221
455
Đời sống
doisong
/xahoi/doisong/
736079
XKLĐ và tiền lương được quan tâm nhiều nhất
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
XKLĐ và tiền lương được quan tâm nhiều nhất
,

(VietNamNet) - Kế tiếp nội dung chất vấn của Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), bà Nguyễn Thị Hằng đang trả lời chất vấn của các ĐB QH.

Soạn: AM 629258 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng đang trả lời chất vấn.

Quản lý hoạt động XKLĐ từ việc tuyển dụng đến bỏ trốn, lương mới được áp dụng như thế nào, đầu tư cho dạy nghề cho thanh niên nông thôn ở mức như thế nào là những nội dung chính mà Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hằng trả lời chất vấn cử tri tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI.

Lĩnh vực dạy nghề, xuất khẩu lao động (XKLĐ) và giải quyết việc làm được nhiều cử tri quan tâm và gửi nhiều câu hỏi nhất. Việt Nam đang có những thị trường XKLĐ truyền thống nhiều tiềm năng cũng như các thị trường mới đang được triển khai thí điểm. Nhưng Bộ LĐTB&XH sẽ quản lý các DN về tuyển dụng, ngăn chặn vấn đề bỏ trốn của LĐ ở nước ngoài, kinh phí và hiệu quả của giải quyết việc làm như thế nào?

Cử tri các tỉnh Vĩnh Long, Đà Nẵng, TP.HCM, Phú Thọ, Quảng Ninh và Yên Bái tỏ lo lắng về tình trạng một số DN môi giới XKLĐ lừa đảo tuyển dụng lao động trái pháp luật và mong muốn những biện pháp ngăn chặn. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cho biết" "Công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ đã được tăng cường và chú trọng. Hoạt động thanh tra, kiểm tra đã được thực hiện ở tất cả các khâu trong quá trình tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như: tổ chức bộ máy thực hiện XKLĐ của các doanh nghiệp, tuyển chọn, đào tạo - giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, thu chi tài chính, quản lý lao động ở ngoài nước...".

Theo Bộ trưởng Hằng, trong thời gian từ cuối năm 2000 đến nay, Bộ đã xử lý đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động XKLĐ đối với 20 doanh nghiệp; tạm đình chỉ từ 1 đến 6 tháng đối với 9 doanh nghiệp; đình chỉ thực hiện hợp đồng cung ứng cho một số thị trường đối với 97 lượt doanh nghiệp; quyết định xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp; phối hợp với công an xử lý hơn 80 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và chuyên gia.

Bà Hằng chia sẻ với những bức xúc của cử tri về XKLĐ: tình trạng cạnh tranh giữa các nước XKLĐ trong khu vực rất gay gắt. Trong khi đó, chất lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam còn nhiều hạn chế, thể hiện ở khả năng ngoại ngữ, ý thức chấp hành kỷ luật lao động yếu; tình trạng lao động tự ý bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, cư trú bất hợp pháp ngày một gia tăng ở một số thị trường trọng điểm, ảnh hưởng xấu đến việc giữ vững và phát triển thị trường, thậm chí dẫn đến nguy cơ mất thị trường.

Bộ trưởng LĐTB&XH cho rằng, nguyên nhân của tình hình trên một phần do cơ chế, chính sách của ta và các nước tiếp nhận lao động; một phần do các doanh nghiệp chưa chấp hành tốt các quy định của Nhà nước. Nhưng, nguyên nhân chủ yếu là do người lao động chỉ đơn thuần nghĩ đến lợi ích kinh tế trước mắt của bản thân mà chưa quan tâm đến lợi ích của tập thể, của cộng đồng, ý thức tôn trọng pháp luật và ý thức kỷ luật lao động kém…

Cử tri ở thành phố Hải Phòng đề nghị Nhà nước nên nghiên cứu thời gian tiến hành cai nghiện, có thể tăng lên 30 tháng hoặc lâu hơn nữa. Về vấn đề này, Bộ LĐTB&XH cho biết, theo quy định của Luật Phòng chống ma tuý năm 2000 và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, thời hạn cai nghiện ma tuý bắt buộc đối với người nghiện tại các cơ sở chữa bệnh được quy định từ 12 - 24 tháng. Như vậy, thời gian cai nghiện tại các cơ sở chữa bệnh đã được tăng lên gấp đôi so với trước năm 2000 (khi đó thời gian cai nghiện bắt buộc từ 3 đến 12 tháng).

Bên cạnh vấn đề cai nghiện là việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Trong thời gian tới, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan chỉ đạo, triển khai các chương trình hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai.

Cử tri các tỉnh Ninh Thuận, Bắc Giang, Ninh Bình, Hà Nam, Bình Dương, Khánh Hoà và Bạc Liêu quan tâm về vấn đề đào tạo nghề cho người lao động, có chính sách hỗ trợ cụ thể cho nông dân. Kiến nghị này cũng là yêu cầu bức xúc hiện nay.

