự án Rusalka "buổi đầu", số diện tích đất Chi "lừa" xin cấp là 32 ha. Tuy nhiên, đến ngày 22/2/2001, bà Hằng đã ký công văn 300/UB đề nghị Bộ KH&ĐT cho Công ty R.I.T được tăng thêm 13 ha đất, mặc dù 32 ha đất được cấp trước đó Chi chưa triển khai. 13 ha đất này nằm phía Đông đường Trần Phú.

Điều khó hiểu, trước khi chuyển đề nghị này ra Hà Nội, chính bà Hằng đã thể hiện quan điểm "UB tỉnh sẽ ưu tiên phần diện tích đất phía Đông đường Trần Phú sau khi chủ đầu tư đã triển khai xong dự án phía Tây đường Trần Phú", trong công văn 1803/UB gửi Nguyễn Đức Chi (ngày 18/8/2000).

Việc bà Hằng thay đổi quan điểm trong công văn 300/UB trùng với "nguyện vọng" của Nguyễn Đức Chi trong công văn và hồ sơ gửi Bộ KH&ĐT cùng ngày 22/2/2001 xin điều chỉnh tăng diện tích đất dự án thêm 13 ha.

Sau đó, với sự "hỗ trợ" của ông Nguyễn Sỹ Hiệp, chuyên viên Vụ quản lý dự án (không yêu cầu Chi giải trình điều kiện tài chính đảm bảo xây dựng phần diện tích này), bà Mai Thị Thu, Cục phó Cục đầu tư nước ngoài (sửa công văn của ông Hiệp khi ông Hiệp phát hiện ra các nhà đầu tư dự án Rusalka không góp đủ vốn theo tiến độ cam kết với Bộ KH&ĐT), thêm sự "ra tay" của Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt (cho phép Chi "lừa" tìm đối tác Việt Nam để góp vốn vào dự án Rusalka, chuyển thành doanh nghiệp liên doanh), ngày 3/5/2001, Nguyễn Đức Chi đã được Bộ KH&ĐT "cho" tăng diện tích đất lên tới 45 ha tại một trong trong những vịnh biển đẹp nhất Việt Nam: Vịnh Nha Trang.

Trong khi đó, quá trình cấp phép cho dự án Rusalka đã nảy sinh nhiều quan ngại về năng lực tài chính của chủ đầu tư, chính ông Nguyễn Bích Đạt khi còn là Vụ trưởng Vụ đầu tư nước ngoài đã trực tiếp soạn thảo điều 7 của giấy phép đầu tư (GPĐT) dự án này, thể hiện rõ quan điểm "không cho phép nhà đầu tư chuyển nhượng vốn cho đối tác khác trong quá trình xây dựng dự án"!.

Có được "chỉ đạo" từ Bộ. Chi "lừa" quay về Khánh Hòa tìm cách lo sổ đỏ để đem đi thế chấp ngân hàng. 45 ha đất đã thực sự thuộc quyền sử dụng của Nguyễn Đức Chi từ ngày 27/5/2003. Việc Chi "lừa" dùng quyển sổ đỏ này đi "cắm" ngân hàng để lừa đảo ra sao thiết tưởng đến nay đã rõ. Tuy nhiên, quy trình cấp sổ đỏ cho Chi mới thực sự... oái ăm.

Ngày 6/3/2005, "ý chí" chỉ đạo của tỉnh Khánh Hòa được thể hiện trong 1 thông báo kết luận cuộc họp ngày 25/2/2003 do ông Trần Minh Duân chủ trì, yêu cầu Chi thanh toán số tiền 11,5 tỷ do tỉnh "nắn" tuyến đường không đi qua Rusalka. Chi phải trả ngay 4 tỷ trong tháng 3/2003, số tiền còn lại phải trả trong 3 năm. Sau khi trả tiền, mới cấp sổ đỏ.

Tuy nhiên, sau khi "tính toán" lại, ngày 8/5/2003, cũng chính ông Duân ký đồng ý cho Chi "lừa" được thanh toán số tiền sửa đường trong năm 2003 là 2,562 tỷ đồng (làm 2 đợt theo đúng đề nghị của Chi), số còn lại (không ghi cụ thể số tiền) thì được phép trả từ 3-5 năm.

