(VietNamNet) - Trước những thông tin về sự biến chủng của virus H5N1, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định: "Virus H5N1 đã xuất hiện hơn 2 năm, tất nhiên, phải có dấu hiệu biến chủng. Tuy nhiên, vaccine cúm A/H5N1 mà thế giới và Việt Nam đang nghiên cứu vẫn có hiệu quả cao, bảo vệ được con người trước biến chủng hiện nay của virus H5N1".
Sau khi khẳng định điều này, GS. Nguyễn Thu Vân - GĐ Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 (thuộc NIHE) cho rằng, chỉ khi đại dịch xảy ra, nghĩa là H5N1 đã biến chủng mạnh lây từ người sang người thì vaccine H5N1 đang nghiên cứu mới không còn tác dụng.
Do đó, khi trường hợp xấu nhất này chưa xảy ra thì việc cho ra đời vaccine H5N1 vẫn hết sức cần thiết.
Vaccine Việt Nam: Giá rẻ, an toàn
Trước nay, các nhà sản xuất vaccine thế giới đều sử dụng công nghệ truyền thống là sản xuất trên trứng gà có phôi không mang các tác nhân gây bệnh đặc hiệu (SPF: Specific Pathogen Free).
Nghĩa là vaccine phải được sản xuất trong các cơ sở hoàn toàn vô trùng. Trong khi kinh phí đầu tư xây một cơ sở như vậy rất lớn; giá thành một quả trứng gà có phôi cũng rất cao.
Loại trứng "sạch" này, Việt Nam thường phải nhập từ các nước. Tuy nhiên, trứng nhập qua các khâu vận chuyển trung gian sẽ không còn đảm bải chất lượng, dẫn đến nguy hiểm cho người tiêm vaccine.
Hơn nữa, sản xuất vaccine trên trứng gà cũng có những hạn chế khác như hiệu giá virus (khả năng virus nhân lên, sản sinh ra kháng thể) không cao; 2 - 4 quả trứng mới được một liều vaccine tiêm cho người.
Chưa kể, dù qua các khâu tinh chế nhưng vẫn còn một lượng Ovalbumin nhất định không thể loại trừ hết trong trứng - đây là một trong những căn nguyên gây dị ứng và mẫn cảm ở người. Thời gian sản xuất một loạt vaccine cúm trên trứng gà mất đến 4 - 6 tháng.
Thử nghiệm vaccine H5N1 trên khỉ tại Quảng Ninh. (Ảnh tư liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương). |
Sau khi cân nhắc những khó khăn trên, nhóm nghiên cứu của Viện VSDT TƯ đã lựa chọn cách tiếp cận riêng cho mình và đặt mục tiêu ngay từ đầu là sẽ sản xuất vaccine cúm A/H5N1 trên tế bào thận khỉ tiên phát.
Trong môi trường thích hợp, nuôi cấy tốt, lượng virus giống sẽ được nhân lên nhiều lần và thành nguồn "nguyên liệu" sản xuất vaccine. Chủng virus H5N1 mà viện nghiên cứu được phân lập từ mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm ở một tỉnh phía Bắc.
Cùng những kinh nghiệm trong sản xuất vaccine viêm gan A, bại liệt và sự hợp tác quốc tế, nhóm đã thực hiện phương pháp "nuôi cấy tế bào" và được đánh giá là con đường ngắn nhất, hiệu quả trong sản xuất vaccine.
Đến thời điểm này, chưa nước nào trên thế giới có vaccine H5N1 được cấp giấy phép lưu hành. Ngoài 2 nước đã hoàn thành sơ bộ thử nghiệm lâm sàng là Mỹ và Hungari, nhiều nước vẫn đang trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm hoặc chuẩn bị thực địa, trong đó có Việt Nam.
Giá thành ước tính của vaccine Việt Nam sẽ rất rẻ, khoảng 30.000 đồng/mũi.
Về khả năng đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine Việt Nam, GS. Vân cho rằng Viện chỉ có thể sản xuất 2 - 3 triệu liều/năm, chỉ đủ cho khoảng 1 triệu người.
Ai là người đầu tiên tiêm thử vaccine?
Các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu vaccine H5N1 mà họ đang theo đuổi. (Ảnh: Lệ Hà). |
Trao đổi với PV VietNamNet tại khu vực nghiên cứu vaccine H5N1, GS. Nguyễn Thu Vân vui mừng thông báo: ''Việt Nam đã sản xuất thành công 6 loạt vaccine H5N1 cho người. Mẫu vaccine của 6 loạt sản xuất thử nghiệm đã được kiểm nghiệm kỹ theo yêu cầu tối thiểu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã gửi đến các phòng thí nghiệm của WHO thẩm định''.
Trước đó, các nhà khoa học ở Viện VSDT TƯ đã hoàn tất hành trình nghiên cứu, sản xuất vaccine H5N1 với các thử nghiệm trên động vật. Sau khi được WHO chấp nhận, Viện sẽ thử nghiệm lâm sàng vaccine này trên một nhóm người tình nguyện.
GS. Vân cho biết: ''Lựa chọn người thử nghiệm sẽ rất khắt khe. Từ khi mới nghiên cứu sản xuất, những người trực tiếp làm là chúng tôi đã tình nguyện tiêm thử, nhưng chưa chắc đã được lựa chọn".
Nhóm tình nguyện sẽ có khoảng 20 - 30 người, không tiếp xúc với gia cầm trong 15 ngày trước khi thử vaccine, sẽ được tiêm 2 - 3 mũi trong thời gian 2 - 3 tháng. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ lựa chọn rất kỹ, sẽ thông báo về việc này khi sau khi được phép thử nghiệm trên người'' - GS Thu Vân thông báo.
Tuy nhiên khi được hỏi cụ thể về những tình nguyện viên, GS Vân từ chối tiết lộ. "Làm khoa học không thể đùa được. Việc chọn người để tiêm thử vaccine không thể đoán già đoán non được. Chỉ khi có được người cụ thể chúng tôi mới công bố".
Sau khi vaccine H5N1 được phép lưu hành, các nhà khoa học sẽ còn nhiều câu chuyện thú vị nữa về hành trình của vaccine H5N1 ''made in VietNam''.
-
Lệ Hà
Bạn có sẵn sàng làm tình nguyện viên thử vaccine H5N1?