(VietNamNet) - Bắc Giang đã chủ động công bố dịch cúm trên địa bàn để áp dụng những biện pháp mạnh nhằm khống chế nhanh dịch cúm.
Tại Bắc Giang, phát hiện gia cầm nhiễm dịch cúm tại 6 thôn trong 3 xã thuộc 2 huyện Yên Dũng và Việt Yên. Đến ngày 7/11, 1 trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm ở huyện Việt Yên, mặc dù bệnh phẩm xét nghiệm chẩn đoán âm tính, nhưng đã được chuyển về Hà Nội tiếp tục theo dõi. Việc công bố dịch đã ảnh hưởng đến trực tiếp đời sống 2 vạn dân.
VietNamNet đã trao đổi với ông Lê Đắc Tá (PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm con người), về việc Bắc Giang chủ động trong việc công bố tình hình dịch bệnh, kinh nghiệm thực tế của tỉnh đang trực tiếp đối phó với đại dịch cúm lần này.
"Dịch bệnh xảy ra là bất khả kháng"?
- Bắc Giang đã chuẩn bị "đón" đại dịch cúm gia cầm năm 2005 như thế nào, thưa ông?
- Bắc Giang đã chuẩn bị từ tháng 9/2005. Kế hoạch được tỉnh thông qua kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, căn cứ trên Chỉ thị 34 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng chống cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm con người do 1 Phó Chủ tịch tỉnh làm Trưởng ban, xây dựng một kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.
- Và rốt cuộc Bắc Giang là tỉnh đầu tiên ở Miền Bắc công bố vùng dịch. Chúng tôi hiểu đó sẽ là một quyết định khó khăn?
- Bắc Giang là tỉnh đầu tiên của vụ Đông Xuân năm nay công bố dịch. Quyết định công bố này căn cứ vào những điều khoản của Pháp lệnh thú y, kế hợp với tình hình cúm gia cầm trên địa bàn và những chẩn đoán của Chi cục thú y tỉnh. Bắc Giang thấy việc công bố ngay các vùng dịch là điều cần thiết để dồn mọi nguồn lực tập trung đối phó. Chúng tôi đã huy động tổng lực các cấp, ngành, đoàn thể tham gia chiến dịch chốg dịch này để dập các ổ dịch và ngắn không cho dịch lây lan trên diện rộng.
- Việc chuẩn bị đã rất kỹ càng từ đầu năm. Đến cuối năm Bắc Giang lại công bố có dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Vậy Bắc Giang có e ngại việc công bố những quyết định như vậy sẽ làm ảnh hưởng uy tín của những lãnh đạo tỉnh?
- Lãnh đạo tỉnh tôi không hề e ngại khi công bố quyết định này. Bắc Giang đã rất chủ động trong công tác phòng chống, nhưng việc xảy ra dịch bệnh là bất khả kháng. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện khách quan: Điều kiện thiên nhiên, điều kiện tự nhiên, điều kiện dân trí, nhận thức của người dân về tính chất nguy hiểm của dịch cúm.
Ngay từ tháng 5/2005, chúng tôi đã khuyến cáo người dân không nên nuôi mới thuỷ cầm (vịt và ngan), nhưng họ vẫn tiếp tục nuôi. Toàn bộ các ổ dịch vừa rồi chết là toàn thuỷ cầm. Vụ dịch đầu năm 2004 chủ yếu là gà, nhưng vụ dịch này chủ yếu là thuỷ cầm. Đây là do nhận thức nên rất khó khăn.
Chính vì vậy, cần áp dụng nhiều biện pháp. Trong đó biện pháp lớn nhất chúng tôi suy nghĩ là phải tổng tiêu độc thường xuyên. Thứ hai, phải tiêm phòng được. Trong khi đó tiêm phòng hiện nay chúng ta chỉ mới áp dụng được cho gà, vịt, ngỗng, chứ chưa có vắc-xin tiêm phòng cho ngan. Đây cũng là một lỗ hổng. Mà người dân Bắc Giang lại nuôi ngan với số lượng lớn.