Chưa hết, ngày 7/5/2003, Nguyễn Đức Chi có công văn đề nghị cấp sổ đỏ cho diện tích đã xin được. Đến ngày 23/5/2003, ông Trần Minh Duân thêm một lần nữa ký công văn yêu cầu công ty R.I.T của Nguyễn Đức Chi phải thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính, nộp tiền "nắn" đường... và phân các Sở, ban ngành giám sát, đôn đốc việc này trước khi cấp sổ đỏ.

Chưa ai kịp "động tay chân", 3 ngày sau, Sở địa chính Khánh Hòa có tờ trình đề nghị cấp sổ đỏ cho Chi "lừa". Chỉ 1 ngày sau khi Sở Địa chính gửi tờ trình, chính tay ông Duân ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty R.I.T.

Sự việc cấp sổ đỏ "tốc hành" chỉ bị "lộ sáng" khi Nguyễn Đức Chi bị bắt, kiểm tra hồ sơ thì phát hiện sổ đỏ được cấp cho R.I.T khi không có hợp đồng thuê đất theo quy định của Tổng cục Tài chính. Trong khi đó, chính ông Duân đã yêu cầu Sở Địa chính phải thực hiện điều này (tại quyết định ký ngày 23/5/2003 đã nói ở trên).

Các ông Mai Đức Chính (Giám đốc Sở địa chính Khánh Hòa), Vũ Xuân Thiềng (Trưởng phòng Sở địa chính Khánh Hòa) cho rằng, do tỉnh đã có quyết định cho Nguyễn Đức Chi được miễn tiền thuê đất toàn bộ dự án 7 năm từ khi hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động, thời gian còn dài, có ký hợp đồng thuê đất cũng chưa thu được tiền nên có... thiếu sót (?!).

Khi đã cầm được sổ đỏ trong tay, Chi cũng "quên" luôn chuyện phải trả tiền cho tỉnh. Ngoài ra, việc UBND tỉnh Khánh Hòa "miễn" tiền thuê đất 7 năm cho Nguyễn Đức Chi là làm trái quyết định của Thủ tướng.

14 tỷ đồng ngân sách đã thất thoát

Một sự "ưu ái" khó hiểu từ phía tỉnh Khánh Hòa đã xuất hiện ngay từ khi dự án của Nguyễn Đức Chi mới chỉ "khoanh" gọn trong diện tích 32 ha. Tại điều 5 của GPĐT (kể cả sau khi điều chỉnh tăng diện tích đất dự án), Bộ KH&ĐT vẫn giữ quan điểm: Chi phải nộp tiền thuê đất và mặt biển sau khi bàn giao đất trên thực địa. Mức tiền thuê sẽ được điều chỉnh lại sau mỗi chu kỳ là 5 năm.

Tại công văn 1589 do bà Nguyễn Thị Thu Hằng (Phó Chủ tịch tỉnh) ký ngày 20/7/2000, giá tiền thuê đất phía Tây đường Trần Phú áp dụng cho Rusalka: Thấp nhất 1,13 USD/ năm, cao nhất 1.800 USD/năm, chia làm 3 khu vực.

Tuy nhiên, chỉ ngay sau khi Nguyễn Đức Chi được Bộ KH&ĐT cấp giấy phép đầu tư dự án 31 ha, thì ngày 5/2/2001, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp do Phó Chủ tịch tỉnh Trần Minh Duân chủ trì, đề cập đến việc miễn giảm tiền thuê đất cho dự án của Chi. Lý do của việc miễn giảm được "nại" ra là do Chi phải chi phí nhiều để cải tạo bãi biển. Trong khi đó, trên thực tế Chi mới đang đề nghị tỉnh cấp thêm đất (13ha), chứ chưa đầu tư cải tạo gì tại khu vực này!

