(VietNamNet) - Đúng 9h40, một tiếng nổ lớn kéo theo hàng trăm tiếng còi xe, hàng vạn tiếng reo vang dội cả một đoạn sông Đà. Thủ tướng Phan Văn Khải ném xuống dòng sông Đà khối bê tông hình thang đầu tiên nặng 2,5 kg. Sông Đà bị chinh phục ở cuối trời Tây Bắc.
Toàn cảnh công trình Thuỷ điện Sơn La. Ảnh chụp 1/12/05. VinhLT |
Sau nghi lễ vốn có, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn nút phát lệnh khởi công thủy điện Sơn La. Tiếng nổ rền vang của quả mìn 250kg. Một cột khói bốc cao bên bờ phải sông Đà. Tiếng reo vui mừng của đồng bào Mường La vang rội trên các quả đồi bên bờ sông.
Ngay sau hiệu lệnh, Thủ tướng Phan Văn Khải tiến về phía 2 đoạn băng két. Đoạn sông Đà chảy qua Pa Vinh II bị ngăn trước đó chỉ còn hơn 10m, chảy róc rách như một con suối vùng cao tập trung mọi ánh mắt. Thủ tướng cầm khối bê tông nhỏ, hình thang, nặng 2,5kg giơ lên cao và ném xuống lòng sông. Thêm 49 khối bê tông nữa được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công nghiệp, Điện Lực, tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và đại diện công nhân thau nhau “lấp” sông Đà.
Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu tại Lễ khởi công - Lực lượng thi công cơ giới tham gia ngăn lấp dòng sông Đà - (Ảnh: TTXVN) |
8 xe tải với 120m3 đất đá chờ sẵn hai bên trụ băng két thượng lưu ào ào đổ xuống lòng sông. Chỉ 5 phút sau, đoạn băng két được kết nối, sông Đà bị chinh phục lần thứ 2, sau thủy điện Hòa Bình. Những bó hoa tươi thắm của đội ngũ công nhân 2 bên bờ băng két trao vội cho nhau. Sâm banh được bật ra. Từ hôm nay, hàng ngàn công nhân sẽ thay nhau góp công sức và con tim nhiệt huyết cho nhà máy mọc lên. Khoảng giữa băng két hạ lưu và băng két thượng lưu sẽ là nơi đứng chân của nhà máy Thuỷ điện
Trước đó, từ 4 - 5h sáng, hàng vạn đồng bào dân tộc Kinh, Thái, Mông đã không quản ngại ngần, xa xôi dồn về thung lũng Ít Ong (xã Ít Ong, huyện Mường La) để chờ đón sự kiện lịch sử này. Tiết trời nóng bức mùa hanh khô không cản nổi những bước chân hướng về đoạn sông Đà trong phút giây bị khuất phục để làm nên dòng điện cho chính bà con. Dòng người nhiều màu áo nối dài 2km từ khu vực lễ khởi công đến tận chân cầu tạm Mường La, rải dọc nhiều ngọn đồi hai bên bờ sông.
Có mặt trong thời khắc quan trọng của dự án xây dưng nhà máy thủy điện Sơn La này, PV VietNamNet đã ghi lại được cảm xúc của những người công nhân làm công việc lấp sông. Ai ai cũng một niềm vui chờ đón giây phút lịch sử. Những người thợ đã bôn ba, cặm cụi trên nhiều công trường thủy điện khắp cả nước nay lại hội tụ về cuối miền Tây Bắc chung tay, đồng sức mang điện đến cho đồng bào đầu làng, cuối bản.
Trước khung cảnh này, Kỹ sư Phạm Ngọc Thắng (27 tuổi, quê đông Hưng, Thái Bình) không dấu được niềm vui. Đôi mắt anh không rời đoạn sông biến mất dần dưới lớp đất đá. Anh là một trong những cán bộ, công nhân của Công ty Sông Đà 9 được vinh dự trực tiếp tham gia khoảnh khắc ngăn sông Đà. Thắng đã ở công trường này 1 năm nay, từng tham gia xây 3 nhà máy thuỷ điện Quảng Trị, Na Hang (Tuyên Quang) và bây giờ là Sơn La.
Công nhân lái xe Lê Văn Nam (quê Thanh Hóa) lại có cảm xúc khác. Năm nay đã hơn 50, đây có lẽ là công trình thủy điện cuối cùng trong đời anh sau hơn 25 năm cầm vô lăng đi khắp mọi miền cùng thủy điện. Anh là một trong những người lái xe đổ đá xuống lòng sông Đà hôm nay. Anh nói: “Tôi đã đi nhiều công trình thủy điện nhưng đây là vinh dự lớn nhất khi được lái xe đổ đá lấp sông Đà. Sau này, khi về hưu, tôi sẽ trở lại sông Đà khi nhà máy thủy điện Sơn La hoàn thành…’’.
Sông Đà bị ngăn từ 10h ngày 2/12/2005. Dòng sông chảy từ núi Ngụy Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) vốn hiểm trở, nhiều thác ghềnh sẽ trở nên hiền dịu hơn khi năm 2012 nhà máy thủy điện Sơn La mọc lên. Sông Đà của Tây Bắc, sông Đà mang dòng điện và ánh sáng văn minh đến cho chính những bản làng xa xôi nơi góc trời Tây Bắc.
Thêm một lần, dòng Đà giang bị chặn lại, bị chinh phục…
Nhà máy thủy điện Sơn La là công trình trọng điểm quốc gia, do Quốc hội giám sát. Đây là công trình nhằm: Cung cấp điện năng, nâng cấp tần suất chống lũ (từ 150 năm lên 200 năm) và góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lào Cai và một số địa bàn Tây Bắc. Thủy điện Sơn La có tổng công suất thiết kế 2.400 MW, tổng vốn đầu tư 38.000 tỷ đồng (trong đó 18.000 tỷ đồng dành cho xây lắp, 20.000 tỷ đồng dành cho di dân, tái định cư, xây đường). Đây cũng là công trình thủy điện có số lượng dân phải di dời lớn nhất (bởi tổng diện tích lòng hồ lên đến 224 km2) và khối lượng đất đá đào đắp lớn nhất với 10,8 triệu m3 đất đá phải đào; 1.600 nghìn m3 đất, đá đắp; đổ 5,1 triệu m3 bê tông các loại. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, tần suất phát điện hàng năm của nhà máy sẽ là 1,2 tỷ Kw/giờ. Nhà máy thủy điện Sơn La theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt sẽ phát điện tổ máy đầu tiên vào năm 2015. Tuy nhiên, theo Tổng Cty Điện lực Việt Nam và Tổng Cty Sông Đà (đơn vị làm tổng thầu), đến năm 2010 nhà máy sẽ phát điện tổ máy đầu tiên, trước khi hoàn thành và đưa vào sử dụng tất cả 6 tổ máy vào năm 2013. |
-
Thế Lê Vinh (Từ Sơn La)