Việc công bố của Bắc Giang là công bố chủ động chứ không phải bị động. Chúng tôi tin rằng với việc công bố này, tác dụng chống dịch sẽ rất nhanh. Với mức độ ra quân tổng lực như bây giờ, khả năng đến trung tuần tháng 11 chúng tôi sẽ dập tắt hoàn toàn các ổ dịch.
Chủ động công bố để dập nhanh ổ dịch
- Chắc ông biết quyết định đó sẽ làm tổn thương nền kinh tế của tỉnh?
- Theo chúng tôi việc công bố chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế xã hội của tỉnh. Nhưng chúng tôi xác định rằng việc công bố như vậy nhắm đến khả năng dập tắt nhanh nhất, hạn chế thiệt hại tối thiểu nhất. Đây là 1 điều cần thiết. So với kinh tế của tỉnh thì việc công bố dịch tại 3 xã như vậy, số lượng gia cầm tiêu huỷ không lớn. Nếu tiêu huỷ hết chỉ chừng 15.000 con.
Qua điều tra, việc tìm nguồn lây bệnh ra rất khó. Khi nguồn từ cơ sở báo về, chúng tôi tiến hành điều tra thì thấy gia cầm chết phần lớn là thuỷ cầm (ngan và vịt). Số lượng thuỷ cầm này hầu hết nhập từ nguồn ở bên ngoài về. Thứ hai, số lượng thuỷ cầm năm nay chết vì H5N1 trong thời gian rất nhanh, chỉ từ 4-6 tiếng đồng hồ. Chết 100% số lượng nhiễm bệnh.
Việc tiêu huỷ hiện nay khá thuận lợi. Chẳng hạn như ở Tăng Tiến chỉ phát hiện dịch cúm tại 2 thôn, nhưng người dân đề nghị tiêu huỷ toàn xã. Số lượng gia cầm ở Tăng Tiến xấp xỉ 9.000 con. Riêng trận dịch này, cả chết và tiêu huỷ ở những nhà liền kề đã xấp xỉ 4.000 con, số cần tiêu huỷ mở rộng chỉ hơn 5.000. Xã nhiều nhất là Yên Lư, có 90.000 con, chỉ bị 2 thôn. Số bị nhiễm bệnh khoảng trên 10.000 con, nhưng số lượng hộ rất ít.
So với năm 2004, mức độ thiệt hại của năm nay chưa lớn. Nhưng việc Bắc Giang quyết định công bố dịch nhằm áp dụng những biện pháp mạnh nhất dập nhanh các ổ dịch, tránh để dịch bệnh lan toả. đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tập trung các nguồn lực xử lý kiên quyết các ổ dịch.
- Quyết định công bố này của Bắc Giang đồng thời cũng tác động xấu đến đời sống người dân? Vậy việc hỗ trợ những người dân bị thiệt hại kinh tế sẽ được tính toán ra sao?
- Vấn đề này đã có chính sách từ năm 2004, đến nay vẫn được thực hiện. Tất cả số gia cầm chết và bị tiêu huỷ có hồ sơ của 1 hội đồng ghi lại. Tỉnh áp dụng chính sách hỗ trợ: Từ 1kg trở lên: 10.000 đồng/ con, từ 0,5-1kg: 5.000 đồng/ con, dưới 0,5kg: 3.000 đồng/ con. Trước mắt chỉ hỗ trợ về tiền như vậy.
Cần sự đồng thuận của người dân
- Tình hình cụ thể về dịch cúm gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Bắc Giang hiện nay đang bao vây, khống chế các ổ dịch đã công bố. Thuận lợi hiện nay là chúng tôi đã có vắc-xin tiêm phòng chống cúm. Lần này chúng tôi đồng thời với việc khoanh vùng, tiêu huỷ, tổng tẩy uế 6 thôn có dịch, thì nghiêm cấm vận chuyển, lưu chuyển bà con không ăn thịt thuỷ cầm. Còn với thịt gia cầm nói chung, trong đó có gà, phải qua cơ quan thú y kiểm soát.