Chưa hết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã lập ra một tổ định giá, có họp 2 lần, để thống nhất những "nội dung kiến nghị" để rốt cuộc đến ngày 2/3/2001, bà Nguyễn Thị Thu Hằng ký công văn 381 với những nội dung cực kỳ "ưu đãi" Nguyễn Đức Chi: miễn tiền thuê đất 7 ha cải tạo bãi san hô, lấn biển; 6 ha bãi biển giá cho thuê 1,13 USD/năm; không thu tiền thuê phần đất dùng làm các công trình có "yếu tố công cộng"; đồng ý miễn tiền thuê đất 7 năm cho toàn bộ dự án (cả phía Tây và phía Đông đường Trần Phú) kể từ ngày hoàn thành xây dựng cơ bản và bắt đầu đi vào hoạt động.

Trong khi đó, ngày 5/7/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 833/QĐ-TTg về việc cho công ty R.I.T thuê đất, tại điều 2 giao trách nhiệm: "UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo việc thu tiền thuê đất nộp ngân sách Nhà nước".

Công văn 381 do bà Hằng ký đã "hợp thức hóa" một ý chí "ưu ái" bấy lâu, khiến ngân sách Nhà nước thiệt hại (tạm tính) 14 tỷ đồng, kể từ ngày bàn giao đất (tháng 8/2001) đến ngày Nguyễn Đức Chi bị bắt.

Tổ định giá sau 2 lần họp đưa ra 2 kiến nghị trái ngược nhau về việc miễn tiền thuê đất cho Chi "lừa" (chỉ trong vòng 8 ngày, ngày 13 và 21/2/2001). Trong đó, có cuộc "họp lại" ngày 21/2/2001 do ông Nguyễn Trọng Hòa (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT) chủ trì, đưa ra những nội dung kiến nghị để bà Hằng ký công văn 381 nêu trên.

Các cán bộ tổ định giá cho hay, việc "họp lại" để xét miễn tiền thuê đất cho Nguyễn Đức Chi là "do sự chỉ đạo của cấp trên", nhưng không nói rõ do ai chỉ đạo (?).

Bà Hằng cho biết, việc bà ký công văn nói trên có báo cáo thường trực UBND tỉnh và được tập thể thống nhất (?!)

Sau khi bà Hằng ký công văn 381, vào tháng 8/2001, ông Phạm Văn Chi có công văn giao các Sở, ban ngành yêu cầu "Xác định lại giá thuê đất của dự án" trên tinh thần "Mục đích sử dụng đất đã có thay đổi với những điều kiện ưu đãi hơn". Ông Chi cho rằng việc UBND tỉnh Khánh Hòa miễn giảm tiền thuê đất cho Nguyễn Đức Chi là theo thẩm quyền, căn cứ và quyết định 189 của Bộ Tài chính và quết định 3435 của UBND tỉnh Khánh Hoà.

Trước đó, tháng 5/2001, ông Võ Lâm Phi (Phó Chủ tịch tỉnh, nay là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà) ký tờ trình 1120 gửi Thủ tướng đề nghị "Giá tiền cho thuê đất: Theo quy định của UNBD tỉnh Khánh Hòa".

"Vui" hơn, đến ngày 23/5/2003, ông Trần Minh Duân vẫn tiếp tục ký quyết định 1507 về việc điều chỉnh ranh giới, diện tích đất cho dự án Rusalka, thể hiện tại khoản b, d điều 1: "Tiền thuê đất: Theo quy định của UBND tỉnh. Yêu cầu Cục thuế Khánh Hòa thi tiền thuê đất nộp vào ngân sách nhà nước" (?!).

Xin nhắc lại, công văn 381 "miễn tiền thuê đất 7 năm" cho Nguyễn Đức Chi đã được bà Hằng ký ngày 2/3/2001, cách ngày ông Duân ký quyết định 1507 là 21 ngày 2 tháng 2 năm (!!!).

Hành vi không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng (tại Quyết định 833) có dấu hiệu của tội "Cố ý làm trái". Được biết, CQĐT đang tiếp tục làm rõ hành vi của nhiều "lãnh đạo" cấp Bộ và cấp tỉnh trong vụ án này trước khi xem xét đề xuất xử lý hình sự. Ngày 3/5, ông Phạm Văn Chi đã phải làm việc với CQĐT tại Hà Nội, vì trách nhiệm liên quan trong vụ lừa đảo của Nguyễn Đức Chi tại dự án Rusalka, cũng như nhiều nội dung khác.

  • Trường Giang - Phan Công

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,