Bộ trưởng Hằng trả lời: Từ năm 2003, Bộ LĐTB&XH đã đã chủ động thực hiện thí điểm hỗ trợ dạy nghề cho nông dân tại 03 tỉnh (Hải Dương, Bắc Giang, Cần Thơ), trên cơ sở đó đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; Quyết định số 89/2005/QĐ-TTg ngày 28/4/2005 về chính sách việc làm đối với quân nhân, công an nhân dân thôi phục vụ tại ngũ và các thông tư liên tịch khác.

Năm 2004, đã bố trí 30 tỷ đồng, năm 2005 80 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục - Đào tạo - "Dự án Tăng cường năng lực đào tạo nghề" để hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho hàng trăm ngàn người thuộc các đối tượng trên.

''Những năm gần đây Nhà nước rất quan tâm đầu tư cho dạy nghề. Tuy nhiên, do dạy nghề có trên 70% thời gian đào tạo là thực hành nên chi phí về nguyên vật liệu và thiết bị rất lớn so với các loại hình đào tạo khác. Số lượng cơ sở dạy nghề hiện có và đối tượng cần được hỗ trợ học nghề quá lớn nên ngân sách đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề những năm qua cũng mới chỉ đáp ứng được phần nào yêu cầu. Vì vậy thời gian tới rất mong được sự quan tâm đầu tư hơn nữa, đảm bảo bố trí ngân sách tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ để giải quyết cơ bản vấn đề đã được cử tri nêu ra''- Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng nói.  

Tiền lương và trợ cấp xã hội là nội dung mà rất nhiều cử tri của hàng chục tỉnh thành kiến nghị với Bộ LĐTB&XH. Nhiều cử tri cho rằng, việc điều chỉnh tăng thêm 10% mức lương hưu theo quy định tại Nghị định 208/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 ''về việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội'' là không thoả đáng. Vì sao các đối tượng khác được hưởng bình quân 30% mà hưu trí chỉ được 10%, trong lúc hưu trí là những người về hưu sớm, lương hưu thấp, đời sống gặp khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng: Theo lộ trình Đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, từ ngày 01/10/2004 thực hiện chế độ tiền lương mới thực chất là điều chỉnh mối quan hệ mức lương tối thiểu- trung bình- tối đa, thu gọn thang lương, bảng lương của các nhóm ngạch, bậc mà không phải tăng lương đối với người lao động đang làm việc trong khu vực nhà nước. Đến ngày 01/10/2005 mới thực hiện việc tăng mức lương tối thiểu chung, theo đó tiền lương của người đang làm việc và lương hưu của người nghỉ hưu sẽ được tăng lên.

Khi thực hiện chế độ tiền lương mới, từ ngày 01/10/2004, quan hệ tiền lương được điều chỉnh từ 1- 1,78- 8,5 lên 1- 2,34- 10; thang lương, bảng lương mới được thu gọn với bảng lương của nhóm ngạch công chức còn 62 bậc lương và bảng lương của quân nhân chuyên nghiệp còn 60 bậc lương. Từ thiết kế thang lương, bảng lương và quan hệ tiền lương mới cho thấy:

Đối với người đang làm việc, tùy theo chức danh, người có bậc lương khác nhau thì có hệ số lương tăng khác nhau. Nhân viên phục vụ bậc 1 có hệ số lương không tăng; nhân viên phục vụ có hệ số lương bậc 2 tăng 8,3%; chuyên gia cao cấp bậc 3 tăng 17,6%; công nhân cơ khí bậc 7 nhóm 1 tăng 28%; nhân viên văn thư bậc 12 tăng 50,7%... Như vậy, với những người đang làm việc khi thực hiện chế độ tiền lương mới không phải đều tăng 31,5% so với mức lương hiện hưởng.

Đối với người nghỉ hưu, để thực hiện việc điều chỉnh lương hưu của người nghỉ hưu trước tháng 9/1985 và trước tháng 4/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/1/2003 và Nghị định số 31/2004/NĐ-CP ngày 19/01/2004. Thực hiện điều chỉnh lương hưu theo hai Nghị định trên, lương hưu của người nghỉ hưu trước tháng 9/1985 đã tăng 56%; người nghỉ hưu từ tháng 9/1985 đến trước tháng 4/1993 lương hưu tăng thêm 52% và người nghỉ hưu từ tháng 4/1993 lương hưu tăng thêm 38,1%.

Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp người hưởng tiền lương theo thang lương, bảng lương của lực lượng vũ trang giữ chức vụ lãnh đạo nghỉ hưu thì lương hưu có mức tăng tương ứng là 59% đối với người nghỉ hưu trước tháng 9/1985 và 54,8% đối với người nghỉ hưu từ tháng 9/1985 đến trước tháng 4/1993.

Ngoài những nội dung chính trên, rất nhiều cử tri còn kiến nghị tới Bộ LĐTB&XH về chế độ giải quyết chế độ cho những người bị nhiễm chất độc màu da cam, mở rộng diện được hưởng chính sách để giảm bớt khó khăn cho gia đình người có con em bị nhiễm chất độc này, đề nghị điều chỉnh về mua BHYT cho nhân dân các xã thuộc Chương trình 135 theo hướng chỉ mua BHYT cho người nghèo. ở những xã 135 cũng có người giầu nên mua BHYT cho tất cả nhân dân trong xã là không hợp lý...

  • Nhóm PV Chính trị - Xã hội
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,