Chúng tôi cũng cấm giết mổ gia cầm trên toàn thành phố Bắc Giang. Bắt đầu từ 5/11 chúng tôi tiến hành cho tiêm phòng cho gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh với 4 triệu liều (3,5 triệu liều vắc-xin cho gà và 500 ngàn liều vắc-xin cho vịt), bắt đầu từ những vùng có dịch.
- Việc phòng chống trong thời gian tới tránh dịch lan rộng đã được chuẩn bị ra sao?
- Chúng tôi đã ra 1 thông báo đến từng huyện, yêu cầu quản lý chặt chẽ đàn gia cầm trên địa bàn, không cho lưu chuyển gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ được lưu chuyển trong nội bộ thôn, xóm, xã, không được mang ra ngoài.
Thứ hai chúng tôi thực hiện tổng tẩy uế triệt để trên toàn tỉnh: Dân chịu trách nhiệm tẩy uế, mỗi nhà tự túc 50 cân vôi bột tại trại nuôi. Các xã tiến hành quét vôi đặc, rắc vôi bột tẩy uế địa bàn. Cơ quan y tế, thú y chịu trách nhiệm phun hoá chất khử trùng các nơi công cộng. Nếu làm được như vậy, tôi tin rằng việc dập tắt mầm bệnh sẽ rất nhanh.
Việc thứ 2 là phải ngăn được triệt để việc không cho lưu chuyển gia cầm. Phải quản lý được chặt chẽ số lượng và tình trạng đàn gia cầm trên địa bàn. Thông qua việc tiêm phòng lần này, tôi tin rằng Bắc Giang có thể nắm và quản lý được chặt chẽ đàn gia cầm trong tỉnh.
Thứ ba, chúng tôi khuyến cáo người dân không sử dụng thịt thuỷ cầm, nếu sử dụng thịt gia cầm phải qua kiểm dịch. Hiện nay, trước mắt là tiêm vắc-xin phòng chống cúm gia cầm trên diện đại trà cho gà, vịt.. Sau tiêm phòng 56 ngày, có thể sử dụng thịt gia cầm được. Như vậy không cấm cũng trở thành đã cấm. Nhưng hiện nay chúng tôi đang khuyến cáo người dân tạm thời chưa nuôi trở lại.
Nhưng cái khó của Bắc Giang là điểm đầu mối giao thông. Đường từ cửa khẩu (Lạng Sơn) về, tiếp giáp với Hải Dương, từ Thái Nguyên, Bắc Ninh lên. Chúng tôi có thành lập các trạm kiểm tra, kiểm soát gia cầm trên các trục đường quan trọng. Đầu tiên là trạm Phượng Sơn trên đường 31, ngăn chặn gia cầm từ Lạng Sơn, Quẩng Ninh nhập lậu về qua Sơn Động; trạm Cầu Lường trên đường 1A.
- Với tư cách là cơ quan tham mưu cho tỉnh trong việc chống dịch, ông có cam kết sẽ không để dịch cúm gia cầm lan rộng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh bạn?
- Điều này còn cần rất nhiều điều kiện. Quyết tâm của chúng tôi là như vậy, nhưng nếu muốn làm được còn cần sự đồng thuận của người dân. Và sự giúp đỡ từ phía các cơ quan thông tấn báo chí. Nếu được vậy, với những biện pháp mạnh như Bắc Giang đã triển khai, tôi tin rằng có thể khống chế nhanh dịch cúm tại địa bàn.
Nếu không có được sự đồng thuận từ phía người dân, chỉ cơ quan chuyên môn thôi, rõ ràng sẽ không đủ.
-
Hà Trường - Thế Vinh