Bắt đầu bằng triệu chứng lở miệng, lưỡi, sốt, kết thúc bằng nhiều biến chứng gây chết người, dịch bệnh này trở nên nguy hiểm khi xuất hiện ở 26 xã, phường của 5 huyện, thị trong tỉnh với 128 ca mắc bệnh; 2 trường hợp tử vong.
Bàn tay một bệnh nhân bị hội chứng "chân, tay, miệng". |
Trước sự lây lan nhanh của dịch bệnh này, bệnh "chân, tay, miệng". Một số trường mầm non trên địa bàn thị xã Phan Rang - Tháp Chàm đã tạm thời cho học sinh nghỉ học. Các bậc phụ huynh đổ xô tìm đến Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để tiêm phòng cho con em mình.
Tuy nhiên, hiện nay hội chứng "chân, tay, miệng" chưa có vaccine tiêm phòng. Nhiều phụ huynh thấy con em mình được tiêm phòng bệnh viêm màng não mô cầu a, c và nhóm b lại ngỡ là đã được tiêm phòng hội chứng "chân, tay, miệng" nên không quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lây lan bệnh.
Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Ninh Thuận, bệnh virus đường tiêu hoá, hay bệnh "chân, tay, miệng", nếu không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng não, màng não và có thể dẫn đến tử vong.
Đây là dịch bệnh lây lan rất nhanh, chủ yếu lây qua đường tiêu hoá, đối tượng chủ yếu là trẻ em. Vì vậy, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nhà trẻ, trường mẫu giáo, các trường tiểu học là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu trong công tác ngăn chặn dịch.
Ngoài sự hỗ trợ của ngành y tế, các điạ phương cần phát động toàn dân làm sạch vệ sinh thôn xóm, mỗi gia đình cần chú trọng hơn công tác giữ gìn vệ sinh và an toàn thực phẩm. Khi phát hiện những triệu chứng bất thường về sức khoẻ phải kịp thời đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Bệnh "chân, tay, miệng" là gì? |
Triệu chứng: Trẻ mắc bệnh lúc đầu thường bị lở miệng và lưỡi, sốt nhẹ, đắng miệng và biếng ăn. Sau đó, ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, miệng... xuất hiện những bóng nước có màu hơi xám từ 1-3 mm, khi ấn vào thường không đau và sẽ biến mất sau 3-5 ngày. (Theo NLĐ) |
Theo Gia Hiền (VTV)